Trong khi cả thế giới – và chắc chắn rất đông người Việt trong nước, nhất là giới trẻ, thành phần những người xử dụng thành thạo, quen thuộc với các phương triện truyền thông điện tử và mạng xã hội, nghe và đọc về diễn tiến tình hình người dân Hồng Kông ồ ạt xuống đường biểu tình phản đối âm mưu áp đặt phương thức giám sát và kiềm chế quyền làm người căn bản, cụ thể là đe dọa đến quyền phải được hưởng một hệ thống pháp lý công minh, độc lập và phù hợp với tiêu chuẩn văn minh thế giới thì trên tờ báo Nhân dân điện tử số phát hành ngày 17/6/2019 đã đăng bài viết của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, mang tựa đề “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”. Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là tay cầm chiếc dùi cui kiểm soát tư tưởng của Đảng.
Theo các nhà quan sát, bài viết này cho nhận xét trong nội bộ đảng CSVN đang càng ngày càng rõ nét nỗi lo sợ chuyện có thể có phe nhóm nào đó trong chính bộ máy đảng qua hình thức biểu tình phản đối một chính sách, một sắc luật (như dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng) để mặc cả, tranh giành thêm quyền lợi chính trị cá nhân, phe nhóm, trong hoàn cảnh Nguyễn Phú Trọng, người nắm một lúc cả 2 chức trùm cao nhất Chủ tịch Nước và Tổng bí thư đảng vẫn tiếp tục vắng mặt từ hơn một tháng qua (mà không có lời giải thích khả dĩ chấp nhận được, trong khi cả nước ai cũng biết rằng Trọng đang thoi thóp!).
Với vai trò Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua bài viết này, Thưởng bộc lộ nỗi lo sợ ‘tự diễn biến’ ngay trong nội bộ đảng, tiếp tục lải nhải lập luận định kiến quen thuộc suốt mấy chục năm qua của CSVN, suốt từ thuở khai sinh 1930, và bám chặt chiếc phao Luật An ninh mạng, như thể đó là chiếc đũa thần để ngăn chặn, trấn áp được mọi ‘diễn biến hòa bình’!
Dưới tiêu đề “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Thưởng cao giọng lên án “thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân”. Thưởng báo động rằng các thế lực, phần tử phản động “cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ, từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…”.
Chưa hết, Thưởng – tức cái gọi là ‘bộ não của Đảng’ khinh miệt dân trí khi phê phán dân trí đang lệch lạc “Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội.
Một bộ phận (!) người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm”.
Vì thế Thưởng phán rằng bộ máy đảng và nhà nước phải tăng cường biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hơn như “trong thực tế, có thể khẳng định, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam”. Bài học từ những cuộc “cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau. Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả”.
Dĩ nhiên, các chiếc loa từ những cơ quan truyền thông ‘công cụ’ khác của CSVN lập tức cất giọng hòa theo tán tụng bài viết của Thưởng.
Thế nhưng, liệu Thưởng, cả Bộ Chính trị và tất cả các bộ máy của đảng và nhà nước CSVN có đủ sức tập tành theo chân Trung Cộng để áp đặt một mạng lưới kiểm soát quy mô, tinh vi và dày đặc như đang triển khai ở Hoa Lục, Tân Cương và Tây Tạng không?
Mối lo sợ nguy cơ biểu tình đến từ ‘các thế lực thù địch’ của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cho thấy CSVN đang hốt hoảng nghĩ đến số phận của họ khi chứng kiến đàn anh Bắc Kinh đang bối rối vì Hồng Kông.
Việt Luận