Thượng chi Phạm Quỳnh với sự nghiệp văn hóa nước nhà

Học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh từng nói: Từ khi biết nghĩ đến giờ, lúc nào tôi cũng băn khoăn khắc khoải về vấn đề văn hóa của nước mình, tưởng như hạnh phúc cả một đời, vận mệnh cả một nước là ở đó (1). Ông viết nhiều về văn hóa nước nhà; khi viết về văn hóa nước ngoài ông cũng liên hệ tới văn hóa Việt Nam, chú trọng nêu ra việc xây dựng và phát triển nền văn hóa quốc gia ở tầm vĩ mô, nhấn mạnh nước ta cần phải có một nền văn hóa độc lập.

Thời ấy hai phái cựu học và tân học ở ta đều có ý chê trách văn hóa nước nhà. Riêng Phạm Quỳnh đứng ra bênh vực, bảo vệ nền văn hóa ấy. Như khi họ chê văn tiếng Việt chỉ dùng để tiêu khiển, không dùng được cho học thuật, thì ông nói Tiếng ta nếu khéo dùng cũng có thể thành văn chương có giá trị. Tuy giỏi Hán văn và Pháp văn nhưng ông lại phản đối dùng chữ Hán hoặc tiếng Pháp để xây dựng nền quốc văn nước ta, phê phán thói hay nói chen tiếng Pháp của phái tân học là một thói xấu có hại cho văn hóa nước nhà. Đặc biệt ông từng dũng cảm phát biểu phản đối Chính phủ Pháp chủ trương dạy tiếng Pháp cho trẻ em nước ta từ bậc tiểu học. Đánh giá của ông về Truyện Kiều cũng khác với số đông nhà Nho đương thời…

Do kiên trì những quan điểm khác người mà ông bị không ít nhà trí thức thời ấy và đời sau chê trách, cô lập, thậm chí phũ phàng kết tội. Về sau, số người bênh vực ông tăng lên, kể cả người từng nặng lời phê phán ông(2).

Phạm Quỳnh vốn có thiên tư thông minh, giỏi ngoại văn, giỏi nói và viết, có tác phong làm việc nghiêm chỉnh, dấn thân. Được công tác ở Viện Viễn đông Bác cổ, tạp chí Nam Phong, Bộ Học của triều đình Huế, là những nơi tập trung nhiều nguồn tư liệu và người tài, ông có điều kiện tốt để trau dồi kiến thức văn hóa Đông Tây cổ kim cũng như để thể hiện mình. Ông để lại cho hậu thế một di sản tác phẩm quý giá, phong phú,hữu ích cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước nhà. Có thể nói ông là một học giả yêu nước, uyên bác, trọnđờilo nghĩ xây dựng một nước Việt Nam độc lập về văn hóa.

Văn hóa quan trọng nhất

Phạm Quỳnh nói Vấn đề văn hóa đối với nước ta là quan trọng lắm. Ông suốt đời đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà, nhưng chủ yếu hoạt động về văn hóa. Trong bài trả lời Ngô Đức Kế, ông không nhận mình là nhà chính trị, mà là nhà văn, nhà học vấn, thực hiện chủ nghĩa quốc gia về phương diện văn hóa chứ chưa đi sang phương diện chính trị(3). Đó là vì ông cho rằng Trong tình thế nước ta ngày nay, vận động về chính trị không bằng vận động về văn hóa. Vấn đề văn hóa còn quan trọng hơn vấn đề chính trị.

Ông quan niệm văn hóa là gốc, chính trị là ngọn, gốc có vững thì ngọn mới tốt. Thời ấy đấu tranh chính trị để giành độc lập cho nước nhà là con đường bế tắc, vì Nước ta hiện không có chủ quyền về chính trị. Một nước đã mất quyền chính trị mà muốn thu phục lại thời chỉ có hai cách: Một cách bạo động, một cách ôn hòa (4). Như nhiều trí thức cùng thời, ông thừa hiểu đấu tranh bạo động thì chắc chắn thất bại, và chủ trương giành độc lập cho tổ quốc bằng cách thứ hai, chủ yếu hoạt động trên mặt trận văn hóa.

Sau khi vào triều đình Huế, Phạm Quỳnh có tham gia một số hoạt động chính trị, tuy đều ôn hòa nhưng tất cả đều thất bại. Điển hình là chuyến ông theo vua Bảo Đại đi Paris năm 1939 đàm phán đòi Pháp trả lại Bắc Kỳ cho triều đình Huế theo Hiệp ước 1884, nhưng vì Pháp không đồng ý, Bảo Đại tay trắng trở về. Hiểu được thân phận bù nhìn của chính quyền Huế, sau vụ đảo chính 9/3/1945, Phạm Quỳnh từ quan về nhà, ân hận vì đã tham gia chính trường.

Trước năm 1932, ông chủ yếu hoạt động văn hóa, làm được nhiều việc có ích, nhất là thời gian phụ trách tạp chí Nam Phong, ông đã tập hợp được nhiều nhân sĩ cùng chí hướng dùng quốc ngữ để mở mang dân trí và tập luyện cho văn quốc ngữ trở thành quốc văn.

Coi văn hóa quan trọng hơn chính trị cũng là một quan điểm độc đáo của Phạm Quỳnh, có lẽ vì ông hiểu văn hóa theo cách khác người. Nói chung văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng là mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; theo nghĩa hẹp là ba lĩnh vực tư tưởng – văn chương – nghệ thuật(5).Riêng ông lý giải văn hóa là cách rèn luyện tinh thần con người sao cho trở nên tốt đẹp hơn, nảy nở ra những công trình, sự nghiệp lớn lao. Nếu ví con người như cái cây thì văn hóa là cách vun trồng, chăm bón sao cho con người nảy nở được hết cái tốt đẹp của mình.

Cách giải thích này có tính bao quát và trừu tượng, nhưng xem ra đúng ý và sát nghĩa với từ gốc culture trong tiếng Pháp, nghĩa đen là trồng trọt. Cuối thế kỷ XIX, từ culture được các học giả Nhật chuyển ngữ thành từ Hán – Nhật “文化 (văn hóa)” ở đây văn là văn minh, hóa là biến đổi trở thành, văn hóa nghĩa là “trở nên văn minh”­. Chuyển ngữ như thế thật tài tình, không thể nào hay hơn. Từ văn hóa về sau được Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam tiếp nhận sử dụng như một từ bản ngữ. Đúng vậy, khi xã hội có văn hóa thì các mặt tốt của mỗi người được vun trồng chăm bón, sinh sôi nảy nở, mọi người trở nên tốt hơn, cả dân tộc trở nên văn minh lịch sự, đáng trọng. Với cách hiểu như vậy, Phạm Quỳnh cho rằng văn hóa là thứ cần thiết không thể thiếu cho một dân tộc, là lẽ sống còn của một quốc gia.

Vì sao nước ta chưa hoàn toàn độc lập về văn hóa, tinh thần, tư tưởng

Phạm Quỳnh nhận định Nước ta xưa nay đời nào cũng có văn hóa, cho nên con người thuần phác, phong tục tốt, xã hội có trật tự, lịch sử vẻ vang. Nhưng ta chưa có một nền văn hóa độc lập, đó là do ta chưa có nền quốc học của mình. Ở đây quốc học là những trào lưu tư tưởng học thuật trong một nước, có đặc sắc khác với nước khác, và có kết tinh thành ra những sự nghiệp trước tác, lưu truyền trong nước và ảnh hưởng đến các học giả trong nước.

Ông nói: Muốn có quốc học thì trước hết phải có nền quốc văn chân chính – tức văn học của đa số dân; nhưng tachưa có nền quốcvăn như vậy, vì trong 10 thế kỷ Bắc thuộc, chính sách đồng hóa về văn hóa của phong kiến Trung Quốc đã tác động sâu sắc tới nướcta; giới tinh hoa Việt Nam phải học mướn viết nhờ: học hệ thống học thuật Nho giáo và viết chữ Hán – đều của văn hóa Trung Hoa. Và học mướn viết nhờ tới 2000 năm, một kỷ lục thế giới! Hậu quả là nước ta trước ngày chữ Nôm ra đời chỉ có mỗi một nền văn học chữ Hán, là thứ văn học của tầng lớp trên, khôngphải của dân chúng, do đó khôngthể làm nên quốcvăn.

Phạm Quỳnh nhận xét: Ông cha ta ngày xưa chỉ biết một cái văn minh học thuật của Trung Hoa mà thôi, coi nó như một nền văn hóa riêng của nước mình, cúc cung tận tụy, thành thực phụng thờ.Đó cũng là tình trạng chung của các nước ở gần Trung Quốc: Bất cứ nước nào ở trong cái vòng khuôn một nền văn hóa cổ [như văn hóa Hán] thì đều phải làm nô lệ cho thứ văn tự cổ ấy [chữ Hán].

Dân tộc nào không có chữ viết thì phải chịu số phận như thế. Nô lệ cho một văn tự tiên tiến thì có khi là tốt, nhưng nô lệ cho thứ văn tự như chữ Hán thì thật khổ. Chả thế mà tổ tiên ta đã sớm tìm cách giải thoát: đến thế kỷ XII các cụ sáng tạo ra chữ Nôm ghi âm được tiếng Việt. Tương tự, người Nhật, người Triều Tiên cũng làm chữ riêng của họ. Cuối cùng, từ thế kỷ XVII người Trung Quốc cũng nhận ra nhược điểm của chữ Hán và họ đã vất vả cải cách chữ Hán suốt hơn trăm năm nay chưa xong.

Theo Phạm Quỳnh, nước nào khi hấp thụ học thuật của nước ngoài mà biết biến hóa nó theo tinh thần riêng của mình thì vẫn có thể gây dựng nền quốc học; như người Nhật dù phải mượn dùng chữ Hán nhưng họ vẫn có nền quốc học riêng, còn ta thì chưa. Ông giải thích: đó là do tình hình địa lý, lịch sử, chính trị của ta khác Nhật. Nước ta về địa lý nối liền với Trung Quốc, cho nên Người Tàu tiện đường tràn sang nước ta, hoặc bằng cách chiến tranh, hoặc bằng cách hòa bình, hết đời này sang đời khác. Sau 1000 năm Bắc thuộc, khi ta giành độc lập thì Cái dấu vết của người Tàu đã hình như in sâu vào trong trí não ta rồi. Tự bấy giờ tiếng gọi là một nước độc lập về chính trị, nhưng nào đã hoàn toàn độc lập đâu. Phải chăng cảnh báo này nay vẫn còn nguyên giá trị? Trong khi vẫn còn những người tự hào vì nước ta có một nền văn học chữ Hán thì một số học giả tin rằng dân tộc ta từng có chữ Việt cổ, nhưng bị người Hán tiêu diệt sạch trong 1000 năm Bắc thuộc.

Có thể giả thiết nếu nước Nhật bị người Hán thống trị lâu như nước ta thì chắc gì họ đã có nền quốc học của mình? Bởi thế tất cả các thế hệ người Việt cần mãi mãi ghi lòng tạc dạ: nhờ tổ tiên ta tài giỏi mà nước ta thời Bắc thuộckhôngbị người Hán đồng hóa tới mức làm cho mất tổ quốc – đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng vì để giữ được đất nước và dân tộc này mà không xây đắp được nền quốc học thì cái giá phải trả ấy cũng xứng đáng thôi. Bởi thế Phạm Quỳnh khuyên chúng ta chẳngnên oán tổ tiên mình!

Ông cho rằng do phải lo đối phó giặc Tàu xâm lược nên các thế hệ nhà nước ta chưa thể quan tâm xây dựng nền văn hóa Việt, cho nên mới có tình trạng Về học thuật thì đã sẵn cái học của Tàu đó, tiêm nhiễm vào sâu từ thuở mới thành dân thành nước, không thể tưởng tượng rằng ngoài sách vở của thánh hiền còn có nghĩa lý gì khác nữa; sau đời Lý đời Trần là hồi Phật học còn thịnh hành, rồi chỉ độc tôn có một phái Nho học cho là đạo chính truyền, ngoại giả không dám có tư tưởng gì khác. Thực ra đó còn là hậu quả của một tâm lý phổ biến trong giới trí thức ta hồi ấy: tự ti dân tộc, sùng ngoại, suốt đời làm trò, không dám làm thầy.

Từ cuối đời Trần, Nho giáo với tính chất là chỗ dựa tư tưởng của chế độ chuyên chế phong kiến đã hoàn toàn thống trị đời sống tinh thần tầng lớp trên ở ta. Phạm Quỳnh viết: Từ cuối Trần đầu Lê về sau, nhân tài đều đúc theo cái khuôn khoa cử của Nho giáo. Chế độ khoa cử là một món quà rất có hại mà nước Tàu đã tặng cho ta. Ai đã đúc từ cái khuôn ấy rồi thì thần trí eo hẹp, sao mà còn có tư tưởng, có học vấn tự do được nữa.

Khoa cử là chế độ thi cử do phong kiến Trung Quốc thực thi trong hơn 1300 năm (tới 1901) nhằm chọn người tài để làm quan; nội dung thi là các kinh điển Nho giáo, thơ văn…, toàn là những kiến thức không có tác dụng gì tới kỹ năng sống của con người, tới quốckế dân sinh; thí sinh chỉ học thuộc lòng không có sáng tạo, là chế độ giáo dục phản động mà phong kiến Việt Nam bê nguyên xi về. Phạm Quỳnh nhận xét: Sau dăm sáu trăm năm đào tạo người tài theo chế độ khoa cử, cái khí tinh anh trong nước ta đều tiêu mòn hết cả, Văn Miếu Hà Nội còn mấy dãy bia kỷ niệm các vị tiến sĩ đời Hậu Lê, chắc có nhiều nhân tài lỗi lạc, nhưng vì mài miệt về đường khoa cử nên đều mai một mất cả, chẳng mấy ai có sự nghiệp về đường học vấn tư tưởng. Xin nói thêm: về sự nghiệp khoa học kỹ thuật lại càng không có gì!

Một quốcgia chưa có nền học thuật và hệ tư tưởng riêng của mình, phải học mướn viết nhờ nước ngoài, thậm chí thi cử cũng học người thì không thể độc lập về tư tưởng. Sự thật ấy khiến Phạm Quỳnh rất lo ngại. Để thoát khỏi tình trạng đó, ông đề ra ý tưởng xây dựng nền quốcvăn tiếng Việt, từ đó xây dựng nền quốchọc của nước ta.

Phải xây dựng bằng được một nền văn hóa Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, khi tiếp xúc toàn diện với văn minh phương Tây, giới tinh hoa châu Á bừng tỉnh nhận ra phương Đông thua kém phương Tây chủ yếu về văn hóa. Sau 2000 năm sùng bái văn minh Trung Hoa, giới trí thức nước ta chưa biết nên đối xử như thế nào với hai nền văn hóa Đông Tây.

Phạm Quỳnh nhận xét: Ta đang ở chỗ giáp giới hai nền văn minh. Văn minh phương Đông cũ kỹ nhưng là cái vốn có của ta, bỏ đi không nỡ; văn minh phương Tây mới mẻ nhưng tự ngoài đem lại, thâu lấy cũng khó… Xét bề ngoài, tựa hồ như có bên thắng bên bại, tình thế đã rõ ràng, nhưng người mình đối với bên nào cũng còn lúng túng chưa quyết hẳn theo một phương châm nhất định, không biết nương tựa vào đâu. Các nhà cựu học chán đời không làm gì. Phái tân học chủ trương chỉ theo Tây học… Vấn đề văn hóa ở nước ta khó khăn phiền phức vô cùng…Số đông người Việt Nam nghĩ rằng văn hóa của các nước Âu Tây chắc là hay ho tốt đẹp vô cùng, ta cứ việc nhắm mắt mà theo, hà tất phải bàn chuyện văn hóa.

Ông phê phán “Thuyết Thuận dòng xuôi chảy” ấy: Phàm sự văn hóa là phải vun trồng tự nơi căn bản, nếu bỏ căn bản của mình mà chuyên sao chép của người khác, tự mình không có gốc sẵn mà đi mượn của người ta thời như người vay lãi mà ăn, sớm muộn tất có ngày vỡ nợ.Ông gọi đấy là cái bi kịch tinh thần trong giới trí thức nước ta và tỏ quyết tâm phải giải quyết bằng được vấn đề văn hóa.

Tự lãnh trách nhiệm đi tiên phong trong sự nghiệp văn hóa nước nhà, Phạm Quỳnh nghiên cứu tìm xem văn hóa phương Tây ưu việt hơn phương Đông ở mặt nào. Ông nhận xét: Phương Tây chú trọng vật chất, coi trọng khoa học và tri thức, gắng sức làm cho nước mạnh dân giàu; phương Đông chú trọng đạo đức, cho rằng có thể dùng đạo đức để mưu cầu hạnh phúc và hòa bình. Ông kết luận: Tri thức, chứ không phải đạo đức, mới là động lực thúc đẩy đất nước tiến lên văn minh giàu mạnh. Trong lịch sử, nhiều người đạo đức tốt mà tri thức tầm thường đã làm hại rất lớn cho nhân quần. Vì thế khi xung đột với văn minh khoa học của phương Tây thì văn minh đạo đức của phương Đông không sao địch nổi, ngày một sa sút, hầu như không có cơ hưng thịnh. Đây thật là một quan niệm tiến bộ, ngày nay vẫn còn giá trị.

Việt Nam là một ví dụ do văn hóa lạc hậu nên không giữ được đất nước. Thực dân Pháp chiếm nước ta, sau khi dẹp xong các cuộc nổi dậy chúng bắt đầu đồng hóa dân tộc ta bằng văn hóa, mở rộng dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, hạn chế học và thi chữ Hán. Tây học phát triển mạnh. Trong tình hình đó, Phạm Quỳnh nêu chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở dung hòa văn hóa Đông, Tây, bỏ cái dở, giữ cái hay, tiếp thu khoa học của văn hóa phương Tây, giữ gìn đạo đức của văn hóa phương Đông, mà ông tóm gọn trong bốn chữ Thổ nạp Âu Á. Quan điểm này hoàn toàn hợp lý, khác với thái độ cực đoan phủ nhận văn hóa truyền thống hoặc từ chối văn hóa phương Tây. Thực tế cho thấy những người tiếp thu tốt cả hai nền văn hóa Đông Tây mới thực sự là nhân tài của nước ta. 

Cho rằng Có quốc văn và quốc học thì nước nhà mới thật sự được độc lập về tinh thần, tư tưởng, ông chủ trương tập trung xây dựng quốc văn, tức văn học nước nhà. Ông nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, kiên trì chân lý Tiếng ta còn thì nước ta còn, nghĩa là muốn giữ gìn dân tộc-tổ quốc thì trước hết phải giữ được địa vị độc tôn của tiếng Việt. Ông khẳng định: Nước Nam ta thời trước không thể có quốc học bằng chữ Hán, sau này cũng không thể có quốc học bằng chữ Pháp. Nói cách khác, nước ta chỉ có thể có quốc văn bằng tiếng Việt, mà ông gọi là tiếng ta, tiếng Nam, tiếng An Nam, tiếng Nôm, quốc âm. Và ông thổ lộ: Tôi lâu nay đã tự nguyện cúc cung tận tụy một đời để gây dựng cho tiếng ấy thành văn chương, cho nước ta có một nền quốcvăn đứng riêng được một cõi.

Muốn vậy phải động viên giới trí thức viết văn quốc ngữ, dịch các từ ngữ văn hóa phương Tây ra tiếng Việt, xóa bỏ quan niệm sai lầm cho tiếng Việt là nghèo nàn. Vì mục đích đó, ông đã đi nhiều nơi khảo sát, nghiên cứu tiếng Việt và có không ít khám phá về mối quan hệ giữa tiếng nói với dân tộc, về giá trị ngôn ngữ của Truyện Kiều, qua đó chứng minh tiếng Việt mình rất hay, rất phong phú, xứng đáng làm nên nền quốc văn. Ông khéo léo dẫn dắt tạp chí Nam Phong, tập hợp được nhiều học giả viết những bài văn quốc ngữ rất thành công trên nhiều lĩnh vực, giúp cho văn tiếng Việt hoàn thiện dần, diễn đạt được mọi khái niệm cao xa, mới lạ. Thời ấy giới nhà Nho ưa viết Hán văn, giới Tây học chuộng viết Pháp văn, riêng Phạm Quỳnh đi đầu phong trào viết văn quốc ngữ: trong tổng số 1391 bài tiếng Việt đã đăng trên tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh viết nhiều nhất với 458 bài, chiếm khoảng một phần ba, chưa kể 33 bài tiếng Pháp và các bài chữ Hán(3).

Khu tưởng niệm Phạm Quỳnh tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương có lưu lại mấy danh ngôn của ông, tất cả đều nói về mối quan hệ giữa ngôn ngữ với Tổ quốc. Hai cột trước nhà bia khắc câu Truyện Kiều còn tiếng ta cònTiếng ta còn nước ta còn. Trên bức tường đá đen sau nhà ghi ba hàng chữ: Tiếng là nước. Có tiếng mới có nước. Có quốc văn mới có quốc gia, lấy từ bài Cô Kiều với tôi ông viết sáng ngày định mệnh 23 tháng 8 năm 1945(6). Chiều hôm ấy ông bị Việt Minh bắt đi và không bao giờ trở về.

Thượng Chi Phạm Quỳnh 8 tuổi đã biết nghĩ về tổ quốc, 15 tuổi được cơ quan nghiên cứu khoa học cao nhất Đông Dương mời vào làm việc, 10 năm sau trở thành Tổng biên tập tờ báo lớn nhất nước, 30 tuổi diễn thuyết trước Viện Hàn lâm Pháp phản đối Chính phủ nước này dùng tiếng Pháp đồng hóa dân tộc ta, 41 tuổi làm Bộ trưởng Giáo dục triều đình Huế… cuối cùng mới 53 tuổi đã bị tước mất cuộc sống. Thật là “Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa”! Nhưng những cống hiến lớn có tính khai phá của vị đại học giả này trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam độc lập và tiên tiến đã làm cho tên tuổi ông sống mãi cùng dân tộc.

 Nguyễn Hải Hoành

Ghi chú:

1. Các chỗ in ngả là lời Phạm Quỳnh, đã rút gọn, trích từ Thượng Chi Văn tập (Nxb Văn học, 2006) và Phạm Quỳnh: Luận giải Văn học và Triết học (Nxb Văn học, 2016).

2. Ví dụ Nguyễn Đình Chú, xem Xưa và Nay số 484, tháng 6/2017, trang 48.

3. Phạm Xuân Nguyên: Phạm Quỳnh và Nam Phong. Văn hóa Nghệ An số 346.

4. Khúc Hà Linh: Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Nxb Thanh niên, 2012.  

5. Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, 2003.

Related posts