Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc

Nguồn: Lizzi C. Lee, “Xi Jinping Doesn’t Have an Answer for China’s Demographic Crisis,” Foreign Policy, 28/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lời kêu gọi về “dân số chất lượng cao” đã bỏ qua những vấn đề thực sự của đất nước.

Bài viết gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên Cầu Thị, tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản chuyên định hướng ý thức hệ và chính sách cốt lõi, đã xem những thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc là một cơ hội chiến lược. Bài viết đưa ra tầm nhìn chi tiết nhất cho đến nay của Tập để giải quyết tình trạng dân số già hóa của đất nước: chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động, do dân số thúc đẩy, sang nền kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới, giáo dục, và năng suất. Tuy nhiên, ẩn sau những lời lẽ hoa mỹ là một khái niệm quen thuộc và gây tranh cãi: nhân khẩu tố chất, hay “chất lượng dân số.”

Khái niệm tố chất từ lâu đã là nền tảng của chính sách Trung Quốc, định hình các cuộc tranh luận về mọi thứ từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe. Ngoài mặt, nó ủng hộ việc bồi dưỡng một dân số khỏe mạnh hơn, có trình độ học vấn cao hơn, và có kỹ năng hơn. Nhưng hàm ý còn sâu hơn thế – và gây chia rẽ hơn thế. Trong lịch sử, tố chất đã được sử dụng để phân định ranh giới giữa giới tinh hoa thành thị và những người dân nông thôn hoặc dân di cư, mang hàm ý về sự thiên vị giai cấp, và đôi khi còn bao hàm cả tư duy ưu sinh. Ngụ ý trong lời kêu gọi về một “dân số chất lượng cao” là sự phán xét khối dân “chất lượng thấp,” củng cố sự chia rẽ xã hội theo cách hiếm khi được thừa nhận thẳng thắn.

Điều đáng chú ý là dấu ấn cá nhân mạnh mẽ mà Tập đã đặt vào bài diễn văn quen thuộc này. Ông mô tả “phát triển dân số chất lượng cao” là một “khái niệm mới” do đích thân ông đề xuất lần đầu tiên – một trục chính sách nhằm giải quyết các thay đổi nhân khẩu học bằng cách thúc đẩy “lực lượng lao động chất lượng cao.” Đề xuất của Tập nhấn mạnh vào trọng tâm kinh tế: vượt ra ngoài việc kiểm soát quy mô dân số để ưu tiên chất lượng, tối ưu hóa cơ cấu, và tăng cường tính di động.

Tầm nhìn của Tập rất rõ ràng: một dân số được giáo dục, sáng tạo, và có khả năng thích nghi, được trang bị để thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc – vượt qua Mỹ trong sản xuất và công nghệ tiên tiến thế hệ tiếp theo – đồng thời vẫn đứng vững trước những cơn gió ngược địa chính trị. Tuy nhiên, thực tế hệ thống của các cấu trúc chính trị và kinh tế của Trung Quốc khiến việc hiện thực hóa tầm nhìn trên trở nên không hề đơn giản. Khoảng cách giữa khát vọng và hiện thực vẫn còn rất lớn, và Tập đã không đưa ra bất kỳ giải pháp dễ dàng nào.

Đúng là những thách thức của dân số già không chỉ xảy ra ở Trung Quốc; hiện nay, phần lớn các nước phát triển, đặc biệt là ở Đông Á, đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với gánh nặng của một xã hội già hóa nhanh chóng.

Nhưng sự khác biệt của Trung Quốc nằm ở mức độ phức tạp của tình hình. Già hóa dân số không chỉ là một rào cản về mặt nhân khẩu học, mà còn làm trầm trọng thêm những điểm yếu đã có từ lâu về mặt cấu trúc. Những trở ngại cản trở việc hiện thực hóa tầm nhìn của Tập nằm ở những khiếm khuyết cố hữu của hệ thống kinh tế và chính trị Trung Quốc, những vấn đề mà Tập đã tránh giải quyết hoặc trì hoãn cải cách. Sự chênh lệch dai dẳng giữa các khu vực trong nước đã tiếp tục khiến các vùng nông thôn thiếu nguồn lực và dịch vụ, trong khi hệ thống hộ khẩu cứng nhắc – ràng buộc quyền tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục với hộ khẩu cư trú – thực sự khiến hàng triệu người mắc kẹt ở những vùng đất ít cơ hội, cắt đứt họ khỏi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và việc làm tốt hơn. Tỷ lệ sinh giảm và các chuẩn mực gia đình thay đổi cũng cho thấy rằng thế hệ trẻ đang ngày càng không muốn, hoặc không thể, chấp nhận những kỳ vọng truyền thống, bị kìm kẹp bởi giá cả tăng vọt và các giá trị xã hội đang thay đổi. Vấn đề càng phức tạp hơn khi sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân đã kìm hãm tinh thần đổi mới và chấp nhận rủi ro, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ thực sự.

Với tất cả tham vọng của nó, con đường để đạt được tầm nhìn của Tập chứa đầy những mâu thuẫn, và tính di động của lao động là một ví dụ rõ ràng. Trong khi các công việc nhà máy và dịch vụ tại các trung tâm đô thị hiếm khi đòi hỏi người ta phải có hộ khẩu địa phương, thì việc tiếp cận các trường học và bệnh viện hàng đầu lại đòi hỏi hộ khẩu, theo đó duy trì một hệ thống phân cấp, nơi các thành phố giàu có như Thượng Hải và Hàng Châu tự hào có các cơ sở chăm sóc người già tiên tiến và dịch vụ y tế đẳng cấp thế giới dành cho người giàu, trong khi các vùng nông thôn ở các tỉnh lạc hậu như Liêu Ninh và Hắc Long Giang lại phải đối diện với một thực tế hoàn toàn khác. Ở đó, những người nông dân lớn tuổi không có lương hưu thường làm việc đến tận những năm 70 tuổi, bị mắc kẹt bởi cơ sở hạ tầng thiếu thốn và nguồn lực địa phương ít ỏi.

Khi dân số già đi, bất bình đẳng này càng trở nên rõ rệt hơn. Những cư dân nông thôn lớn tuổi vẫn không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến, trong khi các khu vực thành thị phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe và dịch vụ dành cho người già. Cải cách hệ thống hộ khẩu có thể làm giảm bớt những áp lực này bằng cách cho phép mọi người di chuyển nhiều hơn và tiếp cận các dịch vụ đô thị, nhưng một động thái như vậy sẽ phá vỡ các cấu trúc hành chính đã bám rễ, vốn ưu tiên khả năng kiểm soát hơn là tính di động công bằng. Sự phản kháng đối với những cải cách như vậy, kết hợp với tốc độ triển khai chậm chạp, đã khiến những nút thắt này không được giải quyết.

Nếu không xuất hiện một sự tái phân bổ có ý nghĩa, thì những người già ở nông thôn sẽ tiếp tục bị loại khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội vốn chỉ tập trung ở các trung tâm đô thị. Tuy nhiên, sự quản lý tập trung của Bắc Kinh – và sự chần chừ trong việc cấp quyền cho các chính quyền địa phương – khiến việc tái phân bổ như vậy trở nên cực kỳ khó. Thay vào đó, khoảng cách đang dần nới rộng hơn, như một lời nhắc nhở rõ ràng về sự phân bổ không đồng đều của quá trình hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Các chính sách quản lý đô thị đã khiến vấn đề phức tạp hơn nữa. Các trung tâm lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đang chủ động hạn chế tăng trưởng dân số bằng cách hạn chế chuyển hộ khẩu, từ đó chuyển hướng lao động đến các thành phố hạng hai và hạng ba. Cách tiếp cận này tạo ra một loại động lực trong đó người di cư đóng góp kinh tế cho các trung tâm đô thị, nhưng vẫn bị loại khỏi toàn bộ lợi ích của cuộc sống đô thị, và vì thế càng củng cố sự chênh lệch vùng miền, cũng như làm suy yếu các nỗ lực xây dựng lực lượng lao động thực sự có khả năng thích ứng và di động.

Các chuẩn mực xã hội thay đổi của Trung Quốc cũng làm tình hình thêm phức tạp. Tỷ lệ kết hôn và sinh con đã giảm mạnh, với tỷ lệ kết hôn của cả nước giảm xuống còn 4,8 trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ con số gấp đôi của một thập kỷ trước. Trong khi đó, tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 6,77 trên 1.000 người vào năm 2022, đánh dấu mức sinh thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi chép vào năm 1949. Những sự suy giảm này là do chi phí nhà ở tăng vọt, cạnh tranh việc làm cực kỳ gay gắt, và thái độ thay đổi của các thế hệ trẻ, những người mà đối với họ cấu trúc gia đình truyền thống đã trở nên quá đắt đỏ hoặc không hấp dẫn. Các ưu đãi tài chính – trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em, nhà ở, hoặc giáo dục – có thể hữu ích, nhưng chúng sẽ không hiệu quả nếu không có các cải cách sâu rộng hơn giúp giảm tải gánh nặng của cuộc sống gia đình. Việc cắt giảm chi phí sống, tăng cường bình đẳng giới, và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính hệ thống, nhưng nếu chúng ta xem lịch sử là một chỉ dẫn, thì với sự thận trọng của giới lãnh đạo Trung Quốc dành cho “chủ nghĩa phúc lợi” – niềm tin rằng việc giảm bớt gánh nặng cuộc sống có nguy cơ nuôi dưỡng sự tự mãn – sẽ không còn chỗ cho sự linh hoạt và sự đồng cảm mà các giải pháp như vậy đòi hỏi. Trong khi đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào văn hóa và vẫn tiếp tục thống trị nơi làm việc sẽ cần thời gian – và nỗ lực tập thể – để thay đổi.

Cùng lúc đó, hệ thống lương hưu nhà nước đang chao đảo và có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bấy lâu nay, nó đã bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư lợi nhuận thấp và bị cạn kiệt hơn nữa do các khoản chi liên quan đến đại dịch; các quỹ lương hưu của Trung Quốc được dự đoán sẽ cạn kiệt vào năm 2035. Việc tăng tuổi nghỉ hưu – vốn đã là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị – vẫn không đủ để giải quyết vấn đề. Các cải cách bền vững hơn, chẳng hạn như đa dạng hóa các khoản đầu tư và áp dụng các chiến lược do thị trường thúc đẩy, sẽ đòi hỏi phải mở cửa thị trường vốn và nhượng lại một số quyền kiểm soát đối với các hệ thống tài chính – một bước đi mà Bắc Kinh tỏ ra không mấy hứng thú.

Ngay cả khi Tập ủng hộ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế thúc đẩy đổi mới, cách tiếp cận trước đây của chính quyền ông đối với các doanh nghiệp tư nhân đã làm xói mòn đáng kể lòng tin trong cộng đồng doanh nhân và nhà đầu tư. Các cuộc đàn áp theo quy định được khởi xướng vào năm 2021 đã xóa sổ hơn 1 nghìn tỷ đô la khỏi giá trị thị trường của các công ty lớn, theo đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư. Những đột phá trong y sinh học, đổi mới y tế, và các mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đầu tư của nhà nước; chúng phụ thuộc vào quyền tự do của các cá nhân và doanh nghiệp về việc chấp nhận rủi ro, thử nghiệm, và đôi khi thất bại. Tuy nhiên, sự kiểm soát ngày càng tăng của nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, cùng với các quy định thiếu nhất quán và đôi khi thất thường, đã thúc đẩy một môi trường nơi sự thận trọng kìm hãm sự sáng tạo, làm xói mòn nền tảng của sự đổi mới vốn cần thiết để đạt được tiến bộ có ý nghĩa.

Việc so sánh Trung Quốc với các xã hội già hóa khác cung cấp những hiểu biết có giá trị, dù hạn chế. Nhật Bản là một minh chứng cho những nguy cơ của sự trì trệ, nơi các cải cách bị trì hoãn đã dẫn đến tình trạng trì trệ và cản trở khả năng thích ứng, ngay cả khi nước này đã phát triển các hệ thống chăm sóc người già đẳng cấp thế giới. Trong khi đó, các chính sách ủng hộ sinh đẻ hào phóng của Hàn Quốc hầu như không đạt được mục tiêu, vì không thể vượt qua các rào cản cấu trúc sâu sắc như chi phí nhà ở cao và các chuẩn mực giới tính cứng nhắc. Thành công tương đối của Đức trong việc tận dụng làn sóng nhập cư để giảm bớt áp lực già hóa dân số là một ví dụ thuyết phục về tính di động của lao động trong thực tế, dù cách tiếp cận như vậy vẫn là điều không thể tưởng tượng được về mặt chính trị ở Trung Quốc. Ba ví dụ này nhấn mạnh một điểm quan trọng: Giải quyết các thách thức về nhân khẩu học đòi hỏi sự linh hoạt thực sự, ý chí đổi mới, và quyết tâm phá vỡ các rào cản hệ thống đã ăn sâu bén rễ. Liệu Bắc Kinh có thể áp dụng những bài học này vào bối cảnh độc đáo của riêng mình hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Lập luận hoa mỹ của Tập về “dân số chất lượng cao” thừa nhận nhu cầu thay đổi, nhưng không đề cập đến việc chấp nhận các cải cách hệ thống cần thiết để đạt được mục tiêu. Việc trao quyền cho các hộ gia đình, tái phân bổ nguồn lực để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, và thúc đẩy các điều kiện đổi mới sẽ đòi hỏi phải hiệu chỉnh sâu sắc triết lý quản trị của Tập. Sự chần chừ cá nhân của ông trong việc nới lỏng quyền kiểm soát sẽ tiếp tục hạn chế khả năng của nhà nước trong việc ứng phó hiệu quả với áp lực của một xã hội già hóa.

Lizzi C. Lee là nghiên cứu viên về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á.

Related posts