Nhìn lại Trung Quốc năm 2024

Nguồn: James Palmer, “China’s Year in Review,”  Foreign Policy, 24/12/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Liệu 2024 có phải là khoảng lặng trước khi cơn phong ba ập đến Bắc Kinh?

Trung Quốc vừa trải qua một năm dài khi suy thoái kinh tế phủ kín các bản tin cùng bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp xã hội. Đất nước này vẫn chưa thoát khỏi dư chấn hậu COVID-19 và và đang chìm trong vũng lầy chính trị. Liệu 2024 có phải là chút tĩnh lặng trước sóng gió?

Từ nhiều năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định ông không có ý định từ bỏ quyền lực. Thế nhưng, ông Tập lại tỏ ra thiếu những ý tưởng mới và quay lại với các mối lo ngại cũ như sự can thiệp của phương Tây, tham nhũng và chính sách thắt lưng buộc bụng. Đối với Tập, giải pháp cho mọi vấn đề luôn chỉ có một: phải tập trung thêm quyền lực cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Quyết tâm bám trụ quyền lực của Tập Cận Bình đã đẩy sự nghiệp của mọi ứng viên kế nhiệm tiềm năng vào ngõ cụt. Có lẽ chỉ khi nào được “khiêng ra” khỏi Trung Nam Hải, Tập mới chịu rời khỏi đó. Trước thời Tập, các cải cách và đổi mới thường được thử nghiệm từ cấp cơ sở. Nhưng giờ đây, các quan chức căng thẳng và quá tải chỉ dám làm theo những gì họ nghĩ là phù hợp với ý chí của cấp trên.

Mặc dù vậy, các yếu tố từ bên ngoài có thể phá vỡ tình trạng trì trệ này. Donald Trump quay trở lại vai trò Tổng thống và khả năng gia tăng các cuộc đối đầu với Washington, từ thuế quan cho đến vấn đề Đài Loan, sẽ là thử thách cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, những biến động này cũng có thể giúp giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rằng họ đang đối đầu một kẻ thù chung và từ đó mở ra cơ hội cho những thay đổi.

Dưới đây là bốn xu hướng nổi bật của Trung Quốc trong năm 2024 mà Foreign Policy ghi nhận được.

Nền kinh tế đình trệ

Dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 4.8%, thấp hơn so với mục tiêu vốn đã khiêm tốn 5%. Một quốc gia từng quen với mức tăng trưởng hàng năm 8 – 9% trong những năm phát triển, hiện nay đang chìm trong bầu không khí ảm đạm. Dù thị trường chứng khoán Trung Quốc có chứng kiến đà tăng bất ngờ, nhưng đây chỉ là một mắt xích nhỏ trong bộ máy kinh tế của đất nước.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các chính sách zero-COVID hà khắc, sau khi các biện pháp giám sát và đàn áp không thể kiềm chế được các đợt bùng phát dịch cũng như làn sóng phẫn nộ từ người dân. Tuy nhiên, nền kinh tế hậu đại dịch phục hồi không như mong đợi. Thay vì phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc dường như đang bị kẹt trong một giai đoạn suy thoái kéo dài và đầy khó khăn do sự đổ vỡ liên tục của thị trường bất động sản gây nên.

Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn, 2024 tiếp tục là một năm khó khăn, và 2025 có thể còn tồi tệ hơn. Các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đã đầu tư thái quá vào bất động sản, vượt qua cả mức đầu tư của người Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn giá bất động sản rơi tự do, điều này khiến cuộc khủng hoảng trở thành một cơn bệnh dai dẳng thay vì một cú sốc đột ngột.

Sự miễn cưỡng của Tập Cận Bình trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc đã từng thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chừng nào Bắc Kinh chưa giải quyết được vấn đề nhà ở, nền kinh tế có lẽ vẫn sẽ ảm đạm.

Xe điện và Cuộc chiến về giá

Trong năm 2024, thế giới dường như mới nhận ra sự bứt phá ấn tượng của Trung Quốc trong ngành xe điện với những mẫu xe Trung Quốc vượt trội hoàn toàn so với xe của phương Tây về chất lượng với mức giá hợp lý hơn. Đây chắc chắn là tin tốt với thế giới, vì Trung Quốc hiện đang là nước đứng đầu về lượng phát thải carbon toàn cầu.

Mỹ và Liên minh Châu Âu phản ứng bằng cách cố gắng bảo vệ thị trường xe điện mới hình thành của mình khỏi các sản phẩm có chất lượng vượt trội từ Trung Quốc. Chiến lược này có thể thất bại. Nhưng có một tố đã bị đánh giá thấp đó là: Giá xe điện Trung Quốc cực rẻ một phần chính là hệ quả của một cuộc chiến giá cả khốc liệt và thiếu bền vững.

Liên tục giảm giá đã khiến biên lợi nhuận giảm đến mức tối thiểu, đến mức một số mẫu xe có thể bị bán lỗ. Áp lực quá lớn đến mức BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đang cố gắng ép các nhà cung cấp giảm chi phí 10% trong năm tới; các nhà sản xuất xe khác cũng báo cáo những khoản lỗ lớn.

Các công ty Trung Quốc liên tiếp phá sản, để lại khách hàng trong tình cảnh bơ vơ. Dù vậy, đến cuối cùng, cuộc chiến ngành xe điện có thể sẽ kết thúc với phần thắng thuộc về người bán sản phẩm chất lượng nhất. Đáng tiếc thay, một vòng xoáy giảm phát – với giá xuất xưởng giảm liên tục trong 26 tháng qua – cộng với vấn đề dư thừa công suất đã đẩy các doanh nghiệp vào một cuộc chiến khốc liệt trên một thị trường đang dần thu hẹp.

Thanh trừng trong quân đội

Trung Quốc đã khéo léo giữ thế cân bằng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vừa hỗ trợ Nga như một đồng minh không chính thức tại Moscow, vừa cố gắng tránh vượt qua các lằn ranh đỏ liên quan đến lệnh trừng phạt, đặc biệt là đối với các tổ chức tài chính. Nhưng ảnh hưởng quân sự đáng chú ý nhất lại diễn ra ngay trong nước.

Giới lãnh đạo ĐCSTQ từ lâu đã lo ngại rằng tham nhũng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể khiến họ phải trả giá đắt trong các cuộc chiến trong tương lai. Sau khi nhận thấy kinh nghiệm của Nga ở Ukraine rằng tham nhũng trong quân đội đã làm suy yếu khả năng chiến đấu, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc điều tra và thanh trừng trong quân đội kéo dài suốt năm 2024.

Các cuộc thanh trừng làm suy yếu PLA; thay đổi nhân sự liên tục không tốt cho nhuệ khí hay năng suất. Mục tiêu là xây dựng một lực lượng PLA trong sạch hơn sau mỗi đợt thanh trừng, nhưng những người được bổ nhiệm sau các chiến dịch chống tham nhũng thường không khác gì những người mà họ thay thế. Nhiều quan chức bị hạ bệ gần đây đều từng một thời là “đệ tử” của Tập Cận Bình, chẳng hạn như chính ủy cấp cao của Trung Quốc – Miêu Hoa.

Một yếu tố ít được đề cập trong các đợt thanh trừng tham nhũng là cuộc nội chiến đang diễn ra tại Myanmar. Trung Quốc can thiệp vào tất cả các phe trong cuộc chiến, nhưng các mối quan hệ ở cấp cơ sở giữa sĩ quan PLA và các nhóm nổi dậy ở Myanmar thường xoay quanh việc kiểm soát tội phạm có tổ chức.

Các “chiến lang” trong vòng xích

Trên trường quốc tế năm nay, Trung Quốc đã tỏ ra khá ôn hoà. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ thường xuyên giữa hải quân và lực lượng tuần duyên Philippines liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông đã đẩy Manila xích lại gần hơn với Washington. Bầu cử tại Đài Loan với tổng thống mới là người ủng hộ Đài Loan độc lập đã thúc đẩy một loạt các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.

Dù vậy, một thỏa thuận sơ bộ với Ấn Độ đã giúp nối lại các cuộc đàm phán cấp cao vào giữa tháng 12. Trong khi đó, quá trình hòa giải với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra từ từ nhưng cũng giúp duy trì các cuộc đối thoại quân sự kể từ sau khi quan hệ giữa hai nước chạm đáy.

Làn sóng truyền thông chống Mỹ của nhà nước Trung Quốc và lời lẽ chỉ trích trong năm 2022 – 2023 đã giảm đáng kể, với những “nhà ngoại giao chiến lang” trước kia được biết đến với các quan điểm cực đoan và khiêu khích dường như đã bị “bịt miệng.”

Lãnh đạo ĐCSTQ có vẻ đang bận tâm với các vấn đề trong nước và do đó không muốn gánh thêm rắc rối từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các kế hoạch dài hạn như mở rộng dãy Himalaya hay xây dựng đảo ở Biển Đông sẽ chấm dứt – nó chỉ đồng nghĩa với một thái độ thận trọng hơn.

Related posts