Lâm Bình Duy Nhiên
4-12-2024
Những ngày qua, cộng đồng mạng lại dậy sóng với nhiều tranh luận, tranh cãi đôi khi gây gắt nhưng thiết nghĩ lại rất cần thiết cho cái gọi là tự do suy nghĩ/ngôn luận của người Việt.
Trong thế giới thực, cuộc sống thực tại Việt Nam, ít ai dám ra mặt tranh luận, chỉ trích hay phản bác với nhau vì đơn giản chính quyền sẽ bóp nghẹt cái quyền tự do căn bản ấy. Mọi chỉ trích sẽ có thể bị đe doạ, khủng bố và uy hiếp, thậm chí tù đày. Xã hội thực từ lâu đã trở thành một nhà tù lộ thiên và nhà cầm quyền thừa biết họ có dư khả năng để kiểm soát mọi thái độ và hành động của người dân.
Ngược lại, trong cái “thế giới ảo” , không gian mạng như Facebook hay các mạng xã hội khác, không ít người dân sẵn sàng bày tỏ thái độ đối lập với nhà cầm quyền một cách dễ dãi hơn. Họ chê bai hay chỉ trích chính quyền nhiều hơn, mạnh dạn hơn, rất có thể dưới những tài khoản thực sự ảo. Họ cũng không ngần ngại tranh luận hay bảo vệ các quan điểm chính trị, lịch sử và tôn giáo một cách tự do và thoải mái hơn.
Khi thế giới thật bị kiểm soát và khủng bố, người ta tìm đến tự do trong không gian ảo, đó là điều dễ hiểu. Đó cũng là bước đầu cho sinh hoạt cộng đồng trong một thế giới dân chủ và tự do, một môi trường bắt buộc Việt Nam, sớm hay muộn phải hướng đến một cách ôn hoà.
Các cuộc tranh luận, tranh cãi về một nhân vật tù nhân lương tâm nổi tiếng hay “ăn mày dĩ vãng” của một “thương phế binh VNCH” là cần thiết trong bối cảnh bế tắc về tự do ngôn luận tại Việt Nam. Tranh luận để có thể hiểu nhau, để có thể thấy được bản chất sự việc không hề đơn giản. Đó cũng là nguyên tắc của thế giới đa nguyên.
Những tranh luận hay những sự ồn ào ấy cho chúng ta thấy một điểm sáng, cộng đồng không vô cảm. Đó là niềm hy vọng cho một sự thay đổi tích cực tại Việt Nam.
Và một khi đã là những “tên tuổi” hay “người của công chúng” thì phải chấp nhận và phải can đảm đương đầu với mọi chỉ trích hay phản biện.
Bên cạnh đó, thời buổi toàn cầu hoá, thông tin phong phú và đa dạng, những tên tuổi có chỗ đứng nhất định trong xã hội cần cẩn thận trong các phát biểu. Tự cao, ngạo mạn hay khoe khoang quá đáng, rất dễ bị cộng đồng “bắt bài”. Bằng cấp dỏm, thành tích phóng đại, nhân cách hay đạo đức thần thánh,… sẽ bị phơi bày ra ánh sáng một cách nhanh chóng!
Chính quyền cộng sản không ngây thơ. Họ biết những điểm yếu, những “cái phốt” của các tên tuổi tại Việt Nam. Họ vẫn im lặng và quan sát cuộc chơi, cứ xem những màn chúc tụng nhau, tâng bốc nhau của các khuôn mặt nổi tiếng. Họ cứ để đó, họ cho tự do, nhưng nếu cần, đặc biệt khi bị đe doạ, họ sẽ phơi bày tất cả những “cái phốt” chết người của các nhân vật ấy!
Nhà nước chấp nhận sự dễ dãi, sự chỉ trích có chừng mực của các tên tuổi đối lập, thậm chí tạo điều kiện cho họ lên tiếng, vì Việt Nam cần tạo ra cái bức bình phong tự do giả tạo cho thế giới bên ngoài. Nhưng “Big Brother is Watching You”.
Suy cho cùng, chính bộ máy an ninh của chế độ mới là kẻ kiểm soát cuộc chơi, từ xã hội thật đến thế giới ảo.
Bởi vì, không có gì tồi tệ và tàn bạo bằng một thể chế độc tài, toàn trị…