BẮT ĐẦU MỘT MÙA HÈ

Lại bắt đầu một mùa hè. Mùa hè của hoc sinh. Đúng là “Mỗi năm đến hè long man mác buồn… Mỗi lần thấy phượng nở tim xao xuyến”. Trước kia hè kéo dài đủ ba tháng nhưng nay chỉ còn hai tháng rưỡi vì lấy mất nửa tháng bù cho nghỉ Tết thành mười ngày, thay vì lúc trước chỉ có một tuần, thày trò vào lớp uể oải chưa tan hương vị Tết.

Lo lắng nhất là trẻ đang tuổi vào đầu cấp. Hễ nhà nào có trẻ trong tuổi đi học đều lo ngay ngáy về chuyện học ở đâu. Nào học thi, luyện thi, nào tính toán xem sức học nên thích hợp thi vào trường nào, kể cả nát óc tìm nơi thân quen, đường dây để… chạy chọt! Nào trường chuyên hay bình thường, trường sang hay bình dân, trường nổi tiếng hay… tai tiếng, trường công hay tư, gần hay xa nhà… Bao nhiêu đó thật nhức cả đẩu chứ không đùa.

Các kỳ thi diễn ra tới tấp. Nào thi vào đầu cấp 2 trường chuyên, thi vào đầu cấp 3, thi ra cuối cấp 3, vào đại học, cao đẳng…

Các cuộc thi vào đầu mùa hè này là một trận đấu cân não không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng bị kéo vào.

Vừa rồi Hà Nội có cuộc thi tuyển sinh lớp 6 vào trường tiểu học thuộc trường đại học Ngoại Ngữ. Nghĩa là học sinh sẽ được học ngoại ngữ nhiều hơn các lớp thông thường. Nghe mà ham. Thế là vọt lên tỷ lệ 1 chọi 30 tức là trường chỉ nhận 100 em nhưng có tới 3000 thí sinh nộp ghi danh thi tuyển, cao hơn mức cạnh tranh vào các trường có tiếng như Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội hay Chuyên Ngoại ngữ, vượt xa nhiều đại học top đầu.

Còn ở Sài Gòn, trường Trần Đại Nghĩa khảo sát kiến thức như: toán, lịch sử, địa lý, văn hóa… của hơn 4200 trẻ để tuyển 525 học sinh vào lớp 6 tức là 1 chọi với 8 thôi.

Có phải chỉ đơn giản đi thi đâu. Trước đó là học thi, luyện thi. Học thi là phần của hoc sinh, thí sinh nhưng thi ở đâu là vấn đề của cha mẹ, là bài toán hóc búa mang tính cân não như canh đánh bạc. Thi vào trường nào tốt, danh giá nhưng lại phải vừa sức. kẻo không đủ điểm vào trường này, tới lúc kiếm trường khác thì trường nào cũng chật ních, có nước tốn tiền đi học trường tư.

Vào trường tư là chuyện bất đắc dĩ vì phải đóng học phí, đa số phụ huynh không kham nổi, còn những trường tư thường thường thì trường lớp thuê mướn tạm, không bằng trường công.

Thi cử xong, còn lại rảnh rang, phụ huynh lo chương trình nghỉ hè cho con cái chứ bắt tụi nó cắm đầu cắm cổ học quanh năm suốt tháng thì căng thẳng quá.

Con cái sát bên cạnh còn không yên tâm. Về quê, ông bà, cậu dì nào trông cho xuể. Nào sông suối, nào chó thả rông…

Trẻ ở miền thôn quê sẵn vườn, rẫy, sân… rộng rãi chạy nhảy, chơi đùa. Tuy nhiên tai hại ở chỗ ra sông, hồ, kênh… dễ sảy chân. Năm nào cứ đến hè lại xảy ra nhiều vụ chết đuối từ ao hồ sông suối thiên nhiên cho tới… hồ bơi. Chẳng những thế, thay vì chết đuối từng mạng thì bây giờ nắm tay nhau mất một lúc hai, ba, năm mạng. Mới đầu hè đã thấy báo chí đưa tin đuối, tỉnh nào cũng có từ Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Dak Lak, Bình Dương… Tới nỗi nhà nước phải đưa ra cả chương trình học bơi cho các lớp nhưng đó chỉ thực tập trong hồ bơi.

Đến lúc ra thực tế sông hồ vẫn chết đuối như thường và ngày càng gia tăng.

Nếu còn quê nội, ngoại thì về chơi hè nhưng trẻ ở thành thị thật là bí bách.

Phụ huynh nếu làm nghề tự do có thể cùng con chơi hè rộng rãi thời gian hơn. Nhưng cha mẹ đang đi làm ăn lương thì cao lắm chỉ tổ chức cho con cái đi chơi vào cuối tuần. Đi vùng cao nguyên mát mẻ hoặc xuống biển miền Trung, gần hơn nữa và ít tiền thì đi Vũng Tàu tắm biển cũng là nghỉ hè. Hè và Tết là dịp trẻ em được nghỉ dài ngày nên các tour du lịch gần xa rộn rịp vào mùa. Dĩ nhiên giá tour cũng đắt hơn ngày thường.

Các hoạt động giải trí dành cho trẻ em tưng bừng khai hội. Nào rạp hát, rạp xi-nê, khu vui chơi trong trung tâm thương mại, rạp xiếc, công viên… đều cò chương trình đặc biệt hè.

Cu Sóc 5 tuổi được cha hứa cho đi Vũng Tàu tắm biển nhưng cuối cùng mẹ ốm nghén không đi được. Thằng cu nằm giãy đành đạch. Đành bắt đền thay bằng chuyến đến điểm vui chơi của một công ty giải trí cho Sóc tập làm bác sĩ…

Ngược lại, nếu giam con ở trong nhà để dán mắt vào màn hình vi tính, điện thoại hoặc chơi game ngoài tiệm thì cũng phiền.

Thời gian nghỉ hè thật sự không gói gọn trong 3 tháng từ ngày 1 tháng Sáu đến hết tháng Tám. Sau khi khi học kỳ 2, công bố điểm thi thì học sinh được nghỉ từ ngày 27 tháng Năm đến rằm tháng Tám.

Chơi gì, làm gì cho hết thời giờ bây giờ.

Rất nhiều gia đình cho con trẻ được nghỉ ngơi, đi du lịch, đi chơi đâu đó trong khoảng vài ngày cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, rồi tiếp tục vào khuôn phép thường ngày cho cha mẹ còn đi kiếm cơm chứ.

Gia đình nào khá thì cho con đi học “chơi” như học vẽ, học nhạc, học kỹ năng sống ở các trại hè do đoàn thanh niên, công ty… tổ chức từ thành phố xuống miền quê, lên núi xuống biền, từ trong nước ra ngoài nước, từ vài triệu, mười mấy triệu đến cả trăm triệu. Quả đây là lãnh vực kinh doanh béo bở nên các công ty tổ chức trại hè mọc ra như ấm, có khuyến mãi như mọi tour du lịch. Đại khái nếu đóng tiền sớm, hai ba anh chị em cùng ghi danh sẽ được bớt vài phần trăm… nên nhiều người thay vì nghiên cứu kỹ, lại mau chóng đăng ký trên mạng rồi tức tối khi thấy trại hè không như tưởng tượng.

Những năm mới bắt đầu có phong trào trại hè rất ăn khách với đủ hình thức chọn lựa. Nào là trại hè “nông dân” tập tưới rau, bắt cá, trại hè “quân đội” tập xếp chăn chiếu mùng mền, tập lăn lê bò toài, tập nghiêm nghỉ… Tuy nhiên chỉ sau vài năm, những trại hè “mì ăn liền” này đã lộ ra nhiều bất cập. Tiền đóng không hề rẻ nhưng kết quả chẳng thu được bao nhiêu. Khóa hè nông dân được mặc bộ bà ba tưới rau, rải thóc cho gà ăn ngày nào cũng dang nắng như vậy, khóa quân đội dậy sớm “hành quân” tính ra còn mệt hơn đi học, chẳng thấy giải trí thú vị chút nào. Khóa học nghề thì đứng xa xa nhìn thợ làm việc, chứ ai cho cầm lấy kìm búa, lại càng không được tới gần các thứ máy móc lỡ có chuyện gì rủi ro làm sao đền… Nói cho đúng, các kỹ năng có được phải được rèn luyện lâu dài chứ đâu thể biến thành công trong chớp mắt vài tuầ hè được.

Cao cấp hơn thì du học hè ở nước ngoài để rèn luyện thêm tiếng Anh.

Như du học hè Singapore giá khoảng 1500 USD/1 tuần đến 4000 USD/4 tuần. Tuy nhiên theo nhận xét của một số phụ huynh thì đây chẳng khác nào một cuộc du ngoạn mắc tiền khi chỉ viếng thăm vài thắng cảnh, địa danh cho có. Học sinh không khá ngoại ngữ thường có khuynh hướng co cụm, sinh hoạt và nói tiếng Việt với nhau nên chẳng phát triển được khả năng ngoại ngữ cũng như giao tiếp với cư dân và văn hóa địa phương chút nào.

Hàng ngày phải đưa đón con đi học, không rời xa mi-li-mét nào, mà nay giao con cho đoàn thể cả tuần, mười ngày, cả tháng trong nước hoặc ngoài nước thì thật xót ruột. Không kiểm soát được, xa nhà chỉ học được cách gấp chăn màn, quét nhà, thức dậy sớm để tập thể dục… thì cũng chán. Rồi sau đó về nhà đâu lại hoàn đấy.

Vả lại chỉ là một kỳ trại vài ba tuần nên nhiều phụ huynh kỳ vọng sau đó con họ sẽ biến thành một đứa trẻ hoàn toàn khác: ngoan ngoãn, vâng lời, chăm chỉ, siêng năng làm việc nhà… quả thật thất vọng hoàn toàn. Chẳng qua cũng chỉ là một kỳ trại hè giải trí chứ không quá đặt nặng giáo dục Bởi vì đã nghỉ hè mà không được chơi, phải “học” nhiều quá thì con nít ngán ngẩm. Rốt cuộc cũng chỉ là một cách phụ huynh “gởi con” trám thời gian nhàn rỗi mà thôi.

Trẻ con, giáo viên được nghỉ hè chứ phụ huynh nào có nghỉ. Vẫn cứ hai buổi đi làm miệt mài, đâu có nghỉ ở nhà mà chơi với con. Thôi thì cách giải quyết tốt nhất là đi học “học kỳ 3” ở nhà thày cô cho nó lành. Trăm sự nhờ vào thày cô. Ngày thường sao thì ngày hè y vậy.

Ngày chẵn học toán, lý ở nhà một thầy. Ngày lẻ học Anh văn, Việt văn ở nhà một cô khác. Nếu học một buổi thì nhờ thầy, cô cho ở nhờ đến chiều đón luôn thể. Trẻ vừa có chỗ “nương thân”, vừa học trước chương trình để khi vào lớp mới khỏi cập rập. Tức là thay vì bán trú ở trường thì bán trù ở nhà gió viên.

Các giáo viên dạy thêm rộn ràng khai giảng khóa hè từ ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1 tháng Sáu).

Theo nguyên tắc, lễ bế giảng niên học vào ngày 31 tháng 5, và nghỉ hè từ ngày 1 tháng 6. Và thày giáo Hữu rộn ràng mở ngay lớp dạy hè tư gia vào lúc 8g sáng ngày 1 tháng 6. Hỏi thày và học trò không nghỉ hè ngày nào à? “Một số trẻ ở nhà không có ai canh chừng nên cha mẹ chúng vội tống vào một điểm nào đó. Nếu không đáp ứng nhu cầu là họ cho con họ đi học ở một lớp khác ngay. Mình không mở lớp lẹ là mất mối”- Thầy Hữu giải thích.

Nếu vì lý do nào đó không thể cho con cái đi học hè, không tiền chẳng hạn, đành phải để ở nhà thì mười mươi đứa trẻ phi thẳng vào quán game và mê mải tu luyện ở đó cho tới ngày khai trường.

Rất ít cha mẹ là nhân viên hành chính thì mang con nhỏ vào cơ quan. Để con chơi trong sân, trong phòng tới giờ ngủ thì xếp mấy cái ghế ngay bên cạnh hay… dưới gầm bàn, trong hốc kẹt cho chúng nằm.

Đây cũng là mùa làm việc kiếm thêm của trẻ nghèo kiếm tiền mua sách vở quần áo cho năm học mới. Các cơ sở may gia công hoặc công việc giản đơn như bóc vỏ tôm, trỉa bắp… đều thu nhận trẻ em làm công nhân thời vụ. Dù sao lương của đám trẻ náy rất thấp, có khi lại trừ tiền ăn, ở… nên còn lại chẳng bao nhiêu. Một số em học kém hết hè trở thành công nhân thực thụ luôn vì hết ham học và tiền lương kiếm được tuy thấp nhưng cũng còn hơn dưới quê chẳng cách nào kiếm được một xu.

Các trẻ miền quê nghèo có cha mẹ đi làm ở khu công nghiệp trên Sài Gòn, Bình Dương thì nhân dịp này lên thăm cha mẹ luôn. Ở trong khu nhà trọ quanh quẩn mấy mét vuông cũng chẳng làm gì. Thôi thì nhân tiện ra đại lý vé số lãnh một xấp đi bán. Vừa kiếm thêm tiền sách vở năm học mới, vừa có cơ hội biết phố xá thị thành. Người lớn cũng thấy thương khi mua giúp vé số của lũ trẻ. Có đồng hương quen biết thì cho đi phụ dọn dẹp trong mấy quán ăn, gian hàng buôn bán…

Ông chủ tiệm cơm tấm phân bua: “Tôi mua vé số đâu phải ham trúng mà coi như mua để giúp con nít thôi”.

Ngay cả lớn hơn là đám sinh viên, hầu hết vừa vào hè là lao đầu vào kiếm thêm để chuẩn bị cho học phí năm kế tiếp

Mùa hè bắt đầu là như vậy.

Sài Gòn Cô Nương

Related posts