Lòng hiếu thảo của con!

Tháng Chạp, năm 1907, tại Monongah, West Virginia, Hoa Kỳ một tai nạn đã giết chết nhiều người thợ mỏ. Đa số nạn nhân là những người cha chui xuống hầm sâu đi làm để kiếm bánh mì và bơ (bread and butter) nuôi sống con mình. Tang thương nầy làm cả nước Mỹ cực kỳ xúc động!

Rồi ngày 10, tháng Năm, năm 1908, Anna Jarvis khởi xướng Mother’s Day để ngày vinh danh Mẹ. Còn Sonora Smart Dodd lại mồ côi Mẹ nhưng cha cô ở vậy, không đi thêm bước nữa để tự mình nuôi nấng tới 6 người con của mình.

Để tạ ơn sự hy sinh vô bờ bến nầy, Sorona khởi xướng ngày ‘Từ phụ’, ‘Father’s Day’, đầu tiên vào tháng Sáu, năm 1910, tháng có sinh nhựt phụ của thân mình.

Mãi tới năm 1972, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, Richard Nixon (1913-1994) mới chánh thức công nhận Father’s Day, vào Chủ Nhựt thứ ba của tháng Sáu trên toàn Liên bang Mỹ.

***

Vì là ngày Chủ Nhựt nên sở sùng, trường học đều đóng cửa. Nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi đông khách hơn lệ thường vì có nhiều người con mời thân phụ mình đi ăn năm chỉ một ngày. (Còn những ngày còn lại đói no thì rán chịu nhe Ba!)

Tháng Sáu ở Hoa Kỳ đang vào mùa Hạ. Ở Little Saigon ngày nóng chừng 77 độ F (25 độ C), đêm mát chừng 61 độ F (16 độ C). Rất thích hợp cho nên những buổi ăn thịt nướng (barbecue) uống bee ngoài công viên, đi dã ngoại hoặc đi Sở Thú coi khỉ để ăn mừng Father’s Day.

Được dẩn đi ăn, đi chơi, bậc làm Cha còn được con cái tặng quà. Nếu là con trai, nó sẽ tặng cho cha mình một thùng beer hay vài chai vang trắng để tụi nó dắt đám cháu Nội về thăm, nhân tiện uống ké.

Nếu là con gái, nó sẽ tặng cho cha mình vài bộ quần áo ‘Made in China’ trong Walmart, dụng cụ ‘cờ lê’, ‘mỏ lết’, mua trên mạng của Amazon, để sửa xe dùm cho nó.

Cái vụ tặng quà cho người Cha vào cái ngày Từ phụ cũng hơi khang khác với quà tặng cho Mẹ nhân ngày Từ Mẫu. Nhưng cái khác biệt rõ ràng nhứt là quà tăng nầy nó rẻ hơn rất nhiều lần!

***

Miền Tây quê mình thì gọi cha bằng Ba. Nếu có chút đỉnh máu Triều Châu trong người thì gọi bằng Cha bằng ‘Tía’! Do đó. nó hăm ‘quánh chết Tía mầy!’ là nó đòi ‘quánh chết cha’ mình đó!

Tiếng Hán Việt, thân phụ là Cha ruột, kế phụ là Cha ghẻ (dù ông không có ghẻ), dưởng phụ là Cha nuôi. Cái vụ dưởng phụ, Cha nuôi nầy mang tiếng lắm nhe từ khi ‘dưỡng tử’ Lử Bố phóng một kích trúng ngay yết hầu ‘dưỡng phụ’ Đổng Trác, ngả lăn ra chết ngắc vì giành gái, Điêu Thuyền.

Mỹ hay Úc gọi Cha ruột là: ‘Dad, Daddy, Papa’ hay ‘Old man’ (Đông tây cũng gặp nhau ở chữ ‘Old man’ vì người Việt cũng thường nói với người khác khi đề cập tới cha mình là ông già tao)

***

Tui hãnh diện vô bờ được làm con của Ông già tui. Được Ba nghỉ làm một ngày để đưa con mình đi thi tuyển vào Đệ Thất trường Trung học Petrus Ký ở Sài Gòn.

Thi xong, Ba hỏi hai bài toán con làm được hay không? (Vì trúng được cả hai bài toán chắc ăn như bắp là đâu) “Dạ con làm trúng được một bài; còn bài kia nửa chừng hết giờ…!”

Ba tui chỉ nói: “Ờ chắc mấy đứa khác còn dỡ hơn con. Thi tuyển mà. Con ít dỡ trong một đám toàn là dỡ ẹt chắc cũng đậu thôi. Ba an ủi tui nghe xuôi xị làm tui tưởng như là Ba đang an ủi chính Ba!

Nhưng nỗi buồn rồi cũng tan mau khi hai cha con ghé vô xe hủ tiếu bò vò viên ngon hết biết trước rạp Đại Đồng, đường Cao Thắng Sài Gòn vào thuở ấy

***

Ba tui đối xử với tui coi bộ dễ chịu hơn nhiều so với Bố và Thầy của hai thằng bạn, Bắc Kỳ chín nút, của tui bên Mỹ.

Một thằng đi du học từ năm 1970, tới Kỹ sư Điện, ở Little Saigon, Nam Cali, một lần gọi ‘Viber’ qua Úc tán dóc với tui nhớ lại: “Hồi xưa, cứ đúng 6 giờ sáng là Bố tớ dựng thằng nhỏ mới 11, 12 tuổi nầy dậy, mắt nhắm mắt mở, còn say ke, để nghe đài BBC mà học tiếng Anh. Mà mầy có thấy đất bằng bổng nổi phong ba bao giờ chưa?” “Là lúc Bố tớ trông thấy cái bảng điểm kỳ thi lục cá nguyệt của tớ. Lúc đó tớ mới phát hiện ra là đôi mắt của người ta có thể phát ra tia lửa như cái hột quẹt vậy đó!”

Thằng nọ ở Minesotta thì kể: “Thầy tao làm nghề chạy xe ba bánh nên ra khỏi nhà rất sớm, lúc 5 giờ sáng, để chở hàng bông cho mấy bà ngoài chợ Bình Tây.

Trước khi đi, Thầy tao dựng tao dậy để học bài. Mắt nhắm mắt mở, tao ‘ê a’ vài tiếng. Chờ Thầy tao đạp xe ra khỏi ngỏ hẻm là tao lại chui vô mùng ngủ tiếp. Ngủ nó đã gì đâu; nhứt là bị đánh thức giữa chừng đang mộng đẹp.

Chắc vì cảm giác ngủ ngon lành đeo đuổi theo suối đời nên mà sau nầy giận vợ tao ‘chét chét’, miệng không kịp kéo da non hoặc giận con tao làm biếng học giống như tao hồi nhỏ, là tao bèn đi ngủ!”

Tóm lại thương con kiểu nầy hay kiểu khác cũng là thương. Vì tình phụ tử là một tuyệt tác của thiên nhiên; là một ân sủng tuyệt vời của Thương đế. Tình phụ tử là một tình yêu vô điều kiện, vô bờ bến, không cần đòi hỏi bất cứ sự đáp lại nào. Chỉ cần thực hiện được những ước mơ mà Ba, Bố, Thầy mình ngày xưa không làm được như thi đậu Tú tài 2 chẳng hạn.

***

Sau nầy có vợ, rồi có con được lên chức Ba, tui chủ trương không có kèm kẹp con cái của mình; vì tui không phải tuổi con cua. Phần Má nó chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm; phần mình là Ba là phải nuôi con. Vậy thôi hè!

Vì trộm nghĩ: Làm cha là một phần thưởng chớ không phải cực hình. Yêu thương con và được con được yêu thương lại là quý lắm rồi. Con mình nó sống với mình cùng lắm là 20 năm rồi cũng lấy vợ, lấy chồng rồi ra riêng. Vườn không, nhà trống chỉ có hai con ‘khỉ già’; chừng đó mới biết đá vàng. Nên làm khó dễ nó mà chi.

Tụi nó có cuộc đời riêng phải tự mình quyết định. Thích học cứ học; học cái gì cũng được. Nó học nó nhờ; chớ tui hổng có trông ‘dưỡng nhi đãi lão’ bao giờ.

Đừng để nền học vấn trong nhà trường ngăn chận sự tự giáo dục mình. Học trong trường không thích thì học ở ngoài đời. Chỉ cần học cái hay cái đẹp của thiên hạ; đừng có học trồng ‘cỏ’ là được.

Còn chữ hiếu thương Cha, nhớ Mẹ; cứ lâu lâu dắt đám cháu Nội về thăm là tui vui rồi hè.

***

Bà con mình ra nước ngoài hay chê con Tây hổng hiếu thảo gì hết ráo! Thua người Việt mình xa lắc. Chê vậy không đúng đâu; vì có chuyện của một thằng Tây vầy nè: “Một người cha muốn trồng tiêu trong vườn sau nhà. Khổ thay đất thì cứng; tuổi lại cao, làm sao mà cày xới? Mùa trước, nhờ tay thằng con đở đần công việc năng nhọc nầy nhưng bây giờ nó đang nằm trong hộp vì tội cướp ngân hàng.

Ông già buồn quá bèn viết một bức thơ than thở với con mình: “Con yêu dấu! Gần đây, Tía buồn quá mạng hè. Chẳng qua mùa nầy, Tía không cách chi mà trồng tiêu sau vườn nhà mình cho đặng. Con biết mà hồi Má con còn sinh tiền cứ tới mùa nầy bà ấy lại trồng tiêu.

Khổ thay nhà mình giờ chỉ còn mình ên Tía! Tía đã già, sức tàn lực kiệt, không thể nào cày xới đất lên cho nỗi. Tía biết con dù quậy mát trời ông Địa với thiên hạ; nhưng với Tía, con bao giờ cũng hiếu thảo, nếu con không phải ngồi đếm lịch thì cái vụ cày sớt nầy đối với con là chuyện dễ như ăn cơm sườn, vài bữa là xong ngay! Thôi đành chờ vài năm nữa con ra tù nhưng lúc đó hổng biết Tía còn sống trên cõi đời ô trọc nầy không?

Thương con nhiều. Tía của con”.

***

Vài hôm sau ông lão nhận được thư của con mình: “Tía à! Đừng đào xới mãnh vườn sau nhà của mình, nơi con đang chôn giấu ‘bí mật’ của cả đời con. Nhớ nhe Tía!”

4 giờ sáng hôm sau, nhân viên FBI, Cục Điều tra Liên bang Mỹ phối hợp cùng cảnh sát ở đia phương đến xới tung cả mãnh vườn để tìm kiếm điều bí mật của tên cướp ngân hàng. Cuối cùng, họ xin lỗi ông già sau khi không tìm được gì rồi bỏ đi.

Ngày hôm sau, thằng con từ trong tù gởi ra một bức thơ: “Giờ thì Tía có thể trồng tiêu được rồi đó Tía! Con nhớ Tía nhiều nhưng trong hoàn cảnh cá chậu, chim lồng con chỉ có thể trả hiếu cho Tía được tới đó mà thôi!”

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts