Lệnh cấm trường dạy thêm của Tập đã phản tác dụng như thế nào?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “How Xi Jinping’s tutoring school ban backfired”, Nikkei Asia, 7/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhu cầu việc làm đang lấn át nỗ lực của chủ tịch nước nhằm xoa dịu khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.

Dường như “tẩu tư phái” đang giành được nhiều ảnh hưởng hơn tại Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, nơi mà chính sách gây tranh cãi của ba năm trước đang bị âm thầm gạt sang một bên với mục đích vực dậy nền kinh tế.

Vào thời Mao, “tẩu tư phái” là cụm từ được sử dụng một cách miệt thị để gọi những người được cho là đang dẫn dắt xã hội đi theo con đường tư bản. Gần đây hơn, nó lại xuất hiện để ủng hộ quyết định của ban lãnh đạo do Tập đứng đầu, cấm các trường học dạy thêm sau giờ học vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, lệnh cấm hiện đang mất dần sự ủng hộ theo cách gợi nhớ đến một câu nói cũ khác, Thượng hữu chính sách, hạ hữu đối sách: Trong khi có chính sách từ trên, thì cũng có biện pháp đối phó từ dưới. Những lời khôn ngoan này đã mô tả cách các quan chức địa phương và người dân thường dùng để giảm nhẹ tác động từ các chính sách của chính quyền trung ương.

Trong trường hợp này, các quan chức địa phương đã nhận được một cơ hội lớn để làm điều đó vào tháng 5. Nhưng cơ hội của họ đến từ cấp trên, khi Tập thể hiện cảm giác khủng hoảng về tình hình việc làm khắc nghiệt của Trung Quốc và kêu gọi biến “việc làm chất lượng cao và đầy đủ” thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế và xã hội. Ông cho biết việc làm cho người trẻ, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, phải là ưu tiên hàng đầu.

Chỉ thị này được đưa vào bài phát biểu của Tập tại “buổi họp nghiên cứu tập thể” của Bộ Chính trị vào ngày 27/05. Tuy nhiên, bản tóm tắt bài phát biểu không được công khai mãi cho đến ngày 01/11, khi nó được Tạp chí Cầu Thị đăng tải.

Sinh viên tụ tập tại hội chợ việc làm trong khuôn viên trường Đại học Trịnh Châu ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Các việc làm gia sư sau giờ học dường như đã tuyển dụng trở lại. © Getty Images

Khi lệnh cấm dạy thêm được công bố vào tháng 7/2021, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia sư sau giờ học phải chuyển đổi thành tổ chức phi lợi nhuận, nhiều tiếng nói trên các phương tiện truyền thông chính thức đã bảo vệ động thái này, gọi các trường dạy thêm vì lợi nhuận là “kẻ thù” và nhấn mạnh rằng “bọn tư bản và tẩu tư phái tham lam trong chế độ không được phép thông đồng với nhau.”

Dù mức trần học phí vẫn được áp dụng và vẫn còn những hạn chế đối với nội dung giảng dạy tại các trường dạy thêm, nhưng hiện đang một có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khi các trường công khai quảng cáo tuyển sinh mới, nhắm vào trẻ em đang theo học tiểu học và trung học cơ sở.

Các nguồn tin hiểu rõ tình hình giáo dục của Trung Quốc giải thích những gì đang diễn ra trong ngành gia sư.

Trong một số trường hợp, “một danh sách trắng” các công ty và tổ chức có thể cung cấp dịch vụ gia sư đã được chính quyền địa phương bí mật công bố vào tháng 10, một nguồn tin tiết lộ. “Một số được phép dạy tiếng phổ thông, khoa học và công nghệ, tiếng Anh, cùng nhiều môn học khác,” nguồn tin nói thêm.

Một nguồn tin khác nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài trong giới trẻ Trung Quốc, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, là nguyên nhân dẫn đến việc nới lỏng quản lý các trường dạy thêm.

Nguồn tin cho biết: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chính quyền Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, bao gồm cả trong ngành giáo dục, để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp cao ở thanh niên dẫn đến bất ổn xã hội.”

Học sinh học tiếng Anh tại một trường luyện thi ở Bắc Kinh. Tiếng Anh là một trong những môn học mà một số trường thuộc “danh sách trắng” được phép giảng dạy. (Ảnh lưu trữ của Kyodo)

Các quy định về trường dạy thêm được đưa ra rõ ràng là nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, khi nhiều người đã rất chật vật để đóng học phí cho con.

Trung Quốc có truyền thống lâu đời theo Nho giáo và xã hội nước này rất coi trọng hồ sơ học vấn.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường lo ngại con em mình trong độ tuổi đi học có thể tụt hậu trong một xã hội cạnh tranh gay gắt nếu chúng không dành đủ thời gian cho việc học.

Chính vì động lực xã hội này, chính sách quản lý chặt chẽ ngành gia sư đã phản tác dụng, và trớ trêu thay, nó đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giáo dục giữa trẻ em giàu và nghèo.

Chính sách này đã khiến các gia đình giàu có phải thuê gia sư riêng cho con cái với chi phí cao hơn nhiều so với chi phí họ từng trả để cho con học thêm ngoài giờ. Trong khi đó, các gia đình có thu nhập trung bình và thấp không đủ khả năng chi trả khoản này, đặc biệt là khi thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Nhiều gia đình giàu có trong số này đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ bong bóng bất động sản của đất nước, vốn đã liên tục phình to trong khoảng 10 năm trước khi vỡ tung gần đây.

Học sinh tại một trường tiểu học ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đất nước Trung Quốc theo Nho giáo rất coi trọng thành tích học tập. © Reuters

Khoảng cách giáo dục giàu nghèo ngày càng gia tăng bất chấp nỗ lực của Tập nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch thu nhập.

Từ tháng 5 khi Tập ban hành chỉ thị về việc làm đến tuần trước khi tạp chí lý luận của đảng công bố phát biểu của ông, Trung Quốc đã giữ kín thông tin về việc Tập đã thể hiện cảm giác khủng hoảng, lo lắng. Nguyên nhân một phần là để giúp Tập, “hạt nhân” của đảng, giữ thể diện.

Một minh chứng cho việc giữ thể diện đã diễn ra vào tháng 7, tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại, khi ban lãnh đạo Trung Quốc vẽ ra một bức tranh lạc quan về nền kinh tế trong nước, lưu ý rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi suôn sẻ và không có vấn đề lớn nào.

Các báo cáo truyền thông chính thức về nền kinh tế sau đó đều phù hợp với đánh giá kinh tế cơ bản tại hội nghị trung ương ba.

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng 9, khi nhóm lãnh đạo gồm 24 thành viên do Tập đứng đầu thừa nhận nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.

Tất nhiên, Bộ Chính trị không sử dụng từ ngữ đó. Thay vào đó, họ nói rằng cần thiết phải “đối mặt với khó khăn.” Sự thừa nhận này đã mở đường cho một loạt các cuộc họp báo do các quan chức kinh tế cấp bộ, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương, tổ chức. Nó cũng dẫn đến nhiều biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang ốm yếu.

Những tuyển tập các bài phát biểu của Tập là một phần trong nỗ lực mô tả Tập theo hướng tích cực. Tuy nhiên, gần đây, thực tế kinh tế đã buộc chủ tịch Trung Quốc phải lặng lẽ từ bỏ hai nguyên tắc của mình.

Giờ đây, báo cáo của Tạp chí Cầu Thị cho thấy tâm điểm chính trị thực chất đã tập trung vào tình hình kinh tế Trung Quốc kể từ đầu mùa hè.

Nếu tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc có cải thiện đôi chút trong nửa năm qua thì hẳn báo cáo của Tạp chí Cầu Thị đã không cần thiết.

Một sự thay đổi tương tự cũng đang diễn ra trong chính sách bất động sản khi lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Và thay đổi này cũng đang được thực hiện một cách lặng lẽ, không có thông báo chính thức, dù Bộ Chính trị đã ban hành một mệnh lệnh vào ngày 26/09 để “đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản.”

Bản thân Tập đã từng nhiều lần nói rằng: “Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ.” Khi ông gửi đi thông điệp này, ông đã đúng khi nhận ra rằng giá nhà tăng vọt đang khiến dân thường không đủ khả năng mua nhà.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng cung cầu trên thị trường nhà ở đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất động sản toàn diện, khiến chính quyền địa phương bị thiếu hụt nguồn thu.

Ban lãnh đạo của Tập sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại chính sách vì lý do chính trị. Nhưng tình hình kinh tế hiện tại quá khắc nghiệt, nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc các chi tiêu tài khóa lớn, điều mà họ đã không làm tại hội nghị trung ương ba hồi tháng 7.

Đánh giá kinh tế cơ bản mà các lãnh đạo trình bày tại hội nghị trung ương ba không còn có thể làm cơ sở cho các chính sách kinh tế trong tương lai. Việc nới lỏng lệnh cấm trường dạy thêm đã làm rõ điều này.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Related posts