Trung Quốc mấy tuần qua như lên cơn điên với tinh thần Đại Hán. Bị Mỹ dồn vào thế khó trong tranh chấp thương mại, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh bèn thổi bùng chủ nghĩa dân tộc n để vận động sự ủng hộ của công chúng và nhấn chìm các tiếng nói phản kháng trong nội bộ.
Tuy nhiên việc “tôn giáo hóa” vấn đề chính trị- thương mại – ngoại giao này lại là một con dao hai lưỡi. Tiến và thoái, lùi một bước để chờ thời tiến thêm hai bước, hay lùi chân này để được nhích chân kia lên là lẽ thường của đấu trường chính trị – ngoại giao – kinh tế. Khi thổi bùng tinh thần Đại Hán trong công chúng của mình, Bắc Kinh đã cắt đứt hẳn con đường rút nên dù phải đối diện với bức tường đá không thể vượt qua, họ cũng phải húc đầu vào chứ không thể thụt lùi.
Trong việc này có lẽ người Trung Quốc nên học lại bài học về Jerusalem, là kinh đô cổ mà cả người Do Thái lẫn người Palestin đều cho là thiêng liêng, do đó trở thành tín niệm cản trở hòa bình cho cả hai dân tộc.
Bài học Jerusalem
Theo Kinh Thánh thì vào năm 1250 trước Thiên Chúa giáng sinh (BC) các bộ tộc du mục Do Thái bắt đầu định cư vùng đất hẹp Canaan bên bờ đông Địa Trung Hải. Đầu tiên vua David đã vùng hiện là Jerusalem từ người Jebusite, sau đó con trai ông, Vua Solomon (961-922BC) đã thống hợp các bộ tộc để thành lập vương quốc Israel và xây dựng đền thờ đầu tiên.
Sau khi Solomon qua đời, miền đất này bị chia làm và năm 586 BC vương quốc phía nam mang tên Judea bị người Babylon chiếm đóng. Người Do Thái tại đây bị đày ải và đền thờ Solomon bị phá, 70 năm sau người Do Thái mới trở về mảnh đất này và sau đó xây cất lại đền thờ.
Năm 333BC, Alexander Đại Đế chiếm vùng đất này rồi sáp nhập vào Hy Lạp, đến năm 165 BC thì người Do Thái nổi dậy tại Judea, giành lại độc lập. Năm 63 BC Đế quốc La Mã chiếm vùng đất này, chấm dứt nhà nước Do Thái độc lập cuối cùng và đổi tên thành Judea Palestine theo cách gọi của người Philistine, do đó người Ả Rập rập sống ở đây được gọi là người Palestine.
Năm 70 BC người Do Thái nổi dậy nhưng bị Hoàng đế Titus dập tắt một cách tàn bạo, hủy diệt đền thờ thứ hai của họ. Sự kiện này mở đầu cho kỷ nguyên lưu vong của người Do Thái khi họ phải tứ tán sang nhiều nước châu Âu để sinh tồn.
Kể từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, lúc đế quốc La Mã thừa nhận Thiên Chúa giáo là quốc giáo thì người Do Thái bị các tín đồ Thiên Chúa giáo Âu châu xua đuổi, xem là “quân giết Chúa”, do đó lại tìm về Palestine nhưng cũng sống trong phận lưu vong. Kể năm 637 trở đi thì xứ này nằm trong tay người Ả Rập và trong suốt 1,300 năm tiếp theo thì Hồi giáo chiếm ưu thế ở đất này, cộng đồng Do Thái trở thành một sắc dân thiểu số bị áp chế.
Đến năm 1517 thì đất này bị người Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm và trở thành một phần của đế quốc Ottoman cho đến khi Đệ nhất thế chiến xảy ra. Trong thế kỷ 19, do bị kỳ thị, những người Do Thái sống ở Âu châu vẫn lai rai tìm về, chủ yếu là người Do Thái từ Nga, dân tộc vốn kỵ dân Do Thái. Đến cuối thế kỷ 19 thì phong trào hồi hương được thổi bùng thành chủ nghĩa phục quốc.
Năm 1896 Theodor Herzl – một nhà văn gốc Do Thái sống tại Áo – xuất bản cuốn Der Judenstaat (Nhà nước Do Thái), vẽ ra viễn cảnh xây dựng một nhà nước riêng cho người Do Thái. Ngay năm sau người Do Thái tổ chức Hội nghị Phục quốc tại Basel (Thuỵ Sĩ) để thảo luận những ý tưởng của Herzl. Từ hội nghị này, “Tổ chức Phục quốc Do Thái thế giới” (WZO) ra đời với mục tiêu vận động cho việc “một mái nhà cho người Do Thái tại Palestine được bảo vệ bằng công luật”.
Người Do Thái sống lưu vong ở Âu châu rất giỏi nghề buôn bán, kinh doanh và đầu cơ nên khá giàu có, càng thành công thì họ càng bị người địa phương ganh ghét và kỳ thị do đó ai cũng ấp ủ “giấc mơ hồi hương”, trong đó cái tên Jerusalem trở thành một biểu tượng thiêng liêng, nơi họ phải trở về.
Cho đến năm 1914 WZO đã sắp xếp để đưa khoảng 60,000 người Do Thái trở về Palestine bằng cách bỏ tiền ra mua đất của người địa phương với giá rất cao. Năm 1917, sau khi chiến thắng Thổ Nhĩ Kỳ, Anh chiếm vùng Trung Đông, trong đó có xứ Palestine. Năm 1920 Hội Quốc Liên giao Anh quyền uỷ trị xứ Palestine.
Lúc này phong trào hồi hương của người Do Thái lên cao. Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1925, Quỹ Dân tộc Do Thái chi một số tiền khá lớn để tóm thâu cả thung lũng Jezreel để định cư. Đến năm 1928 vùng đất Palestine có 590,0000 người Ả Rập và 150 nghìn người Do Thái. Lo ngại trước sự bành trướng của người Do Thái, từ năm 1920 người Palestine đã tiến hành các cuộc tấn công vũ trang nhưng người Do Thái cũng không thua, tổ chức lực lượng tự vệ chống lại. Anh cố giải quyết xung đột nhưng bó tay vì hai cộng đồng này sống xen lẫn nhau
Năm 1933 Hitler lên cầm quyền ở Đức và bắt đầu mở đầu chiến dịch tàn sát thì người Do Thái lũ lượt tìm về Palestine tăng vọt. Chỉ từ năm 1933 đến 1936, dân số Do Thái ở Palestine đã tăng từ 230,000 lên 400,0000, bằng một phần ba dân số Ả Rập Đến năm 1940, thì dân số của hai cộng đồng đã ngang ngửa nhau.
Lo sợ, người Ả Rập gia tăng các cuộc tấn công, khủng bố và người Do Thái xây dựng lực lượng tự về và chiến cuộc diễn ra liên miên. Tháng 11 năm 1947, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết tách Palestine thành hai quốc gia: một của người Palestine, một của người Do Thái. Thành phố Jerusalem được chia hai cho hai bên.
Ngay lập tức, người Do Thái tán thành vì đã có một quốc gia của mình nhưng người Palestine và cả khối Ả Rập phản đối. Đầu tháng 5 năm 1948, quân đội Anh rút khỏi Palestine thì ngay sau đó, ngày 14.5.1948 Do Thái tuyên bố lập quốc. Liên quân các nước Ả Rập đồng loạt tấn công để dập nát quốc gia non trẻ này nhưng bị Do Thái đánh bại.
Đến năm 1949, theo một thoả thuận ngưng bắn giữa Do Thái và Jordan, Jerusalem bị chia hai và Do Thái tuyên bố chọn khu Tây Jerusalem làm thủ đô. Đến năm 1967, sau cuộc chiến ngắn ngủi 6 ngày với khối Ả Rập, tinh thần dân tộc lên cao ngất, Do Thái sát nhập khu Đông vào khu Tây để làm thành một thủ đô “thống nhất”, “không thể chia hai” và điều này lại được người Do Thái xem là một tín niệm thiêng liêng, cho đến tận hôm nay.
Đây có lẽ là sai lầm của Do Thái khi tôn giáo hoá một vấn đề địa chính trị. Khi đa số người Do Thái khăng khăng rằng đó là nơi chốn không thể chia cắt, nó đã đóng vai một tín điều ngăn cản tiến trình hoà bình.
Phần người Palestin cũng vậy. Việc khăng khăng đòi lại Jerusalem – thủ đô với lịch sử 1300 năm của họ với nhiều thánh tích thiêng liêng của đạo Hồi – cũng đã ngăn cản tiến trình hòa bình. Trong cuộc đàm phán năm 1999 tại Trại David, Mỹ, với sự tham gia của nguyên Tổng thống Bill Clinton, nguyên lãnh tụ Palestin Arafat không chịu nhượng bộ chỉ vì không được quyền kiểm soát khu phố cổ Jerusalem vì sợ cư dân của mình phản đối.
Giả sử như hai bên cùng gác lại niềm tin về một “Jerusalem không thể chia cắt” này, rất có thể cả người Do Thái và Palestine ngày này đều có thể sống trong hòa bình: hàng trăm tỷ đô la từng đổ vào chi phí quốc phòng trong những năm qua nếu đầu tư vào giáo dục, vào khoa học và y tế, đời sống của người dân sẽ khá hơn biết bao nhiêu?
Hai dân tộc này đã phải đã trả một cái giá rất đắt vì tôn giáo hóa một vấn đề chính trị. Còn bây giờ thì giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đang chuẩn bị đẩy dân tộc Trung Hoa vào thể phải trả một cái giá như thế. Như đã nói ở trên, họ đang thổi bùng chủ nghĩa dân tộc để được công chúng ủng hộ nhưng lại tự đẩy mình vào thế khó thỏa hiệp với Mỹ, do đó tự đẩy mình vào thế bị cô lập.
Tôn giáo hóa tinh thần Đại Hán
Trong các triều đại quân chủ, Trung Quốc tự xem mình là nền văn minh duy nhất trên thế giới, tất cả đều là man di, mọi rợ. Ngày nay những người nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa cho rằng Trung Quốc có với vị trí tối cao so với các quốc gia khác và luật pháp quốc tế không thể nào áp dụng với Trung Quốc. Trong niềm tin này, những tướng tá võ biền, những thành phần chính trị cơ hội hay những công dân không có đầu óc phê phán thường tỏ thái độ hiếu chiến và ngạo mạn, vì nhiễm trong óc cái ảo tưởng rằng Trung Quốc là bề trên thiên hạ, luôn nắm lẽ phải trong tay.
Ngày 10.5.2019 cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung kéo dài hàng tháng đổ bể, ngay ngày hôm sau tờ Nhân Dân Nhật báo đăng hơn 20 bài bình luận lên án Mỹ bắt nạt. Bên cạnh đó Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dồn dập chiếu lại các bộ phim “viện Triều chống Mỹ” đã thực hiện từ gần nửa thế kỷ trước, rồi như nhai đi nhai lại những dòng tin thôi thúc tinh thần Đại Hán, kêu gọi “toàn dân đoàn kết chống lại thế lực ngoại bang”, tin tưởng là “sẽ đánh tan dã tâm lực kiềm chế Trung Quốc của Mỹ với tinh thần Vạn lý Trường chinh”.
Global Times, phụ bản của báo đảng People’s Daily gọi cuộc chiến thương mại với Mỹ là “cuộc chiến của nhân dân”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy công kích Washington là “khủng bố kinh tế” và “sát nhân kinh tế” trong một cuộc họp báo. Sau đó, trong Đối thoại Shangri-La ngày 2.6.2019 Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã cứng giọng thách thức, tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc sẽ “chiến đấu bằng mọi giá” để “tái thống nhất” Đài Loan và rằng Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu tới cùng với Mỹ trên mặt trận thương mại.
Quan hệ Mỹ – Trung đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng giọng điệu chống Mỹ hiện tại có quy mô và cường độ chưa từng thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 40 năm. Giọng điệu này hoàn toàn với nguyên tắc bất thành văn” mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đặt ra với truyền thông Trung Quốc là tránh gây căng thẳng với phương Tây.”
Khi làm như vậy rõ ràng Bắc Kinh đã ngồi trên lưng hổ. Bất cứ một quyết định nào có dấu hiệu hòa hoãn, nhượng bộ với Mỹ sẽ khiến công chúng bị bẽ mặt.
Mặt khác, trò chơi dân tộc chủ nghĩa này đang gây tác hại đến tham vọng toàn cầu mang tên “Một vành đai – Một con đường” vì sẽ khiến các quốc gia xa gần cảnh giác với Trung Quốc hon.
Nếu bày tỏ thiện chí với cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh e ngai sẽ bị dư luận trong nước chỉ trích. Còn nếu họ cứng rắn, “oai hùng” trong quan hệ đối ngoại có thể khiến cộng đồng quốc tế lo lắng nhưng lại làm công chúng trong nước sẽ thỏa mãn như đã thể hiện qua trường hợp ông tướng Ngụy Phượng Hòa tại Singapore nói trên.
Những phản ứng trên mạng xã hội cho thấy đám đông này rất sướng, rất “đã” với phát ngôn “đanh thép” của họ Ngụy. Hàng nghìn người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với những phát ngôn cứng rắn của Ngụy, cho rằng đó là “thái độ mà quân đội Trung Quốc nên cho thế giới thấy”, rằng “đất nước mình thật mạnh mẽ và quyền lực” v.v..
Nhưng tội nghiệp, những đám đông vỗ tay tán thưởng họ Ngụy chẳng nhận ra rằng họ chỉ là “bầy chó sủa vơ” hay “chó nhảy bè”, như nhận xét của một người Trung Quốc tỉnh táo.
Chuyện này xảy ra cách đây 9 năm, sau một va chạm giữa Trung Quốc và Nhật. Ngày 8.9.2010 một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần dương của Nhật ngoài khơi quần đảo Senkaku mà cả Trung Quốc và Nhật cùng tuyên bố chủ quyền. Nhật bắt vị thuyền trưởng đưa về Nhật và sau đó người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố để “bảo vệ niềm tự hào dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ”.
Tuy nhiên vẫn người Trung Quốc này cười khẩy, cho rằng đó chỉ là những kẻ cực kỳ ngu xuẩn.
Chó nhảy bè
Nhà văn này là Hàn Hàn (Han Han), sinh năm 1982, có biệt tài châm biếm và là một trong blogger có lượng độc giả nhiều nhất ở Trung Quốc. Các tiểu luận của Hàn Hàn thường có hàng triệu lượt người đọc và hàng chục ngàn lời bình phẩm. Tính từ khi ra đời vào tháng 11 năm 2006 cho đến lúc đó, blog của Hàn Hàn đã có hơn 421 triệu lượt ghé thăm. Con số độc giả khổng lồ này cũng là tấm bùa hộ mệnh cho nhà văn bởi vì chính quyền Trung Quốc có thể hình dung ra quy mô của cuộc nổi loạn chống đối sẽ lớn đến cỡ nào nếu trang blog của anh bị nhà nước đóng cửa.
Chính quyền Trung Quốc ngại, không dám ngăn cấm blog của Hàn Hàn. Nhưng họ đã xóa đi bài viết đặc biệt đó khoảng 50 phút sau khi anh đăng nó lên. Tuy nhiên, chỉ với 50 phút cũng đủ cho nó lan lên trên mạng xã hội Trung Hoa, và đã trở thành bài nóng thu hút mạnh độc giả suốt cả tuần và từ đó nó đã lan truyền đi khắp thế giới.
Nhận xét về cuộc biểu tình của những kẻ “nóng đầu” trên, Hàn Hàn cho rằng họ đã bị lợi dụng. Trang blog của anh đăng lời đối thoại với đồng bào mình như sau:
“Khắp thế giới, quốc gia nào cũng giống như một người phụ nữ và chính quyền của nó thì giống như người đàn ông sở hữu người phụ nữ đó. Một số cặp sống với nhau hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Một số sống chung suôn sẻ. Một số sống với những quan hệ căng thẳng, một số phải chịu đựng nạn bạo hành gia đình. Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể ly dị người đàn ông đó và tái giá với người khác, và trong những trường hợp khác thì nàng lại không được phép làm điều đó. Nhưng trường hợp nào đi chăng nữa, khi đã yêu một người phụ nữ, bạn không nên ép đẩy chuyện “yêu thương chàng” vào phạm vi mặc cả.
Trên sân khấu Trung Quốc ngày nay có ba vai diễn: chủ, tớ, và chó. Đa số chúng ta hoán đổi vị trí giữa hai trong ba vai này. (Hai vai nào? Thế này nhé, bạn khó có thể tự xem mình là ông chủ, đúng không?) Thông thường điều ông chủ muốn từ những tay đầy tớ là tính dễ bảo yếu hèn, nhưng hiện tại ông chủ đang cần một số chó biết sủa. Dễ thôi! Bởi vì trong tâm trí con chó, không cần biết ông chủ đối xử với mình như thế nào, hễ bất cứ khi nào có người lạ mặt xuất hiện thì nhiệm vụ của bạn là phải bảo vệ lấy căn nhà… Trong thâm tâm, những lãnh tụ của chúng ta không thực sự giận dữ. Họ chỉ cảm thấy như bị thiến. Do vậy, theo quan điểm của họ, chúng ta đáng ra cũng phải cảm thấy bị thiến như họ. Nhưng có ai từng xuống đường biểu tình mà hô vang “Ta đã bị thiến!” bao giờ chưa? Điều đó chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ. Những lúc thể diện của lãnh tụ không có gì suy suyển, thì họ vả vào mồm ta; khi họ bị mất mặt, ta buộc phải gỡ thể diện cho họ. Chúng ta tiếp nhận điều này như thế nào?”
Sau đó Hàn Hàn quay sang đối thoại chính quyền:
“Đừng có bảo tôi rằng quý vị và tôi đều bị thương tổn như nhau bởi những vấn đề “đất mẹ” này… Ở đất nước chúng ta, thường dân không có một tấc đất để cắm dùi; tất cả đất đai, như quý vị đã biết, đều là thuê mướn của quý vị mà thôi. Cho nên từ vị trí của tôi, vấn đề này giống như một sự xích mích giữa gã địa chủ với người hàng xóm của tôi về miếng ngói nằm trên mặt đất. Tôi biết miếng ngói đó bị thổi bay từ nóc nhà của địa chủ trong một cơn gió mạnh, đồng thời tôi cũng biết gã địa chủ e ngại không muốn đánh nhau với hàng xóm, và chưa từng dám đi nhặt lại miếng ngói đó. Nhưng mà chuyện đó có ăn nhậu gì tới thằng tá điền là tôi? Hà cớ gì một kẻ không có một tấc đất cắm dùi lại đi đánh nhau để tranh đoạt lại đất đai cho kẻ khác? Hà cớ gì một tên tá điền chẳng có nhân phẩm lại đi đánh nhau vì nhân phẩm của địa chủ? Những người như thế giá trị đáng được bao nhiêu, nếu cân bằng ký? Bao nhiêu mới gom cho đủ một ký đây?”
Cuối tiểu luận, Hàn Hàn bỏ lối viết phúng dụ và tuyên bố thẳng thừng rằng:
“Những cuộc biểu tình chống người ngoại quốc do những người không được phép tỏ thái độ chống đối ở quê nhà thực hiện là hoàn toàn vô giá trị. Chúng chẳng khác gì một trò nhảy bè.”
Điều đáng tiếc là 9 năm qua tình trạng vẫn không khá hơn, số lượng người Trung Quốc vẫn cam tâm làm chó nhảy bè vẫn còn quá đông và họ đang bị giới lãnh đạo này lạm dụng.
Phạm Đức Đồng Hùng