Trả thù xã hội tàn bạo: Trung Quốc đang sụp đổ từ bên trong?

Lê Minh

Tối 11/11 tại Quảng trường Thể thao Toàn dân Chu Hải, thành phố Quảng Đông, Trung Quốc. Người dân địa phương đang tập thể dục như mọi ngày. Nhiều nhóm đi bộ đường dài đang bình thản tập luyện. Bỗng bất ngờ xuất hiện một chiếc xe hơi địa hình màu trắng lao thẳng vào đám đông với tốc độ cao, đám đông bị bắn tung ra, bị ủi văng đi, người chết, người gãy tay chân, người thổ huyết… cảnh tượng thật kinh khủng. Chiếc xe của hung thủ sau khi gây án lập tức tẩu thoát để lại sau lưng một vệt máu dài. Hung thủ bị cảnh  bắt sau khi cố gắng tự sát bằng dao và bị trọng thương. Sau đó tại hiện trường, người ta phải dùng vòi cao áp mới có thể tẩy đi vết máu. 

Vụ việc kinh khủng đến mức Trung Nam Hải phải ban hành chỉ thị “đề phòng nghiêm ngặt những trường hợp cực đoan”.

Mặc dù vậy, đây không phải là vụ trả thù xã hội lần đầu tiên ở Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Chỉ riêng vài tháng gần đây đã có hàng loạt vụ tai nạn lái xe và dùng dao đâm chết người bừa bãi, gây chấn động. Vào tháng 7 ở Trường Sa (Hồ Nam), một chiếc ô tô lao vào người qua đường, khiến 8 người thiệt mạng; Khoảng 21:47 ngày 30/9 năm nay, Lâm Vệ Hổ (Lin Weihu, 37 tuổi) cầm dao đâm người bừa bãi tại trung tâm thương mại Walmart ở quận Tùng Giang, Thượng Hải, khiến 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương.

Cũng trong tháng 9, một trẻ em Nhật Bản đã thiệt mạng vì bị dao đâm khi trên đường đến trường ở Thâm Quyến, cách Chu Hải khoảng 155 km; tháng 10, một người đàn ông đã thực hiện vụ tấn công bằng dao tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, khiến 3 người thiệt mạng tại chỗ và 15 người khác bị thương v.v. Trả thù xã hội dường như càng ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Đâu là nguồn gốc cho những hiện tượng cực đoan đáng báo động này?

Tại sao lại trả thù xã hội?

Khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, số người bị coi là “ngũ thất” (bao gồm thất bại trong đầu tư, thất vọng trong cuộc sống, bất hòa trong các mối quan hệ, mất cân bằng tâm lý và tinh thần thất thường) ngày càng gia tăng, dẫn đến việc liên tục xảy ra các vụ trả thù xã hội.

Hung thủ họ Phàn trong vụ đâm xe ở Chu Hải ngày 11/11 vừa rồi là một người đàn ông 62 tuổi gây án với nguyên nhân bất mãn với kết quả phân chia tài sản sau ly hôn. Tài xế Lâm Vệ Hổ gặp khó khăn kinh tế trong thời gian dài do bị nợ lương v.v. Nói chung, những hung thủ này đa phần đều gặp bế tắc tâm lý hay hoàn cảnh sống.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao những người dân thường xa lạ không liên quan lại phải chịu trách nhiệm cho những bế tắc của thủ phạm? Theo suy luận thông thường thì rất khó cắt nghĩa hành vi trả thù cuồng loạn của những người này.

Chẳng hạn, khi Bin Laden của tổ chức Al-Qaeda gây nên vụ khủng bố ngày 11/9/2001 giết hại hàng nghìn người Mỹ và khiến hàng chục nghìn người bị thương, chúng ta đương nhiên phản đối hành vi đồ sát tàn ác này, song theo suy luận thông thường, ít ra ta cũng nắm được lý do của thủ phạm. Al-Qaeda và Bin Laden cho rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Israel, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Arab Saudi và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iraq là nguyên do chính dẫn đến hành vi giết chóc người Mỹ này. Al-Qaeda và Bin Laden thù Mỹ nên trả hận Mỹ.

Hoặc khi khủng bố Hamas ôm bom cảm tử để chết cùng với người dân Israel, hay là cuộc thảm sát ghê rợn ngày 7/10/2023 của Hamas gây nên cái chết của hơn 1000 người Israel và hàng trăm người khác bị bắt cóc v.v. thì chúng ta cũng nắm được cái lý luận của họ. Đó chính là chủ trương tiêu diệt đến người Israel cuối cùng và niềm tin về cái chết được tưởng thưởng của những tín đồ Hồi giáo cực đoan. Hamas thù Israel nên trả hận quốc gia này.

Nhưng các vụ trả thù xã hội ở Trung Quốc thực ra không có mối thù trực tiếp giữa thủ phạm và nạn nhân, nhưng lại có hận. Hận mà không vì thù là một tâm lý biến thái mà ĐCSTQ (CCP) tạo nên trong xã hội Trung Quốc đương đại.

Một “Trung Quốc mới” được kiến lập bởi hận

“Hận” và “thù hận” là khác nhau. Thù hận là vì thù mới sinh ra hận, là có lý do, có nguyên nhân; nhưng hận là vô duyên vô cớ, đây là một tâm lý hết sức tà ác vô lối.

Chính quyền Trung Quốc ngay từ ban đầu chính là dùng hận để lập quốc, dùng ác để trị quốc. Hãy xem những cuộc vận động chính trị từ sau năm 1949 chẳng hạn như Cải cách ruộng đất & trấn áp phản cách mạng; Tam phản & Ngũ phản; Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng; Đại Cách mạng Văn hóa v.v. thực ra là xây dựng năng lượng hận cho mỗi người dân đối với mỗi một nhóm người cụ thể trong xã hội, đó có thể là địa chủ ở nông thôn, hay chủ tư bản ở thành phố hoặc trí thức trên toàn quốc v.v.

Cái “chủ nghĩa yêu nước” được tuyên truyền mạnh mẽ ấy, kỳ thực là “chủ nghĩa của hận”. Yêu nước được đánh đồng với yêu CCP, thế tức là phải theo CCP mà hận. CCP chỉ tay vào đâu, người dân phải theo đó mà hận. Trong quá trình đó, khẩu hiệu tuyên truyền “Cắn kẻ thù, cắn hận thù, nhai nát thật mạnh kẻ thù mà nuốt xuống…” không ngừng được lặp đi lặp lại trên khắp Trung Quốc. Hận được đưa hẳn vào trong giáo dục, gọi là giáo dục lòng căm thù.

Khi năng lượng hận của mỗi người dân lớn lên, thì nền tảng sức mạnh của CCP xây nên từ hận cũng lớn lên. Nó cho họ tính chính danh của một tổ chức đoàn kết các lực lượng giữ gìn thể diện cho Trung Quốc bằng hận. Nước “Trung Quốc mới” theo cách gọi của CCP, chính là được CCP kiến lập nên từ hận.

Về sau này, sau những năm cải cách mở cửa, hận tiếp tục được chuyển dịch sang những đối tượng mới cả ở quốc ngoại và quốc nội. Yêu nước Trung Quốc, yêu ĐCSTQ nghĩa là phải hận nước Mỹ, hận Tây phương, hận Nhật Bản, hận Đài Loan, hận Tây Tạng, hận xã hội tự do, hận giá trị phổ quát của thế giới, hận những người tốt tu luyện “Chân-Thiện-Nhẫn”, hận tất cả những người bị cho là “thù địch” của Trung Quốc v.v. 

“Hận” và tâm tật đố có sự liên kết mật thiết, tâm tật đố sinh ra chủ nghĩa bình quân tuyệt đối, chính là không cho phép bất cứ ai giỏi hơn, giàu có hơn bản thân, hận tất cả những người ưu tú và những việc xuất sắc.

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, CCP đã dốc toàn lực để rót hận vào tâm lý con người Trung Quốc, làm nó trở thành một bộ phận cấu thành nên sinh mệnh con người, để nó kích phát những thứ xấu ác của nhân tính, như tật đố, tranh đấu, bạo lực, khát máu, v.v. 

Chẳng hạn, vì hận nên mới tôn sùng “văn hóa sói”. 

Thứ “văn hóa sói” này vào năm 2005 đã ngập tràn khắp Trung Quốc. Cuốn sách thuận theo trào lưu “văn hóa sói” với tựa đề “Linh hồn của Sói” có viết: “Không học theo sói không được sao? Không được. Vì sao vậy? Bởi vì trong thị trường cạnh tranh sinh tồn một mất một còn, kẻ thắng là vua, kẻ bại là giặc, nếu trong tâm giữ sự lương thiện, nhất mực từ tâm nương tay với đối thủ cạnh tranh, vậy thì sẽ bị đối phương nuốt sống một cách không kiêng dè gì.”

Bởi vậy, trong môi trường xã hội Trung Quốc, dường như mỗi người đều bị nhuốm trong hận, hầu như đều có một loại hận vô duyên vô cớ. Chỉ cần có lý do kích động quấy nhiễu, thì bật nổ như chai champagne bị lắc mạnh.

Đến đây, ta mới giải thích được các phong trào bài ngoại mà CCP đứng sau giật dây. Năm 1999 phản Mỹ, năm 2005 phản Nhật, năm 2008 phản Pháp, năm 2012 phản Nhật, năm 2017 phản Hàn. Nhiều ô tô Nhật, Hàn, siêu thị Pháp, cửa hàng KFC Mỹ đã bị đập phá, cướp bóc. 

Cũng có thể giải thích được chính sách ngoại giao sói chiến một thời của CCP.

Cũng lại giải thích được vì sao các tiểu phấn hồng, đội quân 50 xu, hay các dư luận viên trên mạng hay ngoài đời, ở quốc nội hay hải ngoại của nhà nước Trung Quốc dùng lời lẽ thô lỗ tục tĩu để thóa mạ hay đe dọa bất cứ ai, trong hay ngoài nước, đối lập với CCP.

Như vậy thì việc tìm kiếm động cơ của những vụ trả thù xã hội ở Trung Quốc đã có manh mối rồi đây. Là vì một chữ “hận” vô cùng đáng sợ.

Oan có đầu, nợ có chủ – sao lại trả thù nạn nhân?

Tối 23/10, một chiếc xe trộn bê tông đã đâm vào nhiều phương tiện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Một đoạn video lan truyền trên mạng nghi là quay trên xe gây ra vụ tai nạn cho thấy tài xế liên tục hét lên “ĐCSTQ không cho tôi sống, thì tôi giết người.” Các nhân chứng cho biết, chiếc xe gây tai nạn “đi ngược chiều và đâm vào hơn 50 xe”.

Ở thế giới bên ngoài với lối tư duy thông thường, người ta thấy điều này thật kỳ lạ. Tại sao thù CCP nhưng lại trả hận người dân? Song hận là quan hệ mật thiết với tâm tật đố, kẻ trả thù xã hội đã ôm hận lại tật đố không muốn ai hơn mình. Một khi họ tìm đến cái chết, họ cũng không muốn người khác được sống, họ cũng không nghĩ đến khía cạnh nạn nhân của người dân đang cùng chia sẻ nghịch cảnh với họ.

Đây là điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc.

Ở cuối mỗi triều đại Trung Hoa xưa, khi chính trị đổ nát, hôn quân gian thần lộng hành, xã hội xuất hiện bất công hay tai họa khiến người dân khổ sở, thì sẽ có những lực lượng chống lại triều đình để tái lập sự công bằng và hòa bình cho thiên hạ. Chẳng hạn, những lực lượng của Hạng Vũ, Lưu Bang chống lại nhà Tần; lực lượng của Lưu Tú chống lại nhà Tân; Lực lượng của Lý Uyên chống lại nhà Tùy; Lực lượng của Lý Tự Thành chống lại nhà Minh v.v. Ngay cả trong tiểu thuyết Thủy Hử thì 108 anh hùng Lương Sơn Bạc khởi nghĩa để “thay Trời hành Đạo” tức là chống lại triều đình, chứ không chống lại nạn dân mà họ đặt cho mình cái sứ mệnh cứu vớt.

Trong Thủy Hử, có những kẻ anh hùng giữa đường thấy chuyện bất bằng mà tha, ra tay trừng trị ác nhân để cứu vớt nạn dân, chẳng hạn như Lỗ Đề Hạt vung 3 đấm đánh chết tên bán thịt Trịnh Đồ để cứu cha con Kim Thị bị lừa gạt. Dẫu chẳng phải là tấm gương hành xử cho đời, cũng vẫn thể hiện sự ân oán phân minh của người. 

Người xưa có câu “Oan có đầu, nợ có chủ”. Hỏi ai gây nên oan khuất cho dân, ai nợ dân cuộc sống yên bình? Cổ nhân Trung Hoa nhìn nhận mọi việc đen trắng phân minh, nhiều người Trung Quốc ngày nay tâm chứa đầy hận, tâm lý phức tạp méo mó đã khiến họ trở nên hồ đồ mù quáng.

Nhớ lại, khi kinh tế tăng trưởng, tiền kiếm được tương đối dễ dàng do đầu tư nước ngoài rơi xuống như mưa trên ruộng hạn, thì nhiều người Trung Quốc có tâm lý mang ơn CCP, chứ không ơn người dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất.

Khi kinh tế suy bại, nguồn sống càng bị bóp nghẹt, nhiều người Trung Quốc thấy khổ quá muốn chết bèn túm lấy nạn dân để bắt đền, chứ không tố cáo CCP – nguồn gốc của mọi khổ nạn.

Thật không giống tâm thái con người bình thường nữa!

Nếu còn Văn hóa truyền thống thì có người trả thù xã hội hay không?

Sau khi CCP nắm quyền ở Hoa lục năm 1949, Văn hóa truyền thống là đối tượng bị tiêu diệt thông qua các cuộc vận động chính trị, mà đỉnh cao là Đại Cách mạng Văn hóa từ 1966 – 1976. Sau đó, CCP tiếp tục xuyên tạc văn hóa truyền thống thông qua giáo dục, truyền thông, điện ảnh v.v. đến nay, đại bộ phận người dân Trung Quốc ở quốc nội hầu như không còn giữ được nội hàm của Văn hóa truyền thống trong lịch sử 5000 năm văn minh Trung Hoa, nó đã bị đánh tráo theo quan niệm méo mó của văn hóa ĐCSTQ. 

Giả sử Văn hóa truyền thống Trung Hoa vẫn còn nguyên vẹn, chắc chắn sẽ không có chuyện trả thù xã hội như hiện nay. Vì sao?

Văn hóa truyền thống Trung Hoa kiến lập trên nền tảng Tam giáo Nho – Phật – Đạo. Nho giáo coi trọng chữ Hòa, sự hòa hợp, hòa ái. Phật giáo lại nói về Nhân Quả, gieo nhân thiện, gặt quả lành, gieo nhân ác gặt quả báo. Còn Đạo giáo nói về thanh tĩnh vô vi, về việc thuận theo tự nhiên mà không tranh đấu. Đâu có chỗ cho chữ hận.

Người Trung Hoa xưa theo văn hóa truyền thống có quan niệm rằng “trên đầu 3 thước có Thần linh”, họ hiểu rằng Thần Phật ở mọi nơi và đang chú mục theo dõi nhất cử nhất động của họ. Cổ nhân nói “Nhân gian nói thầm, Trời nghe thấy như tiếng sấm”, “trong phòng tối mắt Thần như điện”. Một khi đã hiểu vậy, ma tính sẽ bị kiềm chế tối đa nên khó phát tác hơn.

Văn hóa truyền thống cũng dạy người ta lòng bao dung. Khoảng 2500 năm trước, đức Khổng Tử dạy học trò rằng nếu người ở xa không phục thì “sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ được yên ổn.” Nền văn hóa với những triết gia vĩ đại này đã sản sinh những bậc quân chủ và những nhân sĩ với lòng bao dung rộng lớn như Tề Hoàn Công, Tần Mục Công, Ngụy Văn Hầu… cho đến Hán Văn Đế, Đường Thái Tông, Khang Hi v.v. mà đến nay tấm gương của họ vẫn có thể được đối chiếu trong chính sử.

Lâm Tắc Từ, danh thần – lương tướng nhà Thanh có câu: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào.

Cổ ngữ Trung Hoa cũng có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói là một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.

Cái hận hẹp hòi sẽ tan biến trong lòng bao dung như biển của Văn hóa truyền thống.

Trong những năm gần đây, phong trào Pháp Luân Công với tôn chỉ “Chân – Thiện – Nhẫn” chính là giúp khôi phục Văn hóa truyền thống Trung Hoa, trong đó Chân được hiểu đơn giản nhất là thật: nói thật, làm thật; Thiện tạm hiểu là lương thiện, là tình thương; Nhẫn tạm hiểu là lòng bao dung, sự nhẫn nại.

Hận mà gặp Chân – Thiện – Nhẫn thì sẽ tan biến, đó là thực tế đã diễn ra ở xã hội Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 1999 với khoảng 100 triệu người tu luyện thực hành Chân – Thiện – Nhẫn. Nhưng nếu hận trong mỗi người dân tan biến, thì nền tảng sức mạnh hắc ám của CCP chẳng phải sẽ tan biến theo? Bởi vậy, sự kiện bức hại Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân chỉ đạo đã bùng nổ vào tháng 7/1999 đến nay chưa dứt. Chính là CCP bức hại Chân – Thiện – Nhẫn để tăng cường năng lượng hận đang bị yếu đi.

Trung Quốc ngày nay là quán quân đâm người, trên biển thì đâm ngư dân láng giềng, trên đất liền thì đâm xe đâm dao vào chính người dân của mình. Hết thảy là vì hận. Khi nào thì người Trung Quốc không còn phải lo ngay ngáy khi ra đường bởi những vụ trả thù xã hội như thế này nữa? Chắc hẳn đó là khi mà CCP không còn, Văn hóa truyền thống quay trở lại, lúc đó dân Trung Quốc thở phào, láng giềng cũng được bình an. Làm thế nào để CCP sụp đổ? Không phải nhờ bạo loạn, lật đổ, mà chỉ cần mỗi người dân Trung Quốc nhận ra sự thật về nó và không thừa nhận nó, để tự hóa giải cái hận trong mình, như mỗi người rút ra một que củi cháy đã tự nguyện góp vào, thì đám cháy lớn CCP sẽ tiêu tan. 

Theo Lê Minh, Tri thức mới

Related posts