Đặng Duy Hưng
Lão Hùng xuống bếp nấu nồi cháo trắng nhỏ cho vợ đang bị sốt do cảm cúm cuối năm. Hai vợ chồng lão năm nào cũng chích ngừa nhưng mấy con virus loại này dường như lựa chọn phái yếu để tấn công. Nhìn vợ còn đang ngủ mê say với khuôn mặt hiền lành, ông đưa tay rờ trán cảm thấy đã bớt nóng nên đỡ lo một chút. Xong ông nhè nhẹ đi chân nhện vào bếp cầm cây muỗng bằng gỗ đứng đánh cho cháo nhuyễn ra, thêm tý xíu tiêu sọ vào ăn xuất mồ hôi là mau hết bệnh. Vợ lão vẫn thích ăn cháo đặc sệt như vậy. Nhìn nồi cá bông lau kho tộ bốc mùi thơm quanh bếp, tự nhiên ông thấy hạnh phúc khi hai con người thương yêu nhau bao năm qua.
Trai gái thương yêu hứa hẹn với nhau ngàn lời cũng không bằng biết nấu nồi cơm hay tô cháo khi vợ bệnh.
Lão nhớ mấy tháng trước phải đi mổ cái bả vai do bệnh nghề nghiệp. Ít ai nghĩ những cử động ta làm hàng ngày đến một giai đoạn nào đó gân cốt bị rạn nứt hư hại. Ông cảm động khi vợ lo lắng từng ly tưng tý từ tắm rửa cho đến đút cho ăn tuần đầu tiên nằm đau rên rỉ. Người đàn bà Việt Nam đa số vẫn vậy! Ít than vãn cho cuộc sống bạc bẽo hạnh phúc hôn nhân khi gặp người chồng chưa muốn “trưởng thành.”
Ông chầm chậm gạt từng cái xương lớn, nhỏ trên thân thể con cá, bước vào phòng xem xét ông thấy vợ đã mở mắt nhìn trên trần nhà. Nhìn đồng hồ đã sắp tới giờ uống thuốc ông ra nhà bếp múc cháo bỏ cá đem vào cho vợ.
“Ăn vài miếng đi rồi uống thuốc nếu không dễ bị thuốc cào ruột.”
Ông trấn an thêm: “Em giảm sốt rồi! Anh nghĩ uống 3 ngày thuốc là khoẻ!”
Vợ ông cảm động miệng nhỏ nhẹ nói: “Em thật may mắn lấy anh làm chồng.”
Lão cầm tay vợ: “Anh mới may mắn hơn được gặp em. Duyên phận dẫn đưa tụi mình đến với nhau. Lo lắng như em đối với anh là trách nhiệm trong hôn nhân.”
Lão chợt nhớ đến đến ngày xưa trước năm 1975 một lần đến nhà người bạn. Ba má bạn thường đi xa buôn bán xuất nhập khẩu. Bà quản gia lúc nào cũng vui nấu những món ăn hai đứa ưa thích.
Bà thích chỉ bảo vài cách nấu ăn theo kiểu tạp nham của người Hoa: “Cháu có thể xào bất cứ món thịt gà heo bò với bất cứ loại rau nào! Chọn lựa thịt và rau cải loại ưa thích với tý dầu ăn xào với nhau.”
Bà chỉ bảo tận tình giống như bà Quốc Việt trên TV mỗi tuần: “Nấu canh cũng vậy! Bữa ăn tối hay trưa chén cơm không thể thiếu món xào và canh.”
Không biết sao ông thích học nấu ăn nên tiến bộ rất nhiều. Bà quản gia khuyên nhủ: “Cháu hãy nhớ muốn hạnh phúc cho hôn nhân hãy biết giúp đỡ vợ. Người đàn bà không thể mãi mãi khỏe mạnh. Hãy biết nấu nồi cơm, tô cháo chia sẻ việc nhà để có thêm thời gian bên nhau. Người con gái nào may mắn mới gặp được cháu lấy làm vợ!”
Sau này lần đầu tiên về thăm quê hương nghe bà dọn nhà vào tận Phan Thiết. Đi xe đò cả ngày mệt mỏi mới tới nhà gặp lại bà. Quán nhậu đông khách bận rộn cả chục người làm. Thấy Hùng đứng nhìn bỡ ngỡ bà thân thiện hỏi: “Cháu đứng đợi ai ở đây?”
Hùng nói thẳng: “Thím không nhớ con sao? Con là Hùng ngày trước hay đến nhà Huy học nấu ăn từ thím.”
Mắt thím sáng lên: “Hùng đó sao! Mới đó mà đã lớn cao thím không nhận được!”
Khuya đó bà làm mấy món mời Hùng ăn với gia đình. Bà nói nhỏ: “Rất tiếc thím có 2 đứa con gái lớn đã lấy chồng. Nếu con không ngại để thím tìm đứa nào hợp với con.”
Hùng lễ phép: “Con tương lai tối mù, cơ nghiệp không có gì! Lấy ai chỉ làm khổ người khác thôi. Nhưng con sẽ nhớ, khắc ghi ý nghĩ tốt của thím.”
Nhưng tình yêu trai gái, duyên phận mỗi người ông trời sắp xếp có cãi lại cũng không xong!
Ngày hôn lễ thím cầm tay vợ Hùng bà nói: “Con thật may mắn lấy được thằng này!”
Hùng cười: “Con mới may mắn nhiều hơn được người vợ chấp nhận quá khứ buồn đau!”
Ít ai hiểu hay biết tại sao ông nói vậy! Chuyện cuộc đời của một kẻ sanh ra lớn lên nhằm buổi giao thời, đứng phía này cũng không xong, phía kia cũng không đặng. Cuộc sống đẩy đưa như con thuyền nan phiêu lưu bốn bể.
Những mối tình đến rồi đi, để lại cả trăm kỷ niệm buồn. Xã hội nơi nào người con gái cũng phải cần một chỗ dựa tài chính đáng tin cậy mới chấp nhận đeo nhẫn. Ai cũng nói phải thương nhau mới có thể sống đời hạnh phúc, nhưng duyên phận đi chung với may mắn mới tạo ra hợp ý tương đồng nương vào nhau mà bước tiếp.
Ông dọn dẹp bát muỗng: “Em uống thuốc xong ngủ thêm một tý cho khỏe. Để anh đi mua sả về chiều em xông cho xuất hạn là khỏe liền. Em có thích ăn phở hay mì chiều nay để anh đi mua?”
Vợ thỏ thẻ: “Em thích ăn phở gà! Anh nhớ lỡ con gọi đừng nói em bị bệnh làm nó lo!”
Ông nghĩ trong bụng: “Khó ai hiểu ý nghĩ của người mẹ lúc nào cũng quên bản thân mình.”
Ông đắp mền cho vợ: “Đừng lo! Anh đi khoảng một tiếng sẽ về. Ngủ đi, có gì cần gọi cho anh!”
Lái xe trên xa lộ 35 gần trưa vắng xe nên tâm tư ông trầm lắng. Sống trên xứ người tự do chuyện luyến ái cũng như ly dị chia tay dễ dàng như cơm bữa. Không chỉ tỷ lệ cao cho người bản xứ mà ngay cả tầng lớp di dân từ Việt Nam sau 1975. Thử hỏi trong cuộc đời con người chỉ mong ước gặp được người bạn sống đời cùng cầm tay đi hết tuổi thọ. Ông mất khá nhiều bạn bởi họ trách móc: “Tại sao mày qua sức chiều chuộng vợ làm xấu mặt tụi tao?”
Với ông có gì may mắn hơn gặp được người vợ luôn biết hy sinh cả trái tim cho chồng con và cháu. Thử hỏi người chồng lo lắng cho vợ đau ốm làm sao so sánh với người vợ chăm sóc cho mình. Đến tuổi này rồi mà không còn hiểu cái khái niệm đơn giản của hôn nhân là lo lắng cho nhau những lúc hai trái tim cần nhau nhất. Thử hỏi trên đời này có bao nhiêu người thời trai trẻ muốn tìm được người trong mộng. Nhưng khi ván đã đóng thuyền lại tắc trách quên hết lời hứa năm xưa!
Đang đứng chờ tiệm làm phở ông nghe điện thoại rung: “Em cần gì thêm không?”
“Anh ơi! Em chỉ gọi muốn nói ‘I love you!’”
Hơn ba mươi năm qua nghe câu này cả chục ngàn lần nhưng vẫn thấy ấm áp tình yêu.
Đặng Duy Hưng