Đúng mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đảng Bảo Thủ Anh đã bầu Dân biểu Boris Johnson làm lãnh tụ trong cuộc bỏ phiếu ngày thứ Ba (23.7.2019) và do đó ông ta hiện đã Thủ tướng của nước Anh.
Vừa có tính khí kỳ quặc, dẫm lên mọi thông lệ ngoại giao, vừa có mái tóc rất “đặc trưng”, nhà lãnh đạo mới của nước Anh này cũng chính là một bản sao của ông Trump. Nói một cách đơn giản, nếu Donald Trump và Rodrigo Duterte với những phát ngôn mạnh mẽ từng chinh phục cử tri Mỹ và Philippines, thì đó cũng là cách mà mà ông Johnson sử dụng để leo lên ghế Thủ tướng Anh.
Ông Johnson từng là Đô trưởng London rồi làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời bà Theresa May, nhưng từ chức do bất đồng với kế hoạch Brexit của bà.
Phần bà May thì hôm thứ Ba đã chủ trì lần cuối cuộc họp nội các của bà để từ chức ngày 24.7.2019. Cùng buổi sáng bà May sẽ vào Điện Buckingham đệ đơn từ nhiệm lên Nữ hoàng Elizabeth II theo đúng thủ tục. Ngay sau đó, tân lãnh đạo đảng Bảo thủ Boris Johnson vào Điện Buckingham để xin Nữ hoàng Elizabeth II quyền lập tân nội các.
Ông Boris Johnson có quan điểm ủng hộ Brexit, kể cả khi Anh không đạt thỏa thuận với EU. Nghĩa là ông chủ trương một “Hard Brexit”: nếu không ai tán đồng với ai trong Quốc hội Anh, thì nước Anh sẽ rời khỏi EU theo kiểu dứt tình cạn nghĩa, chẳng kèm theo bất cứ thỏa thuận, ràng buộc nào về kinh tế hay chính trị.
Trước đây, tại một hội nghị kinh tế tại Thụy Sỹ ngày 24.5.2019 ông Johnson tuyên bố: “Chúng ta sẽ rời EU vào ngày 31.10 cho dù có hay không có thỏa thuận. Đó là con đường tốt nhất cho nước Anh”.
Trong bài diễn văn ngay sau thắng cử, ông Johnson đã hô hào chống lại đảng Lao động đối lập nhắc lại cam kết rằng Anh Quốc ra khỏi EU vào đúng ngày 31.10 năm nay.
Tuy nhiên những đối thủ có quan điểm thân Âu châu trong đảng Bảo Thủ cho rằng “gánh xiếc đã bắt đầu”.
Trước khi có kết quả bỏ phiếu nhưng đối mặt với khuynh hướng ủng hộ ông Johnson, có đến 12 thành viên trong nội các tuyên bố sẽ từ chức nếu ông Johnson thành thủ tướng.
Hôm thứ Hai ông Alan Ducan – Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Mỹ – đã mở màn khi tuyên bố từ chức. Viết trong đơn xin từ chức, ông Duncan tiếc nuối về vị thế của nước Anh trong bối cảnh đầy bất định mà Brexit tạo ra.
Cùng ngày ông còn trình bày trong trang Twitter của mình: “Quả là một bi kịch khi chúng ta có thể là thế lực về chính trị và tư tưởng ở châu Âu và xa hơn, vậy mà phải dành mỗi ngày làm việc dưới đám mây đen Brexit”.
Trước ông Duncan, Bộ trưởng Văn hóa Anh Margot James đã từ chức tuần trước, và đã miêu tả cam kết rời EU trước 31.10 của ông Johnson là “khó tin”, đi ngược lại lợi ích giới kinh doanh. Giới kinh doanh vốn là đồng minh của đảng Bảo Thủ đã nhiều lần lên tiếng phản đối một viễn cảnh như vậy, theo Reuters.
Bộ trưởng Kinh tế Philip Hammond tuần trước cũng cho biết ông sẽ từ chức và hôm thứ Ba đã biến lời tuyên bố này thành sự thật.
Trong cuộc bầu cử hôm thứ BA ôngJohnson (sinh năm 1964) được 92,153 phiếu, đối thủ Jeremy Hunt (sinh năm 1966) được 46,656 phiếu.
Theo tờ The Guardian và vài tờ chống Johnson thì ông ta được bầu chẳng qua “vì quá nổi tiếng” theo kiểu của ông Trump. Trong thời kỳ truyền thông xã hội thống trị, tính cách rất riêng của BoJo có thể khiến ông trông vụng về đối với người làm ngoại giao nhưng trong mắt người dân ông ta gần gũi hơn và nhất là cương trực, dám nói toạc những điều họ quan tâm.
Khi làm Ngoại trưởng nước Anh, tờ Washington Post (Mỹ) thì nhận xét đơn giản ông Johnson là “một nhà ngoại giao với những lời nói không hề ngoại giao tí nào”.
Điều này dễ hiểu khi Johnson gây tai tiếng với những phát khi từng gọi ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ Hillary Clinton là “mụ y tá tàn bạo trong bệnh viện tâm thần”, hay nói bóng bàn là môn thể thao do người Anh phát minh ra trên bàn ăn, trong khi ai cũng hiểu Trung Quốc tự hào thế nào về môn này.
Boris Johnson sinh năm 1955, xuất thân con nhà gia thế, thời trẻ học trường tư Eton nổi tiếng của Anh, lớn lên theo học ngành cổ ngữ Hy – La tại Đại học Oxford danh tiếng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Johson vào làm việc trong một công ty chuyên về tư vấn nhưng bỏ việc vì nhàm chán. Nhờ các quan hệ của gia đình, Johnson vào làm việc tại tạp chí Times nhưng rồi bị sa thải vì vụ đưa thông tin không chính xác trong một bài phỏng vấn về vấn đề khảo cổ học.
Sau đó Johnson sau đó được bạn học cũ tại Oxford, đang làm chủ bút tờ The Daily Telegraph nhận làm thông tín viên tại Burssel, nơi đặt Nghị viện Âu châu.
Lúc đó là năm 1989 và từ đây Johnson bắt đầu cuộc chiến chống lại khối Liên Âu và người nổi tiếng là người tạo ra “Euromyths” hay “tin giả về châu Âu”. Theo nhận xét thì Johnson không ngần ngại sáng tác ra các câu chuyện để đạt mục đích tạo ra một hình ảnh Liên minh châu Âu quan liêu, chuyên đưa ra những quyết định ngu xuẩn, có hại cho nước Anh.
Rất nhiều đồng nghiệp đã chỉ trích Johnson vì việc thường xuyên viết bài không đúng sự thật với mục đích bôi xấu Ủy ban châu Âu và Chủ tịch ủy ban này. Nhiều thành viên đảng Bảo Thủ khi đó cáo buộc Johnson lan truyền tư tưởng thù địch trong một loạt đảng phái, chia rẽ các đảng này thành phái nghi ngờ và tin tưởng châu Âu.
Gây nhiều tai tiếng trên truyền thông quốc tế, Johnson và bị báo chí Anh đặt cho hỗn danh “BoJo”, viết tắt từ Boris Johnson.
Nhưng các đồng nghiệp cũng phải nhìn nhận rằng Johnson có kiến thức uyên thâm và luôn khiến mọi người bất ngờ. Họ cũng ghi nhận rằng trong cuộc họp báo nào ở Ủy ban châu Âu mà có sự hiện diện của Johnson thì bao giờ cũng có chuyện để nhớ, để nói. Chẳng hạn khi đó ngôn ngữ dùng chỉ là tiếng Pháp, nhưng Bojo đặt câu hỏi bằng tiếng Latin vì nội dung hôm đó liên quan dự luật dùng tiếng Latin chỉ tên các loài cá để có thể áp dụng về chính sách đánh bắt cá chung cho toàn Liên minh châu Âu.
Bojo cũng được nhớ là một người có tài hùng biện, có khiếu hài hước biết dập ngay tức khắc những lời chỉ trích nhắm vào cá nhân ông hay tờ báo của ông. Ngày 16-6-1998 Hội đồng châu Âu gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ vừa kết thúc kỳ chủ tịch của Anh và Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair tổ chức họp báo. Boris Johnson, khi đó mới sắp 34 tuổi, xin đặt câu hỏi nhưng lại phát biểu dài dòng như một bài diễn văn.
Nguyên Thủ tướng Blair, lớn hơn Johnson 10 tuổi, khi đó có vẻ mỉa mai nhà báo trẻ nhưng đã là phó tổng biên tập của tờ Daily Telegraph: “Boris này, nói hay như thế thì có lẽ anh nên làm thủ tướng mới phải!”.
Năm 1994, Boris Johnson quay về Anh và trở thành nhà phân tích chính trị của tờ Daily Telegraph và The Spectator. Năm 2001 ông ra ứng cử dân biểu và đến năm 2007 bỏ ghế dân biểu để ứng cứ và đắc cử trong cuộc đua vào ghế Đô trưởng London. Chiến thắng của Johnson khi đó thực sự gây sốc trên chính trường Anh.
Những chính sách nổi tiếng nhất của Đô trưởng Johnson lúc đó là quyết định cấm sử dụng đồ uống có cồn trên các phương tiện giao thông công cộng, sự xuất hiện của các xe buýt hai tầng màu đỏ mới trên các đường phố London và nổi tiếng nhất là sự xuất hiện của hệ thống cho thuê xe đạp ở London. Các điểm cho thuê xe đạp từ đó được gắn cái tên không chính thức là “xe đạp Boris”. Ngoài ra, Johnson còn có công tổ chức thành công Thế vận hội tại London vào năm 2012. Những thành công này giúp Boris Johnson có 2 nhiệm kỳ Đô trưởng London.
Cũng trong thời gian này, Johnson là người chỉ trích EU gay gắt nhất về mặt quản trị và phân bổ trách nhiệm và lợi ích giữa các quốc gia thành viên.
Năm 2015 bỏ chức Đô trưởng để ứng cử trở lại vào Hạ viện và năm 2016 trở thành nhân vật đầu đàn trong cuộc vận động Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý về. Lúc này Johnson đã không ngần ngại “sáng tác” ra tin giả theo đó mỗi tuần nước Anh phải đóng cho Liên Hiệp Châu Âu 350 triệu bảng để làm thành viên mà chẳng được lợi gì. Tin giả này đã khiến nhiều cử tri Anh bỏ phiếu Yes với Brexit!
Việc ông ta trở thành thủ tướng Anh đã gây nên những phản ứng trái ngược. Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cho biết “Tôi ước là nó chỉ là trò đùa”, còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault tuyên bố: “Tôi không lo lắng gì về Boris Johnson, nhưng… trong chiến dịch Trưng cầu dân ý về Brexit ông ta đã nói dối với người dân Anh và bây giờ ông sẽ bị dồn vào bức tường, khi nước Anh phải cố gắng đàm phán quan hệ tương lai của nó với EU”.
Ngược lại, cựu Thủ tướng Tony Abbott của Úc hoan nghênh việc này gọi Johnson là “một người bạn của nước Úc”.