Tâm nguyện của nhân loại là nhìn thấy những hành xử văn minh nhân tính. Quả thế. Những giá trị đạo lý nhân luân luôn được đề cao. Văn hóa nào cũng có những luật xử thế vàng (golden rules). Nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng êm đềm phẳng lặng với người can đảm dám truyền bá những tư tưởng nhân văn cao quý ấy. Thậm chí một số đã rước họa vào thân vì dám lên tiếng nhắc nhở đồng loại hãy sống tử tế hơn. Trường hợp bác Serge Fournier, 74 tuổi là một ví dụ. Bác đã thiệt mạng chỉ vì dám lên tiếng khuyên nhủ người khác hãy đối xử với người khác một cách tha nhân hơn.
Nói đến
tình người, hẳn không ít trong chúng ta còn nhớ những hình ảnh thân thương
trong quá khứ bên nhà. Làng quê mình, tình người Giao chỉ ngày ấy sao mà thanh
cao, đáng quý. Trước nhà thường có một vại nước trong veo mát lạnh, bên cạnh là
cái gáo dừa cho người đi đường khát nước ghé vô múc uống. Ở phố, những cậu bé,
cô bé học sinh ngồi trên xe buýt thấy người già bước lên vội nhường chỗ. Hoặc
chị bán rau thấy bóp của người đi chợ đánh rơi vội cầm lên trả lại. Trẻ đi lạc
sẽ có người hỏi thăm dắt về tận nhà trao cho cha mẹ…
Bên Mỹ cũng thế. Bao nhiêu hình ảnh cao quý dễ thương người Việt tỵ nạn buổi
đầu còn nhớ rõ. Vâng. Ngày đó, lạ nước lạ cái, những đôi mắt bỡ ngỡ của người
tỵ nạn được gia đình bảo trợ (sponsors) dìu dắt hết sức tận tình. Sau này, lâu
lâu lái xe bạn thấy một thư viện nhỏ trên sân cỏ, bên trong đựng chừng vài chục
cuốn sách, ai muốn đọc cầm về đọc, yêu cầu rất đơn giản: Nếu có dịp xin bổ túc
cho thư viện nhỏ ấy bằng một cuốn sách khác. Những lần đi mua đồ garage sale,
vừa bán vừa cho. Hoặc bạn nhìn thấy những thùng gỗ to sơn hàng chữ “donations”
to đùng mấy ngã tư người có đồ dư không xài bỏ vô, sau đó những đồ này được chở
đến bày bán tại mấy chợ thrift store (thương hiệu nổi tiếng Goodwill) giúp
người có thu nhập thấp mua về xài.
Đó là
những hình ảnh đẹp, thân thương gần gũi hiền hòa. Nhưng ngấm ngầm còn đó những
tư tưởng trái ngược với tinh thần đạo lý làm người. Vâng. Cuộc sống đâu phải
lúc nào cũng ngọt ngào như đường cát trắng. Sẽ có những quả chanh rất chua.
Người lạc quan bảo: Vậy thì ta hãy hòa một cốc nước chanh thơm mát. Nhưng có
lúc chanh nhiều hơn đường, làm gì bây giờ, ít đường quá cốc nước chanh sẽ chua
không uống được.
Vâng. Lòng thiện như cây quý khó trồng. Trong khi đó tánh ác như cỏ dại dẫu bị
diệt trừ vẫn mọc lan tràn khắp nơi. Giá trị đạo đức khi người ta học thường khó
vô, khó nhớ, nhưng lại chóng quên. Còn những trò vặt, những tính toán hơn
thiệt, những so sánh được mất, những ngụy biện tinh vi… chẳng thấy ai dạy,
nhưng ngó bộ người đời sử dụng khá thành thạo.
Câu
chuyện bác Serge Fournier bị một phụ nữ 25 tuổi xô từ trên bậc cao xe buýt ngã
xuống mặt đường bị thương, một tháng sau bác tử vong; khiến người ta bất bình.
Xem lại đoạn video clip quay được người ta cảm thấy buồn (nếu không nói là bất
ngờ, sốc). Bởi làm sao một phụ nữ có thể cố ý đẩy một ông già từ trên cao xuống
(8 ft = hơn hai thước) trong khi ông tay xách nách mang. Câu chuyện xảy ra tại
Las Vegas. Đấy. Nước Mỹ hẳn hoi. Cái nôi của văn minh dân chủ bậc nhất hành
tinh. Vậy mà chuyện ấy xảy ra giữa ban ngày.
Số là người phụ nữ tên Cadesha Bishop bữa đó lớn tiếng nói lời tục tĩu
(profanity) trên xe buýt. Xe khá đông chứ không hề thưa thớt song những công
dân trung bình khác trên xe buýt chẳng thấy lên tiếng. Chỉ có bác Serge
Fournier là người cảm thấy ngứa mắt, ngứa miệng nên lên tiếng. Mà nào bác có
nói gì quá đáng đâu. Bác chỉ bảo chị Cadesha Bishop hãy “nicer” với người khác
trên xe buýt. Thế mà chị đã đem lòng bực tức. Khi thấy bác Serge Fournier lẩy
bẩy lần dò bước ra khỏi cửa xe buýt chị đã dùng hai tay đẩy thật mạnh từ phía
sau. Bác Serge Fournier ngã nhào.
Hôm ấy bác rất đau nhưng không muốn phiền ai. Tối đến bác tự động đi bệnh viện
khám. Vết thương khá nặng. Một tháng sau bác mất. Khám nghiệm tử thi cho thấy
bác chết vì thương tích bị xô ngã. Chị Cadesha Bishop nghiễm nhiên bị truy tố.
Khả năng chị lãnh án, ăn cơm tù mọt gông là chuyện không muốn tin cũng khó.
Cái tít
chạy thật lớn (Anh ngữ): He told her to be ‘nicer’ and she pushed him off a
bus, authorities say. He died a month later; (dịch thoát nghĩa): Cảnh sát cho
biết một người đàn ông nói một phụ nữ hãy đối xử đàng hoàng hơn với người khác
nhưng chị đã đẩy bác khỏi xe buýt. Người đàn ông tử vong một tháng sau đó. Đọc
cái tít bài báo sao mà thấy vô duyên, rồi gẫm kỹ lại thấy nó vô tâm, vô đạo, để
rồi nó trở thành vô lý hết sức.
Tại sao chị Cadesha Bishop hành xử lạnh máu như thế? Có phải chị đang bực bội
nên tâm trạng rơi vào cảnh quá tải, dễ nổi điên, dễ ngứa người vô cớ. Chỉ cần
một kích thích nhẹ sẽ khiến chị nổi đóa. Ngoài ra (nếu đặt giả thiết) bác Serge
Fournier da trắng, nói lời thật (thường khó nghe) khiến chị là người da màu
hiểu lầm hành xử theo cảm tính vốn đã bị nhiễu xạ bởi tư tưởng thành kiến chủng
tộc. Giữa lúc đó xe buýt lại đông người. Nhận xét thật bụng của bác Serge
Fournier vô tình trở thành dạy đời, quở trách hay sỉ nhục giữa đám đông khiến
chị mất bình tĩnh; và quyết định xô bác Serge Fournier ngã (cho ông biết mặt)
là một phản ứng nóng giận tức thời không hề có sự tham gia của nhận thức bình
tĩnh. Chứ nếu biết bác Serge Fournier chấn thương tử vong chắc chăn chị sẽ
không dại dột làm chuyện đó.
Và rồi
bác Serge Fournier đã bị chấn thương nhưng chị Cadesha Bishop lúc đó vẫn thản
nhiên dắt tay con trai bỏ đi, mặc cho bác Serge Fournier là nạn nhân chị xô ngã
khỏi xe buýt nằm xõng xoài trên đường phố. Con trai nhỏ sẽ nghĩ gì? Em có thấy
mẹ em đã làm sai? Tệ hơn, đây không phải lần đầu em thấy mẹ hành xử nóng nảy
như thế. Mẹ ăn nói ngang tàng, lớn tiếng, rồi người khác xây dựng thì mẹ nổi
điên, trả đũa ngay lập tức. Thử hỏi với một người mẹ như thế liệu đứa con tâm
hồn trẻ thơ hồn nhiên lớn lên sẽ trở thành người tốt? Ông bà mình có câu: Rau
nào sâu nấy. Còn người Mỹ bảo: Quả táo không rụng xa gốc là mấy!
Vụ chị Cadesha Bishop đẩy bác Serge Fournier diễn ra hôm 21-03-2019. Đến ngày
23-04-2019 thì bác Serge Fournier qua đời. Nén hương lòng thắp tiễn bác ra đi.
Bài học nào cho người đi xe buýt có mặt hôm đó và những ai đi xe buýt sau này?
Bài học nào cho chị Cadesha Bishop? Bài học nào cho con trai của chị? Bài học
nào với bạn khi đọc câu chuyện đau lòng này tại Las Vegas?
Chúng ta
không là chị Cadesha Bishop nên không hiểu rõ động cơ hành vi xử sự nóng nảy để
rồi cuối cùng hại người, hại mình. Chúng ta không biết chị có ăn năn nhận ra
hành vi vô lý của mình? Hơn nữa chúng ta không biết hôm đó chị đã gặp phải
chuyện không vui rắc rối nào? Chúng ta càng không biết bình thường chị có nóng
nảy hung hăng như hôm đó? Chúng ta càng không biết cuộc sống của chị có chồng
chất những khó khăn khiến chị trở thành cáu bẳn, vô lối, dễ mất bình tĩnh.
Nhìn lại xứ Mỹ, còn bao chuyện vô lý khác khiến chúng ta suy gẫm. Cảnh người
đối xử cạn tình với người không còn hiếm lạ nữa. Xã hội quay cuồng. Hiệu ứng
giọt nước cuối cùng tràn ly đâu đâu cũng có? Để rồi người ta rất dễ nổi quạu.
Kỹ sư mang súng vào bắn hơn chục đồng nghiệp vì hằn học cay cú. Chỉ cần ai đó
lái xe vô ý quẹo gấp khiến người khác hoảng vía bấm còi. Lời qua tiếng lại. Thế
là dừng xe lại giữa đường ăn thua đủ. Hay chỉ cần một tia nhìn, người khác
không thích tia nhìn “đểu” đó sẽ dẫn đến thái độ gây hấn, to tiếng, đấm đá, còi
xe cứu thương hụ lên inh ỏi, cuối cùng là nhập viện cấp cứu… Lối xóm tức nhau
vì những chuyện cỏn con, nhân viên cay cú với khách hàng đòi hỏi, khách hàng
bực bội hắt nguyên cốc cà phê còn nóng vào mặt nhân viên, da trắng kỳ thị da
đen, da nâu…
Người với người, ngay tại Mỹ…
Mong thay
sự ra đi của bác Serge Fournier sẽ không thừa. Thái độ sống và tinh thần xây
dựng của bác sẽ khiến người ta suy nghĩ. Còn chị Cadesha Bishop, mong thay chị
sẽ tìm thấy hành trình chữa lành bởi những chuyện đã qua không thể quay ngược
kim đồng hồ lấy lại được nữa, chị sẽ đón nhận ý nghĩa để cảm hóa tháng ngày còn
lại, ngộ ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Mong thay trên những chuyến xe
buýt sau này không còn người nói lớn tiếng, nói tục, thích gây gỗ, cà khịa.
Riêngđứa con trai thân yêu, cầu mong em sẽ không bị câu chuyện đắng lòng tác
động ảnh hưởng, mẹ em sẽ bị giam, nhưng sẽ có người khác giúp em vượt qua cú
sốc “từ trên trời rơi xuống” này. Mong thay em sẽ không mắc phải chứng PTSD vốn
khơi dậy những tháng ngày đau thương một thời bên mẹ.
Chợt nghĩ lại, xe buýt chạy khắp phố nhưng đã mấy lần chúng ta đặt chân lên đó.
Đi đâu chúng ta cũng lái xe hơi, ban đầu là xe cũ nhưng tốt, sau đó là xe mới,
xe đẹp. Vâng. Liệu chúng ta có biết gì về cuộc sống của những người đi xe buýt?
Bạn có nghĩ họ từng muốn được lái chiếc xe hơi của riêng mình. Với không ít, xe
buýt là phương tiện lựa chọn, song với nhiều người, nó là phương tiện bất đắc
dĩ, là lựa chọn cuối cùng…
Những
tuyến xe buýt vẫn đều đặn nối kết thành phố… Mong thay những chuyện buồn (người
đối xử với người lạnh máu) như câu chuyện giữa bác Serge Fournier và chị
Cadesha Bishop sẽ xảy ra bớt hẳn đi. Ít nhất, cuộc sống đã quá đủ những trái
chanh rồi, chúng ta không cần thêm chúng, thay vào đó chúng ta cần những muỗng
đường để đời còn có những cốc nước chanh thơm ngọt xoa dịu những gay gắt oi bức
của “mùa hè cuộc sống”…
Nguyễn Thơ Sinh