CÁC HÌNH THÁI CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Đối với nhiều người Việt Nam, các từ “chủ nghĩa xã hội” gắn liền với các từ “chủ nghĩa cộng sản” và đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính vì thế cụm từ chủ nghĩa xã hội, khái niệm về chủ nghĩa xã hội có một ý nghĩa xấu xa, ghê tởm đối với nhiều người Việt Nam.

Theo lý thuyết cộng sản thì xã hội chủ nghĩa là một giai đoạn trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, và vì thế bản thân chủ  nghĩa xã hội không phải là chủ nghĩa cộng sản, và xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là xã hội cộng sản.

Chủ nghĩa xã hội thật ra có rất nhiều hình thái nhưng nói chung có thể tạm chia các hình thái của chủ nghĩa xã hội thành hai loại. Chủ nghĩa xã hội phát triển dựa trên tư tưởng của Karl Marx và Lenin và chủ nghĩa xã hội không phát triển dựa trên tư tưởng của Marx và Lenin.

Những nước phát triển chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của Marx, Lenin là những quốc gia chủ trương độc đảng, chủ trương nền kinh tế kế hoạch hóa và 100% công cụ sản xuất, hay đất đai thuộc về sở hữu toàn dân.

Những quốc gia phát triển theo hình thái xã hội chủ nghĩa không dựa trên tư tưởng của Mark và Lenin thì không chủ trương kế hoạch hóa, không chủ trương công cụ sản xuất hay đất đai thuộc sở hữu toàn dân, và các nước này cũng không chủ trương độc đảng. Trên lý thuyết những quốc gia phát triển xã hội chủ nghĩa theo hình thái này không phải là những quốc gia độc tài theo kiểu cộng sản.

Các quốc gia ở Châu Âu, Châu Mỹ Latin từng phát triển chủ nghĩa xã hội trong nhiều giai đoạn khác nhau và hiện tại nhiều nước ở Châu Mỹ Latin vẫn đang tồn tại các hình thái xã hội chủ nghĩa không theo Marx, Lenin thường được gọi là các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21. Những quốc gia này có thể kể ra như Venezuela, Bolivia, Ecuador, Chile, El Salvador hay những quốc gia có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa như  Argentina, Brazeil, Mexico nhưng chủ nghĩa xã hội  không được chính thức ghi trong Hiến pháp.

Colombia , nước láng giềng của Venezuela, hiện vẫn còn tồn tại một lực lượng lấy chủ nghĩa xã hội làm lý tưởng nhưng lực lượng này bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nên phải hoạt động bất hợp pháp, duy trì sự tồn tại bằng buôn lậu ma túy và bắt cóc tống tiền. Đó là lực lượng FACR, vốn bị Hoa Kỳ coi là lực lượng tổ chức khủng bố. Vừa qua lực lượng này lên tiếng đe dọa sẽ chống lại Mỹ nếu Mỹ can thiệp vào Venezuela.

Theo định nghĩa thì chủ nghĩa xã hội là một hệ thống chính trị trong đó phương tiện sản xuất, đất đai thuộc về toàn dân. Tài sản xã hội được quản lý và phân phối, phân chia bởi cộng đồng xã hội, chứ không thuộc về từng cá nhân. Bản thân của định nghĩa hệ thống xã hội chủ nghĩa không nhắc đến cơ cấu chính trị độc đảng, hay đa đảng, có tam quyền phân lập hay không.

Việc phân định một  quốc gia theo chủ nghĩa xã hội hay không nhiều khi chỉ được phân định bằng cách theo dõi các chính sách của họ, ngoại trừ việc phát triển chủ nghĩa xã hội, độc đảng độc quyền được chính thức ghi vào Hiến pháp của một quốc gia, ví dụ Việt Nam.

Tại các nước phương Tây, thì nhiều khi các đảng xã hội hay chủ nghĩa xã hội thắng bầu cử, đứng ra thành lập chính phủ, và có những đường lối có màu sắc chủ nghĩa xã hội như giảm thuế cho người nghèo, tăng thuế cho người giàu. Tuy nhiên trong các trường hợp này chỉ một chính phủ đó có khuynh hướng chủ nghĩa xã hội chứ không phải họ xây dựng chủ nghĩa xã hội

Khi đứng từ nước Mỹ nhìn về nước  Anh, nước Úc, nhiều người Mỹ cho rằng Anh, Úc là những quốc gia xã hội chủ nghĩa vì các quốc gia này đánh thuế cao để có hệ thống phúc lợi và hệ thống giáo dục, y tế…hoàn toàn miễn phí. Dĩ nhiên không có nhiều người đồng quan điểm rằng Anh, Úc là những quốc gia xã hội chủ nghĩa, và chỉ đồng ý rằng những  chính sách như Medicare có màu sắc xã hội chủ nghĩa, là điều mà đa số người Mỹ chống đối.

Ngay trong lòng nước Mỹ vẫn có nhiều người yêu thích chủ nghĩa xã hội. Nhưng đại đa số vẫn có những hiểu biết mơ hồ về chủ nghĩa xã hội, vì thế mới có chuyện người ta quy chụp cho tổng thống Clinton hay Obama và cả đảng Dân Chủ Mỹ là những người và đảng xã hội chủ nghĩa, có âm mưu biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Điều này rộ lên tại Hoa Kỳ sau khi tổng thống Donald Trump đưa ra những đường lối chính trị có khuynh hướng chủ nghĩa dân túy và làm cho một số lớn người Mỹ cho rằng ông Obama là theo chủ nghĩa xã hội hay thậm chí là thân cộng.

Sau vụ khủng bố 9/11 tại Hoa Kỳ, phong trào xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh tại Châu Mỹ Latin. Điều này làm cho những quốc gia cộng sản còn sót lại như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba vô cùng phấn khởi cho rằng chủ nghĩa xã hội không chết, rằng chủ nghĩa xã hội đang hồi sinh và tiếp tục hy vọng rằng chủ nghĩa tư bản sẽ bị đào thải và chủ nghĩa xã hội cuối cùng sẽ toàn thắng.

Nhưng niềm hy vọng không có cơ sở của những quốc gia trên nhanh chóng tàn lụi, vì các quốc gia xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Châu Mỹ Latin lần hồi đều suy thoái và lâm vào khủng hoảng. Mới đầu năm 2019 tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam còn hướng về Venezuela như một niềm hy vọng hồi sinh của chủ nghĩa xã hội thì hiện nay Venezuela đang trên đà sụp đổ toàn diện .  Tại Brazil tân tổng thống mới đã công khai loại bỏ chủ nghĩa xã hội ra khỏi đời sống chính trị của đất nước và sa thải hàng loạt viên chức chính phủ có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa xã hội

.

Lý do chủ nghĩa xã hội ở Châu Mỹ Latin suy thoái là vì trong các nước áp dụng, dù có hay không yếu tố Marx-Lenin thì kinh tế vẫn kém phát triển so với các nước khác. Và nếu có vay mượn yếu tố Marx-Lenin thì kinh tế càng nhanh suy sụp hơn như trường hợp Venezuela.

Ở Venezuela, chủ nghĩa xã hội được áp dụng từ thời Hugo Chavez. Vào năm 1999 khi Hugo ứng cử, người dân rất hào hứng bầu ông làm tổng thống nhưng chỉ sau một thời gian áp dụng, nền kinh tế tuột dốc thảm hại nên từ đó người dân không còn tin vào chủ nghĩa xã hội nữa. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra liên tục với quy mô lớn tại Venezuela chỉ trong năm 2019 này.

Tuy vậy đến nay vẫn có những người mơ tưởng chủ nghĩa xã hội dù không còn đông đảo như trước. Lý do là vì nó chứa đựng một lý tưởng rất cao cả đó là chia đều tài sản xã hội, không có người nghèo, công bằng xã hội được thực hiện và nhân quyền cho tất cả mọi người.

Chủ nghĩa xã hội dù theo trường phái nào cũng đều có một điểm chung là muốn xây dựng một xã hội mà trong đó người dân được hưởng sự bình đẳng về thành quả lao động, được hưởng phúc lợi xã hội tối đa, xã hội duy trì tính nhân đạo nhiều hơn so với chủ nghĩa tư bản. Chính vì điều này khiến cho người dân khi được kêu gọi đều rất phấn khởi tin tưởng nghe theo.

Tuy vậy việc thực hiện lý tưởng chủ nghĩa xã hội như lý thuyết đề ra lại khó thành công trong tất cả mọi quốc gia vì tính chất phi thực tế, phản bản chất con người của nó. Bản chất của con người là tư tưởng tư hữu. Thực tế của xã hội con người là có người giỏi, người không giỏi, và nhữn người giỏi không muốn phần của mình cũng giống như phần của người không giỏi, không có đóng góp gì. Do đó muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa, bắt buộc chính quyền phải dùng các biện pháp đàn áp, cưỡng bức và rồi chế độ độc tại lập tức hình thành.

Trước khi xảy ra khủng hoảng Venezuela người ta biết có sự liên quan của Cuba với nước này nhưng phần lớn không nghĩ là Cuba có vai trò quan trọng trong biến động chính trị tại Venezuela  như vậy. Cuba đã can thiệp vào Venezuela với ước muốn sẽ biến Venezueala thành một quốc gia cộng sản như Cuba. Và cũng chính vì sự can thiệp này mà phe đối lập tại Venezuela quyết tâm đứng lên đấu tranh để đưa Venezuela thoát khỏi sự chi phối của Cuba và cơn ác mộng xã hội chủ nghĩa.

Cu Ba đã giúp về chính trị, về quân sự cho Venezuela rất nhiều. Cho đến nay người ta phát hiện ra trong quân đội Venezuela có hàng ngàn cố vấn quân sự Cuba mang hàm sĩ quan từ cấp úy cho tới cấp tá cấp tướng. Thậm chí đội cận vệ của tổng thống  Venezuela hiện tại là Maduro toàn là những lính biệt kích người Cuba. Đổi lại từ thời tổng thống Hugo cho đến nay Cuba cũng đã được Venezuela cung cấp nhiều khoản viện trợ hậu hĩ.

Sau khi Hugo qua đời, Cuba tiếp tục hỗ trợ đàn em của Hugo là Maduro. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 7/2/2019, Đô đốc Craig S. Faller, Tư lệnh Bộ Chỉ huy phía Nam của Mỹ cho biết hiện nay Maduro đã cho lực lượng an ninh Cuba bao quanh bảo vệ thay vì dùng an ninh người Venezuela để phòng ngừa đảo chính.

Đặc biệt từ khi tổng thống Trump được bầu, ông đã công khai ủng hộ phe đối lập tại Venezuela và quyết loại bỏ phe chủ nghĩa xã hội tại quốc gia này. Tình hình Venezuela đang diễn biến phức tạp và trước mắt nếu muổn ổn định tình hình tại Venezuela, đương kim tổng thống Maduro có thể phải chấp nhận từ bỏ chủ nghĩa xã hội nếu không muốn bị lật đổ.

Nói tóm lại những chính sách có màu sắc xã hội chủ nghĩa không làm một quốc gia biến thành quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó một quốc gia quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ trở thành một quốc gia độc tài, dù là độc tài cá nhân hay độc tài đảng trị. Chủ nghĩa xã hội, nhất là chủ nghĩa xã hội theo quan điểm Marx-Lenin là không tưởng và không thể song hành với tự do, nhân quyền, dân chủ, công bằng xã hội được.

Ls Lê Đức Minh

Related posts