Mùa xuân năm 35 tuổi, hắn xác nhận sự thật rằng hắn đã vượt qua điểm-bơi-vòng-lại của đời hắn rồi. Mà không, biểu hiện như thế thì không được chính xác. Đúng ra phải nói rằng: mùa xuân năm 35 tuổi, hắn đã quyết định rằng hắn đã vượt qua điểm-bơi-vòng-lại của đời hắn. Như thế mới đúng.
Tất nhiên đời mình kéo dài đến bao lâu thì chẳng ai có thể biết được. Nếu sống được đến tuổi 78, thì điểm-bơi-vòng-lại của đời hắn phải là tuổi 39, vị chi là hắn còn được 4 năm nữa. Vả lại, xem tình trạng sức khoẻ của chính hắn, so sánh với cỡ đàn ông Nhật Bản có tuổi thọ trung bình thì mức tuổi thọ 78 ấy đối với hắn chẳng phải là một giả-thuyết quá lạc quan.
Vậy mà, khi quyết định rằng sinh-nhật thứ 35 ấy là điểm-bơi-vòng-lại của đời mình, hắn đã chẳng có chút băn khoăn gì cả. Nếu thật tình hắn muốn dời thời điểm mình có thể chết về phía sau, thì cũng đã làm được. Nhưng cứ dời như thế mãi thì mình chắc chắn sẽ nhắm hụt mất điểm-bơi-vòng-lại chính xác của đời mình. Tuổi thọ mà mình cho là thoả đáng cứ dời từ 78 lên 80, rồi 80 lên 82, 82 lên 84,… Cứ thế mà nghĩ đời mình được kéo giãn ra từng nấc một. Rồi một ngày nào đấy bất chợt để ý rằng mình đã 50 tuổi. 50 tuổi thì lại trễ quá cho điểm-bơi-vòng-lại của đời người. Có bao nhiêu người sống được đến 100 tuổi đâu. Người ta vì thế vô tình đã qua mất điểm-bơi-vòng-lại của cuộc đời lúc nào không hay. Hắn nghĩ như thế.
Hắn vẫn tiếp tục cảm nhận rằng một khi hắn đã qua khỏi tuổi 20 rồi thì ý niệm <điểm-bơi-vòng-lại> ấy là một yếu tố không có không được của đời hắn. Bởi cơ sở suy nghĩ của hắn là: để hiểu về mình, trước hết phải hiểu vị trí chính xác của chỗ mình đang đứng.
Có thể lối suy nghĩ ấy đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự thật rằng: từ khi vào trung học cấp hai cho đến lúc tốt nghiệp đại học, trong khoảng thời gian gần mười năm ấy, hắn đã liên tục là tuyển thủ bơi lội hạng nhất. Quả thật, bơi lội là môn thể thao cần đến sự chia thành từng khoảng cách liên tiếp. Đầu ngón tay chạm vào tường hồ bơi. Tức thì, như một con cá heo, hắn uốn mình trong nước, lập tức thân hình đảo ngược chiều lại, bàn chân thu hết sức đạp vào tường hồ bơi. Thế là bắt đầu phần 200 thước nửa sau của cuộc đua. Điểm-bơi-vòng-lại đấy.
Nếu như cuộc đua bơi không có điểm-bơi-vòng-lại, không có biểu thị về cự-ly, thì thao tác bơi toàn lực cho hết 400 thước ấy chắc chắn trở thành một địa ngục tối ám mịt mùng không thể cứu vớt gì được. Chính là nhờ có điểm-bơi-vòng-lại, mà hắn có thể chia được khoảng bơi ra làm hai. Để nghĩ được rằng: đến đây thì ít nhất mình cũng đã xong được nửa đoạn đường rồi. Sau đó, lại có thể chia khoảng đường còn lại ra làm hai. Đến đây thì đã xong được ba phần tư đoạn đường rồi. Rồi lại tiếp tục chia làm hai như thế. Quãng đường dài cứ thế tuần tự chia làm hai mà tiến tới. Cùng với cự-ly được chia nhỏ như thế, ý chí cũng được chia nhỏ ra. Nghĩa là dù sao đi nữa, hãy gắng bơi cho hết 5 thước tiếp theo này đi. Cứ bơi được thêm 5 thước là giảm bớt được 1 phần 80 của toàn bộ cự-ly 400 thước. Chính nhờ suy nghĩ như thế mà khi dầm mình trong nước, cho dù có nôn ói hay co rút cơ-bắp đi nữa, hắn đã dùng toàn lực bơi được hết 50 thước cuối cùng.
Những tuyển thủ khác suy nghĩ như thế nào khi bơi lội ngược xuôi trong hồ bơi, thì hắn không biết. Đối với hắn, cách suy nghĩ chia khoảng như thế này thích hợp nhất với cá tính, và có lẽ là hoàn hảo nữa. Vật sự trông có to tát đến đâu, mà ý chí mình xem ra nhỏ nhoi đến đâu đi nữa, cứ tuần tự xử lý từng chặng nhỏ 5 thước thì nhất định là làm được; sự thật ấy, hắn đã học được trong hồ bơi dài 50 thước. Trong đời, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức với cung cách hoàn chỉnh.
Vì thế, khi sinh nhật thứ 35 tiến dần đến trước mắt, hắn hoàn toàn không ngần ngừ gì khi quyết định đó là điểm-bơi-vòng-lại của đời hắn. Chẳng có gì phải sợ cả. 35, nửa đời người 70 tuổi, chừng đó cũng được rồi. Nếu như qua khỏi tuổi 70 mà vẫn còn sống, thì cứ hoan hỉ mà sống tiếp. Nhưng chính thức thì đời hắn là 70 năm. Trong 70 năm ấy, hãy bơi toàn lực đi! Hắn quyết tâm như thế. Làm thế, ta chắc chắn sẽ vượt qua tất cả mà hoàn tất được đời mình. Và đến đây là đã xong được nửa đoạn đường rồi. Hắn nghĩ thế.
Ngày 24 tháng 3 năm 1983 là sinh nhật thứ 35 của hắn. Vợ hắn mừng hắn một chiếc áo len ca-sơ-mia. Đêm xuống, hai vợ chồng đến quán ăn quen ở Aoyama, uống rượu vang, ăn món cá. Sau đó, đến một quán rượu yên tĩnh uống 3, 4 ly Gin Tonic. Hắn định không nói về quyết tâm “điểm-bơi-vòng-lại” với vợ làm gì. Hắn hiểu rằng những lối suy nghĩ về sự vật như thế vẫn thường bị xem là điên khùng trong mắt người khác.
Hai người lấy taxi về nhà, và làm tình với nhau. Hắn tắm vòi sen rồi vào bếp, cầm lon bia trở lại phòng ngủ thì thấy vợ đã ngủ say. Hắn treo cà-vạt và quần áo của mình vào tủ áo, rồi gấp nhẹ chiếc áo đầm bằng lụa của vợ, đặt lên bàn. Áo sơ-mi và vớ dài của vợ thì cuộn lại cho vào giỏ áo quần giặt trong phòng tắm.
Hắn ngồi trên sofa, uống bia một mình, ngắm gương mặt say ngủ của vợ một hồi. Nàng vừa được 30 tuổi tháng Giêng vừa rồi. Nàng vẫn còn ở phía bên kia của đường phân-ranh. Hắn thì đã ở phía bên này của đường phân-ranh ấy rồi. Nghĩ như thế, hắn lại có cảm giác kỳ dị. Hắn uống cạn lon bia, vòng tay sau đầu, cười không thành tiếng.
Tất nhiên vẫn có thể đổi lại được. Cứ quyết định đổi quách lại rằng đời người là 80 năm là xong thôi. Như thế điểm-bơi-vòng-lại là tuổi 40, và hắn vẫn còn ở phía bên kia được 5 năm nữa. Thế nhưng hắn không muốn. 35 tuổi, hắn đã qua khỏi điểm-bơi-vòng-lại. Như thế cũng được chứ.
Hắn vào bếp uống thêm một lon bia. Rồi ra nằm sấp trên sàn phòng khách, trước bộ stereo, gắn ống nghe vào tai, nghe nhạc giao hưởng của Brookner cho đến 2 giờ khuya. Mỗi lần nghe nhạc giao hưởng hoành tráng của Brookner một mình trong đêm khuya, hắn luôn luôn cảm nhận được một niềm vui thích có vẻ mai mỉa. Niềm vui thích kỳ lạ chỉ có thể cảm nhận được trong âm nhạc, về sự tiêu hao hoành tráng của thời gian, năng lượng và tài năng của con người.
*
Xin thưa trước rằng từ đầu đến cuối, tôi chỉ ghi lại trọn vẹn những gì hắn đã kể cho tôi nghe. Tất nhiên cũng có vài chỗ tu-từ văn vẻ, và lược bớt phần nào tôi nghĩ là không cần thiết. Có chỗ, tự tôi đã hỏi hắn để bổ túc thêm chi tiết. Và tôi cũng có dùng đến trí tưởng tượng của mình đôi chút. Thế nhưng nói chung thì xin cứ nghĩ rằng những dòng này đúng là những gì hắn đã kể lại, cũng chẳng có vấn đề gì cả đâu. Hắn có lối nói chính xác, hiệu quả, miêu tả trạng huống một cách rõ ràng, đúng chỗ. Hắn là mẫu người như thế.
Hắn kể chuyện này cho tôi nghe trong hiên cà-phê bên hồ bơi trong câu-lạc-bộ thể thao dành cho hội viên.
*
Sau sinh nhật hắn là chủ nhật. 7 giờ sáng, hắn thức dậy, nấu nước pha cà-phê nóng, ăn món xà-lách có dưa leo. Khác lệ thường, vợ hắn vẫn còn ngủ mê man. Xong bữa sáng, hắn vừa nghe nhạc, vừa tập trọn 15 phút thể dục đúng bài bản rất nặng mạnh đã rèn luyện từ thời hắn ở trong đội bơi lội. Xong hắn tắm vòi sen nguội, chải tóc và cạo râu. Rồi chậm rãi đánh răng thật cẩn thận một lúc lâu. Bôi một chút bột chà răng, hắn chậm rãi chà bàn chải lên mặt trước mặt sau của từng cái răng. Dùng cả chỉ đánh răng tẩy sạch giữa các vách răng. Bồn rửa mặt có đến 3 thứ bàn chải răng dành riêng để hắn tuần tự dùng mỗi lần một thứ khác nhau để khỏi do thói quen mà bỏ sót vị trí nào.
Xong một chuỗi nghi thức buổi sáng như thế, không như thường lệ đi tản bộ một vòng gần nhà, hôm nay hắn ra trước tấm gương lớn bằng thân người gắn vào tường phòng thay áo, cứ trần truồng như thế mà chăm chú kiểm điểm từng chỗ trên thân thể. Dù gì đi nữa, đây cũng là buổi sáng khởi đầu cho nửa đời sau của hắn. Cứ như là y sĩ đang khám trẻ sơ sinh, hắn ngắm soát tỉ mỉ từng xó xỉnh trên thân thể mình với những cảm động kỳ dị.
Trước hết là tóc, rồi da mặt, răng, cằm, tay, bụng, hông, dương vật, ngọc hoàn, đùi, chân. Hắn điểm kiểm từng món một lúc rõ lâu, ghi nhớ điểm tốt hay xấu vào một bảng kết-toán trong trí. Tóc hắn đã có phần thưa bớt so với những năm ở tuổi đôi mươi. Nhưng cũng chưa đến nỗi phải lo lắng gì. Cứ đà này thì đến tuổi 50 cũng không sao. Sau tuổi ấy thì đến lúc ấy hẵng hay. Đầu tóc giả cũng đã có thứ xài tốt, đầu mình cũng thuộc loại có hình dáng không tệ, nên có sói đầu đi nữa cũng chẳng đến nỗi thành hình dạng khó coi. Răng thì ngay từ thời trẻ đã bị sâu răng đều đều nên đã có nhiều răng giả rồi. Nhưng từ 3 năm trước, hắn đã liên tục áp dụng cách đánh răng tỉ mỉ cẩn thận nên đã ngăn chận được sâu răng khỏi lan rộng thêm nữa. Nha sĩ bảo hắn “Giá mà từ 20 năm trước đã áp dụng cách đánh răng như thế thì bây giờ đâu có cái răng sâu nào”. Quả đúng như thế thật, nhưng chuyện đã xong rồi thì có than thở cũng chẳng ích gì. Duy trì tình trạng hiện tại là tất cả những gì có thể làm được lúc này. Hắn hỏi thử nha sĩ đến tuổi nào thì răng mình còn cắn vào vật gì được. Nha sĩ đáp: đến 60 tuổi cũng còn được, nếu tiếp tục chăm sóc răng cẩn thận theo cách ấy. Chừng đó là đủ cho hắn rồi.
Da mặt của hắn thì quả là đã xấu đi tương ứng với tuổi tác. Huyết sắc tốt nên trông hắn còn trẻ trung, nhưng lại gần gương soi mà nhìn kỹ thì thấy đã có những chỗ lồi lõm nhỏ trên da mặt. Mỗi năm cứ đến mùa hè, hắn lại phơi nắng rám da một cách buông thả, và thuốc lá cũng đã hút quá nhiều trong một thời gian dài. Từ nay, cần phải dùng mỹ phẩm nước hay kem bôi da mặt loại tốt mới được. Thịt cằm thì đã dày hơn là dự tưởng. Vì di truyền đó thôi. Cho dù hắn có tập luyện vận động để giảm bớt thịt nơi má bao nhiêu đi nữa, chỗ thịt mềm dợn sóng trông như một lớp tuyết mỏng đọng lại này thì tuyệt nhiên không thể nào thải bớt được. Theo với tuổi tác chất chồng, chỗ thịt cằm ấy đã thành cố định. Rồi mình cũng sẽ giống như bố mình, ngày nào đó sẽ có cằm đôi. Kết cuộc là đành chịu vậy thôi.
Phần bụng thì vào khoảng 6 phần điểm tốt và 4 phần điểm xấu. Nhờ vận động thân thể và ăn uống theo kế hoạch nên cơ bụng rắn chắc hơn nhiều so với 3 năm về trước. Ở tuổi 35 mà được thế này là thượng hạng rồi. Tuy nhiên, mảng thịt dư thừa từ hông đến giữa lưng thì những vận động thân thể ấy không làm sao mà rứt ra được. Quay ngang mà xem thì đường thẳng thời sinh viên sâu như dao cắt phía sau lưng hắn đã không còn hình tích gì nữa. Cơ quan sinh dục thì không thay đổi gì lắm. So với ngày xưa, trông vẻ tươi sống đã có phần giảm bớt, hay có khi đó chỉ là cảm giác chủ quan của hắn thôi. Số lần giao-hợp tất nhiên là không còn nhiều như ngày xưa, nhưng cho đến nay, hắn chưa hề bỏ cuộc lần nào cả. Giữa vợ chồng hắn, cũng chẳng có bất mãn gì về tình dục.
Nhìn chung thì tấm thân cao 173 cen-ti-mét, nặng 64 kí-lô của hắn được giữ gìn tươi trẻ vượt trội đám đàn ông cùng lứa chung quanh hắn. Đến có thể khoe mẽ là mới 28 tuổi cũng còn được nữa kia. Sức bộc phát của thân thể hắn có suy giảm phần nào nhưng sức chịu đựng thì nhờ kiên trì tập luyện nên lại còn tăng tiến hơn cả thời đôi mươi nữa.
Tuy nhiên, cặp mắt chú ý sâu sắc của hắn đã không bỏ qua bóng đen của tuổi tác, như một định mệnh đang từ từ bao phủ thân xác hắn. Bài toán thăng bằng giữa điểm tốt và điểm xấu vừa ghi khắc vào bảng kiểm kê trong trí hắn đã nói lên sự thật ấy hùng hồn hơn bất cứ thứ gì khác. Dù có thể che mắt người khác đến mức nào đi nữa, cũng không làm sao tự che mắt mình mà sống được.
Mình đang già đi rồi đấy.
Đó là sự thật khó lay chuyển được. Dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, con người cũng không tránh được chuyện già đi. Cũng như sâu răng vậy. Sự cố gắng có thể làm chậm bớt mức độ tiến triễn, nhưng dù có chậm bớt đi nữa, sự lão hoá rồi cũng chắc chắn sẽ tiến triễn đến mức cuối thôi. Sinh mệnh con người là thứ đã được lập-trình như thế rồi. Tuổi càng lớn, lượng trì-hoãn-lại-được càng giảm dần đi so với lượng nỗ lực con người bỏ ra, rồi cuối cùng cũng triệt-tiêu mà thôi.
Hắn ra khỏi phòng tắm, lấy khăn lau thân thể, rồi nằm dài trên ghế sofa, không làm gì cả, chỉ lơ đãng nhìn lên trần nhà một hồi lâu. Ở phòng bên, vợ hắn đang ủi quần áo, vừa ậm ừ hát theo bài hát của Billy Joel phát ra từ máy nghe đài. Bài hát về một công xưởng làm đồ sắt bị đóng cửa. Một buổi sáng chủ nhật điển hình của vợ chồng hắn. Có mùi bàn ủi trên áo quần, và Billy Joel, và tắm vòi sen ban sáng.
-“Đối với tôi, chuyện già đi thì thật tình mà nói, chẳng phải là đáng sợ đến như thế. Như tôi đã nói trước đây đấy. Vả lại, tính tôi vẫn thích tiếp tục chống đối lại những thứ khó chống đối. Vì vậy, tôi chẳng thấy chua xót hay đau khổ gì cả đâu”. Hắn nói. -“Vấn đề khó khăn nhất cho tôi, thì mơ hồ hơn. Như thứ gì mình biết là có ở đấy, nhưng lại không thể đối mặt mà tranh đấu đường hoàng được”.
-“Thứ gì mà mình cảm thấy được một cách mơ hồ à?”. Tôi ướm hỏi.
Hắn gật đầu. -“Tôi nghĩ có lẽ là như thế”. Rồi lúng túng động đậy những ngón tay của cả hai bàn tay trên mặt bàn. -“Tất nhiên, việc một thằng đàn ông đã 35 tuổi rồi mà còn đem chuyện như thế này thổ lộ với người khác, thì chính tôi cũng hiểu là khôi hài quá. Nhưng thứ yếu-tố không thể nào nắm bắt được ấy hẳn là vẫn có trong đời bất cứ người nào chứ, phải không?”
-“Có lẽ thế”. Tôi nhịp theo lời hắn.
-“Nhưng mà, thành thật mà nói, thực tế tôi cảm nhận được rõ ràng đến như thế là lần đầu tiên trong đời. Nghĩa là, cảm nhận được có thứ gì đấy khó đặt tên và không sao nắm bắt được tiềm ẩn bên trong con người của mình. Cho nên hoàn toàn chẳng hiểu nên đối phó với nó ra sao cả”.
Chẳng biết nói gì nên tôi làm thinh. Trông hắn quả thật đang hỗn loạn đấy, nhưng cách hỗn loạn ấy có vẻ hợp lý. Do đó, tôi định im lặng lắng nghe hắn nói tiếp.
Hắn sinh ra ở ngoại ô Tokyo mùa xuân năm Chiêu Hoà thứ 23, 1948, khoảng không lâu sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt. Có một người anh, và sau đó, một cô em nhỏ hơn hắn 5 tuổi. Ông bố nguyên là một nhà địa ốc thuộc hạng lão làng, đã xoay sang nghề cho thuê bin-đinh trong khu vực bao quanh đường tàu điện trung tâm Chuô, và thành công rực rỡ trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ ở những năm 60. Bố mẹ ly dị năm hắn 14 tuổi, do sự tình phức tạp khác thường mà lũ con 3 đứa đã ở lại nhà ông bố.
Hắn từ một trường trung học cấp hai tư thục hạng nhất, tiến lên trung học cấp ba trong cùng hệ thống tư thục, rồi lên đại học, song suốt như đi thang máy. Thành tích học vấn cũng không tệ. Lên đại học, hắn dời đến một căn chung-cư của bố hắn ở Mita. Và mỗi tuần 5 ngày đến hồ bơi tập luyện, 2 ngày còn lại dành cho việc hẹn hò với bạn gái. Tuy chẳng phải chơi bời phóng túng gì, nhưng bạn chơi thì không bao giờ thiếu. Mà hắn cũng không giao du với bạn gái nào sâu đậm đến mức hứa hẹn hôn nhân. Đã từng hút cần sa, và nghe theo bạn bè rủ rê mà tham gia biểu tình. Chẳng học hành cần cù theo kiểu học gạo, nhưng giờ giảng bài nào cũng đến nghe nghiêm túc nên đã có thành tích trên trung bình. Hắn chủ trương không ghi bài giảng. Dành hết thì giờ ghi bài ấy vào chuyện chăm chú nghe giảng bài.
Nhiều người chung quanh không nắm bắt đúng được cá tính của hắn. Ngay cả những người trong gia đình, bạn bè, hay các cô bạn gái cũng thế. Không chăm chỉ tụng bài, chẳng có vẻ thông minh gì lắm, vậy mà luôn luôn đạt được thành tích vào hạng giỏi nhất, là điều bí-ẩn đối với họ. Mặc dù có tính cách khó nắm bắt như thế, nhưng lòng tử tế, thành thật của hắn tự nhiên đã lôi kéo được đủ loại người chung quanh đến gần, nhờ vậy chính hắn cũng đã thu hoạch được nhiều thứ. Cả những người lớn tuổi hơn cũng thích hắn. Thế mà, sau khi xong đại học, hắn đã không vào làm trong loại hãng hạng nhất như mọi người dự đoán, mà lại chọn làm việc cho một hãng nhỏ bán tài liệu giáo khoa không ai nghe tiếng. Ai cũng ngạc nhiên nhưng hắn tất nhiên là đã có suy tính riêng rồi. Trong vòng ba năm đầu, hắn đi vòng khắp các trường trung học cấp hai và cấp ba trên toàn nước Nhật, tìm hiểu, quan sát tận mắt nhu cầu của giáo chức và học sinh tại địa phương về tài liệu giáo khoa, cả hai mặt thiết bị và phần mềm. Hắn điều nghiên xem mỗi trường dành ngân sách bao nhiêu cho tài liệu giáo khoa. Ghi nhớ cả suất chiết khấu. Hắn cũng đã đi uống rượu với đám giáo viên trẻ, và lắng nghe họ ta thán nữa. Cũng đã nhiệt tâm tham quan các lớp học. Trong khoảng thời gian ấy, thành tích bán được sản phẩm của hắn tất nhiên vẫn tiếp tục chiếm hạng cao nhất trong hãng.
Mùa thu năm thứ ba kể từ ngày vào làm trong hãng, hắn soạn xong một tập phương án dày cộm về tài liệu giáo khoa, nộp cho phòng giám đốc hãng. Về một hệ thống giảng dạy mới dựa trên phương thức chiến lược dùng video trực kết với máy tính để giáo chức cùng học sinh hợp tác soạn phần mềm cho các giáo án. Chỉ còn giải quyết vài vấn đề kỹ thuật là hệ thống ấy hoàn toàn khả thi.
Chủ hãng tự mình phê chuẩn phương án ấy ngay, và cho lập nên một toán thực hiện do hắn chỉ đạo. Thế rồi hai năm sau, hắn đạt được thành công vang dội. Hệ thống tài liệu giáo khoa hắn sáng tạo ra không rẻ, nhưng cũng không đến nỗi quá đắt đến với không tới, lại được giao kèo một khi bán được xong là sau đó, hãng tiếp tục thu lợi nhờ việc bảo trì và cập nhật phầm mềm cho hệ thống.
Mọi chuyện đã tiến hành song suốt đúng theo dự tính của hắn. Hãng ấy hoá ra đã là quy mô lý tưởng cho hắn rồi. Chẳng phải là loại hãng quá lớn để các phương án thử nghiệm mới bị các buổi họp quan liêu liên tục và tầm phào bóp nát mất, mà cũng không phải là hãng quá nhỏ đến nỗi thiếu hụt về vốn thực hiện phương án. Lại có thêm đội ngũ kinh doanh trẻ và thừa nhiệt tâm khai phá nữa.
Cứ thế, thực chất là hắn đã trở thành một giám đốc có uy quyền trước tuổi 30. Lương bổng hàng năm của hắn cao hơn bất cứ ai trong đám đồng liêu cùng lứa tuổi. Mùa thu năm 29 tuổi, hắn kết hôn với một cô gái nhỏ hơn hắn 5 tuổi, bạn gái của hắn từ hai năm trước. Cô tuy chẳng phải là người đẹp đến làm người ta sửng sốt, nhưng cũng xinh đẹp quyến rũ gây chú ý. Lại lễ độ, lịch sự và thành thực. Tâm tính thảo thuận, hàm răng đều và đẹp. Mẫu người đàn bà không gây ấn tượng ban đầu đặc biệt gì, nhưng càng gặp càng có cảm tình. Nhân dịp thành hôn, hắn đã mua lại từ công ty của bố một căn chung-cư 3 phòng ngủ lớn ở Nogizaka với giá gần như là cho không.
Cuộc sống chung của đôi vợ chồng mới hoàn toàn không có vấn đề gì. Hai người rất vừa lòng nhau, nên sinh hoạt chung thật là song suốt. Hắn ham thích làm việc, vợ thì vui thích việc chăm sóc nhà cửa, và cả hai đều thích chuyện vui chơi. Chọn được vài cặp vợ chồng bạn bè làm thành một nhóm cùng chơi quần vợt hoặc tổ chức ăn uống chung. Rồi từ một cặp vợ chồng bạn đang muốn bán xe, hắn đã mua được một chiếc xe hơi MG cũ với giá thật rẻ. So với xe mới chế tạo tại Nhật thì mỗi lần đăng-bộ lại phải chịu thuế cao hơn, dù vậy vẫn còn là một món rất hời. Cặp vợ chồng kia vừa có con nên chiếc MG hai chỗ ngồi không đủ cho họ, nhưng vợ chồng hắn thì đã quyết định là còn lâu mới đến lúc muốn có con cái. Đối với vợ chồng hắn, đời người chỉ vừa mới bắt đầu.
Hắn bắt đầu nhận thức rằng mình chẳng còn trẻ mấy nữa là từ mùa xuân hai năm sau ngày thành hôn. Lúc ấy, cũng trần truồng đứng trước tấm gương soi toàn thân trong phòng tắm, hắn đã để ý thấy đường nét thân hình mình biến đổi toàn bộ so với ngày trước. Cứ như là thân hình của ai khác vậy. Nghĩa là, cái di-sản của tấm thân giữ gìn kỹ bằng bao nhiêu năm luyện tập bơi lội từ năm 22 tuổi ấy, hắn đã tiêu xài cạn mất trong vòng mười năm nay. Rượu, thức ăn ngon, sinh hoạt đô thị, xe thể thao, tính dục yên bình, và thiếu vận động, đã tích tụ dưới hình thức thô bỉ là lớp thịt mỡ dư thừa bám chặt lấy thân thể hắn. Hắn nghĩ chỉ ba năm nữa thôi, mình chắc hẳn sẽ trở thành một tên đàn ông trung niên xấu xí.
Thế là, trước tiên, hắn đến nha sĩ, chữa răng toàn bộ triệt để, rồi ký khế ước với chuyên gia dinh dưỡng lập một chế độ ăn uống tổng hợp. Giảm lượng đường, bớt gạo trắng, gạt bỏ mỡ. Rượu thì không cần hạn chế nếu đừng uống quá độ. Thuốc lá thì hút trong vòng mười điếu thôi. Thịt thà chỉ ăn một lần mỗi tuần. Tuy vậy, hắn nghĩ cũng chẳng cần phải cuồng tín đến mức giữ đúng giới hạn của mọi thứ như thế, nên khi ra tiệm ăn thì thích gì ăn nấy chừng 8 phần 10 bụng mình là được.
Về vận động thân thể thì hắn hiểu rõ hắn nên làm gì. Để tiêu bớt thịt trên người thì những thứ thể thao đẹp mắt như quần vợt hay đánh golf lại chẳng có ý nghĩa gì. Mỗi ngày hắn nhất định phải tập 20 hay 30 phút thể dục, và chạy bộ hay bơi lội vừa phải, chừng đó hẳn là đủ cho hắn.
Nhờ thế, tấm thân nặng 70 kí của hắn sau 8 tháng đã giảm thành 64 kí. Chỗ thịt xệ rõ nơi bụng hắn đã tiêu đi, hình dáng lỗ rốn đã thấy được rõ ràng. Má săn chắc lại, vai nở rộng ra, vị trí ngọc hoàn đã hạ thêm được một chút. Bắp chân to lên, mùi hôi miệng cũng giảm đi.
Và hắn có nhân tình.
Cô gái trẻ hơn hắn 9 tuổi ấy đã ngồi vào ghế bên cạnh hắn trong một buổi hoà nhạc cổ điển, do vậy mà quen nhau. Chẳng phải là một người đẹp gì lắm, nhưng nàng có vẻ gì đấy quyến rũ đàn ông. Sau buổi hoà nhạc, hai người đi uống rượu, rồi ngủ với nhau. Nàng độc thân, làm việc trong một đại lý du lịch, ngoài hắn ra còn có vài người bạn trai khác. Cả nàng lẫn hắn đều không định tiến sâu hơn. Hai người mỗi tháng một hai lần đợi nhau ở hội trường hoà nhạc, rồi ngủ với nhau. Vợ hắn hoàn toàn không thích gì nhạc cổ điển, nên hai năm liền, hành vi ngoại tình thầm lén của hắn đã không bị lộ.
Qua cuộc tình ấy, hắn học được một sự thật đáng kinh ngạc. Đó là hắn đã chín muồi trong vấn đề tình dục. Hắn, 33 tuổi, đã cung ứng không thiếu cũng chẳng thừa, thoả mãn được tất cả những đòi hỏi của nàng 24 tuổi. Đối với hắn, đó là một phát kiến mới mẻ. Hắn đã đạt đến trình độ cung ứng như thế rồi, dù có giảm bớt bao nhiêu lớp thịt mỡ dư thừa trên người đi nữa, cũng không còn có thể trở lại thời trai trẻ được nữa.
Hắn vẫn nằm dài trên ghế sofa, châm lửa hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày.
Đó là chuyện nửa đời trước của hắn, 35 năm ở phía bên kia lằn ranh. Hắn đã đòi hỏi, và đã đạt được những gì hắn đòi hỏi. Đã có cố gắng, và cũng đã may mắn. Hắn đã có được công việc làm có ý nghĩa, lương cao, gia đình hạnh phúc, nhân tình trẻ, thân thể tráng kiện, chiếc xe ngoại MG màu lục, và một bộ sưu tập đĩa nhạc cổ điển.
Còn gì hơn thế để đòi hỏi, hắn không hiểu. Hắn vẫn nằm dài trên ghế sofa hút thuốc. Không nghĩ ra được điều gì. Hắn dụi tắt điếu thuốc vào cái gạt-tàn rồi lơ đãng nhìn lên trần nhà.
Billy Joel chuyển sang hát một bài về chiến tranh Việt Nam. Vợ hắn vẫn còn ủi áo quần. Chẳng có gì để hắn phải than thở cả. Nhưng bất chợt, hắn để ý thấy hắn đã khóc. Từ hai mắt, dòng nước mắt ấm nóng liên tục chảy xuống. Nước mắt chảy qua đôi má, rơi xuống thành vết đẫm trên gối dựa sofa. Tại sao mình lại khóc, hắn không lý giải được. Chẳng có lý do gì để khóc cả. Có khi tại bài hát của Billy Joel, hay tại mùi ủi quần áo?
Mười phút sau, khi vợ hắn đã ủi quần áo xong, bước đến bên cạnh thì hắn đã ngừng khóc rồi. Và đã lật ngược mặt gối dựa sofa lại. Vợ hắn ngồi xuống bên hắn, nói muốn mua một bộ chăn màn mới phòng khi có khách, hắn nói chăn màn cho khách thì anh sao cũng được, em thích thế nào cứ làm thế ấy thôi. Thế là vợ hắn hài lòng rồi. Sau đó, hai người ra phố Ginza, xem phim mới của François Truffaut. Trước khi lấy nhau, hai người đã xem phim “Đứa trẻ hoang dại” với nhau rồi. Bộ phim mới này tuy không được hay bằng, nhưng cũng không đến nỗi tệ.
Ra khỏi rạp chiếu phim, hai người vào quán cà-phê, hắn uống bia, vợ ăn kem hạt dẻ. Rồi hắn đến tiệm bán đĩa nhạc mua đĩa Billy Joel. Đĩa này có cả hai bản nhạc về công trường đóng cửa và chiến tranh Việt Nam. Hai bản này hắn không nghĩ là loại âm nhạc mình quan tâm lắm, nhưng lại muốn nghe lần nữa xem có cảm nhận như thế nào.
-“Sao anh lại đổi ra muốn mua đĩa nhạc của Billy Joel thế?”. Vợ hắn ngạc nhiên, hỏi.
Hắn chỉ cười, không đáp.
*
Hiệu cà-phê có một vách tường bằng kính, từ đấy nhìn xuống thấy được toàn cảnh hồ bơi. Trần hồ bơi có khung cửa sổ dài hẹp, ánh nắng chiếu qua thành vệt sáng lay động nhẹ nhàng trên mặt nước. Một phần ánh sáng chìm sâu đến đáy hồ, phần khác phản xạ thành những hoa văn kỳ dị vô nghĩa trên tường màu trắng vô vị.
Từ trên chăm chú nhìn xuống, tôi cảm thấy hồ bơi mất dần cảm giác hiện thực của một hồ bơi. Tôi nghĩ có lẽ vì nước hồ bơi trong suốt quá chăng. Nước hồ bơi trong suốt quá mức cần thiết nên trông như có một lớp trống không giữa mặt nước và đáy hồ. Hồ bơi đang có hai cô gái trẻ và một người đàn ông trung niên, nhưng trông họ không phải đang bơi lội, mà giống như đang âm thầm nhoài trượt trên khoảng trống không ấy. Bên hồ bơi có một đài giám-thị sơn trắng, người giám-thị trẻ, thân hình vạm vỡ đang lơ đãng nhìn mặt nước hồ với vẻ nhàm chán lắm.
Hắn kể xong chuyện, đưa tay vẫy gọi cô hầu bàn, bảo cho thêm bia. Tôi cũng gọi thêm phần mình. Trong lúc đợi bia, cả hai lại chẳng làm gì, cứ ngồi ngắm mặt nước hồ bơi. Đáy nước phản chiếu sợi cáp chia lằn bơi và bóng người bơi lội.
Tôi và hắn chỉ mới quen nhau hai tháng nay. Cả hai chúng tôi là hội viên của câu-lạc-bộ thể thao này, tức là bạn bơi lội với nhau. Hắn cũng đã sửa giùm tôi cách quạt tay phải trong lối bơi trườn crawl. Chúng tôi đã có vài lần vừa uống bia ướp lạnh vừa tán chuyện đời với nhau ở hiên cà-phê này sau khi bơi xong. Có lần nói chuyện về việc làm của nhau, khi nghe tôi là tiểu-thuyết-gia, hắn trầm ngâm một hồi lâu, rồi hỏi tôi có thể nghe hắn kể một chuyện dài dòng không.
-“Chuyện của chính tôi đây”. Hắn nói. -“Thật ra, cũng chỉ là một chuyện bình thường, có thể cậu cho là nhàm chán nữa. Nhưng đã từ lâu, tôi vẫn mong có được người nào đấy nghe cho mình. Chứ cứ ôm ấp mãi một mình thì sẽ chẳng bao giờ mình lý giải cho thấu đáo được”.
Tôi nói có sao đâu. Trông hắn chẳng phải là hạng người làm phiền người khác bằng những câu chuyện lòng thòng chẳng đâu vào đâu. Hắn đặc biệt trịnh trọng ngỏ lời muốn kể cho tôi nghe như thế thì hẳn phải là câu chuyện gì có giá trị xứng đáng để tôi chăm chú nghe.
Và hắn đã kể như thế.
Tôi đã chăm chú nghe hắn kể.
-“Này, là một tiểu-thuyết-gia, cậu nghĩ như thế nào về chuyện này? Có hay ho gì không? hay nhàm chán quá? Thẳng thắn nói cho tôi biết đi”.
-“Tôi nghĩ là câu chuyện có những yếu tố thú vị”. Tôi ngẫm nghĩ kỹ rồi thành thật đáp.
Hắn mỉm cười, lắc đầu vài cái. -“Có thể thế. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu câu chuyện này thú vị ở điểm nào. Không nắm bắt được điểm gì có thể gọi là ngộ nghĩnh ở trọng tâm của câu chuyện này cả. Tôi có cảm giác là nếu nắm đúng được trọng điểm ấy, hẳn là mình sẽ lý giải được minh bạch cái trạng huống đang bao quanh mình”.
-“Có lẽ đúng như thế thật”. Tôi nói.
-“Cậu có hiểu câu chuyện này ngộ nghĩnh ở điểm nào không?”. Hắn đăm đăm nhìn sâu vào mắt tôi.
-“Không”. Tôi nói. -“Nhưng tôi nghĩ là câu chuyện của cậu có chỗ thú vị. Nói thế từ mắt nhìn của một tiểu-thuyết-gia cũng được. Thế nhưng, câu chuyện này ngộ nghĩnh ở điểm nào thì nếu không thực tế đặt tay mà viết xuống giấy thì không thể hiểu ra được. Sự thật là như thế. Trường hợp tôi, nếu không viết ra thành văn thì không sao hình dung rõ ràng hình dạng của sự vật được”.
-“Tôi hiểu điều cậu muốn nói”. Hắn đáp.
Sau đó, chúng tôi lại im lặng uống bia một lúc. Hắn mặc áo len ca-sơ-mia màu lục nhạt bên trên áo sơ-mi gài nút cổ màu kem vàng nhạt, ngồi chống tay ôm má. Ngón đeo nhẫn thon thả ánh lên màu bạc của chiếc nhẫn cưới. Tôi thử tưởng tượng ngón tay ấy âu yếm người vợ quyến rũ và cô nhân tình trẻ trung.
-“Tôi có thể viết xuống câu chuyện ấy thử xem sao”. Tôi nói. -“Nhưng nếu làm thế, có thể sẽ cho đăng ở đâu đó luôn đấy nhé”.
-“Cũng có sao đâu”. Hắn nói. -“Vả lại, cho đăng ở đâu đó lại càng tốt”.
-“Chuyện cô bé kia sẽ bộc lộ ra đấy, thế cũng được sao?”. Tôi hỏi. -“Theo kinh nghiệm của tôi, văn chương có mô hình nhân vật dựa trên người thực thì chắc chắn trăm phần trăm là người đọc sẽ hiểu ra”.
-“Được thôi. Chừng đó thì tôi cũng đành vậy”. Hắn đáp, thản nhiên.
-“Có bại lộ cũng được đấy nhé”. Tôi nhắc lại cho chắc.
Hắn gật đầu.
-“Thật ra, tôi chẳng muốn nói láo với ai”. Lúc chia tay, hắn nói với tôi. -“Cho dù biết rằng chuyện láo ấy không làm tổn thương người nào đi nữa, tôi cũng không muốn nói láo. Nói láo để lừa gạt người khác, hay lợi dụng người khác mà sống nốt cuộc đời mình thì tôi không muốn”.
Tôi muốn nói lời gì đấy để đáp lại, nhưng lời nói cho thích hợp lại không nghĩ ra được. Bởi điều hắn nói vẫn đúng hơn.
Hiện nay, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp hắn ở hồ bơi. Nhưng không còn nói chuyện gì phức tạp nữa. Bên hồ bơi, chúng tôi chỉ nói về chuyện nắng mưa, chuyện đi nghe hoà nhạc lúc gần đây, thế thôi.
Hắn đọc những dòng chữ này sẽ suy nghĩ ra sao, tôi chẳng hiểu.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch