Có cùng một nhân vật và cùng một sự kiện nhưng tùy ở vị trí cá nhân đã có những nhận định khác nhau. Về những hoạt động của Nam Dao.
Nhà văn Du Tử Lê với bài viết “Nam Dao, cái đẹp ân sủng của đời sống” đã nhận định về Nam Dao:
“Nếu được hỏi, chọn nhà văn nào sau biến cố tháng 4-1975, dùng văn chương để xiển dương sự sống một cách nồng nhiệt nhất? –Tôi sẽ không ngập ngừng, chọn Nam Dao làm một trong số những nhà văn đó”
Như vậy, Nam Dao được “xưng tụng” là “sau biến cố tháng 4 năm 1975, dùng văn chương để xiển dương sự sống một cách nồng nhiệt nhất”? Tôi hơi tò mò không hiển rõ được sự xưng tụng ấy nên hồ nghi rằng… Có phải là Nam Dao tác giả của 2 cuốn “Ghềnh V” và “Vu Quy” được nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành ở trong nước và cũng được khen tụng khá ồn ào, và cũng được nhà xuất bản Người Việt tái bản ở hải ngoại bộ sách tiểu thuyết lịch sử gồm 3 cuốn: Gió Lửa, Ðất Trời, và Bể Dâu, cũng như có truyện dài đăng hàng ngày trên nhật báo Người Việt? In sách ở hai nơi, nổi tiếng ở hai vùng địa lý và 2 cực chính kiến thì có phải là bằng chứng cho “sự xiển dương sự sống nồng nhiệt nhất”?
Nam Dao viết “Những con người, Những bóng ma”
với chủ đích:
“Tôi viết những bài bút ký này để trả nợ. Tôi nợ những người đã nằm xuống.
Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung ngoài Bắc. Rồi Bùi Giáng, Trịnh Công
Sơn trong Nam. Tôi nợ những người đang sống: Hoàng Cầm và Lê Ðạt. Ðó là những
nhà văn, nhà thơ tôi được gặp trên bước tình cờ của nhân duyên. Tôi nợ, bởi từ
mỗi con người ấy, tôi đều cảm và thấm cái truân chuyên của nghiệp viết… Nhưng
cái nợ lớn nhất đằng đẵng ám ảnh là những điều tôi nợ tương lai. Tức là nợ thế
hệ đến sau, nợ tuổi trẻ… Ðể trả nợ, tôi không có cách gì khác hơn là gọi lên
con người từ những bóng ma, để quá khứ tiếp sức truyền sinh cho hiện tại bằng
những dấu chân. Những dấu chân đưa lối để tuổi trẻ có khả năng đến một tương
lai tốt và đẹp hơn so với một thời quá vãng…”
Kể ra, theo Nam Dao thì ông nợ khá nhiều người. Nhưng, ngược lại thí dụ như ông không nợ những nhà văn, nhà thơ miền Nam như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, như nhà thơ Vũ Hoàng Chương bị Cộng sản đầy ải đến chết. (Có thể vì ông chưa gặp hoặc thấy không có liên quan gì đến những nhà văn, nhà thơ này?) Và nhất là ông không nợ những người trong gia đình đã sinh ra ông mà ông gọi là “vết cắt bật máu suốt đời” khi ông bị người trưởng thượng trong gia đình kiện vì tội “bóc lột lao động”. Có người nhận xét hơi vội vàng (?) – ông chỉ nợ những người thuộc phe chiến thắng thôi và không nợ nần gì đến những người đã sống ở miền Nam mặc nhiên được coi là phải chịu những cay đắng của phe thất trận. Còn với những Trịnh Công Sơn thì tuy sống ở Miền Nam nhưng trốn lính và ngày thủ đô VNCH thất thủ đã lên hát lập công trên đài phát thanh Sài Gòn. Cũng như với thi sĩ Bùi Giáng thì chỉ là thi sĩ thuần túy mà chế độ Cộng sản để tâm vùi dập nên Nam Dao mới nợ. Mặc dù khi bộ đội Cộng sản vào thành phố nhà thơ Bùi Giáng cũng bị những trận đòn chí tử khi bêu diếu chế độ trên đường phố Sài Gòn…
Và Nam Dao trả nợ bằng cách gọi lên con người từ những bóng ma để quá khứ tiếp sức truyền sinh cho hiện tại bằng những dấu chân- những dấu chân đưa lối!!! Mà dấu chân của Nam Dao là gì? Có phải là làm một thanh niên được đi du học mà phản chiến theo phe Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam? Hay là làm một trí thức “tiến bộ” về nước dâng công với chế độ mới nhưng bị bạc đãi suýt bị tù tội? Những dấu chân ấy sẽ đưa đến đâu đến nơi chốn u minh nào để trả nợ?
Không hiểu cách nhìn chân dung một tác giả qua một tác phẩm có chính xác không? Tôi đã tự hỏi mình như thế qua ý định nhìn chân dung tác giả Nam Dao qua tác phẩm “Những con người, Những bóng ma”. Và tôi nghĩ rằng, có thể từ tác phẩm này sẽ tiếp cận được một phần nào những suy tư cũng như những “thông điệp” mà tác giả muốn gửi đến độc giả. Bài viết này sẽ rất chủ quan và người khác có thể không đồng ý với sự chủ quan ấy. Bởi vì chỗ đứng cũng như cách nhận định khác nhau…
Ðầu tiên, từ bút ký “Bác Nguyễn” tôi đã thấy một chân dung Nam Dao. Ông đã tự kể: “Gặp đứa con đi hoang cha mẹ tôi tới tấp hỏi ai còn ai mất và tất nhiên là có ra thăm bác Nguyễn không. “Dạ có”, tôi đáp. “Bác vẫn khỏe mạnh”. Ðưa những bức ảnh ngày tôi “lên xe hoa” ra cho cha mẹ nuôi tôi xem, tôi chỉ đây bác Tuân đây này. Cha nuôi tôi nghiêm nét mặt hỏi: “cưới hỏi thế có phép tắc gì không?” Tôi thưa “dạ không cứ làm đại!”. Ông lắc đầu, bật miệng, hỏng rồi. Ðến khi tôi đưa ông đọc bản đệ trình của tôi lên Hội Ðồng Bộ Trưởng về Ổn Ðịnh và Phát Triển Kinh tế Việt Nam thì ông bực tức kêu, “thế thì hỏng thực, hỏng bét rồi”. Sau đó ông mắng tôi “cái Cộng Sản trong đầu con là thứ do mấy thằng trí thức Tây Âu có truyền thống nhân văn tưởng tượng ra, không có thực và khác một trời một vực với cái Cộng Sản phương Ðông kiểu Mao. Con viết thế này, đề nghị toàn những chuyện động chạm đến cơ sở nền chuyên chính của họ thì làm sao có đứa nào nó ngửi cho được! Hỏng hết rồi con ạ!”…”
Không biết, độc giả là tôi, có vội vàng không khi cho rằng Nam Dao là một người Cộng Sản Tây Phương và khác với Cộng sản Ðông Phuơng kiểu Mao Trạch Ðông? Và theo cái hiểu biết nông cạn của tôi thì Cộng sản, dù Ðông hay Tây phương đã là những “bóng ma” kể từ ngày sụp đổ của chế độ ở Nga Xô và các nước Ðông Âu… Cả thế giới chỉ còn vài ba nước là còn mang nhãn hiệu Cộng sản, nhưng thực chất đã bị biến thái để thay đổi cho sự tồn tại.
Nam Dao đã chọn lựa một thế đứng cho mình và hình như chẳng bao giờ nhìn lại quyết định ấy để thẩm định việc nên hay không nên.
Nam Dao viết: “Ði từ miền Nam, lại thuộc thành phần quốc gia có nòi, di cư và chống cộng, nên bức thư tôi báo cho cha đẻ cũng như bố nuôi tôi bảo rằng tôi ủng hộ Lực Lượng Thứ ba và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có lẽ là vết cắt bật máu đầu tiên giữa tôi và những người ruột thịt. Với cha đẻ vết cắt đó không bao giờ lành. Về nước năm 1977, cứ mỗi lần tôi có mặt là cả gia đình tôi bỗng nhiên kiệm lời, có nói với nhau thì nói thầm và tuy không nói ra nhưng tôi hiểu bây giờ tôi là những kẻ phía bên kia mang đủ tính tam vô, vô gia đình vô tổ quốc vô tôn giáo… và gia đình tôi nếu không thù thì cũng oán tôi một thằng Việt Cộng, đúng là nuôi ong tay áo. Ba năm sau thấy mấy cô em uống thuốc ngừa thai trước một chuyến vượt biển không thành, tôi làm một chuyện mà nếu như không làm tôi sẽ chẳng có thể nhìn mình trong gương mà không xấu hổ, tôi bảo lãnh cho tất cả những người trong gia đình đi chính thức để rồi ra mới biết là cái vết cắt kia sẽ ứa máu suốt đời.”
Trong một đoạn văn khác, tác giả “Những con người, nhữngbóng ma” kể về “vết cắt ứa máu suốt đời” ấy:
“Bonne chance. Năm ấy tôi chẳng có một thứ may mắn nào cả. Về đến chốn ngư cư, tôi tất bật lo việc “bảo lãnh gia đình”. Tôi xin giấy nhập cảnh Việt Nam. Lần này bị cấm. Lý đo? Không ai cho tôi biết. Ðơn xin không bao giờ có phép. Cấm như thế sáu năm liền. Gia đình tôi qua. Thế là đi vay, làm một quán ăn. Tất cả mười hai nhân mạng, lấy gì mà sống. Thực tế sống ở nước ngoài khác hẳn với sự mơ mộng của thành phần tương đối “dư dả” thời xưa ở Sài Gòn. Các cô em nhăn mặt. Qua đây mà phải đi hầu người ta trong quán ăn thì thà ở Việt Nam còn hơn. Vài năm sau, các cô ấy đều ăn nên làm ra với dịch vụ quán ăn. Nhưng lúc đó, các cô em tôi thì thào cho tôi nghe thấy “qua đây bị tư bản bóc lột lao động” và gọi tôi là ông giám đốc. Giám đốc đấy nhưng lắm bữa trưa tôi không có tiền ăn đến độ phải nhịn đói. Rồi sau đó tôi phải ra tòa vì đã ký giấy bảo lãnh mà không cung ứng tiền chi tiêu cho đủ. Người trưởng thượng đâm đơn kiện lại là người ruột thịt: “Anh mang gia đình qua là cứu (sic) cả gia đình. Nhưng tôi, tôi bây giờ phải bảo vệ nó”. Bảo vệ thế nào? Cô em dâu đến đề nghị cho một món tiền cỡ ba chục ngàn đô thì xí xóa giấy bảo lãnh. Cậu em thì bảo cứ đưa cho cậu ấy quản lý toàn bộ quán ăn, tôi không được can dự vào, nhưng dĩ nhiên nợ nần vốn liếng thì cứ vẫn tôi thôi (!). A, thì ra thế, tôi ở vào thế kẹt. Kẹt đủ điều, tôi không thời gian vì còn nghiệp vụ chuyên môn chẳng một ai để tin tưởng phó thác, đầu óc căng cứng khủng hoảng. Kẹt cho nên phải chẹt. Chẹt mọi mặt, mang ra tòa gây áp lực chỉ là một phương án. Nhưng ông tòa xét thấy tôi nợ đầy đầu, đến điện thoại cũng bị cúp vì không có tiền trả nên tha cho. Ngoài ra nghiệp vụ chuyên môn bị xao lãng vì nào là chuyện quán ăn, nào là chuyện kiện tụng tòa án, đồng nghiệp tôi “điều đình” để tôi tự ý xin thôi việc. Lại nữa, người vợ mới cưới qua Paris, kẹt lại vì lao phổi. Thế là phải gửi gấm. Rồi bạn phản. Tình phụ. Chỉ một năm bằng ấy cái họa. Mất nhà, mất nước, mất tình, nghề nghiệp bị đe dọa. Quán ăn phải thuê người làm, bị ăn cắp hết vì không lấy ai ra để trông coi. Lại nợ. Nợ chồng nợ chất. Nhưng ghê rợn hơn là sự trống rỗng.
Chính sự trống rỗng đó đã đưa tôi đến cạnh cái chết lúc ấy tôi đồng hóa với giải thoát. Tôi thức hằng đêm, nhìn ra ngoài trời tuyết trắng mênh mông đầu óc tê điếng vô cảm và chỉ thấy trùng trùng băng giá không yêu không ghét không hờn không giận. Chỉ trống rỗng. Cái trống tuếch trống toác của thế gian không có một chút tình người.”
Ðọc đoạn này thấy kể ra ông Nam Dao cũng trong tình trạng chán nản thật. Mặc dù là “giám đốc” tiệm ăn nhưng lại không có tiền ăn trưa đến nỗi phải nhịn đói. Rồi. Vô gia đình. Bị người thân ruồng bỏ. Rồi tình phụ, rồi bạn phản. Nhưng lúc đau khổ quá nên ông quên khi ông cho rằng ông bị mất nước, mất nhà. Những người Cộng sản là kẻ chiến thắng mà gọi là mất nước, mất nhà thì nghe ra không thuận tai mấy. Hay là ông là một thứ “Cộng sản hàm”…
Nhưng ở một đoạn khác thì tác giả Nam Dao cũng oai phong lắm chứ không khốn cùng bất hạnh như đoạn tôi vừa đọc. Vẫn tác giả Nam Dao và vẫn lối viết “độc đáo”:
“Chẳng hạn như khi tôi ở Hà Nội có một người con một vị tai to mặt lớn trong Học Viện Quân Sự đến tỉ tê cái kho vũ khí Long Bình cướp được của Mỹ để lâu ngày nó hỏng mà mình không dùng nhưng biết đâu những nước Trung Ðông lại chẳng cần. Anh thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp và có cái hộ chiếu Canada muốn đi đâu thì đi. Lắc đầu tôi làm như không hiểu, lơ đi, ngu ngơ nói chuyện xây dựng một nền kinh tế đa thành phần và những thứ… vân vân… trên đầu lưỡi bọn “tư sản mại bản”.
Chẳng hạn, như khi tôi lên lớp về Kinh tế cho cán bộ giảng viên của Ðại học trong thành phố Hồ Chí Minh thì ngay bàn đầu có một cô học viên xinh xắn mặt mũi son phấn điểm trang và áo quần thì màu sắc chứ chẳng phải áo trắng bà ba quần đen như mọi người. Lên máy bay ra Hà Nội vào thời ấy cực khó nhưng cô ta lại ngồi ngay ghế bên cạnh tôi. Ðến sân bay Gia Lâm cơ quan tiếp tôi không ra đón. Cô học viên thì lên xe Volga cho thầy đi ghé và thỏ thẻ mời thầy ngày Chủ Nhật thì đến nhà em chơi. Tôi đến và biết cha cô là một vị Trung ủy và được cô dẫn đi tham quan khi thì chùa Trấn Quốc khi thì đền Ngọc Sơn. Chỉ có thế mà vị quản lý tôi cấp Thứ Trưởng vỗ tay reo: “nhất cậu, cơ quan bọn mình là “nhà trai đấy nhé”, nào lên kế hoạch đi.” Bỏ mẹ tôi kêu thầm, thế này là thế nào. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Vả lại đến tay cô ấy mình còn chẳng dám cầm nữa là. Thế là tôi đánh trống lảng. Ông Thứ Truởng cáu, nói gần như quát: “cậu đi chơi với con gái người ta nay cả Hà Nội biết, không lấy là họ mang tiếng. Cậu có biết nhà người ta là nhà nào không, cũng gốc Nam Ðịnh mình.” Ấy chết tôi lúng búng: “thưa anh đi chơi đúng có hai lần chỉ chùa Trấn Quốc với đền Ngọc Sơn thôi, để còn tìm hiểu đã chứ”. Tìm hiểu nhưng chú chớ “quất ngựa truy phong” nhé. Ông cấp Thứ Trưởng này là công an, chớ đùa. Nhưng tẩu vi vẫn là thượng sách. Làm thế nào đây?…”
Và chưa hết, tôi đọc trong tác phẩm “Những con người, những con ma” tác giả của nó khác xa với con người than thân trách phận nói trên. Ðành rằng sông có khúc và người có lúc, nhưng đạt được tới một vị trí như ông kể thì cũng đáng cho cái công “phản chiến” và “giúp cho Cách Mạng chất xám” mà nhà khoa bảngNam Dao đã làm. Ông kể:
“Khi gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoàng Lương năm 1976, tôi ngây thơ phát biểu rằng Việt Nam nên xin đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ, ông Lương đáp “chúng ta chiến thắng, không “xin” ai nhưng có ai “xin” đặt quan hệ với ta thì ta sẽ xét với điều kiện tiên quyết là phải thanh toán cái khoản 4 tỉ đô la hứa hẹn bồi thường chiến tranh trong Hiệp Ðịnh Paris”. Bệnh kiêu binh cũng lây cũng rất nhanh. Kết cuộc ta mất cơ hôi bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay năm 1977 dưới thời Tổng thống Mỹ Carter. Chẳng những trên bình diện ngoại giao mà ngay cả trong phương sách tìm một thế đứng độc lập về chính trị và kinh tế, ta không thể bảo rằng ta không mất đi một thời cơ đáng tiếc.
Khi được vị tướng tài ba lừng danh Ðiện Biên Phủ tiếp tại Hà Nội năm 1977 tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi liệu 15, 20 năm sau ta có bắt kịp Tây Phương không, bụng nghĩ, chết cha, lãnh đạo ta lấy căn cứ gì mà có thể tưởng tượng đến cái vận tốc phát triển siêu âm ấy.
Và vài nam sau, khi ông Thứ Trưởng Ngoại Giao vỗ vai, bảo chú biết không, so với trữ lượng dầu hỏa Trung Ðông với trữ lượng Việt Nam ta có ven biển thì là lấy cái tem dán lên đít con voi, thì tôi, chuyên gia kinh tế về tài nguyên, chỉ còn biết cười, cười ra nước mắt. Bệnh nói như Trạng truyền nhiễm chẳng kém gì thổ tả, dịch hạch.”
Nhà trí thức đã viết như thế để làm gì? Có phải để tỏ ra mình là một túi khôn có tiếng nói và đã có dịp tiếp cận với những nhân vật quyền uy của chế độ mà những anh trí thức quèn nằm mơ cũng chẳng được những cơ duyên ấy. Nhà văn Nam Dao viết với sự hãnh diện chứ chẳng phải là sự hối tiếc về những chuyện ấy. Ðể đánh đổi nó, ông hình như đã mất nhiều thứ khác, như gia đình chẳng hạn mà ông đã bộc lộ khi viết về “những chia cắt suốt đời”. Nhưng làm một tên Cộng sản rất khó, dù là một bóng ma chăng nữa. Trí phú địa hào đào tận gốc bốc tận rễ, ở đầu danh sách thì còn mong đợi nỗi chi. Có người nói đã có sự đổi mới và thay đổi. Nhưng, cứ nghĩ suy đi, bản chất thì làm sao đổi. Vì tình trạng nhất thời, những hiện tượng sẽ được bầy biện ra rồi rốt cuộc, sẽ như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm”.
Những con người. Những bóng ma. Ðọc những trang bút ký này, thấy hình tượng người và ma, người và ngợm như bàng bạc trong nhau. Nếu nói là có những ẩn dụ thì cũng chưa chắc chính xác bởi “ẩn” thế nào được khi cái “dụ” cứ hiển hiện lên trước mắt.
Hình như, vì cái ác cảm với chế độ Việt Nam Cộng Hòa nên Nam Dao đã tạo ra một hình người như một bóng ma với đầy những nét bôi bác bỉ thử. Liên tưởng đến một người lính VNCH để xa gần nói về bóng ma quá khứ sao nó giống như những luận điệu tuyên truyền thời chiến tranh. Nam Dao đâu có bao giờ đi lính, để hiểu biết được cái giá trị của lon lá trong quân đội VNCH. Những cái lon ấy, là của máu xương, của những hy sinh của người lính và không phải là cái để đùa cợt mỉa mai. Chẳng có ai muốn chiến tranh nhưng không thể hèn nhát trốn tránh. Tôi đọc và thấy như có một điều gì vô nhân từ những con chữ:
“Tôi nhớ đến một người quen sinh và lớn lên ở Huế đây, hiện cũng lưu lạc như tôi, mỗi năm cứ đến mùa tuyết lại kêu “chừ sao mà lạnh”. Ông ta nay đâu trên 70, trước khi đến định cư nơi tôi ở thì là sĩ quan cấp tá Sư Ðoàn 1 Bộ Binh của Quân đội VNCH. Ở cùng một tòa building có cả trăm hộ ông khoái chí khi biết tôi là người đồng hương lân la thăm hỏi và năm sau ông gọi tôi là tri kỷ. Ông có một thói quen rất lạ. Sáng nào ông cũng dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ rồi ốp vào người bộ quân phục, đeo lon đội mũ để cát sét nghe quốc ca, hãnh diện đưa tay ngang mũ chào quốc kỳ, cờ vàng ba sọc đỏ choán hết một bức tường nơi ông dùng để tiếp khách. Chào cờ xong, ông thay đồ xi-vin rồi đi làm. Việc của ông là đỡ đần bệnh nhân già yếu và khênh xác trong một nhà thương. Ông từng chiến trận, không sợ máu me và xác người lại lực lưỡng nên công việc ổn định. Hai năm sau, ông thay lon. Tôi hỏi ông đáp “Tri kỷ hè, tôi lên Trung Tá là đúng, thời gian công vụ zậy mà chưa chết trận thằng nào cũng rứa, lên lon cả”. Ba năm sau ông tự cho mình lên lon Ðại Tá. Không may, đó là năm ông phải khênh xác bà qua đời vì bạo bệnh. Hai đứa con ông ở xa, nay ông một mình thui thủi nhưng cứ sáng nào cũng chào cờ và năm năm sau ông vào Salvation Army nơi bán đồ phế thải của quân đội mua lon Thiếu Tướng. Ngày hôm đó ông thết cơm, ngập ngừng: “tri kỷ hà, tui lên tới mức này là hết cỡ tôi rồi. Muốn lên cao hơn thì khó lắm, tui ra Thủ Ðức chớ không được huấn luyện chính qui như ở trường Ðà Lạt!”.
Ðấy, ông sống như vậy. Quá khứ lôi ông về phía sau, lúc đó ông chào cờ mang lon, yêu và ghét nhưng ông sống thực. Còn ở nhà thương ông đã chết ở thì hiện tại là một bóng ma trên nhân gian thản nhiên làm công việc vô hồn như nó chẳng dính dáng gì đến ông, con người chỉ hãnh diện vào đúng 7 giờ mỗi sáng với mũ áo cấp bậc ảo với đời nhưng thật với chính ông. Cái quá khứ kéo cho đời sống ngược về thời gian trước cả quá khứ sao nó chua chát đến vậy?”
Trí tưởng tượng của nhà văn tha hồ tạo ra những nhân vật mà cái ảo và thực lẫn lộn nhau, và người và ma cũng chập chờn vào nhau. Những nhân vật mà Nam Dao mô tả sao giống như những nhân vật của màn ảnh tuyên truyền Cộng sản về người sĩ quan VNCH, lúc nào cũng đội mũ cát-két mặc quân phục đại lễ và luôn dùng đại danh từ “ngài” một danh xưng mà rất hiếm hoi trên đời sống thực của những người lính VNCH. Và với những hình ảnh tưởng tượng mà không xác thực của Nam Dao liệu có lôi cuốn được người đọc không và đạt được mục đích tuyên truyền không? Riêng tôi, tôi nghĩ là không.
Tôi liên tưởng đến một nhân vật có thực mà tôi tưởng là ảo, là người thực mà lại có nét của bóng ma. Hắn, học chung lớp với tôi ở Chu Văn An và được học bổng quốc gia sang Ðức du học. Qua xứ người, tập đọc một vài cuốn sách tả phái rồi tham gia với đám phản chiến chống chiến tranh Việt Nam. Hắn thì nói là vì lý tưởng, chống Mỹ xâm lăng nhưng thực ra ngại về lại Việt Nam phải đi lính nên chống đối để có cơ hội được ở lại khỏi phải về nước. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, thì lại chửi bới chế độ VNCH càng hăng. Có lần giữa đám học chung lớp, có người hỏi tại sao lại có lời nói và thái độ như vậy thì hắn trả lời là hắn căm thù và khinh bỉ nhất những người lãnh đạo VNCH và xêch mé gọi là thằng tổng thống này, thằng thủ tướng kia. Có người hỏi là chế độ ấy đã giúp hắn đi du học để mong có ngày trở về giúp nước mà sao lại ăn cháo đá bát thì hắn trả lời hắn có tài nên phải được những đặc ân đó. Hắn nói hắn chẳng nợ nần gì ai hết, những người đi lính là làm tay sai cho Mỹ và là người không có trí óc. Hắn có lần liên lạc với tôi nhưng tôi đã nghe trước những câu chuyện nên có lần đã bảo thẳng với hắn rằng tôi không có bạn hay có bè với những người như thế. Và hình như mọi người cũng đều xa lánh hắn. Hắn là con tin của quá khứ với cái hãnh diện được chọn lọc để du học nhưng ở hiện tại thì cũng chẳng có gì xuất sắc ở Ðức thất nghiệp liên miên dù có bằng cấp. Rồi hắn còn làm thơ, tự khoe khoang là bạn với nhà thơ Bùi Giáng, bắt chước làm thơ kiểu dở tỉnh dở điên và hay ghi tên tham dự “có đóng tiền” vào các cuộc đọc thơ hoặc giải thưởng thơ ở các nước khỉ ho cò gáy trên thế giới để có ảnh chụp mang khoe khoang với mọi người. Khi có cuộc thi Ngàn Năm Thăng Long do chế độ Cộng sản tổ chức hắn cũng làm bài lục bát dài chừng vài trăm câu để dự thi nhưng dường như chẳng có âm hao gì. Cố gắng bon chen ở hải ngoại thì thơ cũng chẳng có danh tiếng gì mà về nước tình nguyện bán thân mà cũng chẳng thêm danh vọng, nên bị cô đơn, vì cứ tưởng cái giả hào nhoáng làm cái thực của mình, lại háo danh muốn mượn gió phất cờ, hắn có phải là hình người nhưng hệt như bóng ma không? Tôi xin hỏi những vị có hiểu biết câu hỏi này…
Trong bút ký “Việt Nam, những con người, những bóng ma” tôi đã đọc rất nhiều phê phán chế độ hiện hữu. Tác giả đã phê phán những hiện tượng một cách thật tình. Nhưng về bản chất chế độ thì sao? Và suy nghĩ của ông sau khi chiến tranh đã chấm dứt sau một thời gian dài quá đủ để nhìn lại và thay đổi.
Nam Dao viết: “Ta rút tỉa gì được từ câu chuyện đã nói với nhau sau khi lược lại lịch sử 60 năm vừa trôi qua? Xin nói ngay không ảo tưởng có thể sở hữu gì về một thứ chân lý bất khả tranh cãi nào đó, tôi chỉ thành tâm mong đặt vấn đề để cùng đào xới mong cho tương lai đất nước chúng ta đã quá ư thiệt thòi gian khổ tươi sáng hơn. Tôi nghĩ thành quả lớn lao nhất của người Việt Nam chúng ta là đã toàn vẹn lãnh thổ và xóa được những chia cắt đất nước do Thưc Dân và Ðế Quốc áp đặt. Ðổi lại máu và nước mắt của quân dân Nam Bắc đã thấm vào đất vào sông vào biển ông cha ta để lại. Trong cây thánh giá cứu chuộc trong thiên niên trước người Việt Nam chịu đóng đinh suốt từ năm 1945 đến 1975 đòi hỏi quyền độc lập và phất ngọn cờ giải phóng khỏi ách kềm kẹp của những dân tộc bị áp bức. Nhân loại đã tri ơn sự hy sinh này và từng hướng về xem người Việt Nam chúng ta bước xuống thập giá để phục sinh như thế nào. Cuộc phục sinh đó mang ý nghĩa Ðộc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc vẫn còn viết trên tất cả những văn bản công quyền. Ðộc lập chính trị của một quốc gia dầu tương đối trong tương quan toàn cầu ngày nay tỉ lệ thuận với cái chúng ta quen gọi là dân giàu nước mạnh.”
Luận điệu ấy với tôi nghe quen từ thuở nào khi là một người tù nghe các quản giáo thuyết giảng. Ðúng là trên các văn bản công quyền vẫn còn khẩu hiệu Ðộc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc nhưng chỉ là khẩu hiệu suông. Ðộc Lập sao khi bị Trung Cộng lấn đất chiếm đảo lại khiếp nhược không dám phản ứng. Tự Do sao mà tôn giáo bị cấm đoán, quyền báo chí không được tôn trọng. Hạnh phúc cái gì khi nhân quyền không được tôn trọng và cả triệu người phải vượt biển để tìm cái sống trong nỗi chết.
Và nhân loại đã khâm phục và tri ơn thế nào khi kẻ chiến thắng là đảng Cộng sản Việt Nam cũng là tay sai Nga Tàu và thi hành những chỉ thị của Cộng Sản Quốc Tế mà Hồ Chí Minh đã nhận nhiệm vụ từ khi sang Nga. Toàn vẹn lãnh thổ sao khi mà Phạm Văn Ðồng khi làm Thủ tướng đã ký công điện xác nhân chủ quyền của Trung Cộng để đổi lại sự giúp đỡ cho cuộc chiến để chiếm miền Nam.
Không biết bây giờ tác giả Nam Dao có thay đổi ý kiến không và có ý nghĩ gì khi thực tế hiện nay của đất nước khi độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như chỉ mành treo chuông. Liệu ông có nghĩ những Nông Ðức Mạnh, những Nguyễn Tấn Dũng, những Nguyễn Chí Vịnh, Nguyễn Phú Trọng…là những Lê Chiêu Thống tân thời…
Tôi là một người đọc và suốt trong bài viết này tôi chỉ trích đoạn những gì tác giả Nam Dao viết và kèm theo những nhận xét thật giản lược. Ở ngoài đời tôi không biết gì về Nam Dao cả từ đời tư đến đời văn chương hay những hoạt động của ông khi về Việt Nam. Tôi cũng không biết tại sao chế độ hiện hữu lại “ruồng rẫy” ông và không cho ông là đồng chí với họ dù ông xác nhận ông là một người có đầu óc Cộng sản Tây Phương. Tôi chỉ biết ông từ tư cách một độc giả tìm hiểu về một tác giả. Thú thực tôi rất khâm phục sự kiên trì của ông vì vẫn giữ những ý tưởng mà trước đây mấy chục năm ông có và ông hãnh diện. Nhưng tiếc thay, thực tế đã không chiều lòng ông, và những lãnh tụ của chế độ cũng nghi ngờ và không chiều lòng ông. Thành ra ông phê phán, ông nhận định theo chủ quan của mình để rồi kết luận chung chung. Phải quên đi quá khứ và nhìn vào tương lai. Phải hòa giải. Phải hòa hợp. Nhưng lại cái thực tế chua cay. Thành ra càng cao danh vọng càng dày gian nan. Nói thì rất dễ, điều này chuyện kia dễ dàng. Sẵn ngọn bút tha hồ tâm sự như tâm sự với lớp trẻ như đã tâm sự với cậu xe ôm Bình Minh và nhận vơ vào một món nợ.
Dù sao, tôi cũng đã tốn một thời gian ngắn để đọc nhưng dài để suy nghĩ. Ðể làm gì? Tôi tự nhủ mình phải cẩn thận khi phát biểu một điều gì lớn lao và lý tưởng mà không thực và quá sức mình. Bởi vì, ngôn ngữ nhiều khi có hai mặt…
Nguyễn Mạnh Trinh