Biên chế là một chỗ làm việc chính thức trong cơ quan, xí nghiệp theo quy định của nhà nước.
Tư chức thường cho là bị bóc lột sức lao động, lương dù có thể hơn nhưng được cho không xứng đáng với sức lực vắt ra đến kiệt quệ. Làm cho tư nhân cũng không ổn định khi có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào. Thất nghiệp là một tình trạng đáng sợ và chẳng ai muốn đối mặt vói nó.
Vì thế rất nhiều người muốn vào làm việc cho nhà nước với biên chế hẳn hoiF. Dẫu có phần nhàm chán với tình cảnh đều đặn sáng vác ô đi tối vác ô về ngày nào cũng y như ngày nấy tới suốt đời, nhưng bù lại là sự chắc chân. Không bao giờ thấp thỏm sợ đuổi việc. Sống yên ổn an nhàn cho dù với số lương èo uột khó theo kịp mức sống lạm phát.
Tuy nhiên không phải cứ ai thích đều được nhận vào biên chế hết mà số biên chế được đưa xuống từng nơi có giới hạn. Sở này có bảy chục biên chế, phòng kia có năm thôi…
Có bao nhiêu biên chế tức chỉ bấy nhiêu lương rót xuống. Nếu thêm người, nơi đó phải có quỹ riêng để trả lương. Ví dụ ở những trường học có bán trú, học sinh ở lại trường ăn và ngủ trưa đến chiều mới về. Người nấu ăn và dọn dẹp không có biên chế tức không nhận lương từ quỹ lương của nhà nước mà do phụ huynh chi trả hoặc từ quỹ trường có từ tiền cho thuê mặt bằng làm trung tâm dạy thêm, bãi giữ xe… chẳng hạn.
Quy định về biên chế lắm khi không sát sao với tình hình thực tế. Nghĩa là công việc cần phải có mười người làm nhưng biên chế chỉ cho bảy thôi hoặc ngược lại, công việc chủ cần ba người là đủ nhưng biên chế rót cho mười người.
Những nơi không có quỹ nhưng công việc nhiều làm không xuể, cơ sở phải xin thêm người tức xin thêm biên chế để có tiền trả lương. Cấp trên đồng ý với đề nghị đó để đưa thêm mấy suất lương xuống. Thường khi thì cũng có mối quen biết nhau. Người này người kia muốn đưa người quen người nhà vào biên chế. Vì thế thỏa thuận nhau cơ sở ở dưới đưa yêu cầu lên và cấp trên duyệt xét để đưa người quen vào.
Tiền lương trả cho công chức lấy từ ngân sách nhà nước mà được ví như bầu sữa không cạn!Bình quân cứ chín người dân Việt phải nuôi một người làm việc hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Giảm nơi này, phình ra nơi khác. Tăng lương, tăng chức lẫn nhau.
Mặc dù biết là cồng kềnh và tốn quỹ nhà nước nhưng giảm thì khó khăn tới mức không thể giảm được như ở đài truyền hình Hà Nội nơi mà 40% nhân sự lèng èng là con ông, cháu bà! Vả chăng không bắt bẻ được gì vì họ chỉ lượn ra lượn vào, không vi phạm kỷ luật, không cãi giả sếp, không gây xích mích với đồng nghiệp… Nói chung là không… làm gì cả! Đó là không kể, trong 500 biên chế của tổng số 700 người lao động của đài, có tới gần 140 người là “cán bộ chủ chốt”, đến mức “chưa có cơ quan truyền thông nào cán bộ chủ chốt nhiều như thế”.
Bởi vì ngoài tiền lương chính thức, còn rất nhiều phụ cấp chung quanh. Ai cũng làm sếp để nhận thêm phụ cấp trách nhiệm, bổng lộc nữa. Thế nên lắm chỗ số lượng lãnh đạo còn nhiều hơn nhân viên thừa hành. Ba, bốn ông sếp, bà sếp chỉ huy một tên nhân viên quèn. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương có bốn mươi bốn trưởng, phó phòng điều khiển hai nhân viên. Nghe mà “ớn lạnh”.
Do duyệt biên chế một cách dễ dãi như thế đưa đến kết quả là chẳng bao lâu số lượng biên chế tăng cao. Điều đó có nghĩa bộ máy hành chánh nhà nước nhanh chóng nở phình ra. Số lượng vụ, cục và tổng cục tăng đều đều đáng kể, trở nên cồng kềnh, hao tốn ngân sách mà thực tế vẫn không chạy việc chút nào do chồng chéo, nặng nề ngang dọc đè lên nhau.
Hầu hết công chức đều kêu ca đồng lương không đủ sống và vẫn lắm kẻ ao ước xin được vào chân biên chế nhà nước và tìm đủ mọi cách chạy chọt để đạt mục đích
Hàng trăm sinh viên, thậm chí rất nhiều thạc sĩ sư phạm ở Thanh Hóa phải xin vào các nhà máy làm công nhân.
Chạy tiền để xin việc là chuyện thường xảy ra. Thế nên mới có chuyện một ông nông dân mắc nợ đầm đìa dám tự xưng là cháu của chủ tịch huyện kiêm trưởng phòng kinh tế huyện, nhận hơn nửa tỷ đồng của năm người để chạy vào làm nhân viên thuế, giáo viên mầm non…
Một thiếu phụ ở Hà Nội tự xưng là cán bộ giáo dục lừa 167 người trên cả nước để chạy trường, chạy việc với số tiền gần ba chục tỷ đồng. Một trưởng công an xã nhận 300 triệu để chạy lừa cho một cô gái vào ngành công an. Hiệu trưởng trường cấp 2 ở Daklak nhận 210 triệu hứa lèo tuyển một giáo viên vào diện hợp đồng rồi sẽ đưa vào biên chế chính thức để cuối cùng “xôi hỏng bỏng không”. Cũng ở Daklak, một hiệu trưởng trường cấp 2 nhận gần 1,2 tỷ đồng để chạy việc cho mười hai người, trong đó có một người nộp ba trăm triệu để chạy vào làm ở trường cao đẳng sư phạm. Trường hợp đau lòng khác không có tiền chạy vào biên chế đành đánh đổi bằng tình. Một cô giáo đồng ý vào nhà nghỉ với hiệu phó lời hứa hẹn vào biên chế rồi bị hiệu phó dùng clip nóng khống chế đưa đến hậu quả danh dự bị chà đạp, người mất việc, kẻ mất chức, hai gia đình tan vỡ.
Kết quả của việc chạy chọt là Daklak dư ra tới năm trăm giáo viên. Một giáo viên Mỹ thuật đã phải chạy tiền để xin một chân đứng lớp ở trường tiểu học. Nhưng không phải chỉ thế là chắc chân rồi mà còn phải tiếp tục chạy hiệu trưởng để được ký hợp đồng từng năm. Tính ra tốn hàng trăm triệu mà vẫn chờ đợi mỏi mòn hàng chục năm hy vọng tới ngày được xét duyệt vào một chỗ biên chế trống. May mắn được lãnh chút đồng lương nhỏ nhoi hay dạy không lương. Cơ may ấy hoặc chẳng bao giờ tới hoặc tới nhỏ giọt với ai đâu. Trong lúc đó, giáo viên vẫn cứ ùn ùn nhận thêm vào dẫn tới việc dư thừa, không có đủ lớp để dạy. Không kể hiệu trưởng còn bớt xén tiền lương giáo viên. Một giáo viên Toán trường Ngô Mây lãnh lương khoảng hai triệu nhưng bất ngờ phát giác kho bạc đã trả gần mười triệu đồng.
Vô số trường hợp chạy vào biên chế. Chạy nhiều hay ít tiền, việc vừa ý hay không, chạy thành công hay bị lừa gạt… là những câu chuyện khác nhau kể hoài không cạn.
Một số công việc cũng kiếm khá lắm chứ chẳng chơi. Như làm giáo viên có thể mở lớp dạy thêm; bác sĩ, y tá làm ở phòng mạch tư; nhân viên thuế, địa chính, hải quan… có thể nhận “bồi dưỡng”, những nơi thường nhận dự án, công trường…
Ngoài ra những ngành nắm quyền sinh sát lợi tức rất cao. Một doanh nghiệp mới thành lập, khi nộp báo cáo điều tra, ông chủ lẹ tay nhét một phong bì vào hộc bàn của cán bộ. Khi được hỏi Làm gì kỳ vậy, chúng tôi chỉ nhận báo cáo chứ không nhận tiền. Ông chủ ngập ngừng gãi đầu vì quen làm việc với bên thuế là vậy đó.
Ở tỉnh lẻ, miền núi xa xôi… làm gì có nhiều công ty, xí nghiệp tư nhân. Vì thế người ta cố gắng mọi giá chen chân vào nhà nước. Mà phải chạy chân biên chế chắc chắn chứ không phải ký một bản “hợp đồng” bấp bênh đâu. Bởi hợp đồng chỉ có giới hạn thời gian. Hết thời hạn chẳng biết có được tiếp tục ký không nên lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo âu bị sa thải lúc nào.
Hai năm gần đây, do tình trạng dôi dư giáo viên, các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thạch Thành, Cẩm Thủy… cắt giảm biên chế, chấm dứt hợp đồng đứng lớp khiến nhiều thầy cô rơi vào cảnh thất nghiệp.
Để thắt chặt tình trạng hỗn loạn kể trên thì bây giờ muốn vào biên chế, giáo viên lâu năm cũng phải thi tuyển như giáo sinh mới ra trường rồi bổ sung thêm bằng Anh văn, vi tính… Các ông già bà già mới nghe đã thấy ngao ngán. Ngày xưa đâu có mấy món hóc búa này. Bây giờ tóc hoa râm, trí não chậm chạp, chưa thi đã thấy muốn rớt rồi!
Giỏi hiển nhiên như gần ba trăm cô giáo ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là chuyện lạ. Nào đạt giáo viên dạy giỏi, nào bằng cấp đầy mình, thành tích xuất sắc… thế nhưng khi thi viên chức để vào chính ngạch, họ vẫn trượt mà không hiểu tại sao. Có gì mà không hiểu, chẳng qua những chỗ ấy dành cho quen biết và tiền bạc chứ không phải cho người giỏi. Thành thử những người lão làng trong nghề không ngại tham dự các cuộc thi tuyển vì năng lực kém mà chỉ sợ cuộc thi không bảo đảm tính công bằng, minh bạch.
Vào được biên chế rồi thì coi như cứ tà tà an hưởng tới lúc về hưu. Dù là người chây lười, người lạc hậu, người bê bối… vẫn bình chân như vại. Không ai cách nào bẩy đi cho được.
Biên chế giữ chặt không buông nên không thể thay thế người dở. Người giỏi chờ hoài không tới phiên mình đâm ra chán nản. Chắc phải đợi người về hưu hoặc bệnh tật nặng gì đó thì mới dư một suất biên chế cho người mới. Nhưng vé đó cũng chẳng dành cho người giỏi vì còn xếp hàng rất xa sau lưng đám quen biết con ông cháu cha.
Ông giáo già đứng lớp lâu năm nhưng vẫn dạy rất kém, phát âm “lúng búng ngậm hột thị”, nói năng lắp bắp không rõ chữ… nhưng do đã vào biên chế chính thức nên không thể buộc ông thôi việc. Hiệu trưởng đành kiên nhẫn đợi ông tới ngày về hưu. Phụ huynh thở dài con họ lọt vào lớp của ông coi như “rồi đời”, phải cho học thêm không thì chẳng hiểu bài.
Ông khác có bằng kỹ thuật cơ khí và làm giám đốc một công ty máy tính. Công ty bị sáp nhập, ông được chuyển về một đơn vị nghiên cứu kinh tế, vẫn giữ nguyên chức vụ giám đốc. Đâu có biết gì vì trái ngành nghề, ông chỉ huy lơ ngơ, nhân viên dưới quyền che miệng cười thầm. Thôi kệ, chuyên môn đã có mấy ông phó lo, còn ông đã vào biên chế giám đốc thì mãi mãi ngồi ghế giám đốc, hơn nữa lại là giòng dõi cách mạng.
Nhằm tinh giản biên chế nên nhà nước “khoán quỹ lương” tức là đưa xuống cơ sở một số tiền lương nhất định. Liệu cơm gắp mắm, ít người thì chia nhau nhiều, nhiều người chia nhau ít. Ai cũng muốn tăng thu nhập nhờ khoán quỹ lương nên không muốn thêm người.
Điều này được coi là có kết quả tốt cho việc tinh giản biên chế là vấn đề khiến cho nhà nước nhức đầu bấy lâu vì theo số liệu năm 2017, có trên 2,7 triệu công viên chức (tăng 100%) trong khi dân số chỉ tăng 20% (khoảng 92 triệu người). Lại có nhiều kiểu tinh giản như ở Saigon trợ cấp cho người nghỉ hưu trước tuổi. Hà Nội khuyến khích cán bộ tự giác làm đơn xin nghỉ.
Nhiều cách, nhiều kiểu nhưng biện chế vẫn là vấn đề nhức đầu khó giải quyết.
Sài Gòn Cô Nương