Ngụy văn hóa là sự giả tạo văn hóa, là văn hóa giả tạo, mà nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại thì đó là hàng Dởm/Giả. Nói đến văn hóa, trước hết là nói đến giá trị. Nói đến ngụy văn hóa, trước hết là nói đến sự giả tạo giá trị, và các giá trị giả tạo. Ngụy văn hóa, cũng có muôn vàn kiểu cách khác nhau từ cách biểu hiện đến thực hành “ngụy” – Giả tạo, cách tạo ra các ngụy giá trị. Ngụy giá trị không là điều hiếm, điều lạ trong lịch sử xã hội, ở bất cứ lĩnh vực nào từ chính trị đến kinh tế, văn học nghệ thuật đến đạo đức, tôn giáo, tín ngưỡng; từ môi trường gia đình đến môi trường xã hội, từ phạm vi quốc gia đến quốc tế. Tùy thuộc vào môi trường xã hội, thể chế kinh tế chính trị của mỗi thời đại, của các quốc gia dân tộc mà mức độ và sắc thái ngụy văn hóa có sự khác nhau.
Văn hóa Việt Nam, giai đoạn này là một thời vô cùng khó khăn bởi sự lũng đoạn của ngụy văn hóa, ngụy giá trị. Chưa bao giờ ngụy giá trị, ngụy văn hóa lại chèn ép các gía trị đích thực như hiện nay. Trước hết nói về đạo đức xã hội. Xã hội không thiếu người tốt nhưng chưa có bao giờ khó tìm được đúng người tốt như hiện nay. Chân – Giả lẫn lộn. Đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào với nhau nhưng đưa nhau vào bẫy hãm hại nhau là chuyện thường ngày ở bất cứ đâu. Người ta gian trá để thâu tóm quyền lực và danh lợi. Anh hùng giả, thương binh giả, công an giả, bộ đội giả, trí thức giả, đảng viên giả… Cái gì cũng có thể giả. Họ làm giả cả lòng tốt, làm giả trí tuệ và làm giả cả nhân cách!!! Chưa hết, không ít kẻ sẵn sàng giả mạo cả công lý, luật pháp để làm giả/vu oan cho người khác. Vụ án một sĩ quan công an cao cấp tham gia hiếp dâm tập thể ở Thái Bình, một sĩ quan quân đội dính nghi án dâm ô với con gái ruột ở Bắc Giang, một cựu Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng dâm ô bé gái vị thành niên, một cựu quan chức ngân hàng dâm ô trẻ em gái ở Vũng Tàu… là những lần lột trần bộ mặt đạo đức giả của quan chức nói riêng, xã hội nói chung.
Trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng sự giả mạo cũng đến mức thặng thừa. Mấy vụ việc gần đây ở chùa Phúc Khánh, chùa Ba Vàng… và nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác mà sự thừa nhận của các giới có thẩm/thần quyền đã không còn giấu diếm được nữa sự thực về những người nắm giữ đức tin của cộng đồng và những mê tín mà họ gieo rắc vào xã hội. Có những kẻ đã làm sai lệch giáo lý, giáo pháp của tôn giáo và sử dụng đức tin của cộng đồng như một phương tiện để thực hành kinh doanh thần thánh. Và các tín đồ của các tôn giáo tín ngưỡng không phải không có những người mê muội, họ có thể bất hiếu với cha mẹ, vô trách nhiệm với gia đình, với xã hội nhưng sẵn sàng đón đợi dị đoan bởi sự dẫn dắt của những kẻ dối trá.
Trong hoạt động sáng tạo, trong đời sống văn hóa, trong văn học nghệ thuật cũng không hề thiếu giả tạo, dối trá. Nhiều cái lạc hậu được tô son thành tiến bộ; cái tiến bộ bị bôi đen thành cái xấu. Cắt xén và bịa tạc lịch sử là sự giả dối đáng nguyền rủa nhất nhưng vẫn tiếp tục tồn tại. Không ít các giá trị văn hóa dân tộc bị làm cho méo mó, lai căng dưới vỏ bọc giao lưu và cách tân văn hóa. Đạo khoa học, đạo văn chương nghệ thuật gần trở thành chuyện bình thường của xã hội. Giá trị, chất lượng các giải thưởng sáng tạo văn hóa văn nghệ không ít khi là tréo ngoe, ngược lại. Tác phẩm tốt, tác giả giỏi bị chê bai, bị loại; tác phẩm dở, tác giả dốt và hèn được tôn vinh là chuyện bình thường. Các hoạt động văn hóa cộng đồng vẫn bị chi phối quá nhiều bởi thói sĩ diện, hình thức giả tạo, đam mê thành tích ảo từ lễ hội cho đến các phong trào, các cuộc vận động văn hóa. Nhiều danh hiệu văn hóa trở nên phù phiếm vì không chân thực. Một cộng đồng có tới 90% gia đình văn hóa mà vẫn nghèo về kinh tế và văn hóa, vật chất và tinh thần, vẫn có tệ nạn xã hội là điều không bình thường nhưng vẫn tồn tại như một phép chiến thắng tinh thần. Phải chăng đó là ngụy văn hóa? Và những cuộc chạy maraton để có chân trong các hội hè, các giải thưởng văn chương nghệ thuật của những kẻ kém tài thì liệu cái danh hiệu nghệ sĩ và những cái gọi là tác phẩm của họ có phải là ngụy văn hóa?
Không thể nói khác, đó là những dấu hiệu, những biểu hiện, những hành vi ngụy văn hóa. Cha ông nói rồi, “lộng giả thành chân”. Sự nguy hại là ở chỗ đó. Nếu không vạch mặt chân tướng ngụy văn hóa thì rất có thể, cuối cùng sự giả tạo, ngụy giá trị, ngụy văn hóa sẽ chi phối, thống trị xã hội, sẽ triệt phá chân giá trị, chân văn hóa. Đó là nguy cơ, là con đường tàn phá lịch sử, tàn phá dân tộc nhanh nhất, độc hiểm nhất và cơ bản nhất.
Ngụy văn hóa có thể có ở bất cứ ở đâu, trong mỗi người, mỗi cộng đồng to hay nhỏ. Mỗi người, mỗi cộng đồng cần phải tỉnh táo nhận biết nó, lên án nó và loại bỏ nó, trước hết từ trong chính mình.
- Vĩnh Khánh