Trần Hạ Vi
1-12-2024
Mấy ngày nay rộ lên thông tin sư Minh Tuệ đi Ấn Độ, đặc biệt là sau bức tâm thư của thầy xin được giúp đỡ, hỗ trợ về mặt giấy tờ để có thể đi Ấn Độ thăm viếng những thánh tích của Phật Giáo, như là một tâm nguyện trước đây của thầy.
Sau những thất vọng về việc hiện tại thầy sẽ không đi khất thực nữa, cộng đồng mạng, cộng đồng Phật tử và những người ủng hộ sư Minh Tuệ rộn ràng nô nức trước tin thầy sẽ (có thể) đi Ấn Độ. Thầy Minh Tuệ đã nói sẽ đồng hành cùng TS Đoàn Văn Báu. Sau đó có tin thầy Phước Nghiêm, Phật giáo Hòa Hảo cũng sẽ đồng hành. Rồi YouTuber Lê Khả Giáp, người đã có nhiều kinh nghiệm đi bộ xuyên quốc gia, cũng sẽ đồng hành cùng thầy Minh Tuệ.
Ngoài những cái tên nổi bật như trên thì cộng đồng mạng cũng đang xôn xao chuẩn bị, các YouTubers chuẩn bị đi theo quay clip, người đi theo bảo hộ, người đi ủng hộ tinh thần. Người không đi theo được xuyên suốt thì dự định đi một quãng. Người ở nhà không đi được thì gửi tiền của vật chất trợ giúp người đi bảo hộ, quay clip v.v… Nói chung thầy Minh Tuệ chỉ cần cất bước là sẽ có một đoàn rồng rắn đi theo, tất nhiên chắc cũng sẽ có an ninh chìm Việt Nam đi theo để bảo đảm an toàn.
Tuyến đường đi bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ sẽ đi qua các nước sau: Hoặc Lào, hoặc Campuchia (tùy chọn cửa khẩu nào), Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ. Người cầm hộ chiếu Việt Nam được miễn thị thực ở Lào, Campuchia, Thái Lan (visa cấp tại cửa khẩu được ở một tháng), và phải xin visa khi đi sang Myanmar và Ấn Độ.
Nếu nhìn theo tình hình như thế, sẽ rất tiện cho cộng đồng mạng đi theo thầy, ít nhất là một đoạn sang Lào/ Campuchia và Thái Lan. Chỉ tính đến đây đã thấy số người đi theo thầy Minh Tuệ chắc phải lên đến hơn chục người, vài chục người. Nếu kể những người không đi xuyên suốt (tức là chỉ đi theo 1-2 ngày rồi về) thì đoàn chắc có thể lên đến trăm người hơn. Chưa kể là chuyến đi có thể thu hút nhiều người biết đến thầy Minh Tuệ (không hẳn chỉ là người Việt, không hẳn chỉ ở Việt Nam, cũng không hẳn tôn giáo phải là Phật Giáo) đi theo đoàn. Đây sẽ là một chuyến hành hương lịch sử, nếu nó xảy ra.
Về mặt chính quyền Việt Nam, thì chính quyền coi như đã đẩy một củ khoai nóng ra khỏi tay, không phải lo giám sát bảo hộ an ninh ở Việt Nam nữa. Đây xét ra cũng là mong muốn của chính quyền ngay từ đầu, và mong muốn của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Ngay từ tháng 5/2024, lúc trend về thầy Minh Tuệ đang rất nóng trên mạng xã hội, đã có thông tin đồn đoán thầy sẽ đi Ấn Độ. Thậm chí vào ngày 8/6/2024, trong clip thầy Minh Tuệ nhận căn cước công dân (CCCD) ở Gia Lai, anh thượng tá khi trao đổi đã hỏi thầy có muốn đi Ấn Độ không, và trao CCCD nói là thầy có thể đi tàu xe, máy bay v.v… như là quyền lợi của người có CCCD. Vậy chuyến đi này có thể xem là ‘hợp ý chính quyền’. Về Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thầy đi khỏi Việt Nam một thời gian là như gỡ được cái gai trong mắt, để họ tiếp tục chiêu nạp tín đồ đến chùa chiền cúng dường như cũ.
Tuy nhiên, nghĩ xa hơn một chút, sư Minh Tuệ đi Ấn Độ thực ra sẽ không làm cho người Việt Nam quên lãng sư mà chuyến đi này có thể trở thành một cuộc hành hương lịch sử cho Phật giáo Việt Nam, và cả Phật giáo thế giới. Một người đầu trần chân đất, ba y một bát, đi khất thực một ngày một lần và đi bộ từ Việt Nam sang thăm viếng thánh địa Phật Giáo ở Ấn Độ sẽ là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người đi theo, tìm hiểu. Sức ảnh hưởng của thầy Minh Tuệ sẽ không ngừng lại ở Việt Nam mà vươn ra thế giới. Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar đều là những nước có đông đảo tín đồ Phật Giáo, nên chuyến đi của thầy sẽ được nhiều ủng hộ và thêm nhiều người biết đến.
Theo số liệu thống kê của ChatGPT, ước lượng ở Lào có 4.9 triệu Phật tử (66% dân số), Campuchia có 15 triệu Phật tử (96% dân số), Thái Lan có 66 triệu Phật tử (93% dân số), Myanmar có 40 triệu Phật tử (88% dân số). Đa phần là theo Phật giáo Nguyên thủy. Tuy Ấn Độ hiện tại chỉ có khoảng 10 triệu tín đồ Phật Giáo (0.7% dân số), nhưng số người đi theo ủng hộ và hành hương theo đoàn chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể sau khi đi qua những quốc gia Lào/ Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Không loại trừ là sẽ lên tới vài trăm hay vài ngàn người.
Nói thêm về những chuyến hành hương tôn giáo trên thế giới, ở Việt Nam không có hành hương tôn giáo nên người Việt thấy mới lạ, chứ những tôn giáo khác có nhiều chuyến hành hương rất lớn, mỗi năm. Thường niên có khoảng 20 đến 25 triệu người theo Ấn Độ giáo hành hương về Varanasi để tắm gội ở sông Hằng nhằm thanh tẩy tội lỗi, giải thoát và tưởng nhớ cầu nguyện cho tổ tiên. Mỗi năm cũng có khoảng 2.5 đến 3 triệu người theo Hồi giáo tham gia hành hương Hajj đến thánh địa Mecca, Ả Rập Xê út. Đây là chuyến hành hương rất quan trọng mà mỗi tín đồ Hồi giáo được khuyên là phải tham gia ít nhất một lần trong đời.
Đối với những thánh tích của Đức Phật ở Ấn Độ, mỗi năm cũng có khoảng 7 đến 10 triệu người hành hương thăm viếng. Vậy thì, việc thầy Minh Tuệ có một chuyến hành hương đến đất Phật cũng không phải là việc hy hữu. Tuy không phải tất cả mọi người đều đi bộ xuyên suốt trong những chuyến hành hương đã được kể trên, nhưng mọi người thường đi bộ một thời gian khi đến gần các thánh tích. Đồng thời, chuyện sắp xếp bảo vệ cho các đoàn hành hương cũng là chuyện quen thuộc đối với những nước như Ấn Độ nên không có gì phải quá bối rối bỡ ngỡ như ở Việt Nam.
Không biết hiện tại chính quyền Việt Nam đang nghĩ gì sau khi các báo đã đồng loạt gỡ tin thầy Minh Tuệ sẽ đi Ấn Độ? Chính quyền đang… suy nghĩ lại? Thiển nghĩ, chính quyền cứ để cho sư Minh Tuệ đi, chỉ cần bảo hộ an ninh trật tự đến cửa khẩu sang Lào hoặc Campuchia (tùy đường đi) rồi sau đó là họ khỏi phải lo lắng nữa. Đây cũng là minh chứng cho việc chính quyền tôn trọng quyền thực hành tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Đồng thời, đây là quyền di chuyển du lịch hợp pháp của một công dân Việt Nam.
Với chuyến đi này, có thể tầm ảnh hưởng của thầy Minh Tuệ sẽ càng lớn hơn, và biết đâu chuyến đi này có thể góp phần chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và thậm chí trên thế giới. Là việc tốt lành thay. Cũng là một dấu ấn sáng ngời và niềm tự hào cho Phật Giáo Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Mong nhiều thuận lợi và phước lành cho sư Minh Tuệ và đoàn đi cùng trong chuyến hành hương lịch sử này.
Nguồn: Tiếng Dân