Kế hoạch đảo chính này diễn ra ngay sau khi Musk nắm quyền

NTV

Tác giả: Hannes Vogel

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

16-2-2025

Cách tiếp cận của Elon Musk rõ ràng đi theo kịch bản của một nhà tư tưởng phản động ở Thung lũng Silicon. Với tư cách là “CEO độc tài”, người giàu nhất thế giới đang phá hủy bộ máy chính phủ. Donald Trump chỉ còn lại vai trò là “người giám sát chính” trong khi nền dân chủ Mỹ đang bị hủy hoại.

Kế hoạch này nghe có vẻ táo bạo và mờ ám: Kế hoạch đề cập đến một “đội quân ninja nhảy dù” sẽ được “ thả xuống tất cả các cơ quan hành pháp”. “Nhiệm vụ của những đội quân đổ bộ này không phải để cai trị”, mà là tấn công bộ máy chính phủ: Một “đội quân hùng mạnh” gồm những người “được đào tạo về mặt tư tưởng” và những kẻ cuồng tín trung thành sẽ được thả vào bộ máy quan liêu Hoa Kỳ và tiếp quản “mọi tổ chức mà họ không phá hủy“.

Mục tiêu của kịch bản này không gì khác hơn là “một sự đổi mới có hệ thống” các thể chế của Hoa Kỳ, mà không phải đến từ một kịch bản đáng sợ cho một bộ phim chiến tranh Hollywood hay phim kinh dị trên Netflix. Đúng hơn, đây là một kế hoạch chiến đấu cực kỳ phản động cho nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, điều mà vẫn chưa thể lường trước được tại thời điểm công bố. Tầm nhìn về cuộc thanh trừng độc tài này đã được lập trình viên và nhà tư tưởng cánh hữu Curtis Yarvin viết ra hồi tháng 4 năm 2022, trước khi Trump tái đắc cử làm ứng cử viên cho Nhà Trắng.

Elon Musk và Donald Trump tại tòa Bạch Ốc. Nguồn: Picture alliance / AP

Các trung tâm quyền lực bên ngoài chính phủ cũng nằm trong tầm ngắm của quân đột kích của Yarvin. “Ninja cũng sẽ phải đáp xuống mái của những tòa nhà này – chủ yếu là báo chí, đại học và phương tiện truyền thông xã hội. Chế độ mới phải tiếp quản mọi vị trí quyền lực, bất chấp những rào cản trên giấy tờ”.

Ba năm trước, thế giới phản địa đàng của Yarvin vẫn chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của một người mọt sách ở Thung lũng Silicon. Nhưng giờ đây nó không còn là một bài viết không đáng kể nữa. Yarvin không chỉ là triết gia của nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel và là người tiên phong của chủ nghĩa độc đoán công nghệ. Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance ca ngợi những ý tưởng của Yarvin và nói một cách cởi mở về chúng. Ngay cả trước cuộc bầu cử, đã có những dấu hiệu cho thấy Trump có thể đưa những tỷ phú cực đoan và giấc mơ của họ về một chế độ độc tài công nghệ cánh hữu vào Nhà Trắng.

Nhưng quá trình tái cấu trúc triệt để bộ máy chính phủ của DOGE (Bộ Hiệu quả Chính phủ) do Elon Musk thành lập nhằm cắt giảm chi phí càng tiến triển thì mối lo ngại rằng nước Mỹ thực sự có thể biến thành chế độ đầu sỏ độc tài mà Joe Biden cùng nhiều người khác đã cảnh báo trong bài phát biểu chia tay của mình càng lớn.

Nếu bạn đặt bản thiết kế của Yarvin về sự trỗi dậy nắm quyền của Donald Trump bên cạnh những gì Elon Musk thực sự đã làm kể từ khi ông nhậm chức cách đây ba tuần, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nó gần giống với thực tế đến mức nào. “Musk đang theo đuổi một cách tiếp cận có hệ thống đã được nêu ra trên các diễn đàn công khai trong nhiều năm”, Gil Duran, nhà báo người Mỹ, một trong những người đầu tiên chỉ ra khuôn mẫu của Yarvin cho quá trình tái cấu trúc chính phủ hiện nay, viết.

Những ông vua công nghệ như Elon Musk và Peter Thiel từ lâu đã tin rằng nhà nước nên được điều hành như một tập đoàn. Chỉ có họ mới biết giải pháp đúng đắn, rằng nhờ tiền bạc và thành công, họ sinh ra đã là những nhà lãnh đạo và có quyền cai trị mà không bị hạn chế. Sự kết thúc của nền dân chủ là một phần của giải pháp này.

Cuộc xâm lược của chính phủ Hoa Kỳ đang diễn ra sôi nổi

Trong bài viết của mình hồi năm 2022, Yarvin đã mong muốn “khởi động lại toàn bộ chính phủ” trong chính quyền Trump thứ hai : “Chúng ta chỉ có thể đạt được điều này bằng cách trao quyền tối cao tuyệt đối cho một tổ chức duy nhất”. Yarvin viết về một “chính quyền chiếm đóng” có “quyền lực gần như tương đương với quyền lực mà quân Đồng minh có ở Nhật Bản hoặc Đức vào mùa thu năm 1945”. Một phép ẩn dụ khác mà Yarvin sử dụng là, một “ấu trùng” mà tổng thống đưa vào làm việc khi tái đắc cử, và sau đó “trở thành một con bướm xinh đẹp” dang rộng đôi cánh và cai trị.

Nhưng “bộ não” của “cuộc cách mạng cánh bướm” này sẽ không phải là Trump với tư cách là tổng thống đắc cử, Yarvin viết. “Ông ấy sẽ không phải là CEO. Ông ấy sẽ là người giám sát chính trong hội đồng quản trị – ông ấy sẽ chọn CEO (một nhà quản lý có kinh nghiệm)”. Khi Trump nhậm chức, quá trình này sẽ hoàn tất – và “quá trình chuyển đổi sang chế độ mới sẽ bắt đầu ngay lập tức”.

Ngay từ năm 2012, nhiều năm trước khi Trump xuất hiện trên chính trường, Yarvin, dưới bút danh “Mencius Moldbug”, đã nói rõ ràng về “CEO quốc gia” này: “Đó được gọi là nhà độc tài. Nếu người Mỹ muốn thay đổi chính phủ, họ phải vượt qua nỗi sợ hãi về nhà độc tài”.

Sự tương đồng với những tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai thực sự của Trump là không thể nhầm lẫn: Donald Trump đã chọn Elon Musk vào vai trò giám đốc điều hành chính phủ cấp cao trong chiến dịch tranh cử và bổ nhiệm ông vào ngày ông nhậm chức. Kể từ đó, người đàn ông giàu nhất thế giới đã phá hủy từng cơ quan một với tốc độ chóng mặt. Kara Swisher, phóng viên công nghệ của báo New York Times, gọi Musk là “kẻ phá hoại một mình”, và Gil Duran đã đổi tên từ viết tắt của nhóm cắt giảm chi phí của ông ta, DOGE, thành “Destruction of Government by Elon (Sự phá hủy chính phủ bởi Elon)”.

Musk có quyền lực gần như không giới hạn: Ông ta đóng cửa dễ dàng các văn phòng của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và giải thể cơ quan viện trợ phát triển chỉ trong một ngày. Ông ta có quyền truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính và do đó có quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm và số an sinh xã hội của tất cả người dân Mỹ và tất cả các nhà cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ. Theo Nhà Trắng, ông ta có trách nhiệm rõ ràng trong việc kiểm soát mọi xung đột lợi ích có thể phát sinh với tư cách là đối tác kinh doanh và người nhận tiền của chính phủ với các công ty của ông ta trong quá trình kiểm toán chi phí bị cáo buộc. Còn định nghĩa nào về một nhà độc tài hơn là một người cai trị mà không có sự tiết chế và cân bằng?

Đảo chính chống lại chính nhà nước

Thậm chí còn có điểm tương đồng trong tên gọi của đơn vị được cho là có thẩm quyền về hiệu quả của Musk: “Vua công nghệ của Tesla”, như cách ông chính thức gọi mình trên trang web của nhà sản xuất ô tô, đã đặt tên cho đơn vị này là DOGE. Ý tưởng của Yarvin được gọi là Rage (“Retire all Government Employees – “Cho toàn bộ nhân viên chính phủ nghỉ hưu”): Đuổi toàn bộ nhân viên chính phủ. Mục đích đằng sau việc này vẫn như vậy: Phá hủy nhà nước ở hình thái hiện tại. Để đạt được mục đích này, Yarvin muốn thay thế bộ máy quan liêu của Hoa Kỳ và tất cả các viên chức bằng những người trung thành ngoan ngoãn, tuyên thệ trung thành với một nhà lãnh đạo.

Trong DOGE của Elon Musk, người ta có thể thấy cơn thịnh nộ của Yarvin, mặc dù được ngụy trang dưới hình thức cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả. Musk đã đề nghị tất cả nhân viên chính phủ Hoa Kỳ từ chức và cho đến nay đã có 75.000 người chấp nhận. Theo báo Wall Street Journal, tất cả những người ở lại phải xác nhận rằng họ “trung thành” và “đáng tin cậy”. Ngoài ra, tất cả các bộ phải đệ trình kế hoạch cắt giảm biên chế hàng loạt và phải được Musk chấp thuận tất cả những người mới tuyển dụng. Musk đã bắt đầu sa thải hàng ngàn nhân viên trong thời gian thử việc. Cuối cùng có thể có tới 200.000 người bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, dưới áp lực từ Nhà Trắng, FBI đã cung cấp tên của tất cả các quan chức từng tham gia cuộc điều tra về âm mưu đảo chính của Trump vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Trump đã ân xá cho khoảng 1.500 người biểu tình bạo loạn ở Điện Capitol chỉ vài giờ sau khi nắm quyền. Trong bản ghi nhớ nội bộ gửi toàn thể nhân viên, quyền Giám đốc FBI Brian Driscoll xác nhận rằng, mục đích của danh sách đen gần 6.000 đặc vụ là để chuẩn bị cho các hành động nhân sự có thể xảy ra. Cuộc thanh trừng những người được cho là đối thủ của Trump khỏi bộ máy chính phủ đã diễn ra, đúng như Yarvin gợi ý.

Musk vẫn chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về hàng tỷ đô la lãng phí, gian lận và tham nhũng trong bộ máy quan liêu của Hoa Kỳ mà ông ta muốn vạch trần với DOGE. Cho đến nay, tất cả những gì người ta biết chỉ là tin đồn về hàng triệu đô la tiền viện trợ bao cao su được chuyển đến Hamas ở Gaza, những hộp đựng xà phòng đắt tiền ở Lầu Năm Góc và những người 150 tuổi được cho là vẫn đang nhận lương hưu. Musk đã phải công khai đính chính: Số bao cao su này thực chất được chuyển đến Mozambique để phòng ngừa HIV, chứ không phải đến Dải Gaza.

Cuộc khủng hoảng hiến pháp vẫn chỉ đang âm ỉ

Trong khi ông lên án cáo buộc tham nhũng và rao giảng về sự minh bạch, Nhà Trắng vẫn giữ bí mật về xung đột lợi ích tài chính của Musk. Ngoài ra, Trump đã sa thải những người giám sát chống tham nhũng trước đây khỏi tám bộ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng, có nhiều vấn đề hơn là hiệu quả: Đó là sự phá hoại nhà nước, mang tính phản động, như kế hoạch của Yarvin đã hình dung. Musk công khai tuyên bố ý định “giải tán hoàn toàn các cơ quan”, so sánh chúng với “cỏ dại” cần phải “nhổ tận gốc”.

Điều duy nhất có thể ngăn cản Musk nắm quyền là sự phân chia quyền lực trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Nhưng Yarvin cũng đã chuẩn bị cho trường hợp các nhà lập pháp hoặc ngành tư pháp cản trở cuộc đảo chính chống lại nhà nước dưới thời Trump: “Tổng giám đốc điều hành mà ông ấy chọn sẽ điều hành nhánh hành pháp mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ Quốc hội hoặc tòa án, và có khả năng cũng sẽ tiếp quản chính quyền tiểu bang hoặc địa phương”.

Hiện chúng ta vẫn chưa tới giai đoạn đó. Một loạt các vụ kiện đang chờ xử lý đối với các sắc lệnh của Trump và hoạt động của Musk. Suy cho cùng, Trump đã tuyên thệ sẽ công nhận phán quyết của tòa án chống lại DOGE. Phó Tổng thống J.D. Vance đặt nền tảng chính xác cho những gì Yarvin mong muốn: “Thẩm phán không được phép kiểm soát quyền lực hợp pháp của nhánh hành pháp”, Vance viết trên nền tảng X của Musk.

Người đàn ông có quyền lực thứ hai tại nước này, người đầu tiên có được công việc tại công ty đầu tư của tỷ phú công nghệ và học trò của Yarvin là Peter Thiel và sau đó được hàng triệu đô la cho chiến dịch tranh cử của ông, đang cân nhắc đến ý tưởng phớt lờ phán quyết của tòa án. Do đó, Hoa Kỳ đang trong một cuộc khủng hoảng hiến pháp đang âm ỉ.

Trong trường hợp tốt nhất, đối đầu với ngành tư pháp sẽ trở thành tình trạng cố định của chính quyền Trump thứ hai. George Conway, luật sư bảo thủ chỉ trích Trump, cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với “The Bulwark” rằng: “Chúng ta đang ở bờ vực thẳm đen tối, nơi pháp quyền không tồn tại. Chúng ta đang nói về những kẻ tâm thần ở đây. Những kẻ bệnh hoạn về mặt xã hội. Những kẻ không có đạo đức, không có lương tâm, không có gì cả. Tại sao họ lại tuân theo phán quyết của tòa án? Đối với tôi, đó là khía cạnh đáng sợ nhất trong tất cả những điều này”.

Related posts