Rể đu đủ!

Đám cưới đang ‘chắc chắc bùm bum’ vui hết biết, thì Tía của cô dâu chụp lấy cái mi-cà-rô ‘luân lý hôn nhân’ với thằng con rể tương lai của mình: “Tôi là người đầu tiên nắm tay cô ấy, không phải cậu. Người đầu tiên hôn cô ấy là tôi, không phải cậu!

(Thiệt là tầm xàm bá láp! Tía hôn con lên má; chồng hôn vợ lên môi (Tui làm nè cha; nó đã hơn nhiều). Hai cái bề ngoài là hôn hít nhưng khác nhau xa về cơ bản thì so sánh cái giống gì hè?)

Nhưng mà có thể đi cùng cô ấy suốt đời, đó là cậu chứ không phải tôi. Nếu có một ngày, cậu không yêu cô ấy nữa. Đừng đánh cô ấy! Đừng nói với cô ấy! Hãy nói với tôi! Tôi sẽ đưa cô ấy về nhà!”

(Dĩ nhiên! Nếu mà Tía đi với con gái của Tía suốt đời thì Tía phải khóc tiếng Ma Rốc vì cô ấy ế chổng mông đó Tía. Được con rước về thì Tía phái ‘merci bố cu’ con mới phải!)

Cha! Sắp sửa trồng khoai đất nầy mà nghe cha chủ đất, làm như người xa lạ, cứ xưng hô tôi tôi cậu hoài nghe phát ghét nhưng hổng hiểu sao thằng con rể quỳ xuống (Quỳ đi là suốt đời chú mầy sẽ không bao giờ cỏ thể hiên ngang đứng lên được nữa!)

Trước hành động kéo cờ trắng đầu hàng của thằng rể muốn vợ quá chừng nhưng lại nhát gan nầy, tui lại hổng hiểu sao bà con các khách mời đều rơi nước mắt? Đúng là có những chuyện nhân gian không hiểu nổi!

Quý em yêu nghe được chuyện nầy quá phấn khích nên vỗ tay hoan hô ầm ỉ, vui như Tết tới, rồi còn bình loạn thêm là: “Nếu bạn là một người đàn ông! Xin hãy tử tế, yêu quý người phụ nữ bên cạnh đời mình. Bởi vì họ là những cô con gái quý báu của người khác là một. Hai là: lúc nhỏ tiêu tiền là ở nhà bố mẹ đẻ. Khi khôn lớn đi kiếm được tiền là ở nhà chồng. Bởi vậy, bạn nên nhớ ngoài cha mẹ của họ ra, họ không nợ bất kỳ ai!”

Trật lất! Tui xin phản đối kịch liệt ông nhạc phụ nầy lẫn em nào ‘bình loạn’ cào cào như thế đấy! Theo thiển ý của tui, đó là một sự so sánh vô cùng khập khiểng, làm hủy hoại ngày vui của chú rể hằng mơ ước, chờ đợi bấy lâu cho đêm nay động phòng hoa chúc!

Phản bác của tui vầy nè: Tình phụ tử, tình cha thương con khác với tình yêu vợ chồng chớ? Mình nuôi con gái lớn lên là bổn phận làm cha của mình; nó là tác phẩm của một đêm vui, nó đâu có nợ nần mình cái gì mà khi nó đủ khôn lớn làm ra tiền là bắt em phải trả lại chớ?

Ông bà mình cũng từng dạy bảo rằng: Con gái lớn lên là phải theo chồng, lo cho chồng, đẻ con ra lo cho con là lẽ tự nhiên thuận theo Trời đất. Con trai cũng vậy. lớn lên lấy vợ, lo cho vợ, có con lo cho con. Lẽ đồng lần xưa giờ là vậy.

Còn khi hai đứa về với nhau mà lỡ sau nầy cơm không lành, canh không ngọt, không còn yêu nhau nữa thì đường ai nấy đi cũng là chuyện thường ngày ở huyện.

Thôi chồng là em yêu cũng hổng hành xử như hồi xưa: “Lỡ mai thiếp có xa chàng; thì xin cho thiếp đò ngang thiếp về!”. Em sẽ đi lấy chồng khác vậy thôi! Chớ hổng thấy em nào kéo ‘va li’ về với Tía Má mình hết ráo!

Tình yêu đôi lứa là tiếng nói của đôi tim hòa chung nhịp đập; còn cung lỡ dây chùng cả hai đàn đều trật lất thì thôi nhau để em làm lại cuộc đời với thằng khác và anh với con khác!

Nhạc phụ cũng đừng bận tâm lo thằng rể lựu đạn sét nầy có bồ nhí rồi về đánh đập con vợ nhà. Sao dám? Đánh vợ, em kêu phú lít là lính nó tới còng đầu mình chớ hổng phải chuyện giỡn chơi!

Còn cái chuyện tiền bạc! Hồi nhỏ xài tiền của Tía Má thì cũng giống như Tía xài tiền của ông Nội và Má xài tiền của ông Ngoại đấy thôi! Còn lớn lên lên làm ra tiền cung phụng cho bên chồng làm gì có nè? Một xu cũng không, một cắc cũng không! Xin ông bà già chồng đừng có mà nằm mơ giữa ban ngày.

Chữ rằng: ‘rể thảo dâu hiền’. Con dâu nó hiền, nó không rủa sã chết đâu chết phứt cho rồi hoặc bắt mình ăn muối tiêu hoài: “Hai ơi! Má (Tía) đi đây! Vợ con nói với Má (Tía) rằng già rồi đừng ăn dầu ăn mỡ; ăn muối tiêu cho có chút mặn mòi” thì đã là may!

Còn cái chuyện làm dâu khổ lắm ai ơi; vui chẳng dám cười buồn chẳng dám than là nó đã nằm yên nghỉ giấc nghìn thu trong ca dao. Cái truyền thống ‘dưởng nhi đãi lão’, trẻ cậy cha; già cậy con thuộc về chuyện xưa tích cũ lâu lắm rồi.

Tóm lại, cái quan niệm của nhạc phụ dạy đời thằng rể nầy là thuộc về cái nền văn minh nông nghiệp thuở rất xa xưa, nền văn minh lúa nước. Gả con gái vòng vòng xóm trên, hoặc xóm dưới cùng làng, để cày bừa gặt hái để chổng mông vần công với nhau. Thế nên mới có câu là: “Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho!” Hoặc: “Có con mà gả chồng gần. Nửa đêm đốt đuốc mang phần cho cha. Có con mà gả chồng xa. Ba sào ruộng chéo chẳng ma nào cày!”

Chuyện đó xưa rồi Diễm! Vì thời buổi công nghiệp bây giờ, máy móc nó chạy rầm rầm, bở hơi tai chạy theo còn không kịp, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm cày tối tăm mặt mũi thì đâu có đứa con gái nào ‘qưởn’ mà nấu canh cần để đem cho Tía Má mình đâu nè?

Hiếu thảo lắm thì nó ‘ó đơ’ (order) vài hộp ‘pizza’ giao tận nhà cho Tía ăn rồi uống ‘beer’ để tự mình mừng sinh nhựt của chính mình!

***

Thế nên anh chị em mình ơi! Nuôi con còn đỏ hỏn tới 18 tuổi là bổn phận làm cha làm mẹ của mình Tây hay Ta đều vậy cả. Còn sau đó là cuộc đời của sắp nhỏ, của tụi nó, vợ chồng mình đừng thò mũi vô làm chi để gậy ra sự xung đột về văn hóa với đám con mình? Cho dù nhà rộng minh mông chỉ còn hai con khỉ già vào ra ‘khẹt khẹt’ với nhau thì mình cũng đành chịu. Than thở nghe đứt ruột đứt gan thì có thay đổi được gì đâu hè?

Vì thế cho nên xin nhạc phụ đừng nên hạ mình xuống ngang hàng để so sánh với chàng rễ mà chi; chỉ cần nói: “Hàng mua rồi không được trả lại!”

Như Tây nó thường nói nhà nầy có cái policy (hợp đồng) là “No return! No exchange! ‘No return’ nghĩa là: Không được trả lại; vì hàng đã bóc tem, không còn ‘gin’ nữa đâu mà trả lại hè! ‘No exchange’ nghĩa là không được đổi hàng khác như con chị đổi con em trẻ khỏe, thơm hơn! Chơi ‘cha’ như vậy đâu có được!

Một nhạc phụ thông minh thì nên cám ơn thằng con rể của mình là: từ nay cái bồn tắm trong nhà giờ đã trở lại tay Tía rồi. He he! Như vậy là cái tình cha vợ với con rể nó hổng sứt mẻ từ cái thuở ban đầu.

***

Phương Tây nầy đây thằng rể nó coi ông già vợ của nó ra ‘cà ram’ gì đâu. Chẳng qua như là bạn nhậu hoặc bạn cuối tuần cùng đi câu cá. Hợp ‘rơ’ là chơi với nhau dài dài; còn lên mặt làm ‘cha’ hoài thì cơm ai nấy ăn; nhà ai nấy ở để khỏi cự cãi mà chi!

Tu chục kiếp được thằng rể tương đối biết điều, đi nhậu với mình mà nó giành trả tiền đã là may mắn quá xá rồi. Đừng đòi hỏi gì hơn; vì có đòi cũng không có được.

Nên tui xin kể cái chuyện nầy để quý nhạc phụ rút cái dây kinh nghiệm dài vô tận của cuộc đời mình! Chuyện rằng: Một ông già gần ngỏm củ tỏi, nói với ba đứa con gái mà ông đã gả đi rằng: “Tía muốn gặp mấy thằng chồng của bây!”

Nghe ông già vợ sắp đi bán muối muốn gặp; chắc có lẽ làm di chúc cho con vợ mình tiền; là mình ké được chút cháo, nên ba thằng rể vội lên xe chạy ‘u u’ về nhà nhạc phụ. Ai dè đời không như là mơ!

Ba chàng rể nghe ông già vợ mình trăng trối như vầy nè: “Theo truyền thống xưa giờ của giòng họ nhà nầy là mỗi thằng con rể phải bỏ 1000 đô vào vào quan tài khi Tía mất, để khi về thế giới bên kia, Tía sẽ có tiền mà đi ‘kéo máy’! Phải đô Mỹ mới được. Đừng bỏ giấy tiền vàng bạc dưới âm phủ nó hổng có xài!”

Vò đầu bứt tai một hồi, cả ba thằng rể nầy buộc phải đồng ý vì ba con vợ nó đang nghinh nghinh mặt sắt đen sì hù dọa ba thằng. Nói nào ngay vốn là anh cọc chèo, nên trong bụng tụi nó cũng ngầm ganh tị với nhau dữ lắm.

Vài ngày sau, ông già vợ ‘ngoẻo’. Ba thằng rể đến để tiển đưa Tía của vợ mình về phía bên kia. Và để ổng ra đi thanh thản, ngậm cười nơi chín suối, thằng rể chánh trị gia bước tới quan tài nói: “Tía là người đã có công nuôi dưỡng vợ con từ nhỏ cho tới lớn! Tía cũng là người cầu nguyện, chúc phúc cho cuộc hôn nhân của hai đứa con an toàn trong nhiều cơn giông bão. Đây là 1000 đô Mỹ của Tía đây!”

Thằng rể thứ hai bước lên, nói: “Vợ chồng con rất lấy làm tiếc khi Tía phải ra đi. Nhưng đời mà ai già mà không chết? Mong Tía vui hưởng cuộc đời bên kia thềm địa ngục. Đây là 1000 đô Mỹ của Tía đây”.

Cuối cùng, thằng rể Út làm ngân hàng tiến lên: “Thưa nhạc phụ! Con kính yêu nhạc phụ với cả trái tim nồng ấm và tấm lòng ‘đại bác’ của con. Nhạc phụ mất đi là nỗi mất mát lớn lao không thể nào bù đắp lại cho được! Con cũng biết truyền thống gia đình mình và con cũng muốn nhạc phụ có một cuộc sống thoải mái, không phải lo lắng nhiều về tiền bạc, lúc nào cũng rủng rỉnh xu hào trong túi, vì nhạc phụ xứng đáng được như vậy!”

Nói xong, thằng rể nầy rút trong túi ra một tấm ‘check’ có ghi 5000 đô, ký tên vào rồi bỏ vào chiếc áo quan. Xong lấy 2000 đô trong đó, đút vào túi của mình!

“Con quyết định tăng tiền lộ phí cho nhạc phụ gấp ba tiền của hai thằng rể kia, tới 3000 đô Mỹ. Số tiền hơi lớn; con làm ngân hàng nên không quen xài tiền mặt nhưng con tin rằng dưới Diêm đài cũng có ngân hàng y hệt trên dương thế nầy thôi.

“Xin vĩnh biệt và chúc nhạc phục thượng lộ bình an; lang thang trong chín tầng địa ngục!”

Đúng là thằng rể đu đủ thứ thiệt đó bà con ơi!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts