Bây giờ, thời buổi này, nếu nhắc tới cụm từ “cải cách ruộng đất”, lứa U50, thậm chí U60 trở lại đây hầu như không biết, giả dụ đã từng nghe đâu đó thì cũng rất loáng thoáng láng máng lờ mờ. Nhưng với U70 trở về trước thì đó là thứ quá khứ kinh hoàng, bi kịch, đen tối, thê thảm, đầy máu và nước mắt. Sao lại có sự khác nhau thế nhỉ? Đơn giản là, quá khứ ấy, lịch sử ấy bị ém nhẹm, bưng bít, giấu kín, cố tình lờ đi, bởi nó chính là sản phẩm của chế độ xã hội chủ nghĩa, của những người cộng sản.
Mà chẳng phải chỉ “cải cách ruộng đất”, nhiều sự kiện khác, như “cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm” (1956-1958), “vụ án xét lại chống đảng” (1967-1968), “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở miền Nam” (1976-1980), “thời bao cấp” (suốt mấy thập niên từ 60 tới 80)… là những đặc sản mà nhà cai trị ngại nhắc tới. Cứ phải quán triệt quan điểm “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Vậy nên có tình trạng lịch sử, văn chương, báo chí, nhà trường… đều ngó lơ, hời hợt, xuyên tạc, bo tròn, nói chung là không được phép khai thác tỉ mỉ, đào sâu, chỉ vì mấy thứ đó là vùng cấm.
Điều may mắn là lịch sử vẫn còn kênh thể hiện khác, vượt ngoài sự cấm đoán của cường quyền. Sự kiện cải cách ruộng đất cũng vậy. Những người đã từng tham gia trực tiếp vào “máu và nước mắt”, những người chứng kiến tấn bi kịch, những người được nghe cha mẹ, anh chị kể lại năm tháng hãi hùng… đã dũng cảm vượt khỏi bức màn sắt, làm nhiệm vụ của nhân chứng, của kẻ chịu nạn, của người có lương tri, của một cây bút chép sử tử tế. Bản thân tôi từng đọc thứ tài liệu ghê người ấy của sử gia Hoàng Văn Chí, của thi sĩ Trần Dần, được nghe người trong cuộc kể về nạn nhân số 1 của cải cách ruộng đất – bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm, nghe các anh chị tôi khi còn bé từng kéo nhau lên tận đầu núi làng Trà Phương quê tôi, nơi đặt pháp trường để coi xử bắn “địa chủ” Tuần Bẳn, rồi về tới nhà vẫn phát khiếp suốt đêm không ngủ được, nghe anh rể tôi là người trong cuộc mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất là mạch máu trong mắt lại vằn lên dữ dội bởi chính ông cụ thân sinh, bố anh ấy từng nuôi cách mạng, đóng góp nhiều cho kháng chiến, vốn chỉ có dăm mẫu ruộng thành phần trung nông nhưng được cách mạng ưu ái đôn lên cho đủ số lượng 5% địa chủ, ép thêm tội hoạt động Quốc dân đảng, bị đấu tố và xử bắn chỉ trong nháy mắt, trước sự chứng kiến của vợ và đàn con “địa chủ”. Tôi cũng từng đọc “Ba người khác” của cụ nhà văn Tô Hoài, “Chuyện làng cuội” của nhà văn Lê Lựu, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Đèn cù” của Trần Đĩnh…, mỗi cuốn sách, thứ ít thứ nhiều đều làm nhiệm vụ vạch trần tội ác, phanh phui sự thực đen tối bị che giấu. Nhà cai trị đừng nghĩ rằng chỉ cần một lần kéo nhau ra sân vận động Hàng Đẫy, cử vài người đứng ra sụt sịt rút khăn mùi xoa lau nước mắt, nhận lỗi, nhận sai lầm về cải cách ruộng đất là xong. Hàng vạn oan hồn, hàng triệu số phận bi kịch, nhiều thế hệ dai dẳng khổ sở bởi cải cách ruộng đất vẫn đang chờ một sự bạch hóa “cuộc cách mạng long trời lở đất” do chính người cộng sản gây ra trên đất nước mình, càn quét trên số phận dân tộc mình, đồng bào mình.
Và tôi đã cầm trên tay thứ sử biên niên bằng văn, một dạng văn sử bất phân, một thứ tự truyện, một thứ văn viết bằng máu và nước mắt, đọc mấy đêm liền. Đọc xong dòng cuối cùng, cả thảy 362 trang, rồi lẩn mẩn vòng về trang đầu đọc lại. Không thể nào tiêu hóa nổi ngay, chẳng phải bởi sách không hay, thậm chí rất hay là đằng khác, mà bởi thứ nội dung nó chuyển tải khiếp quá, hãi quá, kinh quá, thật quá. Nhiều lần vừa dò mắt trên từng chữ vừa cảm thấy lành lạnh sống lưng, gai gai người, vô thức đảo mắt ngó trước ngó sau sợ hãi. Dường như không phải mình đang đọc sách, cảo thơm, tân thư, sách quý, mà đang chen trong đám người giữa sân đình chứng kiến đấu tố địa chủ, thấy người chức việc nhà nước hùng hổ lôi xềnh xệch mấy tên địa chủ trói giật cánh khuỷu vào cột và nghe súng nổ. Dường như mình đang sống giữa thế giới ma quái, oan hồn. Khi gõ những chữ này, tôi chợt rút ra kết luận rằng những ai thần kinh yếu, tâm hồn yếu đuối, hoảng hốt, mau nước mắt, bệnh tim, có lẽ không nên vội đọc nó. Cuốn “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập. Số còn lại thì không nên chần chừ gì nữa.
Ai thế nào thì tôi không biết. Đã lâu tôi mới đọc cuốn sách giấy chữ mà khó dừng đến thế. Kể từ dạo tỉ mỉ nằm đêm này qua đêm khác mò mẫm cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, và có thể kể thêm cuốn “Đừng kể tên tôi” với cái tên tác giả lạ hoắc Phan Thúy Hà (chút nữa tôi nói thêm về cuốn này).
Nguyễn Quang Lập không phải cái tên xa lạ. Có một thời, khi internet chưa hẳn đại trà như bây giờ nhưng là thứ món mới hấp dẫn trên bàn tiệc xã hội, đi đâu cũng nghe người ta tấm tắc, trầm trồ, khen ngợi, dè bỉu, chê bai, sung sướng, bực tức, hả hê, có nghĩa là đủ mọi tâm trạng của đủ thứ người, với 3 món đầu trong thực đơn: Blog Yahoo 360 độ của Osin Huy Đức, trang Ba Sàm (Anhbasam) của Nguyễn Hữu Vinh, và blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập. Có khi oang oang, có lúc thì thào, hỏi nhau, này đã đọc Quê Choa chửa, Ba sàm hôm nay có gì mới không, này Osin bị bắt chưa, v.v.. Dường như đang cuồn cuộn một thứ xã hội khác đầy bí mật và thú vị trong lòng một xã hội đang tồn tại công khai nhưng vô cùng chán nản, nhạt nhẽo. Ba chiến sĩ tiên phong ấy, mỗi người một vẻ, mỗi hiệp sĩ cầm một lá cờ phất phất xoi thủng chính sách ngu dân. Và hai trong số ấy đã nếm mùi “chuyên chính vô sản”, đã biết nhà lao chủ nghĩa xã hội ưu việt thế nào. Tôi từng được trực tiếp nghe bọ Lập kể chuyện những tháng hưởng mùi biệt thự số 6 Phan Đăng Lưu, ngay cái thời điểm bọ vừa “mới ra tù, tập leo núi” và đang viết chính cuốn sách này, cuốn “Kiến, chuột và ruồi”.
Nhớ hôm được người bạn tặng cho cuốn “Kiến, chuột và ruồi”, đang phấn khích thì nhận cú điện thoại của ông bạn nữa. Nhà văn Nguyễn Một (cái tên nghe rất Hy Mã Lạp Sơn), đương đóng chức giám đốc truyền thông của Tập đoàn Trường Hải, gọi bảo có món dồi lợn mán ngon lắm, thích thì mò tới, chứ không ai hơi đâu chiều chuộng đưa đón rước xách được. Đang dở chút việc, định không đi, lại nghe tay Một mở lượng khoan hồng cho tí thông tin nữa, có cả bọ Lập và một số “đối tượng chính sách” thèm dồi. Thế là dẹp tất, đi. Bọ Lập náu tận Củ Chi, mấy khi gặp được lão. Cuốn sách kỳ thư như thế không thể thiếu chữ ký tác giả. Vừa được nhai dồi lợn mán, vừa có vài dòng “lạc khoản”, còn gì bằng.
Sau khi đã làm đầy đủ thủ tục viết viếc ký kiếc trang trọng rồi, tôi hỏi thẳng bọ, sách này chẳng phải dâm thư, cũng không việt tân việt tiếc gì, sao không in nhà in nhà (ấy là lúc đó tôi nhớ cái vế đối ai đó phát ra hồi Tự lực văn đoàn, về sách của nhà xuất bản Thời nay: “Thời nay thời nay in nhà in nhà”, có nghĩa sách của nhà xuất bản Thời nay bây giờ được in ở nhà in của chính nhà chứ không phải nhà in nơi khác). Bọ Lập cười, có chứ, đưa mấy nơi, họ ngại họ sợ, họ có chịu đâu. Cũng có nhà xuất bản “liều” hơn, đã biên tập hoàn chỉnh, đã lên khuôn, chỉ còn cho máy chạy nữa là xong, vậy nhưng tới phút cuối bị ách lại. Không tin cứ hỏi cô Trang đây (bọ chỉ vào cô gái ngồi cùng bàn, cô gật đầu xác nhận). Nào có phải không muốn ta tắm ao ta, cực chẳng đã mà chịu thế thôi.
Tôi thành thật chia sẻ với bọ rằng như thế là may. Đứa con tinh thần mình phải tốn bao nhiêu lao tâm khổ tứ mới có được, rút ruột đau đớn mới đẻ ra từng chữ, nếu vào tay người chức việc, vào mấy nhà xuất bản chỉ biết ngoan ngoãn thực hiện lệnh trên, nhìn đâu cũng ra thế lực thù địch, thì họ sẽ bo cho tròn trịa, cắt tỉa thật lực biến nó thành thứ “văn hóa cao lành mạnh” ế nhan nhản trên các kệ sách kia kìa. Sẽ không còn gì là Nguyễn Quang Lập, là bọ Lập nữa, thậm chí chính con mình, mình cũng không nhận ra, không dám nhận. May quá còn gì, trong cái họa có cái phúc, các cụ xưa truyền vậy.
Điều may mắn, giờ đây chúng ta đã có được cuốn “Kiến, chuột và ruồi” nguyên bản, đúng văn bọ Lập, đúng cái chất của anh chủ trang blog Quê Choa ngày nào.
“Kiến, chuột và ruồi” không hẳn chỉ kể lại cuộc “cách mạng long trời lở đất” cải cách ruộng đất. Bức tranh xã hội xám xịt trong nó còn nhiều bi kịch, phận người nhục nhã ê chề, cái xấu cái ác lên ngôi, ngày tháng bị bóp chặt tới mức nghẹt thở. Nhưng trung tâm của giai đoạn cuồng phong thê thảm ấy là cải cách ruộng đất. Tôi dám chắc, y (bọ Lập, tác giả) đã nghiền ngẫm, tích lũy, cắn xé, đau đớn rất nhiều khi thò ra từng chữ. Mỗi chữ như có máu chảy ở đầu ngọn bút, người xưa từng nhận xét về truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du vậy. Nó cũng đúng y chang với trường hợp “Kiến, chuột và ruồi” này, có lẽ chỉ khác ở chỗ xưa cụ Tiên Điền mài bút, nay ông bọ Lập hì hục gõ phím. Mỗi trang sách đầy những máu. Đầy tiếng nức nở, ai oán, căm giận.
Tôi không đi sâu vào nội dung cuốn sách làm gì. Với từng tâm thế, mỗi người đọc một cách, hiểu một cách, chả ai áp đặt được cho ai. Đọc vần vò “Kiến, chuột và ruồi” xong, có cảm giác mình đã gặp ở đâu đó cái giọng điệu quen quen, cách thể hiện, cách mô tả khiến người ta nhớ tới những Vũ Trọng Phụng, Azit Nexin, thậm chí cả ông lẫy lừng G.Market bên tận Mỹ latinh. Nhưng loáng thoáng thôi, chứ chốt lại thì vẫn là bọ, bọ Lập, Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả của Bạn văn, Đời cát, Ký ức vụn, Chuyện nhà quê…
Sách về cải cách ruộng đất cho đến nay không nhiều lắm. Sự bức bối ở một số nhà văn, bị dồn nén cấm đoán mãi cuối cùng cũng thoát ra thành tác phẩm, như tôi đã kể ở phần 1, chả hạn Trần Dần, Hữu Loan, Tô Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Phan Hách, Ngô Ngọc Bội… Họ hầu hết “dính” vào sự kiện, tham gia cải cách ruộng đất, thậm chí có người từng làm “đội”, nhiều người là dạng thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, nhiều người là nạn nhân. Cải cách ruộng đất, bắt đầu từ năm 1953, với tiếng súng nổ găm đạn giai cấp vào bà Nguyễn Thị Năm, kết thúc vào năm 1957 khi làng quê, nông thôn Việt gần như đã tan tác, điêu tàn bởi nó. Lứa tôi và bọ Lập, sinh ra khi nó đang ở hồi quyết liệt dữ dội nhất, nhưng còn bé, dấu ấn vào đầu gần như chả có gì. Không có nhưng không nghĩa là không biết. Tuổi thơ chúng tôi bị đắm vào những câu chuyện cải cách ruộng đất rùng rợn, do thày bu mình, anh chị mình, người làng người nước từng được chứng kiến kể lại.
Cuộc cải cách ruộng đất, về chừng mực nào đó, đã làm cái nhiệm vụ “cao cả”, tước đoạt đất của địa chủ chia cho nông dân, thực hiện thứ chủ trương mà người cộng sản theo đuổi “người cày có ruộng”. Chỉ có điều, họ làm cách mạng ác quá, tàn bạo quá, ngu xuẩn quá, lấy máu và tội ác để tạo ra hạnh phúc thì hạnh phúc nào bền được. Và chính họ, chỉ vài năm sau, lại quay ngoắt 180 độ, còn tệ hơn địa chủ, tịch thu hết cả ruộng đất vừa được chia của nông dân, bắt phải vào hợp tác xã. Cái thành quả vĩ đại của cải cách ruộng đất mà họ từng nức nở ca ngợi thoắt thành con số 0. Đó là chưa nói họ sửa sai, cứ tưởng họ thật lòng nhưng mấy chục năm sau con cái của “địa chủ” – những nạn nhân oan ức, vẫn bị trả thù một cách rất trắng trợn, hèn mạt. Nhiều thế hệ bị bôi xấu bôi đen lý lịch, con cháu bị cấm cửa chuyện học hành, bị khước từ những quyền lợi rất cơ bản của con người. Họ (nhà cai trị) sửa sai, nhưng thực ra không sửa gì mà chỉ thay đổi thủ đoạn. Một khi đã chủ trương đấu tranh giai cấp, in hằn chủ thuyết ấy trong đầu thì làm sao có thể làm điều tốt được.
Tôi không có ý so cuốn sách của bọ Lập với những “tiền nhiệm” Ba người khác, Chuyện làng cuội…, chỉ tự nhận ra rằng bức tranh xã hội trong “Kiến, chuột…” khốc liệt hơn nhiều. Từ cách kể của bọ, nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết dường như nửa thực nửa hư, bảo tin thì cũng không tin hẳn, nhưng nói không tin thì không thể, bởi có rất nhiều thứ đã in vào đầu mình, bọ Lập chỉ là người nói hộ, thể hiện hộ ra thôi. Có thế thì xã hội mới cần nhà văn. Nhưng phải là nhà văn tử tế, dũng cảm, thẳng thắn, kiểu bọ Lập.
Nhân đây, nhắc lại cuốn “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà. Một cuốn sách dữ dội, cực kỳ dữ dội về chiến tranh, hậu chiến. Tất cả đều lấy từ người trong cuộc, khó mà tìm ra chi tiết bịa đặt, tưởng tượng. Chiến tranh được nhìn từ góc độ “suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại” (thơ Nguyễn Duy). Bấy lâu ta quen nghe giọng điệu hùng tráng, cao vút, lảnh lót về chiến tranh, về thứ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của văn chương phải đạo, văn chương sinh ra từ lò tuyên giáo, nên khi đọc “Đừng kể tôi nghe” bỗng tự dưng tắt hẳn tiếng cười, chỉ còn lại tiếng khóc và giọt nước mắt. Tác giả Phan Thúy Hà không làm văn chương, cô chỉ làm nhiệm vụ của người biên sử, chép lại những phần mà người ta cố tình chép thiếu, để làm thứ tư liệu cho mai sau những người làm sử tử tế có làm một cuốn toàn thư thì dựa vào đó mà bổ sung vào.
“Kiến, chuột và ruồi” cũng là thứ tư liệu như thế. Bây giờ nó là cuốn sách văn của bọ Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng tôi tin chắc nay mai nó sẽ thành một phần cuốn sử xứ này, trong cái chương về cải cách ruộng đất. Và có lẽ, cần phải thêm nhiều cuốn như thế nữa, nhất là khi độ lùi của lịch sử càng ngày càng xa.
Nguyễn Thông
Bác nào muốn mua cuốn “Kiến, chuột và ruồi”, hãy liên lạc theo địa chỉ
này: https://www.facebook.com/sach.thanhvinh/posts/2215130495466565?hc_location=ufi