11-1-2024
Xem nửa phút video này các bạn sẽ thấy một hoàn cảnh, một tình cảnh hết sức khốn khổ của người dân khi đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng, đèn đỏ kéo dài hàng nửa giờ không chịu tắt, ô tô xếp hàng chịu trận, dòng xe tắc nghẽn kéo dài ở Củ Chi hôm qua. Người đi xe gắn máy thì không cam chịu, đành xuống dắt xe qua ngã tư này để sang bên kia đi tiếp.
Họ không dám đi xe sợ bị phạt, cũng không thể đứng đó chờ ông nhà đèn sửa đèn rồi bấm đèn xanh vì nếu chấp hành như vậy có thể nhiều hệ luỵ, phiền luỵ sẽ xảy ra với gia đình, công việc của họ.
Có bác sĩ sẽ không thể đến bệnh viện tham gia ca mổ cấp cứu mà ông ta là người phụ trách phẫu thuật, có cô giáo sẽ không thể đến lớp, mặc kệ lũ học trò…
Với truyền thông xã hội, việc nắm bắt, đăng tin và bình luận là một nhân tố phát triển cho đất nước. Họ chỉ ra được để những nhà quản lý, quản trị xã hội biết để mà điều chỉnh.
Ở những nước văn minh, những người dân bị phiền nhiễu này có thể kiện và nhà quản lý có thể phải hầu toà và bồi thường thiệt hại cho họ, buộc những người làm nên chuyện khắc phục ngay tình trạng khốn khổ nói trên. Nhưng ở Việt Nam, tiến trình văn minh đó không thể xảy ra vì một trở lực. Trở lực đó đến từ những người mà tôi dùng cụm từ “luật là luật” chứ không phải ai cả.
Để hình dung xem “thế lực thù địch mới” này là ai, xin các bạn xem ý kiến của một luật sư bình luận như sau về vụ này, nguyên văn như sau, riêng tên luật sư tôi viết tắt:
“… luật giao thông Việt Nam 2008 có nêu ‘Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ’. Do đó người dắt xe máy như trên đã vi phạm nghị định 168, nên phạt thật nặng và thu hồi phương tiện vi phạm gồm cả xe đạp lẫn xe máy”. Hết đoạn trích.
Lời bình của tôi: Nếu là bố đẻ hay ông nội vị luật sư này tôi lấy làm vinh dự lắm vì không uổng công nuôi vị này ăn học.
Học ra học, vận dụng không sai một chữ nào, “áp” không sai chút nào cái “en nờ đê 168” nhưng từ tư cách một công dân tôi nhận thấy thứ tư duy này, từ nay xin gọi tắt cánh này là LLL (Luật là luật) nguy hiểm hơn mấy anh Việt Tân Việt Cựu hoặc “Các thế lực thù địch” nhiều!
Nếu anh này cầm quyền có thể truy bắt hết những công dân khốn khổ kia và phạt, phạt ra phạt, phạt thật nặng, giam xe, truy thu được khối tiền về làm giàu cho người thu. Và như thế, không mấy chốc đất nước ta tiến kịp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Nhân đây xin nêu một hình ảnh:
Cách đây hơn chục năm, một gia đình đến UBND một xã ở miền Tây Nam bộ xin chứng một số giấy tờ cho con họ nhập học Đại học trên Sài Gòn. Cậu con là một học sinh xuất sắc, sau này là một thạc sĩ có hạng. Nhưng UBND xã không chứng vì lý do cậu ta… chết lâu rồi!
UBND xã không sai. Nếu tư duy LLL thì uỷ ban không sai. Gia đình đã báo tử cậu này trước đó hơn chục năm rồi.
Vấn đề là hồi cậu bé này 5 tuổi, chưa đi học đã đọc thông viết thạo, gia đình đã lấy giấy khai sinh của thằng anh để nhập học cho cậu bé. Cậu này mang tên người anh cho đến bây giờ.
Phiền nỗi cậu anh “cho mượn tên” sau vài năm đã chết vì bạo bệnh. Gia đình đã báo tử tại UBND xã.
Rất may mắn cho dòng họ này, cho đất nước này nên ông luật sư nói trên hồi đó không làm… cán bộ tư pháp xã nói trên. Nếu ông ấy làm chủ tịch hoặc tư pháp xã, ông ấy đã hành xử đúng kiểu LLL và tiện nay khai tử luôn cậu thanh niên đầy năng lực sống kia. Cậu này chỉ có nước về đi bắt ốc hoặc chạy xe ôm, không thể vào đại học.
Sau lúc ấy, chính quyền tỉnh này tìm cách hợp thức hóa rất nhân ái để giải quyết vụ cậu bé… chưa chết và cậu học hành, trưởng thành bình thường.
Thưa các bạn, đất nước đang phát triển, nhiều địa hạt, nhiều lĩnh vực còn xô bồ, thậm chí hỗn mang, loạn xì ngầu (như chuyện đèn hiệu, biển báo gần đây). Các cơ quan quản lý phải mắm môi lại, khẩn trương rà soát, điều chỉnh nhanh tính bằng giờ để tránh kiểu lộn xộn này. Phải thấy, phải thấu những tình cảnh khốn khổ này chứ không phải ngồi đó tính năng suất phạt, càng nhiều càng ít!
Chúng ta cần cảnh giác loại tư duy khô cứng, thất nhân tâm của cánh ba lờ (LLL) để tránh cho nhà nước và nhân dân những hậu hoạ. Định buột mồm một câu “bố khỉ!” mà hơi ngường ngượng.
Nguồn: Tiếng Dân