00:59 | Posted by BVN1
Không có môi trường tốt thì mọi loài cây đều cằn cỗi. Tài năng nhưng không nói lời thuận với thể chế là bị vùi dập ngay. Môi trường có trước, tài năng có sau.
Xã hội hiện có tỉ tỉ loại và dạng lãng phí. Mọi thứ lãng phí đều bắt đầu từ tác phong quan liêu, thái độ vô cảm, và trình độ yếu kém của người quản lý. Gom mọi thứ lãng phí vào một bao, người ta gọi cái bao đó là lãng phí Cơ hội. Cơ hội để đất nước chuyển mình và cất cánh. Nếu không diệt nạn quan liêu lãng phí, Đất nước mãi vùng vẫy trong đói nghèo và chậm phát triển.
Lưu Trọng Văn, môi trường hà khắc sẽ bóp nghẹt tài năng. Nhưng xã hội bây giờ chưa hẳn cần tài năng. Xh cần sự đồng thuận, và môi trường trong lành. Sự đồng thuận tạo nên sức mạnh vô biên. Và ở trong môi trường đó, tài năng sẽ là cú hích để năng lượng xh chuyển động.
Nguyen Hai Tuyen, vâng ạ. Đó là cơ chế điều hành và quản lý xã hội. Nhưng để cơ chế hoàn thiện thì thể chế phải tạo điều kiện cho nó có vai trò phát huy mà hoàn thiện và ngược lại. Còn nếu cứ kìm hãm lẫn nhau thì chỉ có tàn lụi.
Nguyen Hai Tuyen, chuẩn xác!
1. Nhân lực Tài Năng
Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông vừa có cuộc toạ đàm: Làm sao Nhà nước thu hút được nhân tài? Đã có nhiều cuộc toạ đàm như thế ở các đại học, viện nghiên cứu, cơ quan đảng, mặt trận, chính quyền. Nhưng cuộc toạ đàm này khá đặc biệt khi thành phần tham dự có không ít trí thức phản biện như Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Phó giáo sư Mạc Văn Trang, nhà thơ Hoàng Hưng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Sơn, Lâm Minh Chánh và một số facebooker tên tuổi.
Cuộc toạ đàm không ngờ lập tức có thống nhất cao, đó là: Đảng cầm quyền muốn thu hút được tài năng để phụng sự Đất nước thì trước hết Đảng phải có cơ chế Dân chủ để cho những tài năng trong nội bộ đảng có được những vị trí lãnh đạo đảng. Các đảng cầm quyền ở các nước văn minh trên thế giới đều có quy trình tuyển chọn và cơ chế Dân chủ tuyển chọn thủ lĩnh đảng như vậy hết.
Vấn đề cốt lõi trị quốc này cụ Nguyễn Trường Tộ nhà canh tân vĩ đại ở thời Nguyễn đã khảng khái nói với nhà vua:
“Kẻ không có tài mà có quyền thì cứ muốn dùng người khác không có tài để khỏi lộ cái bất tài của mình ra, họ sẽ dùng cái quyền của mình vùi dập người có tài”… để duy trì cái ngôi cao của mình.
Lời cảnh tỉnh của cụ Nguyễn Trường Tộ vẫn còn nguyên giá trị với bất cứ nhà cầm quyền của bất cứ QG nào hiện nay.
Mới đây, báo Người Đại biểu Nhân dân của Quốc hội có bài viết của nhà lý luận nổi tiếng Nhị Lê cũng tập trung xoay quanh chủ đề “nhân lực lãnh đạo tài năng-thủ lĩnh tài năng” này.
Nhị Lê viết:
“Nói tới đổi mới toàn diện, đồng bộ trên phương diện xây dựng và phát triển nguồn nhân lực càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, trực tiếp là đội ngũ các nhà chính trị, kinh tế gia, khoa học gia, doanh gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, làm chủ sự vận hành và sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia. Ở họ, không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của Nhân dân mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc gia và quyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị và nhà khoa học – rường cột của nguồn nhân lực quốc gia.
Nhị Lê sâu sắc nhận định:
“Công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua đã làm thay đổi rất toàn diện và sâu sắc đất nước. Đồng thời và may mắn, cũng làm bộc lộ rõ, thậm chí nguyên hình sự khiếm khuyết, thậm chí tụt hậu trên không ít phương diện, đặc biệt ở vào những bước ngoặt của đất nước, về tầm nhìn và quyết sách. Mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, giữa kinh tế và xã hội, giữa pháp luật và đạo đức, giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữa đối nội và đối ngoại… trên phương diện xây dựng con người, bắt đầu từ nhân học tới thực tiễn con người xã hội, con người kinh tế và con người chính trị trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu đã bộc lộ rất nhiều “độ chênh”, “độ vênh”, cả “độ lệch”, thậm chí đi ngược chiều và triệt tiêu nhau không thể xem thường.”
Trước thực trạng nguồn nhân lực lãnh đạo còn chông chênh đó, Nhị Lê nhấn mạnh tác hại của nó như một hồi còi cảnh báo khẩn cấp:
“Một bất cập hay sai lầm trên phương diện này sẽ phải trả giá bằng cả thập kỷ, thậm chí bằng cả thế hệ.”
Theo Nhị Lê nhân lực thủ lĩnh tài năng thời đại hiện nay – thời đại Việt Nam khát vọng vào Kỷ nguyên mới thì các thủ lĩnh được gọi là tài năng phải có thực lực: “đổi mới tư duy chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài, trong đó tư duy về chính trị gia, kỹ trị gia, quản trị gia là những lĩnh vực chiến lược trước nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa.”
Nhiều người Dân cho rằng nếu Guồng máy của Đất nước Khởi động theo chiều hướng hiện thực hoá các tiêu chí, đổi mới tư duy tức đổi mới tầm nhìn trên, thì cái khát vọng ngàn năm của Dân tộc: bước vào Kỷ nguyên mới sẽ có cơ hội thành hiện thực.
2. Lãng phí Tài Năng
TBT Tô Lâm vừa có bài viết về tệ nạn lãng phí mà cụ Hồ gọi là quốc nạn nội xâm.
“Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.”
Nhiều người cho rằng tệ nạn tham nhũng gây nên thiệt hại cho QG ít hơn tệ nạn lãng phí. Vì tham nhũng thì tài sản vật chất, tiền bạc có thể thu hồi lại được cho QG nhưng lãng phí thì hoàn toàn mất đi không thể thu hồi lại được. Tổng thiệt hại do lãng phí các dạng như ông Tô Lâm vừa nêu là khủng khiếp. Nhà lãnh đạo nào không đau đớn trước thực trạng này thì khó mà đồng hành cùng Dân tộc vào Kỷ nguyên mới được.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại có tệ nạn lãng phí này? Không khó để căn cơ trả lời. Và câu trả lời đương nhiên không tách rời khỏi nhận định của chính ông Tô Lâm “cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Để xảy ra tệ nạn lãng phí mà TBT Tô Lâm cực lực lên án đều xuất phát từ thể chế liên quan đến nhân lực lãnh đạo không phải tham nhũng vật chất mà tham nhũng quyền lực. Chính vì nhân lực lãnh đạo bất tài nào đó tham nhũng quyền lực, mới không có cơ hội cho những tài năng chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh dẫn dắt. Và đó mới là sự lãng phí lớn nhất dẫn đến điều mà nhà lý luận Nhị Lê nói: “Một bất cập hay sai lầm trên phương diện này sẽ phải trả giá bằng cả thập kỷ, thậm chí bằng cả thế hệ.”
Vâng gọi thẳng tên của nó ra đó là: Lãng phí tài năng.
L.T.V.