Mới đây, trong một bài biên khảo có tựa đề là: “Nguyễn Du khóc… Tố Như”(*), tác giả Nguyễn Dư đã dựa vào yếu tố đặc biệt của chữ Hán “chiết tự” để hiểu theo ý riêng câu thơ của Nguyễn Du, nói là trong bài thơ Đường luật “Độc Tiểu thanh ký”:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
(Không biết sau hơn 300 năm sau, người đời còn có ai khóc Tố Như)
Ông lập luận rằng Nguyễn Du đã có ý khác khi dùng chữ Tố Như: “Có đúng là Nguyễn Du khóc người và đặt câu hỏi về mình như các học giả nhận xét không?
Nguyễn Du thương nhớ nàng Tiểu Thanh, một cô gái trẻ đẹp, biết làm thơ, cũng như Nguyễn Du thương xót nàng Kiều xinh đẹp, đàn hay, là điều rất dễ hiểu. Chẳng cần bàn nhiều.
Nhưng nguyễn Du là một nhà nho, một ông quan “dòng dõi một nhà thế phiệt trâm anh đệ nhất trong nước lúc bấy giờ” mà lại băn khoăn tự hỏi đời sau: “Thiên hạ ai người khóc Tố Như”, ai sẽ khóc mình, thì quả thật là điều khó hiểu, dễ gây thắc mắc…”
Để giải quyết thắc mắc này, tác giả Nguyễn Dư đã dựa vào “chiết tự” để kết luận: “Xin trở lại trường hợp “khấp Tố Như”. Rất có thể là chữ “như” cũng đã được Nguyễn Du chiết tự: như = nữ +khẩu. Tố như chiết tự thành Tố nữ khẩu.
Tố nữ là người con gái đẹp- Phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu). Tranh dân gian Đông Hồ, tranh Oger, hay tranh trong sách của Durand đều có tranh tố nữ.
Tố nữ khẩu là “miệng người con gái đẹp”. Hiểu theo nghĩa rộng là “những lời nói của người con gái đẹp”. Nguyễn Du muốn ám chỉ những câu thơ giãi bày tâm sự của nàng Tiểu Thanh xinh đẹp chăng?
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp “tố nữ khẩu”?
Ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh chết, Nguyễn Du ngậm ngùi đọc những lời tâm sự của nàng trong “Phần dư cảo”. Bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du trước sau chỉ xoay quanh chuyện “hồng nhan bạc mệnh. Nguyễn Du không vô duyên, đang nhớ Tiểu Thanh lại quay sang thắc mắc đời sau ai sẽ khóc mình.
Nếu đúng là Nguyễn Du tự Tố Như, đã chiết tự “Tố như” thành “Tố nữ khẩu” thì xin ngả nón bái phục!”
Bài báo này có mấy vấn đề cần phải tìm hiểu:
Thứ nhất, hãy nói về “chiết tự”.
Căn cứ vào Truyện Kiều thì Sở Khanh trao cho Thúy Kiều mảnh giấy có hai chữ “tích việt”. Thúy Kiều hiểu ý Sở Khanh rủ nàng chạy trốn vào giờ Tuất, ngày 21:
Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành “tích việt” có hai chữ đề.
Cứ trong ý tứ mà suy
Ngày hai mươi mốt, Tuất thì phải chăng?
Thúy Kiều là người thông minh, biết chữ, nên nhìn thấy hai chữ “tích việt” là hiểu ngay ý tưởng của Sở Khanh rủ đi trốn và hẹn rõ giờ là giờ Tuất (vì chữ Việt “chiết tự” là tẩu tuất), tức là từ 8 giờ đến 10 giờ tối.
Dùng chiết tự như một ám ngữ chỉ có với chữ Hán, là một thứ chữ đặc biệt do sự ghép một số bộ thủ cùng với chữ thông dụng. Người học chữ Hán trong quá trình học đã phân tích chữđể viết lại cho dễ nhớ. Thí dụ một vế câu đối: “Một nách xách hai cung, đáng tài Lý Bật” (Chữ “bật” có hai chữ cung ở hai bên).
Người ta dùng lối chiết tự vào nhiều mục đích cần đến ám ngữ. Hiểu được ám ngữ dùng trong một câu khó hiểu gồm một số chữ riêng rẽ, người ta phải có khả năng tổng hợp cũng như phân tích kết cấu của một chữ. Việc hiểu được ám ngữ không phải là dễ, nếu không biêt rõ ngọn ngành của một chữ. Rồi còn phải xem chữ ấy có liên hệ đến một điển tích nào? Vì người dùng chiết tự để viết ám ngữ phải tìm mọi cách kín đáo để chỉ cho những người cùng phe nhóm mới hiểu. Tính là như thế, nhưng thiên hạ cũng nhiều người thông minh, nên cũng giải được ám ngữ.
Chuyện kể: “Văn Khuông bưng mâm đồng chứa đầy vàng bạc dâng lên. Tráng nhận lấy. Ngay hôm đó, Văn Khuông lẻn ra khỏi cửa đô thành, theo đường biển mà trở về. Người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, bèn tách ra xem thì thấy ở trong có tờ sắc phong và một tấm thiếp viết:
Mâu nhi vô dịch (chữ mâu không có dấu phảy ở bên hông, tức là chữ “dư”)
Mịch phi kiến tích (chữ mịch mà không có chữ “kiến” ở dưới, tức là chữ “bất”
Ái lạc tâm trường (chữ ái thiếu mất chữ “tâm” ở trong là chữ “thụ”)
Lực lai tương địch (chữ “lực” ghép với chữ “lai” thành chữ “sắc”).
Bầy tôi dâng lên, Tráng hỏi nhưng không ai hiểu được. Thiếu uý là Phùng Khắc Khoan (tức là Trạng Bùng) nói rằng:
- Đó chẳng qua là ẩn ngữ của mấy chữ “dư bất thụ sắc” (nghĩa là ta không nhận sắc).
Tráng giận lắm, sai người bắt Khuôn, nhưng không kịp. Tráng muốn lập tức đem quân vào đánh phương Nam, nhưng lúc bấy giờ ở Cao Bằng và Hải Dương đều có tin cáo cấp nên thôi”. (1)
Để hiểu rõ hơn về chiết tự, ta cần biết lịch sử cũng như phép tạo ra chữ Hán. Đầu tiên là chữ giáp cốt với rất nhiều chữ tượng hình. Tức là dựa theo đặc điểm hình dáng sự vật mà đặt phù hiệu. Thí dụ chữ “nhật” (mặt trời) vẽ một vòng tròn, ở giữa có một chấm; Chữ “nguyệt” (mặt trăng) vẽ một đường cong hình trăng non; chữ “dương” (con dê) làm nổi bật hai cái sừng; chữ “thỉ” (con lợn) làm nổi bật hình dáng béo và ngắn; chữ “mã” (con ngựa) vẽ hình dáng con ngựa với 4 chân v.v…
Phép tạo chữ đời Chiến Quốc được quy thành 6 loại (lục thư)ngoài tượng hình còn có “chỉ sự” (dùng ký hiệu để bày tỏ sự việc khó vẽ ra được như “nhất”, “nhị”; “hình thanh” (chữ kết hợp hai bộ phận, bộ phận chỉ ý nghĩa của chữ (hình) và bộ phận chỉ âm đọc của chữ); “Hội ý” (ghép nhiều chữ để nói ý nghĩa, như 3 chữ nhân là chữ “chúng”; “chuyển chú” (là dùng những chữ có nghĩa gần giống nhau để giải thích; “giả tá” (mượn một chữ có sẵn để biểu thị một chữ khác đồng âm mà khác nghĩa.” Trong 6 phép này, phần hình thanh và hội ý chiếm đa số. Cũng có những chữ người ta không hiểu căn cứ vào đâu mà tạo ra chữ với ý nghĩa không được tốt như “3 chữ nữ là chữ gian”; Vì sao “chữ “an” bỏ chữ “nữ” đi, cho chữ “thỉ” là con lợn vào thì thành chữ “gia” (nhà) (An khứ nữ, thỉ nhập vi gia); Chữ “tỳ bà” đều lấy hình (nhưng không phải vẽ cây đàn), mà là chữ cầm, hợp với hai chữ biểu âm (tỷ và ba).
Với hai cách trên, chữ Hán được tạo thành rất phong phú, và đó là dịp nảy sinh ra cách chiết tự. Đầu tiên là chiết tự để dễ dàng cho người mới học chữ. Thí dụ như chữ “thánh” (tai nghe, miệng nói, đít làm vua – ghép chữ nhĩ (là tai), chữ “khẩu” (là miệng), chữ “vương” (là vua); hoặc chữ “đức” (chim trích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm). Học trò học chữ đố nhau cho thuộc mặt chữ. Đó là chiết tự sơ đẳng nhất dùng cho việc học chữ.
Có dính dáng đến mật ngữ, đầu tiên phải kể là “bói chữ”. Người ta phân tích một hay vài chữ do người đi bói nói ra cho ông thầy. Theo ý nghĩa những phần phân tích mà đoán được vận hạn của người đi bói.
Một chuyện rất ý nghĩa về sự phân tích chữ mà hiểu lòng người. Trong Tam Quốc Chí có đoạn nói về Dương Tu như sau: “Dương Tu là người thông minh, thường cậy tài phóng khoáng, ăn nói hành động đã nhiều lần phạm đến những điều kỵ của Tháo, khiến Tháo khó chịu bực tức.Một lần Tháo sai người kiến tạo một vườn hoa. Khi công việc xong, Tháo đến xem, không khen không chê một lời, chỉ cầm bút viết một chữ “hoạt” vào cửa vườn, rồi ra về. Mọi người không ai biết ý thế nào. Dương Tu giảng rằng:
-Chữ “môn” là cửa, có thêm chữ “hoạt” bên trong thì thành chữ “khoát” (là rộng). Thừa Tướng chê cửa này rộng quá đấy.
Người ta mới xây lại, sửa cho cái cửa hẹp đi một chút, rồi mời Tháo ra xem. Tháo bằng lòng lắm, vui vẻ hỏi:
- Ai khéo biết ý ta thế?
Tả hữu bẩm là Dương Tu. Tháo ngoài miệng tuy khen ngợi, nhưng lòng vẫn ghét Tu. Lại một hôm, người vùng Tái Bắc dâng về một hộp sữa. Tháo cầm bút viết lên nắp hộp 3 chữ “nhất hợp tô”, rồi bỏ trên bàn mà lui vào. Tu bước vào phủ, trông thấy thế, bèn bảo lấy thìa chén, mời các quan ngồi vào cùng ăn hết hộp sữa. Tháo bước ra hỏi sao lại ăn như thế? Tu đáp:
-Trên nắp hộp sữa đã viết rõ: “Nhất nhân nhất khẩu tô” (mỗi người một hớp sữa); (Chữ hợp do chữ nhân, chữ nhất, chữ khẩu hợp lại) chúng tôi đâu dám trái lệnh Thừa Tướng.(2)
Có lẽ câu chuyện chiết tự trong Tam Quốc được tác giả đặt ra để nói đến cái họa “cuồng chữ” chứ chưa hẳn Tào Tháo đã “rỗi việc” mà đánh đố thuộc hạ.
Chiết tự cao cấp là bói toán và thấy nhiều ở sấm ký. Thí dụ bài sấm có thể gọi là sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là của sư Vạn Hạnh sửa soạn dư luận cho Lý Công Uẩn thay ngôi nhà Tiền Lê:
Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh.
Hoà đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Chữ “hoà đao mộc” là chiết tự của chữ “Lê”. Câu này nói nhà Lê xuống (lạc). Chữ “thập bát tử” là chữ “Lý” tức là người họ Lý lên ngôi.
Chiết tự cũng có khi được các nhà thơ dùng, như Nguyễn Công Trứ đã nói đến chữ “náo” và chữ “nhàn” (Thị tại môn tiền náo; nguyệt lai môn hạ nhàn). Câu thơ này, ngoài chiết tự cũng có thể thấy cụ thể cảnh ồn ào của chợ và cảnh êm ả của đêm trăng ở thôn quê. Chữ “thị” là chợ, ở trước cửa nhà là ồn ào náo nhiệt tức là chữ “náo”; Còn chữ “nguyệt” là trăng rọi trước cửa để tả cảnh êm ả của người hưởng nhàn, tức là chữ “nhàn”.
Trong văn chương, không phải lúc nào cũng dùng chiết tự như một cách khoe chữ. Thường các nhà nho khi đã học đến trình độ để đi thi Hương, thì chữ nghĩa cũng phong phú lắm rồi, họ không còn ở trình độ phân tích, đố mẹo gì gì nữa. Thơ văn phải theo khuôn phép, chữ dùng phải chính xác và phong phú. Không ai lại đi dùng ẩn ngữ khi đi thi. Sau này khi không còn lệ thuộc vào trường ốc nữa, những sáng tác thi văn của họ phong phú và tự do hơn. Lúc này lại cần phải cẩn trọng ở nội dung, cấu tứ và lời văn, nó sẽ xác định văn phong của một tác giả. Việc dùng chiết tự vì thế, là một điều bất đắc dĩ để làm nổi bật tứ thơ. Thí dụ trong bài thơ gọi là phú đắc của Hồ Xuân Hương mà sau này người ta đặt tựa cho là “diễu người chửa hoang”. Phép làm phú đắc là không được nhắc đến những chữ ở bài gốc. Trong bài này là câu ca dao: “Không chồng mà chửa mới ngoan; Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Để tránh nói đến chữ “chồng”, “chửa” nên trong bài thơ tác giả đã dùng chiết tự rất hay:
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.’
(Chữ “thiên” và chữ “phu”, nét phẩy nhô lên trên nét ngang trên của chữ thiên là chữ phu là chồng; Chữ “liễu” có thêm nét ngang là chữ “tử” là con).(3)
Trở lại trường hợp Nguyễn Du, qua rất nhiều bài thơ chữ Hán, ta không thấy có trường hợp chiết tự nào. Còn trong Truyên Kiều, ngoài việc Sở Khanh đưa Thúy Kiều tờ giấy có chữ “tích việt” để ám ngữ rủ đi trốn vào ngày 21 (chữ “tích” ) vào giờ “tuất”, chữ “việt” trong có chữ “tẩu” là chạy, và chữ “tuất” là giờ Tuất), có vài trường hợp thuộc dạng “chơi chữ, không phải là chiết tự như câu:
Cho chàng Thúc phải ra người bó tay.
(Chữ “thúc” là bó, cột lại – thúc thủ = tay bị cột, ý nói không có cách giải quyết. Trong câu thơ dùng chữ “bó tay” để nổi bật tên “Thúc Sinh”; cái tên tiền định thì phải lụy và bị Hoạn Thư kềm chế.)
Sở dĩ phải dùng chiết tự “tích việt”, vì Sở Khanh không thể viết rõ ràng việc rủ đi trốn vào ngày giờ định sẵn. Nếu không may người ta bắt được cái thư ấy, với chứng tích rành rành, sẽ bị sử tội. Trong cuộc sống thường việc này hay xảy ra.Truyện Kiều kể về cuộc sống của Thúy Kiều, nên những chi tiết xã hội, pháp luật phải giữ đúng. Ở trong thơ chữ Hán suốt mấy tập như Thanh Hiên, Bắc Hành không có bài nào có chiết tự cả. Vả lại chiết tự không phải là từ hoa, tức là những chữ làm cho câu thơ câu văn đẹp và phong phú.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là những bài mực thước, đúng với tinh thần “thơ” của cổ nhân từ thời gian dài trong lịch sử văn chương là “thi ngôn kỳ chí”. Những bài thơ của Nguyễn Du toát ra một tâm hồn thơ chất chứa tâm sự của tác giả. Vì vậy, lời thơ phải thật xúc tích, để người đọc đi vào được tâm sự ấy. Còn gì thấm thía cho bằng khi Nguyễn Du nói đến sự trường tồn của “nghệ thuật”:
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di nhất nhân tại.
(Cơ nghiệp của Tây Sơn đã xụp đổ hoàn toàn; chỉ còn lại có một người ca múa “nghệ sĩ”).
Nói thế để thấy, Nguyễn Du rất cẩn trọng khi cấu tứ và thể hiện thơ, không thể có sự bừa bãi trong cảm hứng, cũng như đặt câu. Câu thơ của Nguyễn Du trau chuốt và không dễ hiểu, vì thật sự so với những Lý Bạch hay Bạch Cư Dị, hoàn cảnh của Nguyễn Du đau khổ và phức tạp hơn nhiều.
Tác giả Nguyễn Dư trong bài biên khảo công phu, đã đưa ý kiến về hai câu kết cùa bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” đã tạo ra thắc mắc trong lịch sử văn học:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Thực ra vấn đề này chỉ trở nên phức tạp là từ khi ông Đào Duy Anh đưa ra phát kiến xuất xứ của hai câu thơ này là ở bài thơ “độc Tiểu Thanh ký”.
Trong “Bài tựa Truyện Kiều” của Trần Trọng Kim có nói về tâm sự của Nguyễn Du, nghĩ rằng khi mình chết rồi, không ai còn hiểu và thông cảm cho cuộc đời của ông: “Ấy là cái tâm sự của tiên sinh (Nguyễn Du) đã đem gửi vào tập Truyên Thúy Kiều để hậu thế ai có con mắt tinh đời thì soi xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài tình sinh không gặp thời, phải đầy đọa ở chốn phong trần, để tấm lòng son sắt mai một đi mất. Bởi thế nên khi tiên sinh sắp mất có khẩu chiếm hai câu rằng: Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Vậy nay ta đọc “Truyện Kiều”, mà có khóc người đời xưa thì những người thức giả hẳn không ai cho là “khéo dư nước mắt nữa”.
Trần Trọng Kim có nói về việc Nguyễn Du trước khi mất có khẩu chiếm hai câu thơ trên là do chính cụ nghè Nguyễn Mai (Tiến sĩ) thuộc thế hệ thứ 10 họ Nguyễn Tiên Điền đã kể cho Lê Thước và Phan Sĩ Hằng nghe năm 1924. Khi Đào Duy Anh đưa xuất xứ của hai câu thơ này là ở bài “độc Tiểu Thanh ký”, ông cũng không chú ý đến vấn đề “thất niêm” của hai câu này trong bài thơ luật bằng (Đúng niêm luật thì câu mở là bằng: “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư” thì câu kết cũng phải vần bằng như thế. Nhưng ở đây lại là trắc; “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Nhiều nhà văn học sử tỏ ra thắc mắc vì điều này; Không lý một người như Nguyễn Du lại làm thơ Đường thất niêm như vậy. Cũng có người nêu lên là Lý Bạch, Đỗ Phủ cũng có nhiều bài thơ không theo chặt chẽ niêm luật. Chúng ta phải hiểu rằng luật thơ Đường có thể ra sau thơ văn của Lý, Đỗ. Những bài thơ luật ở thời trung Đường và Tàn Đường đểu rất đúng luật. Nguyễn Du được hưởng những thành quả của thơ Đường cả ngàn năm sau, chắc không có thích thú gì để phá cách. Vả lại qua mấy trăm bài thơ chữ Hán cuả ông, không thấy có sự phá cách nào. Muốn tự do diễn tả sự việc và tâm tình, Nguyễn Du hay dùng thể “hành”.
Khi Đào Duy Anh đưa khám phá xuất xứ của hai câu thơ trên trong bài “độc Tiểu Thanh ký” trong tập thơ “Thanh Hiên”, thì người ta cả tin vào Đào Duy Anh, rồi loay hoay tìm cách biện hộ cho câu thơ. Thật ra câu thơ chỉ thất niêm khi đặt nó vào trong bài Đường luật “độc Tiểu Thanh ký”. Nếu nó đứng một mình, thì nó là câu thơ hoàn hảo về tứ và lời. Việc thắc mắc 300 hay 200 năm không phải đặt ra, vì tứ thơ là “vạn vật giai không: mọi vật đều sẽ qua đi, chỉ có mình cô đơn trước vũ trụ, giống như Trần Tử Ngang đã viết:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế há.
(Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy người mới.
Cảm thấy trời đất mênh mông,
Riêng thương mình mà lệ rơi lã chã.)
Ý thức về thân phận cô đơn của con người trong vũtrụ càng tích lũy sâu sắc qua cuộc sống. Ngay chính trong cuộc sống “nhiều thiên hạ đã không hiểu ta”. Còn gì thê thảm hơn tâm sự của nhà nho xụp đổ lý tưởng như Nguyễn Bá Trác:
Trời đất mênh mang, ai người tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Nào ai tỉnh? Nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ,
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
(Nguyễn Bá Trác – Hồ trường)
Tâm sự của Nguyễn Du chính là: qua một thời gian người đời sẽ quên. Vũ trụ sẽ thay đổi, có ai mà khóc Tố Như nữa. Có khóc thì sẽ bị coi là “khéo dư nước mắt khóc người ngày xưa”.
Khi kết hợp hai câu trên với bài “độc Tiểu Thanh ký”, người ta đã cố lý luận cho nó có yếu tố phù hợp với nội dung bài thơ, nghĩa là Nguyễn Du khóc thương cho hoàn cảnh éo le đau khổ của Tiểu Thanh. Có người còn đi xa hơn là khóc cho sự xụp đổ của giai cấp: “Nguyễn Du đã nhìn thấy nỗi đau khổ của quần chúng bị áp bức, đã vạch trần cái thối tha bỉ ổi của giai cấp thống trị, nhưng khi muốn tìm một lối thoát, thì ông lại lạc vào con đường mòn của Đào Tiềm, Lý Bạch, và tuy ông không theo gót Lão Trang, Thích Ca, nhưng ông đã nhiễm phải nhiều nọc độc của họ. Triết lý tiêu cực bi quan đó xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, từ những kinh lịch bản thân, có căn nguyên sâu xa trong sự thất thế của từng lớp quý tộc cuối thế kỷ 18 và của riêng gia đình ông, và từ sự mục nát tàn khốc trong triều đình nhà Nguyễn, cho nên trở thành sâu sắc, thấm thía, không sao gỡ ra được.
Tâm sự nói trong hai câu thơ: Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Là như thế”.(4)
Lập luận vô căn cứ và cứ “nặn” ra đấu tranh giai cấp của những phê bình gia Cộng sản này, đã từ lâu không được ai nêu lên, khiến càng ngày người ta càng hiểu sai văn chương cổ điển Việt Nam. Bảo rằng: “sự thực mục nát tàn khốc trong triều đình nhà Nguyễn là căn cứ vào sự kiện lịch sử nào?”. Nguyễn Du sống và làm quan đầu đời nhà Nguyễn với vua Gia Long là ông vua khai sáng, cùng vua Minh Mệnh, đều là những người có ý chí xây dựng vương triều cũng như xã hội. Xã hội hậu chiến chắc chắn thiếu thốn, nhưng các ông vua này muốn có một xã hội thái bình thịnh trị. Cái mà các nhà phê bình Cộng Sản nói đến giai cấp quý tộc và tư sản bóc lột nhân dân ấy, không có ở Việt Nam. Nguyễn Du là người thuộc thành phần mà họ gọi là “nho, y, lý, số- tay sai của phong kiến” rất nghèo. Xem như khi ông làm quan ở Huế mà bổng lộc, lương tiền cũng chẳng hơn người dân, có khi còn kém những người làm nông:
Sớm ăn cơm một lưng,
Chiều tắm nước một chậu.
Đóng cửa tạ bạn quen,
Mở song nhìn ngoài giậu.
(Tình cờ đề thơ trên vách công quán – Nguyễn Quảng Tuân dịch)
Luận điệu Cộng Sản cho “Tôn giáo là liều thuốc độc để ru ngủ quần chúng” nên Trương Chính nghĩ rằng phát kiến Nguyễn Du bị ảnh hưởng tôn giáo: “Tuy ông không theo gót Lão Trang. Thích Ca, nhưng ông đã nhiễm nhiều nọc độc của họ”, ý nói là đi tu làm hoà thượng hay tu tiên theo Lão Trang. Thực sự Nguyễn Du đọc sách nhiều, rất hiểu biết về Lão, Phật và chính nhờ những kiến thức triết lý này, ông đã nhìn rõ thân phận của con người hơn. Sự ngu dốt của quan niệm Mac-xit về văn học nghệ thuật đã làm cho những “tín đồ” của chủ nghĩ Marx hiểu xuyên tạc văn học cổ điển Việt Nam rất nhiều.
Cũng với lối hiểu hình thức và tán rộng này, ông Hà Huy Giáp đã bịa đặt và đi xa hơn thực tế lịch sử của “truyện nàng Tiểu Thanh”. Trong chuyện thực của nàng Tiểu Thanh, không có gì mà “ầm ĩ” như ông Giáp viết:”Hơn 300 năm sau khi Tiểu Thanh, người con gái tài sắc đất Quảng Lăng mất”. Sự thực là “Tiểu Thanh họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô. Mồ côi mẹ từ nhỏ, được một bà sư nuôi và cho đi học. Năm 16 tuổi, nàng lấy lẽ một người họ Phùng, và để tránh đồng tính, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải lánh ra ở nhà riêng của Phùng Sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ, rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn” (Nào có gì là “tài sắc” đâu. Có chăng chỉ là người ta thương cho một người vợ bé bị vợ cả ghen, đối sử tệ bạc.
Sự thực có hẳn là:”Tiểu Thanh có một tập thơ nói tâm sự của mình. Lúc nàng chết rồi, vợ cả ghen, lấy đốt đi. Còn sót một số bài, người ta chép lại gọi là “phần dư cảo” (nghĩa là chép lại các bài thơ còn sót sau khi tập thơ bị đốt)”. Chúng ta có thể hiểu chi tiết này như thế nào? Trước hết ngày xưa không ai làm nghề “thi sĩ” để có những tập thơ phổ biến trong xã hội. Những tập thơ của Nguyễn Du như Thanh Hiên, Bắc Hành chỉ là xếp các bài thơ rải rác theo nội dung và có thể thời gian để dễ dàng cho người sau tìm hiểu về tác giả.Chỉ có những người sau này theo Tây học mới ra thi tập có chủ đề như Vũ Hoàng Chương với “Thơ say”; Xuân Diệu với “Gửi hương cho gió”. Tập thơ của Tiểu Thanh chắc hẳn là những bài thơ bày tỏ tình cảm có nhiều tính chất thù tạc với người chồng là Phùng Sinh sống trong “nanh vuốt sư tử”. Cô vợ bé trẻ tài hoa lại hay chữ, dĩ nhiên chỉ còn làm thơ để còn được gần gũi tâm hồn với chồng, khi phải sống trong hoàn cảnh “tù giam lỏng” ở một nơi phong cảnh hữu tình là Cô sơn, ngó xuống Tây Hồ. Chắc hẳn trong tập thơ mà Tiểu Thanh cất giữ cũng có những bài thơ trả lời của người chồng. Vì thế bà vợ “sư tử” mới đốt hết tung tích để cho chồng không còn tơ tưởng gì đến cô vợ bé nhỏ tuổi tài hoa ấy nữa. Ngày xưa người ta ít viết văn xuôi. Đưa nhau một bài thơ, vừa phong nhã, vừa kín đáo. Xin đưa một thí dụ rất tế nhị bài thơ của Thôi Oanh Oanh đưa cho Trương Quân Thụy khi hai người phải xa nhau:
Rẻ rúng thôi đành phận,
Van lơn nhớ buổi đầu.
Xin đem lòng thuở trước,
Thương lấy kẻ về sau.
(Nhượng Tống dịch – Mái Tây)
Như thế khi bà vợ cả đốt tập thơ của Tiểu Thanh, chắc là không còn sót lại chút gì. Nguyễn Quảng Tuân trích “nữ liêu trai chí dị” rất có lý:” Người vợ cả biết chuyện giận lắm… Người vợ lại đòi lấy tập thơ. Thơ đưa ra cũng bị đốt hết. Người ta lục bản thảo không còn chi nữa. May khi nàng sắp mất có mấy chiếc xuyến hoa, tặng cho con gái nhỏ của nàng, bọc vào hai tờ giấy. Chính ở những tờ giấy ấy, người ta có thi cảo của nàng gồm 12 bài.”(5)
Thật ra, truyện Tiểu Thanh không riêng là nơi ký thác tâm sự Nguyễn Du. Trong hầu hết các bài thơ đều có phảng phất tâm sự của ông. Có lẽ không có gì để nghi ngờ ông đã dùng bài thơ “thương con chó” để nói lên một triết lý về nhân thế, cũng là biện hộ cho việc không tha thiết đến công danh của mình”:
Tuấn mã chẳng chết già,
Liệt nữ đời dang dở.
Sinh ra khí phách đầy,
Đất trời không chỗ chứa.
Nghĩ mày giống súc sinh
Xương thịt như người đó
Than tiếc chẳng biết dừng,
Núi thẳm thây đành bỏ.
Bỏ mình chẳng oán than,
Uổng sức hoài thi thố.
(Bản dịch Ngô Linh Ngọc)
Bài thơ “độc Tiểu Thanh ký” thật sự không có gì quá xúc tích về tư tưởng cũng như tình cảm. Người ta bối rối về ý nghĩa bài thơ chỉ vì hai câu gọi là câu kết. Mà hai câu này cũng gây nên những nghi ngờ về tinh thần nhà nho, dù đó là một nhà nho tài tử: “Nhưng Nguyễn Du là một nhà nho, một ông quan “dòng dõi một nhà thế phiệt trâm anh đệ nhất trong nước lúc bấy giờ” mà lại băn khoăn tự hỏi đời sau “thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Ai sẽ khóc mình thì quả thật là điều khó hiểu, dễ gây thắc mắc”.
Lý luận trên đây cho chúng ta trở lại với “Bài tựa Truyện Kiều” của Trần Trọng Kim, khi nói theo lời ông nghè Nguyễn Mai, dòng dõi của Nguyễn Du, đó là câu khẩu chiếm trước khi chết. Có người tự trọng nào lại đi tự hỏi rằng:”sau 300 năm có ai khóc thương cho mình? Hai nữa đó lại là một nhà nho có khí phách, khôn ngoan, cư xử đúng với phận “hàng thần lơ láo”. Giáo sư Giản Chi khi dịch bài “độc Tiểu Thanh ký” với hai câu kết này loé cho ta một cách hiểu khác:
Ba trăm năm nữa người thiên hạ,
Chả biết còn ai khóc Tố Như?
Diễn ý thông thường là: “Không biết sau 300 năm có người nào khóc Tố Như”. Ý Nguyễn Du muốn nói thời gian sẽ thay đổi tất cả và làm người ta quên mọi sự. Các thân nhân cũng như bạn bè cùng đối diện với lẽ hoại không của tạo hoá. Tình cảm và ý chí của Nguyễn Du được thuật lại lúc lâm chung càng cho chúng ta thấy ông bình tĩnh và rất triết lý về quy luật “thành trụ hoại không” của cuộc đời: “Khi ông sắp mất, rất bình tĩnh, hỏi người nhà nói rằng chân đã lạnh. Ông nói được, rồi nhắm mắt tắt thở.”
Lại càng có lý do để tin rằng Nguyễn Du không sử dụng chiết tự “nữ khẩu” của chữ “Như”. Tố Như ở đây đúng là tên tự của Nguyễn Du.
Lê Văn Ngọc
Sydney
Chú thích:
(*) Việt Luận số 3198 ngày 3-5-2019. Trg 96
(1) Nguyễn Khắc Thuần – Việt sử giai thoại, tập 6, trg 75,76
(2)Tử Vi Lang – Tam Quốc Chí Q5 trg 1334
(3) Xin trích toàn bài thơ để thấy rõ chiết tự trong bài này quan trọng thế nào đối với việc thích thực câu “không chồng mà chửa”: Cả nể cho nên hoá dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.
Cái tội trăm năm chàng chịu cả,
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế đời mai mỉa,
Những kẻ không mà có mới ngoan.
(4) Trích lại trong bài báo Nguyễn Du khóc …Tố Như. VL số 3198, trg 96
(5) Nguyễn Quảng Tuân -Nguyễn Du toàn tập, trg 187