Nhật Tân
Nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Ukraine là hợp tình hợp lý, nó không những giảm bớt thiệt hại cho người Ukraine mà còn phù hợp với tình hình thực tế, v.v. đó là lập luận của tạp chí The Economist. “Giấc mộng với Joe Biden tan vỡ,” như bài báo bình luận hôm 7/11. Bài luận này của The Economist kỳ thực không nhắm riêng vào cá nhân Tổng thống Ukraine Zelensky như cách đặt tiêu đề của bài, mà là một nỗ lực làm sáng tỏ thực tế từ một góc nhìn khách quan hơn. Tạp chí cho rằng Ukraine còn có thể cầm cự được 6 tháng nữa.
Nếu chỉ nhìn vấn đề từ các kênh truyền thông nằm trong tay cánh tả, nhất là trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ khi mà chính quyền Biden cần trình bày nhiều các thành tích hơn là các lầm lỗi, thêm vào đó là các luận điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người được ông Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ trong những năm qua, thì người ta có thể có cảm giác rằng “sự trở về Tòa Bạch Ốc của Donald Trump sẽ hẳn là một ác mộng cho Ukraine,” tờ báo viết.
Về hiện tượng có những người phương Tây nhận thức chưa đúng chiến tranh Ukraine, chủ tịch Danh dự CFR Richard Haass đã có bài phân tích đăng hôm Thứ Hai, tức là vào lúc mà còn chưa biết ai sẽ đắc cử tổng thống.
Không những chỉ rõ được ra vấn đề, mà ông Haass còn giải thích khúc mắc khó nói đằng sau.
Chiến tranh Ukraine nên kết thúc như thế nào? Ông Haass chỉ ra rằng Donald Trump né tránh trả lời câu hỏi ấy.
Mặc dù ông Trump suốt từ năm ngoái vẫn nói ông có khả năng bằng đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraine, và coi đó là một luận điểm cho chiến dịch tranh cử, nhưng mà, “khi phóng viên David Muir của ABC News hỏi ‘Ông có muốn Ukraine thắng cuộc chiến không?’” ông Haass phân tích.
“Thì Trump đã né không trả lời trực tiếp. ‘Tôi muốn kết thúc chiến tranh,’ ông nói. Khi Muir lặp lại câu hỏi, thì Trump lại né: ‘Tôi nghĩ rằng tốt nhất cho lợi ích Mỹ thì là chấm dứt cuộc chiến này và để việc này kết thúc.’”
Rất nhiều người Mỹ coi việc ông Trump né tránh trả lời là biểu hiện ông ấy đang giấu diếm điều gì đó và sẽ có hành động nào đó bất lợi cho chính quyền Kiev, từ đó mà họ có phản cảm với ông Trump, ông Haass phân tích, nhưng mà, họ thường không phát hiện ra rằng, trên thực tế cả chính quyền Joe Biden hiện tại và cả hầu hết các chính khách khác cũng đồng dạng giống như ông Trump, đồng dạng né tránh trả lời câu hỏi ấy.
“Hầu hết các chuyên gia về an ninh Mỹ, gồm cả nhóm đối ngoại của Tổng thống Joe Biden, đều nói rằng chúng ta muốn Ukraine chiến thắng Nga. Nhưng mà, họ đều từ chối không chỉ ra một cách cụ thể rằng điều đó nghĩa là gì, tức là, họ thường nói rằng điều đó là điều hãy để người Ukraine tự quyết định,” ông Haass phân tích.
“Nếu ép hỏi kỹ, thì hầu hết họ có thể sẽ định nghĩa chiến thắng là điều nào đó tương tự như cách mà Kiev đang định nghĩa, gồm cả cái ‘kế hoạch chiến thắng’ mà gần đây được đưa ra: Đánh bật quân Nga khỏi hoàn toàn lãnh thổ Ukraine, gồm cả Crimea, khôi phục đường biên giới như năm 1991,” ông Haass viết tiếp, và ông chỉ ra rằng đó là cách trả lời không thật, không thật lòng.
“Mặc dù định nghĩa đó là điều mong muốn, nhưng mà nó rốt cuộc sẽ không khả thi (ultimately unworkable),” ông Haass viết.
Bài phân tích có hẳn một đoạn dài nói về cái có thể được và cái không thể được. Với các phân tích khá toàn diện, về vũ khí, số quân, khả năng kéo dài hao tổn, tầm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, v.v. ông Haass nói rằng việc lấy lại đường biên giới là tuyệt đối không thể thực hiện được bằng con đường quân sự. Hai phe đơn giản là chênh lệch quá lớn.
Muốn đánh bại Nga trên chiến trường, chỉ có một cách, đó là NATO đứng đầu bởi Mỹ trực tiếp đánh Nga, ông Haass chỉ rõ. Nhưng vấn đề là Mỹ không muốn tiến hành đối đầu trực tiếp với một cường quốc hạt nhân như Nga. Ngay từ đầu, Mỹ đã định ra như thế trong chiến lược của mình: Mỹ muốn hao tổn Nga qua các xung đột như chiến tranh Ukraine, chứ không muốn trực tiếp chiến tranh hạt nhân với Nga.
Tóm lại, nghi ngờ rằng ông Trump có gì giấu diếm là oan uổng cho ông ấy. Các chính khách khác cũng thế thôi.
Việc “không đưa ra một định nghĩa có tính khả thi về chiến thắng”, theo ông Haass, là không nên. Nó cần phải được giải quyết trước khi giải vấn đề Ukraine. Nhưng mà, có 2 lý do đang gây khó khăn cho giới chức Mỹ ở chỗ này, không chỉ là cái khó của riêng ông Trump.
Thứ nhất, nếu đưa ra một định nghĩa, hay một mục tiêu chiến tranh khác với điều mà Kiev đưa ra, thì có thể sẽ khiến Moskva coi đó là sự mềm yếu của NATO đứng đầu bởi Mỹ.
Thứ hai, phương Tây không muốn từ bỏ lập trường rằng “đường biên giới là cần phải được tôn trọng. Lãnh thổ là không thể được phép đạt được bằng các biện pháp như đe dọa hoặc quân sự.”
Lập trường này là cơ sở để “Mỹ kêu gọi các nước khác cùng tham gia cuộc chiến vệ quốc ở Hàn Quốc năm 1950, ở Kuwait năm 1990,” ông Haass phân tích.
Lập trường này là thể hiện uy quyền và sức mạnh của phương Tây.
Tuy nhiên, trên thực tế nó đã bị xói mòn qua các thất bại của Mỹ như ở chiến tranh Afghanistan, và bị nghi ngờ về tính hợp lý qua xung đột Israel-Gaza. Nếu bây giờ, nó lại bị làm lung lay bởi chiến tranh Ukraine, thì đó là điều người Mỹ rất không muốn.
Ông Haass cho rằng quân Ukraine đã tử vong 300.000 người trong cuộc chiến tranh, và không thể tiếp tục kéo dài lâu hơn nữa với tốc độ tiêu hao này. Ông cũng dẫn lời của JD. Vance rằng Mỹ và đồng minh phương Tây cũng sẽ không đáp ứng kịp tốc độ tiêu hao vũ khí và đạn dược cho chiến tranh tiêu hao ở Ukraine, vì còn phải lo cho cuộc chiến khác nữa.
Tóm lại, bất kể thế nào, Mỹ không thể kéo dài tình trạng không công khai rõ ràng rằng cuộc chiến tranh Ukraine nên kết thúc như thế nào là hợp lý.
Ông viết, “Chừng nào không đưa ra định nghĩa khả thi về chiến thắng, thì phương Tây đồng thời đang giảm áp lực lên Nga bởi vì làm giảm tính nghiêm túc của quan hệ ngoại giao,” và theo ông thì “Tổng thống Vladimir Putin của Nga có thể lập luận rằng chế độ của ông ấy không phải là chướng ngại cho việc đàm phán kết thúc chiến tranh, bằng cách dẫn ra việc Mỹ và Châu Âu từ chối đàm phán [nghiêm túc].”
Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích ở Diễn đàn Valdai năm nay, ngày 7/11 rằng:
“Về vấn đề biên giới Ukraine, chúng tôi đã thừa nhận [đường biên giới] Ukraine theo thỏa thuận sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng cần lưu ý một thực tế rằng trong Tuyên ngôn Độc lập của Ukraine, điều mà Nga thừa nhận, đã tuyên bố rằng Ukraine là quốc gia trung lập. Chúng tôi thừa nhận biên giới Ukraine là trên cơ sở đó.
Nhưng mà sau đó giới lãnh đạo Ukraine đã sửa đổi Hiến pháp của nước này, tuyên bố mong muốn nhanh chóng gia nhập NATO. Mà đó không phải là điều mà chúng tôi đã đồng ý với nhau.
Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, ấy là chúng tôi không bao giờ chấp nhận bất kỳ loại đảo chính nào, và cũng không ủng hộ đảo chính đã diễn ra ở Ukraine.”
Ông nói rằng vụ đảo chính 2014 tại Kiev đã dẫn tới chia rẽ Ukraine. Những người dân ở Crimea cũng như phía Đông và phía Nam Ukraine không thừa nhận chính quyền Kiev vì đó là chính quyền kết quả của đảo chính, và theo ông, việc họ mong muốn sáp nhập với Nga là đúng theo điều khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, điều khoản về quyền tự chủ.
Kỳ thực, không phải tất cả các kênh truyền thông của phương Tây đều vẽ bức tranh sáng lạn về tình hình chiến sự thực ra đang đi vào giai đoạn u ám đối với chính quyền Kiev này. Một báo cáo hồi tháng 9 của The Economist là một ví dụ, miêu tả rằng cả nhân viên hậu cần, không phải chiến binh, cũng bị lôi vào tham chiến:
Theo The Economist, cần buông bỏ dần các ấn tượng về ông Trump, các ấn tượng tiêu cực do chiến dịch tranh cử tạo thành, kiểu như: ông ấy thân với Putin và chưa bao giờ lên án Putin, ông ấy có các ngôn luận phong cách độc tài, ông ấy từng tống tiền Ukraine bằng cách trì hoãn các hỗ trợ, v.v.
Tuy hiện nay chưa rõ ràng là phương án hòa đàm của ông Trump là gì —thậm chí chính ông Trump cũng có khi chưa rõ, tờ báo viết— nhưng đã có 2 phiên bản phác thảo được tiết lộ.
Một là phiên bản theo tinh thần JD Vance từng nói, đó là đóng băng chiến tuyến, thành lập vùng đệm phi quân sự. Phiên bản này gần đây được nhắc lại và được làm rõ hơn trên các kênh truyền thông. Một phiên bản là theo tinh thần Mike Pompeo đề cập vào mấy tháng trước, trong đó một khoản vay rất lớn sẽ được cấp cho Kiev để họ tự trang bị vũ khí, đủ để uy hiếp các thế lực thù địch và tự bảo vệ mình. The Economist bình luận rằng có lẽ phiên bản 2 sẽ được Kiev cảm thấy hứng thú hơn.
Tạp chí tin rằng sẽ không xảy ra tình huống ông Trump sẽ “bán đứt” (sell out) Ukraine, theo cách những người chống Trump vẫn hay ám chỉ. Trên thực tế, ông Trump không muốn và cũng không có lý do gì buộc phải trở thành tội nhân gánh chịu “sự thất bại của chiến tranh Ukraine.” Cuộc chiến này không khởi phát hay phát triển trong thời ông ấy tại nhiệm.
Nhưng tờ tạp chí cảnh báo rằng, nếu Kiev muốn có được các lợi ích trong giải pháp Trump, thì có lẽ phải có điều gì đó đánh đổi lấy. “Có lẽ sẽ là quyền tiếp cận các tài nguyên tự nhiên, ví dụ như vậy,” tờ báo miêu tả về tính cách thực dụng của tỷ phú làm giàu nhờ kinh doanh Donald Trump. “Ông ấy rất ít quan tâm đến vấn đề như giá trị tự do dân chủ.”
Tờ báo nhắc tới một cảnh báo của Vadym Prystaiko —người từng làm ngoại trưởng Ukraine vào thời điểm 2019 khi xuất hiện vụ được gọi là bê bối “Ukrainegate” rằng ông Trump với mục đích chính trị đã tìm cách điều tra các vụ làm ăn của Biden ở Ukraine— cảnh báo rằng “ông Zelensky có thể làm mọi cách để áp đặt các luận điểm của mình lên chính quyền mới của ông Trump.”
The Economist chỉ ra rằng chiến tranh Ukraine không thể kéo dài được nữa. Tình hình chiến sự, theo tờ báo, vẫn còn chưa phải là nhân tố tồi tệ nhất.
Theo The Economist đánh giá, với tình hình hiện nay —khi quân Ukraine vẫn còn khả năng chiến đấu, khi vũ khí của NATO cung cấp vẫn còn để dùng— thì Ukraine có thể vẫn tiếp tục được, khoảng 6 tháng.
Về phía Donald Trump, tờ tạp chí cho rằng, ông ấy hiển nhiên muốn kết thúc chiến tranh Ukraine trước thời hạn đó, thậm chí trước thời điểm ông quay lại Nhà Trắng và ngồi vào chiếc ghế tổng thống ngày 20/1/2025.
Nhưng mà, phía Vladimir Putin, thì còn nhiều ẩn số.
Tuy ông Putin tuyên bố ông sẵn sàng và có thiện ý đàm phán, nhưng mà “ông Putin sẽ có cách đàm phán của mình,” tờ tạp chí phân tích.
“Theo lẽ thường thì ông ấy sẽ muốn đẩy tiếp,” một nhà phân tích về an ninh Ukraine nói với tạp chí, cân nhắc tới việc ông Putin đang thắng trên chiến trường. “Nhưng mà thắng bại của nhà binh là khó nói đấy. Không thể dám chắc rằng điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.”
“Có lẽ họ sẽ làm gì đó,” ông Prystaiko nói với tạp chí. “[Có thể là] đánh sập hệ thống điện, hoặc là ám sát lãnh đạo. Thời gian 3 tháng tới sẽ là khó khăn đấy.”
–/–
Richard Haass hiện là Chủ tịch Danh dự của CFR, sau 20 năm (2003–2023) làm Chủ tịch CFR (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại), cơ cấu cố vấn về chính sách ngoại giao và quan hệ quốc tế của Mỹ, thành lập năm 1921, phi đảng phái, phi lợi nhuận. Bài phân tích được ông đăng trên Foreign Affairs (Tạp chí Ngoại giao), một tạp chí trung lập có từ 1922, như một diễn đàn mà các ý kiến độc lập có thể lên tiếng, chủ yếu về đối ngoại của Mỹ.
Nhật Tân