Sau khi rời đại học Monash, một cuộc sống mới đang đợi chờ tôi trên hòn đảo hiền hòa Tasmania. Đây là nơi đất lành chim đậu, nhất là chim bay từ quê nhà, ở đó có mái tranh nghèo, dòng sông xanh và khúc ca ngày mùa khi trăng rụng xuống cầu.
Trong cuộc sống nhẹ nhàng nơi xa xôi này, bỗng dưng vào một chiều xuân, khi tâm hồn tôi đang dạt dào với núi đồi mây nước, tôi nhận được một bức thư của đại học Monash báo là cảnh sát Melbourne đang tìm kiếm tôi. Monash có chính sách là không bao giờ tiết lộ thông tin của sinh viên cho thế giới bên ngoài. Nếu muốn biết lý do, tôi có thể liên lạc trực tiếp với văn phòng cảnh sát Melbourne theo địa chỉ sau đây.
Đời tôi chưa hề ăn cắp hay chửi bới ai, không bao giờ bị sự cám dỗ của tứ đổ tường, uống trà, nhát gái, ăn chay ban ngày, và sợ casino như là sợ ma. Vậy sao cảnh sát Melbourne lại ‘lùng kiếm’ tôi. Tôi lo quá ngủ không được, cứ sợ vào tù chỉ vì ‘mistaken identity’ (bắt nhầm người). Tay run run, tôi viết cho cảnh sát Melbourne để tìm ra chân lý. Chỉ ba hôm sau tôi nhận được lá thư từ Melbourne…
Vâng lá thư mà tôi không bao giờ quên được cho đến ngày tôi nằm ngủ trong lòng đất.
***
Khi học năm cuối ở Văn Khoa Saigon, một hôm tôi đọc mộ̣t ‘quảng cáo tìm bạn’ của một nữ sinh đang sống ở thành phố Vienna của nước Áo, tên là Heidi. Cô muốn có một pen-friend Việt Nam. Lúc đầu tôi định bỏ qua đi vì ‘người ta’ sẽ nhận rất nhiều thơ của sinh viên Việt muốn kết bạ̣n và lá thơ của tôi sẽ bị đưa về miền đất lạnh, không ai đoái hoài. Nhưng không hiểu tại sao, cuối cùng tôi cũng viết trả lời cho Heidi, biết đâu Saigon mùa hè có tuyết rơi.
Sau ba tuần, vào một ngày đầu xuân, vừa về đến nhà thì bà chị mỉm cười bảo: “Em có một là thơ của ai đó gởi từ Vienna.” Lúc đầu tôi ngạc nhiên vì ai mà thèm hồi âm thơ của mình, nhất là từ một cô gái ‘bên bờ thành Vienne’, đây chỉ là tưởng tượng lãng mạn như trong bài hát Nhớ Một Chiều Xuân của Nguyễn Văn Đông mà thôi: “Người về còn nhớ… khúc hát, người yêu dấu bên bờ thành Vienne…”
Nhưng tưởng tượng và thực tế đôi lúc không có ranh giới rõ ràng, nhất là tên tôi được nắn nót viết ngoài bì thơ. Tôi mừng quá và vội vã xé bì thơ ra đọc. Cái rung cảm đầu tiên là tấm hình của một cô gái, tóc quăn dài ngang vai, mắt tròn và xanh, với nụ cười dễ thương và thân thiện. Heidi viết: “Tôi ngồi viết lá thơ này cho anh trong thư viện của đại học Vienna. Vâng, thay vì làm bài luậ̣n thì tôi lại muốn bay thật xa để tâm hồn được thoải mái hơn… và không gì vui bằng viết trả lời anh…”
Trời ơi là trời, sao mà tôi lại được may mắn và diễm phúc như vậy. Cứ mỗi chữ trong thơ là ngàn nhịp đập của con tim… “Anh biết không, tôi nhận được cả trăm lá thơ từ Saigon, nhưng phải nói, đọc xong lá thơ của anh, tôi phải viết trả lời vì có cái gì đó làm tôi không thể bắt anh phải đợ̣i chờ…”
Vậy là từ đó, Hedi và tôi trở thành đôi bạn, lời qua thơ lại như trò chuyện thân mật bên bờ sông Danube của Vienna dù chưa bao giờ gặp nhau. Khi rời Saigon qua Melbourne, chúng tôi vẫn tiếp tục thư từ cho nhau… Cho đến khi tôi rời Melbourne qua hòn đảo Tasmania sinh sống sau khi học xong, chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa, và tình bạn bị chôn vùì theo từng ngọn sóng của biển khơi.
Nhưng cuộc đời cũng có thể đi vòng trở lại và trái đất rất tròn trịa, chắc ai cũng đồng ý như vậy nhất là cảnh sát Melbourne: “Anh có một cô bạ̣n ở Vienna tên là Heidi. Mấy năm nay cô ta mất liên lạc với anh từ khi anh rời Monash. Heidi nhờ cảnh sát Melbourne tìm anh. Chúng tôi có liên lạc Monash và vui mừng khi anh viết cho chúng tôi. Anh có thể liên lạc với Heidi theo địa chỉ sau đây…”
Tôi mỉm cười mỗi khi nghe câu nói: “Cảnh sát là bạn dân”. Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy với cảnh sát Melbourne, vì họ đã mang đến cho tôi nụ cười… ‘Nhớ một chiều xuân’.
Tamar Le (Melbourne)