Kinh
nghiệm trong quá khứ cho thấy ở những quốc gia nào mà lợi tức của
người dân tăng thì chiều cao của người dân ở xứ ấy cũng tăng theo. Và
như vậy, nơi nào mà lợi tức tính theo đầu người, sau khi đã trừ
thuế, cao nhất thì chiều cao của dân tộc đó cũng cao nhất thế giới.
Suốt hơn 200 năm qua, người Mỹ là dân tộc cao hơn hết mọi dân tộc
khác. Vào thời cách mạng Hoa Kỳ, chiều cao của binh lính Mỹ cao hơn 2
inch (5cm) so với binh lính Anh. Trong Thế chiến II, họ cao hơn 2 inches
so với lính Đức. Tuy nhiên, khái niệm về chiều cao như nói ở trên đến
nay dường như không còn đúng lắm. Ngày nay, dân tộc Mỹ, và tất cả
mọi dân tộc khác trên trái đất, phải ngước nhìn lên dân tộc Hoà Lan.
Dựa trên các dữ liệu về chiều cao của người da trắng và da đen
trưởng thành được sinh ra ở Mỹ, chiều cao trung bình của phụ nữ Mỹ
hiện nay là 5 feet 5 inches (1.65m), và chiều cao trung bình của đàn ông
Mỹ là 5 feet 10 inches (1.78m). Người gốc châu Á và châu Mỹ Latinh, nếu
tính gộp chung vào sẽ còn làm cho chiều cao của người Mỹ thấp hơn
nữa, nhưng được loại ra để có được một so sánh gần hơn với người Tây
Âu hơn. Phụ nữ Hoà Lan nay có chiều cao trung bình là 5 feet 7 inches (1.72m),
trong khi đàn ông Hoà Lan trung bình cao 6 feet nửa inch (1.84m).
Nhưng khi ta nói đến lợi tức thì lại có kết quả ngược lại.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tại Hoa Kỳ, một gia đình Mỹ trung
bình có lợi tức bình quân một đầu người sau khi trừ thuế là $44,049 một năm.
Trong khi tại Hoà Lan, lợi tức trung bình sau khi trừ thuế là $28,783. Do đó,
khái niệm lợi tức/chiều cao theo tỷ lệ thuận nay không còn dùng được nữa. Quan
điểm của các nhà nghiên cứu thời nay, chiều cao của một dân tộc phản ánh một
cuộc sống có phẩm chất của dân tộc đó. Đối với các bác sĩ nhi đồng và các bậc
cha mẹ thì đây là dấu hiệu của một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.
Theo bác sĩ Jason Klein của Trung tâm Y tế Langone chuyên về nhi đồng thuộc Đại
học New York, trẻ em khoẻ mạnh bình thường có ba giai đoạn phát triển về chiều
cao. Giai đoạn thứ nhất xảy đến trong khoảng thời gian sau khi sanh cho tới 1
tuổi. Giai đoạn thứ nhì bắt đầu ở khoảng độ tuổi bắt đầu đi học. Và giai đoạn
thứ ba là khi tới tuổi dậy thì.
Khi chiều cao phát triển ở giai đoạn ba, tức tuổi dậy thì, thì người Mỹ bắt đầu
bắt kịp người Hoà Lan. Trong độ tuổi từ 8.5 đến 13.5, các em gái Mỹ cao thêm 11
inches (28cm). Trong độ tuổi từ 10.5 đến 16.5, các em trai Mỹ cao thêm từ 12
đến 13 inches (30-33cm).
Tuy nhiên, người Hoà Lan phát triển về chiều cao bắt đầu hơi trễ hơn nhưng kéo
dài lâu hơn.
Lý do vì sao mà người Hoà Lan trở thành dân tộc cao nhất thế giới thì
đến nay vẫn còn là điều bí ẩn chưa giải thích được. Mới hai thế kỷ
trước họ còn được nhiều người biết tới là dân tộc thấp bé nhất ở
Âu châu. Vậy điều gì đã xảy ra trong thời gian hai thế kỷ qua?
Một lối giải thích dễ chấp nhận nhất là điều kiện dinh dưỡng, với
thức ăn của họ chứa nhiều calorie như thịt và bơ, sữa, pho mát v.v… Tuy
nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đó cũng không hoàn toàn trả lời
được hết tất cả mọi câu hỏi.
Nhiều quốc gia Âu châu khác cũng được hưởng sự sung túc và thịnh
vượng như Hoà Lan hoặc hơn, và tiêu chuẩn cuộc sống cũng tăng cao hơn,
vậy mà chiều cao của người dân ở những xứ đó đã không tăng vọt lên
như người Hoà Lan. Dựa theo các dữ liệu của quân đội, chiều cao trung
bình của đàn ông Hoà Lan đã tăng thêm 8 inches (20cm) trong vòng 150 năm
qua. Trong khi cùng thời gian này, chiều cao trung bình của đàn ông Mỹ
chỉ tăng thêm có 2.5 inches (6cm).
Điều kiện dinh dưỡng chỉ là một phần yếu tố giúp tăng chiều cao,
một phần quan trọng khác là do di truyền. Thông thường cha mẹ cao thì
sinh con cao, và nhờ điều kiện sinh sống tốt hơn, những thế hệ sau
thường có khuynh hướng cao hơn thế hệ trước một chút.
Có một cách tính chiều cao tương lai của một đứa con mà nhiều người
Mỹ vẫn thường dùng: Với con gái, lấy chiều cao của người cha trừ đi
13cm, rồi cộng với chiều cao của người mẹ xong chia hai để lấy con số
trung bình. Đối với con trai, lấy chiều cao của người mẹ cộng với
13cm, rồi cộng với chiều cao của người cha xong chia hai rồi cũng lấy
con số trung bình.
Theo cách tính này, một đứa con trai có cha cao 5 feet 10 inches và mẹ
cao 5 feet 4 inches sẽ có chiều cao khi trưởng thành là 5 feet 9½ inches.
Nhưng cách tính này cũng chỉ là phỏng đoán thôi, với độ sai lệch là
khoảng 2 inches, và thường thì những đứa con của những cặp cha mẹ
thấp bé khi lớn có khuynh hướng cao hơn là kết quả của cách tính
trên.
Để kết luận, nếu chỉ dựa trên lợi tức trung bình hay điều kiện dinh
dưỡng thôi để kết luận dân tộc này cao hơn dân tộc kia thì nay không
hoàn toàn đúng nữa.
Một câu hỏi nữa: Chiều cao có thật sự có lợi hay không?
Câu trả lời: đương nhiên là có lợi.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, đa số các tổng thống đều cao, trong đó cao nhất
có lẽ là Abraham Lincoln. Với chiều cao 6 feet 4 inches, ông Lincoln cao
hơn ông Barack Obama nửa cái đầu, mặc dù chiều cao của ông Obama được
coi là khá, cao hơn 3 inches (8cm) so với chiều cao trung bình của người
Mỹ hiện nay. Một cuộc nghiên cứu mới đây xác nhận rằng quả thật là
các ứng cử viên có chiều cao trên trung bình thường nhận được nhiều
phiếu bầu hơn.
Vượt ra ngoài phạm vi tranh cử vào Toà Bạch Ốc, đàn ông và phụ nữ
cao vẫn được cho là khoẻ mạnh và thông minh hơn, và thường được tuyển
chọn cho những công việc có tính cách cạnh tranh hơn; và họ cũng
thường được trả lương cao hơn. Có thể vì bản tính tự nhiên của con
người vẫn xem chiều cao là phải đi đôi với “tài năng” và “uy thế” –
là hai đặc điểm quan trọng cần có ở một người lãnh đạo. Tuy nhiên,
chiều cao cũng phản ánh về điều kiện dinh dưỡng của người đó khi
còn nhỏ, và có lẽ đó là bằng chứng chính xác hơn về một cá nhân khi
được sự nuôi nấng, dạy dỗ kỹ lưỡng, và nhờ vậy đã ảnh hưởng tốt tới
việc giáo dục và sự thành công sau này trong đời.
Đương nhiên không hẳn là tất cả những người thành công đều cao lớn hơn
người bình thường khác. Winston Churchill và Martin Luther King là những
nhân vật có tài hùng biện với sức lôi cuốn vào bậc nhất mặc dù có
chiều cao khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu xét trên căn bản về ấn tượng
đầu tiên của một cá nhân thì người cao có thể dễ dàng thuyết phục
người đối diện hơn.
Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đều cho thấy đàn ông và phụ nữ cao thường
được cho là có sức hấp dẫn, lôi cuốn người khác phái hơn. Tuy nhiên, hãy coi
chừng và đừng nên tưởng bở, cao cỡ những siêu người mẫu có thể gặp vấn đề, và
những phụ nữ cao quá dường như không gặp nhiều may mắn trong tình trường vì
quan điểm của các ông nói chung thích những người cao vừa vừa thôi.
Một điều khá bất ngờ là những trẻ em có sức khoẻ tốt hơn thường có khuynh hướng
cao hơn khi trưởng thành, và điều này có thể làm cho nhiều người nghĩ rằng
chiều cao có thể dùng làm thước đo về tuổi thọ. Thế nhưng sự thật thì ngược
lại. Dân tộc Sardinia có tuổi thọ cao nhất ở Âu châu, nhưng chiều cao trung
bình của đàn ông tại đây chỉ đo được 5 feet 3 inches (160cm). Kết quả một cuộc
nghiên cứu giữa những người sống thọ nhất ở đảo Sardinia cho biết những người
cao nhất ở đây có tuổi thọ ngắn hơn hai năm so với những người hàng xóm thấp
hơn của họ. Một cuộc nghiên cứu khác trên 1.3 triệu người Tây Ban Nha cho biết
cứ cao thêm một centimetre cao là sẽ bị mất đi 0.7 năm tuổi thọ trung bình.
Vậy, đối với những ai thích được sống lâu hơn trên cõi đời này, chiều cao chưa
chắc đã là một mơ ước lý tưởng.
Đó là chưa kể người có chiều cao mà còn chân dài nữa thì lại mang thêm nhiều
bất tiện. Ngủ trọ ở khách sạn thì giường ngắn quá, nằm lòi cả hai bàn chân ra ngoài.
Ngồi trên xe lửa hay trên máy bay thì khoảng cách giữa hai hàng ghế gần quá,
đầu gối không biết cất đi đâu. Muốn soi gương thì phải khòm lưng xuống mới nhìn
thấy mặt mình. Tắm vòi sen đôi khi phải ngồi thì mới gội được đầu. Trước kia
khi còn phải sử dụng điện thoại công cộng, muốn gọi điện thoại người ta phải
chui vào phòng điện thoại bé tí teo, đối với những người cao quá khổ thì đó là
cả một cực hình, nhất là những hôm trời nóng nực.
Mặc dù vậy, chiều cao có ưu điểm này mà có lẽ ai cũng muốn: nhiều cuộc nghiên
cứu khác nhau cho biết người càng cao thì cuộc sống càng hạnh phúc và vui vẻ
hơn những người khác. Ưu điểm này có lẽ là do yếu tố, như đã nói ở trên, chiều
cao có thể ảnh hưởng tốt tới công việc và giúp họ có việc làm tốt hơn, lương
cao hơn, và điều này có nghĩa là những người cao có cuộc sống thoải mái hơn.
Tuy nhiên, tất cả những thống kê trên thực sự chỉ chứng minh điều này: chiều
cao không do chúng ta chọn mà có lẽ cũng không hoàn toàn quyết định số phận của
chúng ta. Làm việc gì thì cứ làm hết khả năng của mình thì kết quả tốt đẹp sẽ
tới. Nhưng nếu như ta được quyền chọn lựa thì cũng không nên chọn cao quá hay
thấp quá mà nên chọn tầm vừa vừa là hay nhất. Đứng ở giữa chung với mọi người
thì luôn luôn an toàn mà lại không mang cảm giác bị xé lẻ.
Huy Lâm