Sau cái chết của cô giáo ở Quy Nhơn, giáo viên các trường phổ thông kêu cứu

Văn Giá

Cô giáo ở Quy Nhơn đã tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh

Nhiều người đã biết câu chuyện đau lòng vừa mới xảy ra trong ngành giáo dục hệ phổ thông: một cô giáo ở Quy Nhơn đã tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh đau đớn với những dòng những này: “Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải làm lên lớp, giảng dạy, chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, ráp phách và sau cùng so điểm, hồi hộp không biết có tên mình sai sót trong đó không. Trong khi thời gian quá ít mà lượng công việc quá nhiều. Bao nhiêu thứ giáo viên là người chịu.

Những công việc trên em đều làm được hết. Cẩn thận được hết. Nhưng có một việc mà em không thể chấp nhận được đó là điều khiến em phải ra đi hôm nay.

Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả, thật kinh tởm”.

Cái chết đau lòng này khiến mỗi người trong ngành giáo dục chúng ta, trong đó có tôi, phải nghĩ rất nhiều. Tại sao cô ấy phải tìm đến cái chết? Có phải là một nỗi oan ức lớn tại ngôi trường mà cô ấy đang phải chịu? Tại sao cô ấy cảm thấy thất vọng đến “kinh tởm” cái môi trường giáo dục này? Có phải cô ấy không được các đồng nghiệp lắng nghe, chia sẻ và bảo vệ? Cô ấy không nói rõ lý do cụ thể khiến phải tìm đến cái chết. Nhưng những gì trong bức thư cho thấy lộ ra 3 vấn đề: 1) áp lực quá lớn do phía học sinh và phụ huynh tạo ra; 2) áp lực do cách thức quản lý giáo viên và những thủ tục hành chính; 3)quan hệ giữa người quản lý nhà trường với giáo viên, giữa giáo viên với nhau có chuyện khiến cô ấy không tìm thấy ở đó sự an ủi, nâng đỡ động viên khi cô ấy hoặc mắc khuyết điểm, hoặc bị cho là mắc khuyết điểm.

Ở điểm thứ nhất, tôi thấy không cần phải nói thêm nữa. Nhiều phụ huynh chưa hiểu, chưa có cái nhìn cảm thông đối với nhà trường và đội ngũ các thầy cô giáo, nên chỉ biết hạch sách, truy vấn, buộc tội.

Tôi xin nói về hai điểm sau, những điều có phần rất đúng với thực trạng giáo viên giảng dạy ở các trường phổ thông.

Trước tiên, xét về cung cách quản lý hiện nay. Do quán tính quản lý từ trước để lại, do áp lực quản lý các cấp từ trên Bộ trở xuống, do cách kiểm tra thi đua theo kiểu máy móc, chạy theo thành tích, báo công kiếm điểm, nên cách thức quản lý ở phần lớn các trường là máy móc, chỉ biết đòi hỏi chứ không biết thúc đẩy, động viên các giáo viên làm việc. Cách quản lý này không đặt niềm tin vào giáo viên, sợ họ vi phạm vào những “luật lệ” mà toàn ngành và nhà trường tự chế ra. Các giáo viên đến trường, lẽ ra mỗi ngày là một ngày vui, nhưng thực ra mỗi ngày là một ngày đối phó, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân…

Tôi lấy ví dụ, một cô giáo ở một trường cấp THCS nọ, cho biết các thầy/cô lúc nào cũng phải duy trì 9 loại sổ sách để đáp ứng công việc quản lý của các cấp quản lý trong trường, từ Ban giám hiệu đến Công đoàn, Đoàn thanh niên trường, từ tổ trưởng tổ chuyên môn cho đến Hội phụ huynh… Các loại sổ như sau: Sổ giáo viên chủ nhiệm, Sổ Lịch báo giảng, Sổ ghi đầu bài, Sổ dự giờ, Sổ mượn thiết bị dạy học, Sổ theo dõi học sinh, Sổ họp tổ chuyên môn, Sổ họp Hội đồng, và cuối cùng là Giáo án.

Yêu cầu của các sổ đó là luôn “vở sạch chữ đẹp” để kiểm tra và báo cáo cấp trên, để tính điểm thi đua. Có những cuốn sổ sai một chữ, gạch xóa một chữ cũng bị yêu cầu bắt viết lại cả trang. Riêng giáo án, mặc dù các thầy/cô soạn và dạy hằng ngày bằng giáo án điện tử, nhưng vẫn phải in ra bản cứng để nhà trường kiểm tra, hoặc nộp cho đoàn kiểm tra khi họ đến “công tác” ở trường.

Tôi nghĩ, trong khi phải lo soạn bài lên lớp, đọc thêm, lo chủ nhiệm học sinh, lo trả lời các cuộc điện thoại của phụ huynh, và hàng ti tỉ các công việc dân sự hàng ngày, việc nhớ và hoàn thành các cuốn sổ chồng chéo và lắt nhắt kia, các thầy cô không phát điên mới lạ.

Tại sao ngành giáo dục cứ tự nghĩ ra các cách để trói chân nhau thế nhỉ? Trong khi đó, làm thế nào để tạo ra một không khí vui vẻ, thân tình, hào hứng cho việc dạy, việc tự học thêm, đọc thêm, tự trau dồi kiến thức để nâng cao hiệu quả giảng dạy cho giáo viên thì không được tính đến hoặc tính đến một cái lầm lạc.

Thứ nữa, có một điều không thể không nói ra: môi trường nhà trường hiện nay bị nhiễm rất nhiều “chất độc” trong đời sống tinh thần chung của nhà trường và trong nhân cách của giáo viên. Môi trường cạn khô nhân tính sẽ sinh ra những thứ bệnh ích kỷ, ti tiện, thậm chí độc ác. Ai cũng thi nhau nịnh nọt, lấy lòng cấp trên; ai cũng tranh khôn tranh lợi để chạy điểm thành tích thì thử hỏi làm sao nhà trường trở thành một môi trường nhân văn thực sự? Có những thầy cô vốn tính tình khảng khái, giàu tự trọng, giỏi chuyên môn, không a dua theo đám đông… thì bị phê bình, kiểm điểm, trù dập. Một số họ chọn cách thúc thủ, mũ ni che tai. Một số phản ứng, chống đối, thậm chí manh động, không tự kiểm soát được. Một số phẫn chí bỏ nghề. Một nghịch lý đau lòng là lẽ ra nhà trường phải là nơi giàu nhân tính nhất nhưng lại không ít nơi rơi vào tình trạng khô kiệt nhân tính, nơi không có khả năng dung dưỡng mầm thiện, vun bồi tính thiện, mà lại có lợi cho cái xấu cái ác nảy nở, hoành hành.

Tất cả những điều vừa nói ở trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là cách quản lý giáo viên, từ Bộ trở xuống các cấp, dưới cùng là mỗi nhà trường.

Chúng ta “Xin đừng hót những lời chim chóc mãi” (Nguyễn Duy). Phải nhìn thẳng vào sự thật đau lòng đang diễn ra hằng ngày ở mỗi mái trường thân yêu và khốn khổ của chúng ta…

V.G

Tôi đề nghị

Trần Đình Trợ

Theo tin từ báo chí và mạng xã hội, cô giáo V.T.H.P ở Quy Nhơn vừa tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh. Trong thư cô có ghi:

“Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên được được đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này, thật kinh tởm”.

Tôi tin, ai biết thì cũng xót xa về sự ra đi trong tức tưởi của một cô giáo trẻ. Và chắc ai cũng băn khoăn về lý do cô ra đi cũng như băn khoăn về những lời cô để lại.

Không ai biết được chuyện gì đã xảy ra, nhưng những dòng trăng trối đau đớn làm chúng ta cũng đau đớn trong sự băn khoăn.

Tôi không biết cô giáo có oan ức gì không, cấp trên có xử ép gì cô không, và đồng nghiệp có quay lưng với nỗi oan (nếu có) của cô hay không.

Nhưng tôi chợt nhớ tới những chuyện này:

1)Thầy Đỗ Việt Khoa, “Người đương thời” từng được tung hô, từng được bộ trưởng Bộ GD-ĐT khen ngợi vì đã dám chống tiêu cực. Nhưng sau đó liên tiếp bị cấp trên o ép trù dập, còn đồng nghiệp thì quay lưng.

2)Cô giáo Nguyễn Thị Tuất (trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, HN) do chống tiêu cực mà bị ban giám hiệu trù dập và nhiều đồng nghiệp cô lập.

3)Cô giáo Minh Đệ (trường THPT Lương Văn Chánh) 3 năm tố cáo các sai phạm của ban giám hiệu, 10 năm bị trù dập. Đến khi cô được xử thắng kiện, thì xung quanh cô (trong phòng xử) không có bóng một đồng nghiệp nào.

Còn nhiều lắm.

Từ những ví dụ trên, tôi thấy hiện tượng gần như phổ biến là:

– Giáo viên nào vì chống tiêu cực (hoặc vì lý do khác) mà ban giám hiệu không ưa, thì sẽ bị họ tìm mọi cách trù dập, chèn ép.

– Khi ban giám hiệu đã trù dập một giáo viên nào đó, họ sẽ ton hót lên để cấp trên “chùy” tiếp.

– Khi thấy một giáo viên bị ban giám hiệu ghét, hầu hết các giáo viên khác sẽ tự xa lánh và cô lập “con cừu đen đủi” này, vì sợ vạ lây.

– Một giáo viên khi bị cấp trên trù dập, đồng nghiệp xa lánh thì sẽ rất hoang mang. Tùy vào trạng thái tinh thần mà sẽ có những phản ứng khác nhau.

Tóm lại là do mất dân chủ nghiêm trọng trong giáo dục.

Vì vậy, tôi đề nghị ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:

– Hãy cho điều tra nguyên nhân dẫn đến sự tự vẫn của cô giáo V.T.H.P. Xác thực và tìm ý nghĩa của nội dung bức thư.

– Xem xét lại trình độ và tư cách của đội ngũ quản lý, từ cấp trường đến cấp bộ.

– Mở cuộc điều tra về sự tình trạng thực hành dân chủ trong các cơ sở giáo dục, và xây dựng – hoàn thiện cơ chế dân chủ một cách thực chất trong giáo dục.

T.Đ.T

Related posts