Nguồn: Mairav Zonszein, “Israel’s Hidden War: The Battle between Ideologues and Generals That Will Define the Country’s Future”, Foreign Affairs, 15/10/2024.
Biên dịch: Bùi Thế Cường
Hồi tháng Tám, Ronen Bar gửi một bức thư đáng chú ý đến Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các bộ trưởng trong nội các Israel. Ronen Bar là Giám đốc Cục An ninh tổng hợp Israel (Shin Bet). Không ai ở Israel và nước ngoài chú ý nhiều đến bức thư, nhưng thực ra nó đề cập cốt lõi cuộc khủng hoảng gây đau đớn cho đất nước kề từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023. Bar cảnh báo, tình trạng dân định cư Do Thái ngày càng tấn công chống lại người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ gây ra những thách thức đối với an ninh quốc gia của Israel. Bar gọi thẳng những cuộc tấn công như thế của dân định cư Israel là “chủ nghĩa khủng bố Do Thái” và là một “vết nhơ lớn cho Do Thái giáo”.
Ông mô tả xu hướng “đám thanh niên trên đồi” (từ dùng ở Israel để chỉ những người định cư cực đoan, mặc dù nhiều người trong số họ đã hết thời thanh niên lâu rồi) ở Bờ Tây không chỉ đang tấn công người Palestine mà còn đụng độ với lực lượng an ninh Israel. Những sự việc ấy đều được các thành viên cao cấp của Chính phủ chống lưng. Các phần tử bán quân sự trong dân định cư đã “đi từ chỗ né tránh lực lượng an ninh chuyển sang tấn công họ”. Bar viết, chúng đã “đi từ chỗ vốn tự tách mình khỏi giới cầm quyền đến chỗ được một số người trong giới cầm quyền cấp cho chúng tính chính danh”.
Suốt năm qua, những sự kiện ở Bờ Tây bị lu mờ do Israel tấn công sang dải Gaza, rồi căng thẳng leo thang ở Lebanon và Iran đánh vào lãnh thổ Israel. Nhưng từ 7/10/2023 đến nay, Liên Hợp quốc đã ghi nhận hơn 1.400 vụ dân định cư Israel gây ra ở Bờ Tây (từ phá hoại đến tấn công, từ đốt phá đến bắn đạn thật), gây thương tích hoặc phá hoại tài sản, khiến 1.600 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa, một sự gia tăng sau khi năm 2023 đã là năm phá kỷ lục về bạo lực của dân định cư. Bức thư của Bar viết ra vào mùa hè khi các quan chức ở Bộ Quốc phòng và trong quân đội Israel cảnh báo Bờ Tây đang trên bờ vực một số bùng nổ có thể khiến hàng trăm người Do Thái thiệt mạng trong cuộc chiến đa mặt trận.
Cách Israel hành xử ở Bờ Tây sẽ có những hệ quả vượt xa khỏi vấn đề số phận của người Palestine. Đụng độ của cơ quan an ninh Israel với cánh cực hữu và những người định cư đồng minh với cánh cực hữu không phải là về việc Israel có cần sử dụng vũ lực ở Gaza hay không, có cần dừng chiếm đóng Bờ Tây hay không, hoặc có cần nhượng bộ hay không để tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên. Đây là sự đụng độ về an ninh của nhà nước Israel, mà đối với nhiều người Israel đây còn là cuộc chiến về bản sắc của Israel. Israel có thể chú ý đến những cảnh báo của các quan chức an ninh như Ronen Bar hoặc tiếp tục bị dẫn dụ bởi cánh cực hữu. Đường lối thứ hai sẽ gây nhiều đổ máu hơn, rút cục gây hại thanh danh Israel và gây tổn hại cho sự hỗ trợ ở phương Tây, cuối cùng dẫn tới sự cô lập quốc tế và thậm chí một vị thế bị hạ nhục. Nhiều người Israel, những người vẫn coi nước mình là thế tục, tự do và dân chủ, họ sẽ cho rằng cuộc đấu tranh chống cực hữu là rất căn bản, trong mọi cấp độ quản trị và quan hệ đối ngoại của đất nước. Cuộc chiến này sẽ định hình một cách quyết định nền chính trị và an ninh của Israel trong những năm tới.
RẠN NỨT NGÀY CÀNG TĂNG
Có thể truy nguyên rạn nứt giữa giới chức an ninh và cánh cực hữu trở về thời điểm xảy ra sự cố Elor Azaria năm 2016. Azaria, một người lính Quân đội Israel (IDF), đã hành quyết một người Palestine có hành vi tấn công ở thành phố Hebron bị chiếm đóng. Người này đã nằm dưới đất, bị bắn trọng thương và không còn là mối đe dọa nữa. Khi ấy, các chính trị gia cánh hữu gồm cả Netanyahu đã bảo vệ Azaria, một số còn kêu gọi ân xá, trực tiếp phản đối phát biểu của Tham mưu trưởng IDF Gadi Eisenkot rằng hành vi của Azaria vi phạm các chuẩn mực của IDF. Sự kiện này không chỉ bộc lộ sự chia rẽ ngày càng lớn giữa quân đội và chính phủ, mà còn bóc trần sức mạnh của phong trào dân định cư trong nền chính trị Israel. Ban đầu Azaria bị kết tội giết người, nhưng sau hạ xuống thành tội ngộ sát, chịu chín tháng tù giam.
Là những người có nhiệm vụ phòng chống bạo lực chống lại nhân dân Israel, giới chức an ninh hàng đầu Israel lên tiếng cảnh báo rằng cánh hữu chính trị đang trực tiếp chống lại lợi ích quốc gia. Họ chỉ thẳng vào Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Tài chính có đầu óc dân tộc chủ nghĩa tôn giáo, là người đại diện cho phong trào dân định cư cực đoan, là người thông qua một vị trí khác trong Bộ Quốc phòng nên đã kiểm soát trên thực tế mọi công việc dân sự ở Bờ Tây, là người vào năm 2005 bị câu lưu thẩm vấn do nghi vấn đã cho nổ một đường cao tốc để phản đối Israel rút khỏi Gaza. Giới chức an ninh cũng chỉ thẳng vào Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng phụ trách cảnh sát, là người đã bị kết án nhiều lần vì kích động phân biệt chủng tộc và hỗ trợ cho một nhóm khủng bố người Do Thái. Cả hai đều sống ở khu định cư ở Bờ Tây, thúc đẩy việc sáp nhập lãnh thổ, và sau sự kiện 7/10 biện hộ cho việc đưa người Do Thái vào định cư ở Gaza. Ben-Gvir đã kêu gọi sa thải cả Ronen Bar lẫn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallant vì sự thất bại trong sự kiện 7/10 và vì họ ủng hộ thỏa thuận thả con tin và ngưng bắn với Hamas ở Gaza.
Theo lời một cựu quan chức tình báo hàng đầu, thì đụng độ ngày càng tăng giữa cánh hữu và giới chức an ninh là “chưa từng có”. Nó bắt nguồn từ nỗ lực của Netanyahu bám vào quyền lực nhờ câu kết với cánh hữu và đổ lỗi cho bộ máy quân sự và tình báo về sự kiện 7/10 trong khi chối bỏ trách nhiệm của bản thân. Suốt hơn một năm, Netanyahu không chịu thành lập ủy ban nhà nước độc lập điều tra về cuộc tấn công đầy chết chóc của Hamas. Nhưng vượt xa khỏi trò chơi đổ lỗi là hố sâu giữa một bên là các nhà tư tưởng hệ Do Thái muốn Israel kiểm soát các lãnh thổ chiếm đóng và bên kia là những chỉ huy an ninh lão thành dày dạn trận mạc đang hàng ngày phải vật lộn với thách thức duy trì an ninh quốc gia và giữ liên lạc với đồng minh Hoa Kỳ. Phe sau là bộ phận của giới quân sự có truyền thống gắn với chế độ Israel dân chủ tự do và thế tục, kiên quyết giữ vững thượng tôn pháp luật. Còn phe trước thì ngày càng thù địch với quân đội – một hiện tượng dị thường trong một đất nước nơi quân đội là tượng đài không thể đụng đến và luôn trong tình trạng chiến tranh dài nhất và phức tạp nhất suốt từ khi thành lập quốc gia Israel năm 1948.
ĐIỂM BÙNG PHÁT VÀ KHÍCH ĐỘNG
Đụng độ nói trên không chỉ liên quan đến tham vọng của cánh cực hữu ở Bờ Tây mà cả nghịch lý của Israel về việc phải làm gì với Gaza. Nhiều tháng qua, giới chức an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallant dẫn đầu ủng hộ thỏa thuận trao trả con tin và ngưng bắn, họ đứng cùng lập trường với chính quyền Biden. Gallant và những người khác công khai phê phán Netanyahu không đưa ra được một kết cục cho cuộc chiến ở Gaza mà kết cục này là một giải pháp thay thế có tính thực tế đối với sự cai trị của Hamas. Vào tháng Tám, Gallant đánh giá mong muốn của Netanyahu đi tới “chiến thắng hoàn toàn” chỉ là “luận điệu vô nghĩa”. Netanyahu xù lông, cáo buộc Gallant đưa ra “một dòng quan điểm chống Israel”. Tranh cãi của họ có ngay từ trước khi diễn ra sự kiện 7/10. Vào tháng 3/2023, Gallant cảnh báo rằng Chính phủ đang làm nguy hại an ninh quốc gia khi mưu toan đưa ra dự luật cải tổ hệ thống tư pháp, một dự luật đầy tranh cãi đã khiến nhiều quân nhân dự bị đe dọa không ra trình diện thực hiện nghĩa vụ quân sự. Netanyahu sa thải Gallant nhưng vài tuần sau đã thu hồi quyết định khi hàng loạt biểu tình lớn bùng phát. Rạn nứt mới đây nhất vào tháng Mười, Netanyahu hủy chuyến đi của Gallant đã lên kế hoạch đến Hoa Kỳ để bàn phối hợp tấn công trả đũa Iran, viện cớ phải có điện đàm giữa Biden và Netanyahu trước đã.
Vào tháng Chín, nội các đã bỏ phiếu duy trì hiện diện vô thời hạn của quân đội Israel ở hành lang Philadelphi, một dải đất hẹp dọc biên giới Gaza và Ai Cập. Netanyahu đã không đề cập điều kiện này trong những thỏa thuận ngưng bắn hồi tháng Năm, và cả Hamas lẫn Ai Cập đều phản đối sự có mặt của quân đội Israel trong khu vực biên giới. Nhiều người Israel giải thích cuộc bỏ phiếu của nội các vừa rồi là do Netanyahu quyết định phá hỏng khả năng có thỏa thuận, chỉ ra ý định của ông tiếp tục cuộc chiến ở Gaza để giữ được sự ủng hộ của cánh cực hữu trong Chính phủ. Cánh hữu Israel phản đối ngưng bắn và thậm chí, trong cái nhìn của một số nhà lãnh đạo cánh này, muốn đưa dân định cư trở lại Gaza. Ngược lại, Gallant và giới chức an ninh cho rằng Israel có thể thỏa thuận rút khỏi hành lang Philadelphi và hoàn toàn có thể quay trở lại nếu cần thiết. Ngay sau cuộc bỏ phiếu tháng Chín, dân Israel biết tin Hamas đã giết sáu con tin trẻ khi quân đội áp sát. Sự kiện này làm bùng nổ phong trào biểu tình đòi chấp nhận thỏa thuận, kích hoạt một cuộc bãi công nửa ngày và những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Israel, ước tính nửa triệu người tham gia chỉ riêng ở Tel Aviv, yêu cầu Netanyahu chấp nhận thỏa thuận để giải cứu số con tin còn lại. Nhưng hiện giờ một thỏa thuận trả con tin tỏ ra ngoài tầm với, khi mặt trận chính đang chuyển sang Lebanon và Iran, đồng thời xuất hiện những cuộc tấn công mới ở Bắc Gaza. Một bài báo trong tháng Mười trên tờ Haaretz tiết lộ sự thất vọng của các sĩ quan quân đội cao cấp, cáo buộc Chính phủ đã hy sinh con tin để theo đuổi việc sáp nhập Gaza.
Động lực khác của sự đụng độ giữa giới chức an ninh và Chính phủ, hoặc ít ra với các phần tử cực hữu trong Chính phủ, là tình trạng ngày càng xấu đi ở Holy Esplanade, một quần thể linh thiêng ở vùng Đông Jerusalem, nơi có thánh đường Hồi giáo al Aqsa và Núi Đền [Temple Mount]. Đây là điểm bùng phát chính và luôn lặp đi lặp lại trong quá khứ. Ben-Gvir, với lợi thế là Bộ trưởng An ninh quốc gia, đã nhiều lần làm suy yếu hiện trạng mong manh ở địa điểm này bằng cách khuyến khích người Do Thái đến đó cầu nguyện, lượng người đến cầu nguyện ngày càng đông. Giới chức an ninh lên án hành động như thế của ông ta là sự khiêu khích nguy hiểm gây phẫn nộ không chỉ ở người Palestine mà cả ở Jordan và thế giới Hồi giáo. Khu quần thể này sẽ trở thành điểm bùng phát thậm chí còn dữ dội hơn. Một giáo phái Cứu thế cực hữu từng tồn tại ở ngoại vi nhưng nay đang lớn mạnh tìm cách tiến vào dòng chính bằng cách thiết lập sự độc quyền Do Thái đối với toàn bộ khu phức hợp này, tiến hành những nghi lễ hiến tế động vật ở đó, và xây lại ngôi đền.
Đối địch giữa cánh hữu và giới chức an ninh không suy giảm dù tình hình đang xấu đi nhanh chóng ở Bờ Tây và xa hơn. Từ ngày 7/10, Israel ngăn 150.000 người Palestine sang lao động ở Israel. Nó cũng giữ lại ngân quỹ Palestine không chuyển cho nhà chức trách Palestine (Theo Hiệp định Oslo, Chính phủ Israel thu thuế trên lãnh thổ Palestine rồi chuyển cho Chính quyền Palestine). Những hành động trên là mưu toan của Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich làm suy yếu chính quyền Palestine và củng cố quyền kiểm soát của Israel ở Bờ Tây.
Những chính sách gây hại cho nền kinh tế Bờ Tây như thế sẽ trực tiếp làm suy yếu cái mà giới chức an ninh xem là khả năng duy trì được một chút trật tự, bởi vì nạn thất nghiệp và tình cảnh khốn cùng của người Palestine sẽ chỉ làm tăng nguy cơ bùng phát bạo lực. Giới chức an ninh yêu cầu Chính phủ Netanyahu giải phóng khoản thuế đã thu để chuyển cho Chính quyền Palestine và cấp phép lại cho người Palestine sang làm việc ở Israel. Nhưng không được đáp ứng. Khi nói đến Bờ Tây, Chính phủ vẫn lệ thuộc một cách nguy hiểm vào các bộ trưởng cực hữu nói trên, những người không muốn gì khác hơn là sáp nhập lãnh thổ và sẵn sàng kích động tiếp tục xung đột và hỗn loạn.
CHIẾN THẮNG KIỂU PYRROS [1]
Chính phủ không lắng nghe giới chức an ninh cũng như người biểu tình trên đường phố, thay vào đó nhờ cơ sở vững chắc của mình lại tăng cường hơn lập trường ở Bờ Tây và mở rộng hơn cuộc chiến đa mặt trận. Câu hỏi là khi nào thì áp lực bên ngoài sẽ khiến Netanyahu phải thay đổi đường lối. Washington ủng hộ Israel gần như vô điều kiện, ngay cả khi nước này bành trướng các khu định cư khắp Bờ Tây. Điều đó tạo ra tình trạng miễn tội khiến cánh định cư cứng rắn có thể tiếp tục bành trướng ở lãnh thổ chiếm đóng và tăng cường ảnh hưởng trong các định chế và nền chính trị Israel. Hoa Kỳ đã bắt đầu trừng phạt những người định cư gây bạo lực và trừng phạt một số nhóm tài trợ cho việc xây khu định cư, mặc dù chưa nhằm cụ thể vào Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich, hoặc nhằm vào những thực thể liên kết chặt chẽ với dự án định cư, bao gồm các nhóm bán chính phủ và các hội đồng định cư khu vực. Washington cũng không áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt trong việc cung cấp cho Israel những loại vũ khí mà có thể rơi vào tay dân định cư hoặc sử dụng việc cung cấp vũ khí làm đòn bẩy thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Vẫn chưa rõ liệu các biện pháp mạnh hơn của Washington có thể định hình lại tình hình chính trị của Israel hay không. Netanyahu vẫn có thể dựa vào cánh hữu để duy trì quyền lực ngay cả khi Hoa Kỳ gây sức ép, và xã hội Israel phần lớn đang ủng hộ quan điểm của ông từ chối mọi nhượng bộ đối với người Palestine. Nhưng ngay cả một rạn nứt phần nào với Hoa Kỳ cũng có thể tác động đến khả năng nước này tiếp tục cuộc chiến. Một lập trường cứng rắn hơn cũng có thể làm rõ ra hơn rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị đứng về bên nào trong cuộc đấu tranh giữa hai tầm nhìn của Israel: Một hệ tư tưởng cực hữu muốn chiếm đóng Bờ Tây và ngăn chặn thành lập Nhà nước Palestine – điều sẽ làm Israel kém an toàn hơn – hay một tiếp cận thực tiễn do giới chức an ninh chủ trương.
Hiện tại, leo thang chiến tranh ở Lebanon và cách Israel sẽ trả đũa các cuộc tấn công của Iran đang làm lu mờ những chia rẽ liên quan đến Bờ Tây. Song những khác biệt trong việc này tạo nên một lằn ranh căn bản. Nếu cánh cực hữu thắng thế, như dấu hiệu đang cho thấy, thì Israel sẽ tiếp tục xua đuổi người Palestine khỏi những dải đất lớn của Bờ Tây và dựng nên nhiều khu định cư nữa, thúc đẩy sáp nhập từng bước như Bezalel Smotrich luôn chủ trương. Cùng với những kích động ở Núi Đền, đường hướng này gần như chắc chắn dẫn đến một tương lai ngày càng bạo lực và mất an toàn cho cả người Palestine lẫn người Israel. Chiến thắng của các phần tử theo đường lối cứng rắn có thể gây thảm họa cho Israel, vì nền văn hóa vô luật pháp và hỗn loạn đang ngày càng sâu sắc sẽ chỉ tiếp tục gây suy yếu nền dân chủ Israel vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Mairav Zonszein là chuyên gia phân tích cao cấp về Israel tại International Crisis Group.
—————–
[1] “Chiến thắng kiểu Pyrros” là thành ngữ nói về một thắng lợi mà gây ra tổn thất khủng khiếp ở phe chiến thắng khiến chiến thắng mà như là thất bại. [Người dịch chú thích]