Helmut K. Anheier,Project – Syndicate ngày 15.11.2024
Đỗ Kim Thêm dịch
Cuộc bầu cử bất ngờ sắp tới của Đức, dự kiến diễn ra vào tháng Hai, sẽ mang đến một cơ hội quan trọng để đất nước thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện tại và tăng cường về mặt an ninh. Nhưng nếu chính phủ tiếp theo muốn thành công, họ sẽ cần phải có một loại tinh thần lãnh đạo chính trị đạt hiệu quả và hành động đầy táo bạo mà vị tiền nhiệm không bao giờ có thể làm được.
Người Đức có câu nói rằng cái kết khủng khiếp còn tốt hơn nỗi kinh hoàng không bao giờ kết thúc. Vào đầu tháng này, nhiều người Đức có lẽ đã cảm thấy như vậy khi chứng kiến việc chính phủ không được lòng dân nhất trong lịch sử cận đại của nước Đức sụp đổ. Cuộc đấu đá chính trị dữ dội xảy ra sau đó không thực sự được mong muốn, nhưng nó vẫn tốt hơn là nhiều cuộc đấu tranh tương tự.
Mặc dù sự sụp đổ của liên minh “đèn giao thông” của Thủ tướng Olaf Scholz – Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đã được dự đoán rộng rãi, nhưng nhiều người vẫn bất ngờ. Chỉ vài giờ sau khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Hoa Kỳ, Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính của mình, Christian Lindner của đảng FDP, và tạo tiền đề cho một cuộc bầu cử bất ngờ, đẩy nước Đức vào tình trạng hỗn loạn chính trị.
Sự bất đồng giữa Scholz và Lindner rất rõ ràng. Scholz kiên quyết cho rằng thâm hụt ngân sách lớn hơn là điều cần thiết để Đức có thể cung cấp viện trợ cho Ukraine (đặc biệt là sau chiến thắng của Trump), tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của đất nước và tài trợ nhiều khoản trợ cấp hơn cho các ngành công nghiệp đang lao đao vì chi phí năng lượng cao. Nhưng Linder đã từ chối gánh thêm nợ, vì Hiến pháp Đức giới hạn thâm hụt cơ cấu ở mức 0,35% GDP mỗi năm – tương đương với khoảng 9 tỷ euro (9,5 tỷ đô la) ngày nay. Mặc dù việc phanh nợ không phải là tuyệt đối – thâm hụt lớn hơn có thể được phép trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19, nhưng Linder không thấy đủ biện minh để vượt qua giới hạn này.
Có lẽ thật hợp lý khi một cuộc tranh cãi về ngân sách đã làm hạ bệ liên minh của Scholz, mà nó đã đoàn kết vào năm 2021 bằng một kế hoạch tái phân bổ các khoản tiền chưa chi đã được dành riêng để ứng phó cho tình trạng đại dịch. Điều này sẽ cho phép ba đảng thúc đẩy các ưu tiên về xã hội và khí hậu của họ mà không làm tăng thâm hụt. Nhưng năm ngoái, Tòa Bảo Hiến Liên bang đã bác bỏ kế hoạch này, trên thực tế, nó đã thổi bay một lỗ hổng 60 tỷ euro trong ngân sách, mà vốn dĩ đã chịu áp lực từ việc giảm thuế doanh thu.
Các kế hoạch cải cách của chính phủ – được thể hiện bằng một thỏa thuận liên minh có tên là “Dám tiến bộ hơn nữa” – đã phản ánh sự hiểu biết về những gì nước Đức cần sau 16 năm trong tình trạng trì trệ tương đối dưới sự lãnh đạo của Angela Merkel. Nhưng một số sáng kiến đã được đưa ra quá vội vàng, và một số khác vẫn đang chờ thực hiện.
Do việc Nga xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022 làm cho một số vấn đề khác đã bị trật đường ray. Sau đó, Scholz tuyên bố rằng Đức đã đạt đến một bước ngoặt (Zeitenwende) đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thời đại trong chính trị và các ưu tiên của Đức. Những áp lực đang cạnh tranh nhau nhằm đạt được tiến triển trong các cải cách mà nó đã được thỏa thuận trước và đạt được sự tái thiết trong chính sách cơ bản – kết hợp với những hạn chế về ngân sách và những khác biệt về ý thức hệ – cuối cùng đã làm chia rẽ liên minh.
Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng Hai sẽ mang đến cơ hội quan trọng để cho Đức cải thiện. Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy là Friedrich Merz, nhà lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) của Merkel, sẽ trở thành Thủ tướng, dẫn đến một liên minh lớn với SDP hoặc một liên minh ba đảng phức tạp hơn. Trong mọi trường hợp, đó sẽ là một chính phủ trung dung với các đảng cực đoan cánh hữu và cánh tả đối lập.
Merz có vẻ sẽ thể hiện tinh thần lãnh đạo mà Scholz không có được, và bổ nhiệm các bộ trưởng nội các giàu kinh nghiệm và thực tế hơn, do đó tránh được những sai lầm về mặt lập pháp mà nó đã làm xói mòn sự ủng hộ cho liên minh trước đây. Nhưng nếu ông muốn đưa nước Đức thoát khỏi cuộc khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng mà nước này đang phải đối mặt – đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động hiện nay – ông sẽ phải tập trung vào bốn lĩnh vực chính.
Đầu tiên là vấn đề phanh nợ. Mặc dù quy tắc này – được Đảng CDU đề ra vào năm 2009 dưới thời bà Merkel – nhằm giúp sự ổn định về tài chính công của Đức được duy trì, nhưng nó cũng làm hạn chế khả năng đầu tư của chính phủ cho tương lai và sớm ứng phó với các cuộc khủng hoảng mới nổi cho có hiệu quả hơn. Mặc dù Merz đã minh xác rằng không ủng hộ việc bãi bỏ điều khoản này, nhưng có thể chấp nhận một sự thỏa hiệp mà nó làm cân bằng những cân nhắc gây tranh cải này. Vì một cuộc cải cách như vậy có thể liên quan đến những tu chỉnh hiến pháp, nó đòi hỏi phải có đa số hai phần ba, nên cần phải có sự đồng thuận rộng rãi giữa các đảng phái.
Ưu tiên thứ hai đối với chính phủ tiếp theo của Đức phải là cải cách cơ cấu. Cần phải hành động trong nhiều lĩnh vực bao gồm giáo dục, cơ sở hạ tầng, hành chính công, nhập cư, chuyển đổi kỹ thuật số và năng lượng – từ lâu, tất cả vấn đề này đều đã bị chính sách bỏ bê hoặc điều tiết quá mức. Không phải tất cả các cải cách cần thiết đều có thể được thực hiện đồng thời, ngay cả với một biện pháp kiềm chế nợ linh hoạt hơn, vì vậy sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và những sự thỏa hiệp.
Sau đó là Liên minh châu Âu – lĩnh vực ưu tiên thứ ba. Cả Đức và Liên Âu nói chung đều đang mắc kẹt trong một loại trì trệ và họ cần nhau để thoát ra. Mặc dù thị trường chung đã tồn tại trong nhiều thập niên, nhưng vấn đề là các nhà lãnh đạo khắp châu Âu vẫn tiếp tục xác định các chính sách kinh tế, tài chính và quản lý của họ cho các lợi ích quốc gia.
Kết quả là có thể dự đoán được: các thị trường tài chính và tập đoàn châu Âu thiếu quy mô cần thiết để cạnh tranh với các đối tác Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Đức tiếp theo phải đối mặt với tình trạng yếu kém này, mà hai cựu Thủ tướng Ý, Mario Draghi và Enrico Letta đã có các khuyến nghị gần đây để hướng dẫn, trước khi chủ thuyết dân túy đang gia tăng ở các quốc gia thành viên Liên Âu, nó khiến cho tiến trình trở nên bất khả thi.
Cuối cùng, chính phủ tiếp theo của Đức phải hành động mạnh mẽ để tăng cường vấn đề an ninh quốc gia. Để đạt được mục đích này, Đức phải thành lập một hội đồng an ninh quốc gia – điều mà chính phủ trước đây đã không làm được do xung đột chính trị. Hơn nữa, Đức phải tăng đáng kể cho chi tiêu quốc phòng – vượt xa ngưỡng 2% GDP theo yêu cầu của khối NATO – và làm cho hoạt động mua sắm công có hiệu quả và đạt mục tiêu hơn. Và phải cải thiện sự phối hợp giữa các lực lượng trong châu Âu. Thay vì chờ đợi bị Trump chỉ trích, Đức cùng với Pháp phải lãnh đạo việc biến chủ quyền chiến lược của châu Âu thành hiện thực.
Nếu Đức vẫn tiếp tục đi theo con đường hiện tại – đấu đá nội bộ và loay hoay tìm cách vượt qua – thì sự suy thoái dần dần của nước này sẽ tiếp tục. Nhưng với tinh thần lãnh đạo chính trị có hiệu quả, đưa ra cả hành động táo bạo và bàn tay vững chắc, nước này có thể vạch ra một lộ trình mới để hướng tới tình trạng an ninh và thịnh vượng hơn.
H. K. A.
***
Helmut K. Anheier, Giáo sư Xã hội học Trường Hertie Berlin và Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công và Phúc lợi xã hội Trường Công vụ Luskin của UCLA.