Vào hôm thứ Sáu (20/12), Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đe dọa sử dụng đòn bẩy áp đặt thuế quan lên các mặt hàng xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU), trừ khi khối liên minh này gia tăng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Hoa Kỳ.
Ông Trump đã nhấn mạnh yêu cầu này trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, khẳng định EU phải bù đắp khoản thâm hụt thương mại khổng lồ giữa EU với Hoa Kỳ, nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị Hoa Kỳ “ÁP THUẾ toàn diện“.
Ông Trump phát biểu trên mạng xã hội Truth Social: “Tôi đã nói với Liên minh châu Âu rằng họ phải bù đắp khoản thâm hụt to lớn với Hoa Kỳ bằng việc mua số lượng lớn dầu khí của chúng tôi. Nếu không, [sẽ bị Hoa Kỳ] ÁP THUẾ toàn diện!!!”.
Ông Trump trước đó đã tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan 10% lên hàng nhập khẩu toàn cầu vào Hoa Kỳ, cùng với mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù Hoa Kỳ sở hữu thặng dư thương mại dịch vụ với EU, nhưng ông Trump lại chỉ tập trung chủ yếu vào thương mại hàng hóa và thường xuyên chỉ trích việc EU xuất khẩu ô tô sang Hoa Kỳ trong khi rất ít phương tiện của Hoa Kỳ được xuất khẩu ngược lại.
Theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, nước này ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa lên đến 208,7 tỷ USD với EU trong năm 2023.
Phản ứng của EU
Ủy ban châu Âu bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ về các biện pháp nhằm củng cố bang giao vốn vẫn được liên minh nhận định là đã rất bền chặt, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Ông William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ICIS), nhận định EU có thể đàm phán để né tránh các đòn bẩy thuế quan của ông Trump.
“Đây có thể là giải pháp đôi bên cùng có lợi, yêu cầu họ [EU] mua những gì họ muốn và cần”, ông Reinsch cho biết.
Ngoài ra, “EU cam kết loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa các nguồn cung ứng của chúng tôi”, một phát ngôn viên của EU cho biết.
EU đã đưa ra cam kết dần dần loại bỏ nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine leo thang kể từ năm 2022, nhưng hiện tại, khối liên minh này vẫn phải tiếp tục phụ thuộc đáng kể vào lượng khí hóa lỏng giá rẻ nhập khẩu từ Nga.
EU đã phải nhập khẩu khoảng 2 tỷ feet khối khí hóa lỏng từ Nga trong năm 2024. Vào năm 2027, EU có thể tiến tới ngăn cấm hoàn toàn nguồn cung từ Nga, trong khi tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ những quốc gia khác, theo ông Alex Froley, nhà phân tích LNG tại ICIS.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách và khó khăn trong việc thay thế hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt Hungary và Slovakia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc EU ra lệnh cấm nhập khẩu toàn diện nguồn cung năng lượng từ Nga.
Bối cảnh thương mại năng lượng giữa Hoa Kỳ và châu Âu
Dữ liệu từ Văn phòng thống kê EU (Eurostat) cho thấy trong quý I năm 2024, Hoa Kỳ đã cung cấp 47% sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 17% sản lượng dầu mỏ cho EU.
Các quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Hoa Kỳ tại châu Âu bao gồm Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch và Thụy Điển.
Trong năm 2023, châu Âu đã nhập khẩu 66% sản lượng khí LNG từ Hoa Kỳ, trong đó Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức là những quốc gia nhập khẩu nhiều nhất.
Chuyên gia phân tích thương mại Reinsch cũng lưu ý thêm rằng mặc dù ở thời điểm hiện tại châu Âu có nhu cầu lớn nhập khẩu dầu khí từ Hoa Kỳ nhằm thay thế nguồn cung từ Nga, nhưng nhu cầu dài hạn vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh EU có xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Các công ty sẽ dè dặt đầu tư nếu họ cho rằng nhu cầu nhập khẩu dầu khí của châu Âu hiện tại chỉ mang tính tạm thời.
Hạn chế và thách thức
Hoa Kỳ đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, với sản lượng hơn 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm một phần năm nhu cầu toàn cầu.
Hoa Kỳ đang xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ở mức tiệm cận giới hạn công suất tối đa. Xuất khẩu dầu thô từ Hoa Kỳ sang châu Âu đạt mức khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Hoa Kỳ, với phần còn lại được xuất khẩu sang châu Á.
Hoa Kỳ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 103 tỷ feet khối mỗi ngày. Chính phủ Hoa Kỳ dự báo rằng xuất khẩu LNG sẽ đạt mức trung bình 12 tỷ feet khối mỗi ngày trong năm 2024.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) dự báo rằng đà tăng trưởng sản xuất dầu mỏ của Hoa Kỳ có thể sẽ chậm lại cho đến năm 2030. Trong khi đó, sản lượng khí đốt có thể tiếp tục gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ của Hoa Kỳ và xu hướng gia tăng xuất khẩu khí LNG nếu chính phủ Hoa Kỳ đồng ý phê duyệt xây dựng thêm các nhà máy LNG.
“Châu Âu hiện đã [tiệm cận] hạn mức nhập khẩu tối đa dầu thô từ Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là EU khó có thể gia tăng nhập khẩu [dầu khí] vào năm tới”, ông Richard Price, một nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Energy Aspects, cho biết. Ông Price cũng nhấn mạnh thêm rằng động thái đóng cửa các nhà máy lọc dầu tại châu Âu vào năm 2025 sẽ không giúp gia tăng sản lượng nhập khẩu dầu khí từ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các công ty lọc dầu và khí đốt châu Âu, phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, thường quyết định mua hàng dựa trên giá cả và hiệu quả kinh tế thay vì tuân theo chỉ đạo của chính phủ.
Thiên Vân