Trần Vũ, nhà văn đương đại khác biệt

“Vũ trụ là những thời quán mà mỗi thời quán dài ngắn tùy theo ký ức. Kiếp ma vô tận nên tôi đầy ký ức. Tôi vẫn chưa quên buổi sáng trở về ngôi nhà cũ của thầy An dưới chân núi Chí Linh. Buổi sáng có sắc trắng chập chờn của cội mai già hiu hắt. Có sắc trắng hiu quạnh của bụi lài cô độc. Có sắc trắng nhờ của vài nhành huệ lay lắt trước gió hú kéo lê lá khô qua nền nhà cũ.” (Phép tính của một nho sĩ)

Lần đầu tiên một tập truyện ngắn của Trần Vũ đã có thể in ở Việt Nam.

Nhắc đến thành tựu truyện ngắn đương đại mà không có Trần Vũ là một thiếu sót lớn. Đặc điểm của Trần Vũ là những con chữ hoặc đau đớn đến tan nát, hoặc táo bạo đến sắc rợn, hoặc lạnh lùng đến ghê người; các thủ pháp lạ hóa, chuyển đổi hiện thực, huyễn ảo được tận dụng tối đa để khai phá mối tương quan giữa lịch sử, hiện thực, bạo lực và tình dục. Văn của Trần Vũ khước từ những lưng chừng, bảng lảng, mơ hồ, luôn đẩy sức căng giãn đến những góc cạnh cực đoan nhất và tìm thấy con người hoặc ở nơi sâu thẳm, hoặc chốn man rợ khốn cùng.

Nhưng trước hết, Trần Vũ là ai? Một nhà văn trẻ nói với tôi, Trần Vũ là thần tượng của anh; một nhà văn trẻ khác, ngược lại: chưa từng nghe tên.

Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn, trong gia đình Bắc di cư, nguyên quán Sơn Tây-Phú Thọ. Trần Vũ theo học tiểu học và trung học đệ nhất cấp tại tư thục Lasan Taberd, sau giải thể năm 1976 chuyển sang Bùi Thị Xuân (nữ trung học Nguyễn Bá Tòng cũ) rồi Lê Thị Hồng Gấm (Couvent des Oiseaux cũ). Năm 1979 Trần Vũ vượt biên đến Phi Luật Tân, sống trong trại tị nạn Palawan. Đến tháng 12 năm 1979 anh sang Pháp, ban đầu sống trong một cô nhi viện ở vùng nông thôn miền Bắc Pháp sát biên giới Bỉ. Trần Vũ tốt nghiệp cao đẳng Tin học tại Lille. Từ năm 1985, anh làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu trí Pháp (CPM) rồi Liên bang Tương trợ Y tế (FNMF) tại Paris. Từ năm 1999, làm quản lý dự án tin học cho Liên hiệp Quốc gia Bảo hiểm Pháp (UNPMF). Từ năm 2013, anh định cư tại Hoa Kỳ.

Trần Vũ bắt đầu viết văn năm 1988 và lập tức nổi tiếng ngay trên văn đàn hải ngoại, một tài năng văn chương, một hiện tượng. Với khuôn mặt điển trai sáng ngời và dáng vẻ phong nhã, anh gợi nhắc về những nam nhân trong văn chương Tự lực Văn đoàn. Đến nay, gia tài của Trần Vũ có khoảng 50 truyện ngắn, một số tiểu luận, tùy bút, ký. Bên cạnh sáng tác, Trần Vũ từng là chủ biên tạp chí Hợp Lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7-2005, một tạp chí văn chương tiếng Việt mạnh mẽ không phân biệt đảng phái, vùng miền.

Anh cũng tham gia dịch thuật, thực hiện phỏng vấn, tổ chức bàn tròn văn chương và sưu khảo chiến tranh. Tóm lại, có thể nói, Trần Vũ là một gương mặt quan trọng của văn chương hải ngoại nói riêng và văn chương viết bằng tiếng Việt nói chung. Tiếc thay, người đọc trong nước chưa biết đến anh nhiều.

*

Từ trước đến giờ, tác phẩm của Trần Vũ mới chỉ xuất bản ở nước ngoài hoặc công bố trên một vài trang mạng. Nhiều bài viết về tác phẩm của anh đã đăng tải trên sách báo trong nước, tên của Trần Vũ được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu tổng hợp. Nhưng sách của chính anh, thì không. Vì sao ư? Xin hãy tự tìm hiểu. Chỉ biết rằng, đây là lần đầu tiên, đường hoàng, một tác phẩm của Trần Vũ in được ở Việt Nam.

Từ lúc tôi đề xuất ý tưởng về tập sách, trải qua các khâu chọn lọc, cân nhắc, nâng lên đặt xuống, trao đi đổi lại, thiết kế và in ấn cho đến lúc tác phẩm ra đời, đã mất ngót một năm rưỡi! Phức tạp nhất chính là khâu chọn, chọn sao để vừa giới thiệu được đặc trưng cũng như sự toàn vẹn của chân dung nhà văn, vừa được sự đồng thuận của tác giả, vừa phù hợp với bối cảnh trong nước, thật là một thách thức. Một tập sách đã thành hình, tạm thời đáp ứng được tất cả các tiêu chí trên, và tôi tin nó sẽ không làm người đọc thất vọng.

Tập truyện ngắn giới thiệu những thể nghiệm khác nhau của Trần Vũ, bắt đầu bằng các truyện ngắn bi thống và bạo liệt lấy cảm hứng từ lịch sử với Phép tính của một nho sĩ, Gia phả, Cái chết sau quá khứ, Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Nhã Nam; đi tới những mảng thế sự của dục tình dữ dội hoang dã trong Trưa nắng Hàm Ninh, Phố cổ Hội An; ngoặt sang phong cách huyền ảo đầy dị kỳ và ẩn dụ của Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam; và cuối cùng, kết lại ở Cánh đồng mùa gặt khô mang hơi hướng tự truyện.

*

Luôn luôn, sáng tác của Trần Vũ là một cuộc đối thoại lớn với lịch sử. Trần Vũ không muốn lịch sử ngủ yên và hiện tại lãng quên. Rất nhiều sáng tác của anh sắp đặt thế giới song hành của hiện thực và quá khứ, nỗ lực đặt cả quá khứ và hiện tại lên một mặt phẳng, vào một góc độ, chiếu dưới một luồng ánh sáng để tất cả cùng hiện ra sắc nhọn. Tôi cảm giác như anh đã chơi trò thủ công: quá khứ và hiện tại trong Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu được nhào trộn kỹ đến độ không còn phân biệt được; trong Nhã Nam, những mảnh ghép của hiện thực và quá khứ được sắp đặt luân phiên; cùng lúc đó, mối tình bạo liệt và lịch sử đẫm máu của Hội An trong Phố cổ Hội An, cuộc nhậu đắng ngắt vị lịch sử trong Cánh đồng mùa gặt khô, được thể hiện xoắn xuýt theo kiểu bện thừng. Bởi vậy mà thế giới anh tạo ra biết chắc là không có thật, nhưng lại chân thật đến độ người ta quên mất là nó ảo. Một thứ hiện thực huyền ảo, hay huyền ảo hiện thực lạ lùng mà hấp dẫn. Để quá khứ va đập, bện xoắn, với hiện tại, sáng tác của Trần Vũ như ngầm chứa một cảnh báo rằng, chẳng có gì là mất đi, tất vẫn sờ sờ ở đấy trước mặt các người, hòa vào các người, sai khiến các người, chỉ có điều các người có nhận ra hay không. Ý vị chua chát về số phận bi đát và bé mọn của phần lớn những kiếp người chính vì thế mà đậm nét trong sáng tác của Trần Vũ.

Phép tính của một nho sĩ, viết về Chu Văn An với “Thất trảm sớ”, là truyện ngắn độc đáo trong tập sách này. Ở đây Trần Vũ trình diễn một lối văn đẹp đến phải nín thở.

“Đôi lúc, tôi mê giọng đọc Luận ngữ của Tiểu Khanh. Đôi lúc, tôi say nét chữ của Tiểu Khanh chép Nam Hoa kinh lên lá bàng. Tình yêu của một nho sĩ phải đẹp như tâm hồn của một nho sĩ. Tôi muốn trở thành nho sĩ để tình yêu thánh khiết của mình trong sáng vĩnh cửu. Nhưng tôi chỉ là ma da. Ma da của sông Tô Lịch. Một ma da tập làm người. […] Đôi khi thầy cho phép các môn sinh ra ngoài. Chúng tôi bay lượn khắp kinh kỳ, ngắm hoàng thành rực rỡ, nhìn mặt hồ Thiền Quang sóng khói phả từng giấc mơ. Nhìn những váng mưa phất qua thôn Liên Thủy, chao xuống hồ, như nước giao với nước, thành làn hơi thở mỏng của Tiểu Khanh thu vào từng lời hứa. Tôi say Tiểu Khanh. Say Thăng Long, say nét hoài cổ thắm sắc vàng. Tôi vẽ chân dung Tiểu Khanh lên giấy bảng. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho Tiểu Khanh. Vẽ ánh mắt nhu mì mà u hoài. Vẽ sóng mũi thanh của con gái Giao Châu. Vẽ chân mày hiếu học và khóe môi biết vâng lời thầy.”

Truyện tường thuật từ góc nhìn của hai con ma. Ma trung nghĩa còn người thì phản trắc. Tôi hình dung Trần Vũ thể hiện cuộc đối thoại quá khứ và đương thời trong hình dạng một vụ nổ. Nhịp điệu chậm rãi, giọng điệu thiết tha trôi chảy đến tận gần cuối và bất ngờ bung tỏa, vụt trào trong một công thức toán học hiện đại: . Một cá nhân là giới hạn (Lim), nhưng sự chính trực (ct) là một cái đẹp không mất đi qua thời gian (tg), nó sẽ được nhắc nhở, được soi vào, được nhân lên, và vì thế mà còn mãi mãi (∞).

*

Bên cạnh cảm hứng lịch sử, văn của Trần Vũ cũng thường xuyên khai thác tính bạo lực như một phương tiện để cắt nghĩa nhân sinh. Không phải thứ bạo lực đã được mỹ hóa, nhân danh, được biểu hiện ra dưới nhiều hình thức uyển chuyển, mà là thứ bạo lực từ bản năng hoang dã của con người trong cuộc sinh tồn, bạo lực nguyên hình, trần trụi, choáng váng và chỉ nhân danh chính nó. Bạo lực ở các vĩ nhân, đã đành, nhưng nỗi khát khao chiếm đoạt, tàn phá có ở mọi con người bình thường. Bởi thế lịch sử của con người luôn là thứ lịch sử đẫm máu.

Tôi không khỏi nhớ đến tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương và một số tiểu thuyết khác của anh cũng đã lấy bạo lực làm đối tượng miêu tả. Nhưng Nguyễn Bình Phương tả bạo lực với giọng bình thản, nhẩn nha, như không, tạo ấn tượng về sự phi lý của đời sống. Đây là nhận xét của Đoàn Cầm Thi: “Nếu bạo lực thường là biểu hiện của dương tính, thì trong Mình và họ, (…) dưới thẩm mỹ của anh, dường như mang nhiều âm tính.” Tôi đồng tình, và như thế cách tả thẳng của Trần Vũ là theo kiểu dương tính, nhưng anh đã đẩy tới một biên độ dữ dội. Luôn luôn là xương thịt và máu tươi, là đập gãy, xuyên thấu, khoan thủng, cứa đứt, xé tướp, dần nhừ, bằm nát. Không chỉ ở những cảnh đánh, chém, bạo dâm, cái bạo lực toát lên còn từ cấu trúc căng thẳng, tình tiết dị kỳ, từ nhịp độ nhanh, lối văn đầy động từ tính từ mạnh, tất cả tạo nên một ấn tượng hung bạo, một không khí bức ngột rợn rạo trên khắp các trang viết.

“Cuộc đời lão Chu đi khuất thì gió Lào nườm nượp thổi về đất Thần Kinh. Sức nóng dữ dội chui hút vào dãi đất nằm kề bên dãy Trường Sơn, giống con rắn hổ chui vào hũ tĩnh, bị đóng nắp, sùng sục tháo bẫy. Cái đuôi rắn quất lửa xuống những cánh đồng cháy oằn oại. Cái đầu rắn hổ mổ chan chát vào lưng vại sành chẳng khác chi tiếng chày các mụ nện lên cối đá. Hơi nóng tát lên mặt, hơi nóng bỏng rát làm đỏ dộp mình mẩy. Cả một biển lửa vàng thau cháy lan lan đến tận rừng chuối.” (Cái chết sau quá khứ)

“Đợi cho tất cả dã man ngấm hết vào mình Loan, rồi Lữ mới bỏ đi hỏi mua một rổ cá. Những con cá cơm vừa lưới, còn quẫy, chảy nhớt ròng ròng qua kẽ tay Lữ.

– Ăn đi!

Lữ ngắt đầu cá, đút vào miệng Loan. Lữ đút cá chút một, nhẫn nại, chăm chỉ đợi Loan ăn hết rồi lại đút nữa. Thịt cá tươi tanh tanh, Loan cắn dập chỗ bụng thấy đắng. Lữ tiếp tục ngắt đầu cá rồi đút cho Loan ăn. Cái chất sống từ mình cá, máu cá chảy qua lưỡi Loan cứ một lúc một thấm đẫm kinh mạch nàng, làm sôi sục tâm tính bản năng không sao kềm hãm được. Loan mút lấy mút để những ngón tay Lữ. Máu ứa mặn giọt giọt đầy ngực áo. Nắng gắt dội vào đầu làm Loan váng vất. Loan biết đám chài đang bu quanh mình, nhưng không sao cưỡng lại được những ngón tay quỷ quái của Lữ.” (Phố cổ Hội An)

“Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống.” (Gia phả)

Nhắc đến Trần Vũ người ta hay nói đến yếu tố tình dục. Nhưng cái tình dục trong văn Trần Vũ cũng là thứ tình dục bạo lực, chiếm đoạt và hủy hoại, sốc và rợn. (Theo quan sát hạn hẹp của tôi, nhiều người viết sex mà sượng, sex mà sáo, nhưng có Đỗ Hoàng Diệu viết sex mà sướng, và Trần Vũ viết sex mà sốc).

“Loan rùng mình khi bàn tay Lữ trườn đến sát bụng. Như dao lận vào ruột! Loan buông đũa, dưới khăn trải bàn bấu nghiến lấy da tay Lữ bắt ngừng lại. Lữ vẫn đối đáp với Dần như không biết, không có, kể cả bàn tay nóng hừng hực đang suồng sã trẩy trựa, đè giữa hai đùi Loan. Hai ngón tay đàn ông mạnh mẽ. Ngón trỏ và ngón cái gân guốc. Loan suýt đổ chúi người, thét lên, đau điếng nẩy mình xót thịt muốn sổ bật tóc tai thét lên. Loan muốn oằn mình khóc, khẩn khoản van nài Lữ thôi mà không được.” (Phố cổ Hội An)

“Độ bước trở lên thềm, người tắm máu, dáng dấp của tên khổng lồ cuồn cuộn thịt gân. Xét theo sách tướng, Độ có thiên mệnh, nhưng thần sắc lại nửa rắn, nửa rồng. Không làm vua mà lại coi vua. Độ nhìn Trần Thị say mê, vẻ say mê hung bạo.

– Chị yêu tôi không?

Độ cúi xuống, hôn vào giữa đôi môi run run của Trần Thị, một bàn tay sờ soạng phần ức trắng, mân mê bầu vú. Rồi bàn tay trườn xuống bụng, Trần Thị thót người, co rút mình mẩy. Nhưng cử chỉ đối kháng chót cùng đó chỉ làm Độ giận dữ.” (Gia phả)

*

Trần Vũ là một người viết đầy kỹ thuật. Viết thế nào, đấy hẳn phải là câu hỏi mà Trần Vũ liên tục cật vấn mình trước khi đặt bút. Cấu trúc các truyện ngắn của Trần Vũ đều chắc chắn và mạnh mẽ, dù được viết dưới giọng văn nào. Có khi, lịch sử, hiện thực và bạo lực được trình bày trong lối văn tốc độ, cuồn cuộn nhiều tính từ và động từ mạnh, chắt lọc, sắc lạnh, không kiêng dè, với những quân bài được giấu kín, các tình tiết réo gọi nhau liên tục tạo nhịp độ nhanh, rồi được đẩy tới cao trào và đôi khi có cái kết quá ư bất ngờ. Văn Trần Vũ không dành cho những người yếu bóng vía.

Nhưng có khi là giọng văn chau truốt, miên man, nghe âm âm như tiếng vọng của thời gian xưa cũ, trong Phép tính của một nho sĩ. Lúc khác, Trần Vũ lại ưu tiên sự hư ảo dị kỳ, mà Cuộc săn thú của nhà văn An Nam là một ví dụ. Năm nhà văn An Nam với những pháp năng phi thường đến một vùng đất lạ để săn con thú của đời mình. Một ẩn dụ về cuộc đi tìm bản sắc chữ. Nhịp điệu chậm nhưng mạnh, cuốn người đọc vào không khí siêu phàm pha lẫn vẻ ma mị.

“Tiếng chuông the thé xé màng nhĩ khiến nhóm choàng tỉnh. Kỳ lạ là tất cả cùng mơ chung giấc mơ và cùng choàng dậy trong tiếng khánh buốt óc vang khắp nhà tựa như trần mái ráp bằng những quả chuông và chúng đang xô đẩy va đập vào nhau. Chúng tôi lao đến buồng Ngân, nơi phát ra tiếng chát chúa nhức nhối và chứng kiến một cảnh tượng kỳ dị. Ngân trần truồng đứng giữa các đầu thú và khắp châu thân Ngân phát ra tiếng chuông inh tai từ nãy. Ðầu, tay, bắp chân, cổ, vai, khắp mặt mũi, thậm chí hai bầu ngực Ngân như hai quả chuông cùng rung lên dồn dập. Ngân động kinh la hét van nài khẩn cầu quyền lực của dã thú. Phải mất nhiều phút chúng tôi mới giằng được Ngân ra khỏi tiếng chuông và hiểu ra là cả nhóm đang mắc hội chứng Âm Vọng của chính Ngân tạo ra mà Ngân không sao kiểm soát được.”

Yếu tố huyền ảo này cũng được đẩy mạnh trong các sáng tác khác của Trần Vũ như Giấc mơ Thổ, hay Giáo sĩ mà tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được in ra.

Cuối cùng, Cánh đồng mùa gặt khô là truyện ngắn duy nhất có bút pháp hiện thực, một truyện ký có màu sắc tự truyện, rất hay, chất nặng tâm sự, cho thấy một Trần Vũ đa dạng và có thành tựu ở nhiều phong cách khác nhau: Bên bàn rượu, bên những món ăn tinh hoa của cố quốc, hai người đàn ông nhậu cùng với lịch sử, với nỗi u uất lưu vong, với cảm giác tan hoang xơ xác. Tôi đặt truyện này cuối cùng, như một hé lộ về chân dung thật của Trần Vũ.

*

Đối với tôi, đây là một tập truyện ngắn rất ý nghĩa để bắt đầu năm mới của một người biên tập văn học. Sẽ thật đáng tiếc nếu một nhà văn quan trọng như Trần Vũ chỉ được biết đến trong giới người đọc nhỏ bé ở hải ngoại mà càng ngày càng mỏng đi. Một cuốn sách ra đời, hiện hữu trên tay, trên giá, giống như sự bảo chứng cho sự tồn tại của một người viết, vì thế việc in Trần Vũ sẽ xác định danh tính nhà văn một cách thẳng thắn nhất. Cuối cùng, tôi tin sự hợp lưu các dòng văn chương viết bằng tiếng Việt sẽ làm cho nền văn học của chúng ta thêm giàu có.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

NHDT, 22 tháng 2-2019

Related posts