23-11-2024
Tôi không chúc vụ bác được cái huy hiệu 50 năm gì đó. Tôi chúc mừng bác vì cuối cùng, sau bao nhiêu đồn đoán về sức khỏe, bác xuất hiện như một người khỏe mạnh và thần thái chưa đến nỗi nào. (Năm nay bác Huynh bước sang tuổi 72). Trước đó nghe tin bác về ẩn cư tại khu đô thị Royal City, không thèm tiếp bất cứ ai. Tôi đã định vài lần đến thăm, nhưng thằng bạn thân cả với tôi và bác Huynh nhất định gàn: “Ông ấy đ. tiếp đâu”.
Bác Huynh và tôi có mối quan hệ khá thân thiết. Bác từng là cộng tác viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, khi bác mới là thư kí cho ông Hữu Thọ tổng biên tập báo Nhân Dân. Bình thường nhà trường đều có xe đón đưa giảng viên. Bác Huynh gạt phắt: “Vẽ, quan cách đâu mà phải oai”. Thế là bác tự đến tự về bằng con Dream II, dáng vẻ khá hảo hán! Bác chủ yếu giảng về phóng sự, cho những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày mà Bộ văn hóa bấy giờ giao cho Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức. Bác Huynh hoạt khẩu, luôn hút hồn học viên, nên họ thường yêu cầu bác giảng thêm.
Theo thông lệ, mỗi khi bất cứ khách thỉnh giảng nào lên lớp, Nhà trường cử người tiếp đón chu đáo và nhất định phải có vài lời giới thiệu sơ qua về ông bà giảng viên ấy. Đến bác Huynh, sau khi giới thiệu, để bày tỏ sự trọng thị, tôi bèn ngồi cùng học viên nghe bác giảng. Không phải giảng viên nào tôi cũng ngồi lại. Nhưng lần nào tôi cũng bị bác Huynh “đuổi” ra để, như bác đùa, “Chúng em còn nói phét, chứ anh ngồi chiếu tướng thế bố em cũng chả dám”.
Có lần bác và tôi cãi nhau kịch liệt về hiện tượng bọn trẻ “đi bão” mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng một đội nào đó, đến mức anh em tưởng không nhìn mặt nhau.
Sau này, khi bác Huynh lên Phó tổng biên tập, bác không còn dễ gần như trước. Nhưng bác vẫn nhận lời giảng bài mỗi khi có lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Chỉ có điều thay vì cưỡi con “Dream ghẻ”, bác đến bằng ô tô con của báo. Từ dáng đi, cử chỉ của bác đều oai vệ hẳn lên.
Lần ấy báo Nhân Dân tiếp đón các đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ. Ông Hữu Thọ đích thân đứng đón khách, bắt tay từng người một. Tôi ngồi dự một lúc thì bỏ về. Trên đường ra khỏi báo, tôi phải đi qua chỗ bác Huynh ngồi làm việc. Tôi không nhìn thấy bác nhưng bác nhìn thấy tôi. Bác bèn ra hẳn bên ngoài thân thiết bảo: “Duy Anh, vào đây uống trà với anh đã, vội gì”. Tôi bước vào căn phòng khá nhỏ và bày biện sơ sài. Bác Huynh pha trà xong, rót mỗi anh em một chén, nhìn tôi tủm tỉm: “Chú em thấy anh độ này thế nào?” Tôi đáp luôn: “Rất vượng”. Bác cúi xuống cười: “Mày chỉ khéo động viên anh”. Tôi lại nói luôn: “Đại hội tới anh sẽ vào nhà đỏ”. Lần này bác cười to: “Chú vẫn không chừa được thói chọc ngoáy. Trong mấy hội nghị họ định “đánh” chú, anh đều đứng ra bênh. Anh bảo thằng ấy nó ngang nhưng tốt, có tài. Không chọc ngoáy bất thành Duy Anh”. (Chỗ này thì bác Huynh nhầm, vì tôi không thích theo trường phái chọc ngoáy hay chửi đổng!) Đến lượt tôi cười to. Tôi thấy bác Huynh phấn khởi ra mặt, dù bác bảo với tôi: “Cảm ơn chú, mong thế, nhưng khó lắm chú ạ”.
Thế quái nào mà gần hai năm sau, bác Huynh trúng Ủy viên trung ương thật. Bác bèn nhớ đến tôi, trực tiếp gọi điện mời tôi lên báo Nhân Dân uống trà. Tôi nhận lời. Nhưng gặp nhau tôi nói luôn: “Hôm nay em chỉ ngồi với anh 15 phút thôi”. Bác Huynh hỏi lại: “Sao?” Tôi đáp tắp lự: “Từ giờ bác là người khác, bác là quan lớn, em xin được tránh xa như tránh trước một tai họa!”. Tôi nói bằng giọng đùa đùa, nhưng cũng khiến bác Huynh tự ái. Tuy vậy, có lẽ do vừa thắng giòn giã, nên bác rộng lượng không chấp, mà chỉ bảo: “Mày định giữ cái thói ấy đến khi nào…”
Hôm đó khi tôi uống hết nửa chai vang và đứng dậy, gần ba tiếng đã trôi qua. Bác Huynh kịp kể cho tôi vài chuyện khi bác cắp tráp theo hầu cụ Đỗ Mười, mà sẽ có dịp tôi kể lại, giờ chưa phải lúc.
Bác Huynh và tôi sau đó vẫn thỉnh thoảng gặp nhau nhưng không còn vồ vập. Tôi chủ động lạnh lùng tạo khoảng cách, khiến có lần thoáng nhìn thấy tôi, đang ngồi trên xe ô tô, bác cử một thằng bạn tôi làm ở Ban văn nghệ báo Nhân Dân, tìm cách mời tôi lên chỗ bác. Bác dặn thằng bạn tôi thế này: “Thằng Duy Anh nó khí khái, ngang tàng nhưng nhân cách đàng hoàng, nó là nhân sỹ, chú phải khéo nói một tí”.
Nhưng lời mời đã không đến tai tôi, do chính thằng bạn ngại tôi từ chối. Nó mà không kể lại thì làm sao tôi biết được.
Cũng chính thằng bạn kể lại lần ấy bác Huynh gọi nó lên, yêu cầu đọc kỹ truyện ngắn cho thiếu nhi của tôi đăng trên số Tết báo Nhân Dân (bác Huynh trực tiếp mời tôi gửi bài). Truyện có tên “Không thắng không thua” kể về bọn trẻ chơi chọi gà. Cả hai bên đều hào hứng cổ vũ và hy vọng con gà của mình sẽ “ăn gỏi” con gà của đối phương. Nhưng khi hai con gà mà mỗi bên chăm sóc cẩn thận được thả vào sới đấu, thì chúng cứ vươn cao cổ nhìn nhau. Rồi bất ngờ hai đấu sĩ ngoặc cổ vào nhau rồi cùng nằm xuống, con nọ rỉa lông cho con kia.
Truyện đại khái thế, dung lượng hơn ngàn chữ.
Chắc có ai đó suy diễn đểu, khiến bác Huynh giật mình. Bác nói với bạn tôi: “Thằng Duy Anh nó thâm lắm, sắp đại hội, ngộ nhỡ nó ám chỉ chuyện đấu đá nội bộ thì lại mệt”.
Chỉ đến khi bác Huynh có chân trong Bộ chính trị, phụ trách Ban tuyên giáo, sau đó lên thường trực, tôi mới tránh hẳn. Vụ xuất bản “Chuyện ở nông trại” (Trại súc vật) bác Huynh vặt ông Hữu Thỉnh ra bã khiến ông quay sang vặt lại chúng tôi như có lần tôi đã kể. Rất có thể, vì có dính đến tôi, thậm chí biết tôi là “kẻ chủ mưu”, nên bác Huynh sau đó lờ đi. Bác Huynh vẫn công khai bảo vệ tôi, chuyện đó tôi biết từ lâu và không có gì phải nghi ngờ.
Rồi nghe tin bác bị bệnh, phải đi viện và từ đó bác đi một lèo, mất toi chức thường trực vào tay người khác. Bác là trường hợp rất đặc biệt của chính trường Việt: Không bị kỉ luật nhưng mất chức mà không ai biết lý do. Mọi người chỉ biết khi hết khóa, bác Huynh mặc nhiên không được nhắc tới. Thậm chí ngay cả cái thông báo bác về hưu hình như cũng không có.
Chúc bác đủ sức nhận cái huy hiệu 90 năm gì đó…
Nguồn: Tiếng Dân