Trong thập niên 1950, Tây Ninh là một tỉnh nghèo. Đặc biệt, sự giáo dục còn giới hạn. Tuy nhiên, Tây Ninh đã có một buổi họp mặt đầy ý nghĩa, để nêu cao tình thầy trò của các môn đệ đối với thầy cũ. Vị thầy cũ đó là nhà giáo khả kính Trần Văn Giảng, mà học trò gọi thân thương là cụ Đốc Giảng.
Cụ Đốc Trần Văn Giảng, tự Đào Thanh Giảng, sanh năm 1875 tại làng Hiệp Ninh, tỉnh Tây Ninh. Tổ phụ của cụ gốc miền Trung, di dân vào tỉnh Tây Ninh giữa thế kỷ 19. Gia đình cụ làm nghề nông. Sau khi đậu tiểu học, cụ được học bổng đi học trường Hậu Bổ (Sài Gòn). Ra trường, cụ được bổ đi dạy học ở trường Đất Hộ, tỉnh Gia Định. Sau vài năm, cụ được bổ về nguyên quán là Tây Ninh. Lúc cụ làm thầy nhứt trường tiểu học Tây Ninh, gia đình cụ lãnh nuôi học trò có học bổng nhà nước tại nhà. Trong số học trò ngụ cùng gia đình của cụ năm xưa, có Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Giáo Sư Võ Thành Cứ… Cụ về hưu năm 60 tuổi. Đức Quốc Trưởng Bảo Đại ân thưởng cho cụ Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tứ hạng, năm 1953, để vinh danh cụ, một đời cống hiến cho công tác giáo dục tại tỉnh Tây Ninh.
Cụ có 13 người con, nay mất hết, chỉ còn ba người con gái ở tuổi bát và cửu tuần, một sống tại Việt nam, một tại Canada, một tại Hoa Kỳ. Hai người con trai của cụ, là ông Trần Văn Mẩn và Trần Văn Sen, con gái là bà Trần Thị Tuất và chồng là ông Nguyễn Văn Mạnh, con dâu là bà Lê Thị Bình tiếp nối công tác giáo dục của cụ tại tỉnh Tây Ninh.
Năm 1953, lúc đang học lớp nhì tại trường tiểu học tỉnh lỵ Tây Ninh, tôi may mắn được thầy hướng dẫn tham dự buổi lễ gắn Bảo Quốc Huân Chương cho cụ. Buổi lễ diễn ra đã 55 năm rồi, nhưng ý nghĩa và sự long trọng của nó vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Năm ấy, tôi lên 10 tuổi, là một học trò nhà quê, cùng với các học trò khác tại trường tiểu học tỉnh lỵ, đứng chen chúc với dân chúng ở hai bên đường, từ tòa bố chạy xuống ngả tư chợ cũ để chờ đợi nghinh đón phái đoàn Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm. Tôi còn nhớ, cụ Đốc Giảng đạo mạo và uy nghi ngồi trên chiếc xe xích lô đạp. Cụ mặc áo dài gấm màu xanh dương. Hai bên đường đông dầy dân chúng và học trò đang háo hức chờ đón phái đoàn.
Sau 55 năm, tôi có dịp biết thêm đôi điều về thời niên thiếu của cụ. Anh Tiểu Tử Võ Hoài Nam, con trai giáo sư Võ Thành Cứ, cư ngụ tại Pháp, và anh Trần Anh Dũng, cháu nội cụ, cư ngụ tại Hoa Kỳ, kể: “Cụ Đốc Giảng và học trò là Võ Thành Cứ đều xuất thân từ gia đình nghèo. Cụ Đốc Giảng thì chăn trâu đến năm 12 tuổi mới được đi học thế cho con một gia đình giàu có trong làng. Giáo sư Cứ thì gia đình nghèo đến đổi không có tiền mua dầu thắp đèn để học bài. Giáo sư Cứ đọc truyện mướn. Các bà không biết đọc, nhưng lại thích truyện tàu nên mướn ông đọc. Họ nghe một lúc thì ngủ thiếp đi. Ông Cứ lợi dụng có đèn, đem bài ra học”. Ý chí cầu tiến và chăm chỉ học hành của hai vị rất đáng đề cao. Gương cần mẩn, chăm chỉ của người học trò nghèo khiến tôi ngưỡng mộ vô ngần. Tôi tự nghĩ, bản thân mình cũng xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, đồng cảnh ngộ vất vả, nên rất khâm phục sự phấn đấu vươn lên của hai vị.
Ngoài ra, cụ Đốc còn thương học trò, tận tâm giáo huấn, khiến cho học trò kính yêu cụ như đấng từ phụ. Thật vậy, gương học trò biết ơn thầy và tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” của các môn đệ của cụ là gương sáng cho hậu thế. Trong bối cảnh đạo đức suy đồi ở trong nước, còn tại hải ngoại, người Việt đua đòi chạy theo nền văn hóa trọng vật chất, nên việc nhắc lại gương đạo đức của người xưa để duy trì và bảo tồn nền văn hóa cổ truyền cao đẹp của dân Việt là cần thiết.
Sau đây, xin quay về dĩ vãng của 55 năm trước để theo dõi buổi lễ gắn Bảo Quốc Huân Chương cho cụ. Trích bản tin của Nha Thông Tin Nam Phần năm 1953, như sau:
“Ngày 18-8-53, tỉnh Tây Ninh lại lộng lẫy với những đường phố rực rỡ quốc kỳ, nỗi hẳn lên giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, để hớn hở tiếp nghinh Ngài Thủ Tướng Chánh Phủ Việt Nam…
Hôm nay, đồng bào Tây Ninh tổ chức một cuộc tiếp đón Ngài Thủ Tướng rất nồng nhiệt, vì mọi người đều hay tin rằng “y cẩm vinh qui” – đây là một câu trên biểu ngữ của dân chúng. Ngài Thủ Tướng về tỉnh nhà để gắn huy chương cho cụ Trần Văn Giảng, thầy học cũ của Ngài. Cụ Trần Văn Giảng không lạ gì với mọi giới trong tỉnh Tây Ninh, những người trọng tuổi trong tỉnh này phần nhiều là môn sanh của Cụ Giảng, và những thiếu niên hiện nay cũng phần nhiều đều là học trò của các môn đệ của Cụ ngày xưa.
Ngoài các thường dân theo Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, hôm nay đồng bào Cao Đài Giáo dự cuộc tiếp đón Ngài Thủ Tướng cũng rất đông, vì chính Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng là một cựu môn sanh của Cụ Giảng…
Sau đấy, ông Tỉnh Trưởng Tây Ninh đọc một bài diễn văn tỏ nỗi hân hoan của dân chúng Tây Ninh được đón tiếp Ngài Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm:
“Thưa Ngài Thủ tướng,
Từ ngày có tin Ngài về viếng tỉnh nhà để gắn Bảo Quốc Huân Chương cho ông Thầy cũ, thì cả Tây Ninh ai ai cũng hân hoan nô nức sửa soạn đón tiếp đứa con cưng của tỉnh nhà, vị anh hùng của dân tộc…
Tôi còn nhớ rõ rệt câu Ngài đã dặn tôi, lúc tôi được lịnh đổi đi Tây Ninh:
“Ở trển tôi còn một ông Thầy tuổi trọng, thương tôi như con đẻ, và tôi tôn kính như cha già. Ông lên trển tôi gởi gấm thầy tôi.”
Câu nói đã làm cho tôi vô cùng cảm động.
Rồi hôm được tin Ngài lên gắn huy chương cho Cụ Trần đại nhơn, tôi có đến viếng Đức Giáo Chủ Đại Đạo Cao Đài, Ngài mừng rỡ mà rằng:
“Tôi tính chúng tôi, học trò cũ của Thầy, sẽ ra áo kẻ củi người nồi, nấu mừng Thầy chúng tôi một buổi tiệc thân mật.”
Quí hóa thay những lời châu ngọc.
Trọn nghĩa với Thầy, trọn đạo với nước, một dân tộc như thế không thể suy vong.
Hôm vừa đáo nhậm tỉnh Tây Ninh, tôi có thốt rằng tôi rất hân hoan mà được phụng sự đồng bào một tỉnh tuy nghèo tiền mà rất giàu tinh thần và đạo đức. Thật quả không sai…”
Kế đến là giáo sư Võ Thành Cứ, cũng là học trò của cụ Giảng, nối tiếp ca ngợi sự nghiệp “lập công” vẻ vang của bậc thầy cũ. Ông nói:
“Xét về thuyết “tam lập” của Nho Gia, Thầy không lập đức, Thầy không lập ngôn. Thầy chỉ lập công thôi, mà lập công một cách rở ràng, hiển hách. Lập công, không phải như các võ tướng ra tài thao lược trên bãi chiến trường, cốt xây dựng sự nghiệp trên đống thây tử sĩ. Thầy lập công bằng trí não, bằng tâm can.
Trót 40 năm trời đăng đẳng, chẳng hề lui bước trước những trở lực của nghề nghiệp thanh cao, Thầy un đúc, dồi mài, rèn luyện bao nhiêu thế hệ thanh niên cho nên người hữu dụng. Nhờ sức tận tụy của Thầy mà xứ sở đã được lắm bộ óc kinh luân, nhiều bực thông minh tài tuấn. Gần nửa thế kỷ cần lao, hao hơi, mệt trí, nhọc lòng, Thầy đem lại cho quê nhà bao nhiêu cán bộ hữu danh trên các ngành hoạt động…
Thầy đã tận tâm với chức nghiệp và lập nhiều công trạng với xứ sở. Chỉ có thế thôi. Chính cũng vì thế mà chúng con hôm nay quanh quẩn bên Thầy, lòng tràn ngập một niềm vui sướng thanh khiết. Thầy rất xứng đáng với sự tôn sùng của chúng con. Đối với thế nhơn, chúng con hết sức tự đắc mỗi khi nhìn nhận là: môn đồ của cụ TRẦN VĂN GIẢNG, của bực “LINH SƠN PHU TỬ” vậy.”
Rất muốn đáp từ, song vì tuổi cao, sức yếu, cụ Giảng ngỏ lời để cho trưởng nam của cụ là ông Trần Văn Mẩn, Giám Đốc trường Tây Ninh đọc diễn từ tỏ lòng tri ân Đức Quốc Trưởng và cám ơn các quan khách. Cụ nói:
“Tôi rất hân hạnh được tiếp rước quí Ngài chẳng nệ công lao tề tựu rất đông đủ tại tệ xá của tôi mà mừng cho tôi được Đức Quốc Trưởng ban tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương và được Ngài Thủ Tướng phế thì giờ quí báu đến gắn khuê bài cho tôi.
Tôi thành thật thâm cảm ơn của Đức Quốc Trưởng, Ngài Thủ Tướng có lòng quảng đại xin đặc ân ấy cho tôi, và quí Quan. Tôi rất cảm động là vì hôm nay, là ngày rất vinh diệu cho đời sống của tôi là một giáo học, Thanh Tra hàng tỉnh, hồi hưu.
Vinh diệu bao nhiêu, tôi càng thêm cảm động, vì nhờ toàn cả học trò cựu của tôi, nhờ công lao cực nhọc, tôi đã rèn đúc từ thuở thơ ấu, đến sau nhờ phước đức của Ông Bà, Cha Mẹ để lại và sự sáng suốt của các trò, nay cả thảy đã thành danh, làm cho sáng lạn rực rở xứ Tây Ninh là xứ nhỏ nhen, nghèo cực, rừng rú, mà được sanh biết bao nhiêu anh tài, đúng như lời của Ngài Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã nhắc trong ngày 9 tháng Giêng năm Quí Tỵ, nhơn dịp lễ kỷ niệm Quân Đội Cao Đài xuất chiến chống Cộng.”
Đoạn bằng những lời lẽ rất cao quý, cụ ngỏ lời huấn dụ các học trò cũ của cụ như sau:
“Hỡi các trò yêu dấu,
Trong buổi chiều của thầy, sự vui mừng của thầy không làm sao tả cho đủ, khi thầy nhận thấy các trò có bổn tánh quí hóa nhớ ơn và luôn luôn tôn kính thầy…”(1)
Cụ quy tiên ngày 31 tháng bảy năm 1964, nhằm ngày 23 tháng 6 năm Giáp Thìn tại nhà riêng, số 82 đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Tây Ninh. Thi hài cụ được liệm trong chiếc áo dài màu xanh dương do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc kính tặng thầy học cũ trong buổi lễ gắn Bảo Quốc Huân Chương, theo lời trăn trối của cụ trước khi mất.
Cụ được an táng trong ngôi nhà mồ tại thị xã Tây Ninh. Ngôi nhà mồ nầy do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc giúp xây cất lúc sanh thời, theo mô hình giống như ngôi Báo Ân Từ tại chợ Long Hoa, gần Tòa Thánh Tây Ninh.
“Ngoài sự cư tang báo hiếu của gia đình, một Ủy Ban cúng tế Thầy học do các môn sanh, đệ tử nam nữ hiện ở châu thành Tây Ninh được thành lập. Chánh tế là ông Phủ Trần Văn Giáo, niên trưởng trong các môn sanh, đệ tử…
Thừa ủy nhiệm của các sư huynh, sư đệ, giáo sư Võ Thành Cứ đọc một bài điếu văn:
“Thưa tôn sư,
Trong vòng ba mươi năm vừa qua, khi Thầy hồi hưu dưỡng lão, khi Thầy được ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương, khi Chánh Quyền Quốc Gia ân tứ Huân Chương cho Thầy, khi ăn lễ bát tuần cho Thầy, từ bốn phương chúng con hân hoan kéo nhau về quây quần bên chơn Thầy, nâng cao chén quỳnh tương, hòa mình trong cảnh thân mật, vui tươi hoan lạc.
Rồi… ngày hôm nay, cũng đám con tinh thần của Thầy, lại tề tựu về quê, không phải để chia vui với Thầy, mà lại khóc đấng từ phụ trở đầu về Núi.
Ôi! Ngọn hải đăng đã tắt, còn đâu nữa ánh sáng huy hoàng để rọi nẻo, chỉ đàng cho đám môn sanh giữa khổ hãi mênh mông đầy sóng cuồng, gió loạn. Thầy ôi, chúng con đau đớn lắm.
Sinh thời, Thầy đã hiến thân cho nền giáo dục, đem cả tài cao, đức trọng hoàn thành sứ mạng thiêng liêng…
Sau 90 năm tạm trú chốn hồng trần, nợ đời đã trả sạch, Thầy trở bước về Tiên Cảnh, đáng lẽ chúng con nên vui mừng với anh linh Thầy, nhưng, kính Tôn Sư, ở cõi tạm nầy của nhơn loại đầy tình cảm, có đau đớn nào bằng cảnh sanh ly tử biệt.
Từ đây, thể phách Thầy đã chôn chặt vào lòng đất, hình dạng Thầy vắng hẳn trên thế gian, chúng con đâu còn trông được đôi mắt hiền từ của Thầy, chúng con đâu còn nghe được giọng nói hiền lành của Thầy dùng để an ủi, khuyến khích, vổ về các con trong những ngày đen tối.
Nhớ Thầy, chúng con chỉ có thấy linh sàng khói tỏa màn trắng treo cao, nhớ Thầy, chúng con chỉ trông vào cảnh cũ vắng bóng Thầy, mà lòng đau quặn thắt.
Giờ đây, chúng con đành gạt lụy, thành tâm cầu nguyện cho anh linh Thầy được tiêu diêu miền Cực Lạc.
Tôn sư ôi! Chúng con xin vĩnh biệt. (2)
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, cư ngụ tại Pháp, không thể về Việt Nam dự tang lễ của thầy được, nên làm bài thơ “Khóc Thầy”, như sau:
“Được tin Thầy đã thoát ly trần
Phách lạc hồn xiêu ruột tợ dần
Dìu dắt tình sư cao vạn trượng
Đền bồi nghĩa đệ nặng ngàn cân
Tử phần luống đợi ngày sum hiệp
Tiên tục nào ngờ phút rẻ phân
Giọt lụy chứa chan trời đất chứng
Có chăng còn được thấy mộ phần?”
Gương học trò biết ơn thầy của các môn đệ của cụ, so với người xưa, thật đặc biệt và trang trọng. Ông Carnot, một quan to của nước Pháp, chỉ tình cờ đi ngang qua trường xưa, nhân lúc rảnh việc, thấy thầy cũ đang dạy học, ghé vào thăm và chào hỏi. (3) Việc thăm viếng thầy cũ của ông Carnot chỉ là tình cờ, không được chuẩn bị chu đáo và tổ chức long trọng, mà có tính cách riêng lẽ. Tình thầy trò của các môn đệ đối với cụ Đốc Giảng trong ngày 18 tháng 8 năm 1953, nhân buổi lễ gắn Bảo Quốc Huân Chương, là sự tri ân thầy cũ, trong tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo”, được tổ chức quy củ, long trọng, tưng bừng của chánh quyền đương thời và tập thể môn đệ của cụ. Môn đệ của cụ, tuy đạt vinh hiển tột cùng trong xã hội, nhưng vẫn một lòng kính yêu và quý trọng cụ, như tình của con đối với cha: Đó là Thủ Tướng Chánh Phủ đương quyền, Đức Hộ Pháp của Đạo Cao Đài, và đông đủ các học trò cũ của cụ, nay đã là bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, công thương kỹ nghệ gia, điền chủ…
Tình cảm gắn bó và sự tôn kính của môn đệ đối với ân sư thật vô cùng cao quý: Trong thư phòng của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tại Trí Huệ Cung vẫn còn treo hình cụ. Người cai quản Trí Huệ Cung cho biết, lúc sanh tiền, Đức Hộ Pháp cho biết đây là tấm hình của vị ân sư của Đức Hộ Pháp:
Tình thương của cụ dành cho học trò bao la như cha mẹ thương con, nên môn đệ thương kính cụ như đấng sanh thành. Anh Tiểu Tử Võ Hoài Nam kể câu chuyện cụ tặng áo dài cho thân phụ anh, giáo sư Võ Thành Cứ, như sau:
“Giáo sư Võ Thành Cứ là một trong các học trò thường gần gủi và thăm viếng cụ. Sau khi được học bổng đi học ở Sài Gòn, giáo sư Cứ tốt nghiệp, được bổ làm thầy giáo. Trước ngày đi nhậm chức, giáo sư Cứ về Tây Ninh thăm và từ giả thầy cũ. Cụ vui mừng dặn dò mọi điều cần thiết, và cũng không quên hỏi thăm nơi ăn, chốn ở và áo quần có đầy đủ không? Lúc ấy, thời buổi khó khăn, hàng vải khan hiếm. Giáo sư Cứ thú thật không có được cái áo dài tươm tất để đi dạy học. Cụ Đốc liền gọi bà Đốc mang chiếc áo dài còn mới của cụ để sửa lại cho giáo sư Cứ, vì cụ Đốc thì ốm và cao, còn giáo sư Cứ chỉ đứng ngang vai của cụ. Giáo sư Cứ biết cụ Đốc cũng chỉ có vỏn vẹn hai cái áo dài, nên giáo sư Cứ năn nỉ cụ Đốc hết sức, chỉ dám nhận cái áo cũ, để cụ Đốc có áo thay đổi mà đi dạy học.”
Cụ Đốc Giảng, trong lúc sanh thời, đã được hạnh phúc nhìn thấy môn đệ yêu dấu của mình “công thành, danh toại”. Cụ hảnh diện nhận lãnh Bảo Quốc Huân Chương do Đức Quốc Trưởng Bảo Đại ban thưởng, để vinh danh một nhà giáo cống hiến suốt cuộc đời cho ngành giáo dục, và đào tạo những môn đệ ưu tú. Cụ có lẽ cũng mãn nguyện khi nhìn thấy thành tích của môn đệ, và nhất là, dù đã đạt địa vị cao quý trong xã hội, nhưng môn đệ của cụ vẫn một lòng tôn kính và biết ơn cụ. Đây là tấm gương sáng của nền đạo đức cổ truyền, tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” của người xưa, đáng lưu lại cho hậu thế. Đây cũng là chứng minh sự thành công của một nền giáo dục thấm nhuần đạo đức cổ truyền.
Lê Tấn Tài (viết với sự góp ý, tài liệu của Tiểu Tử Võ Hoài Nam và Đào Anh Dũng)
Tu chính bài viết tại Thành Phố Sydney, thứ hai ngày 25 tháng 2 năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
Bản tin của Nha Thông Tin Nam Phần năm 1953, từ trang 1 đến trang 24.
Cụ Trần Văn Giảng, nhà mô phạm lão thành được suy tôn là bậc: “Linh Sơn Phu Tử”, Tây Ninh Xưa và Nay, Huỳnh Minh, loại sách sưu khảo do tác giả xuất bản năm 1972, các trang 119-126.
Học trò biết ơn thầy, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Sách nầy do Nha Học Chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận soạn, Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản năm 1953, in lần thứ 10, trang 53.
* Ban Sử Cao Đài Tây ninh (Huỳnh Tâm phổ biến)