TIN THẾ GIỚI: 5/2/2023

Tỷ phú George Soros có khả năng siêu tiên đoán?

Nhà hoạt động tỷ phú gốc Hungary George Soros phải chăng sở hữu tầm nhìn siêu chuẩn khi chỉ ra chính xác ai sẽ phải đổ máu để hoàn thành mục đích của ai đó, theo một bình luận đăng trên RT.

Hoa Kỳ sẽ không được gọi đến để đóng vai cảnh sát quốc tế [nữa]. Khi nó hành động, nó sẽ kết hợp với những nước khác. Thật tình cờ, sự kết hợp giữa nhân lực của Đông Âu với khả năng kỹ thuật của NATO sẽ khuếch đại tiềm năng quân sự của Đối tác [Vì Hòa bình] vì nó giảm nguy cơ đổ máu cho các nước NATO, vốn là chướng ngại chính cho hành động của họ. Đây là một giải pháp thay thế có tính khả thi cho tình trạng rối loạn thế giới đang rình rập,” trích từ bài luận của George Soros, trong đó “tình trạng rối loạn” là nói đến trật tự bị xáo động sau khi bố cục thế giới 2 cực (2 siêu cường quốc là Hoa Kỳ và Liên Xô) biến mất, và “Đối tác Vì Hòa bình” là điều ông miêu tả là một cơ chế liên minh đa phương mỗi khi cần phải đối mặt với nguy cơ nào đó, một cơ chế mà theo ông là phù hợp cho tình trạng đó.

Luận điểm trên hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Chỉ bằng vài câu ngắn gọn, nó đã miêu tả rõ ràng chiến lược của Hoa Kỳ và NATO, khi họ khai thác chiến tranh ở Ukraine hôm nay: Ukraine cung cấp nhân lực, và đồng minh phương Tây cung cấp tiền và vũ khí để đến cái đích cuối cùng là thiết lập trật tự thế giới như mong muốn.

Đó là phương Tây vừa có thể lớn mạnh vị thế bản thân bằng cách làm suy yếu nước Nga, nước khác phe với họ, vừa không phải giải thích với công dân trong nước, vì họ không phải đưa binh lính đi chết ở chiến trường. Ngoài ra, bằng cách nhiều quốc gia cùng nhau chia sẻ gánh nặng viện trợ kinh tế và quân sự cho Kyiv, họ có tài nguyên để kéo dài chiến tranh ủy quyền ở Ukraine, đồng thời tạo ấn tượng rằng họ đang duy trì hòa bình và chính nghĩa. Điều đó còn góp phần củng cố cho tuyên truyền của họ rằng ai đứng lên chỉ trích Ukraine là vi phạm đạo đức, và thậm chí đáng bị nghi ngờ là đặc vụ của Điện Kremlin.

Điều rất đáng nói ở đây, đó là ông George Soros viết bài luận đó không phải trong tuần này, tháng này hoặc trong một năm vừa qua. Ông thậm chí không viết nó sau dịp năm 2014, khi ông bị cáo buộc ủng hộ việc lật đổ chính phủ dân cử của Ukraine và có thể đã dự đoán một cách hợp lý về một cuộc xung đột sắp tới với Nga. Không. George Soros đã viết bài luận đó vào năm 1993, cách đây gần 30 năm.

Lúc bấy giờ, theo như bài luận viết, sau sự sụp đổ của Liên Xô, George Soros muốn ngăn chặn các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trở thành các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc; vì theo phân tích của ông, quốc gia nào theo chủ nghĩa dân tộc sẽ quản lý đất nước vì lợi ích của chính họ, cho nên một cách tự nhiên, họ sẽ không hợp với xu thế toàn cầu hóa, tức là trật tự thế giới mới mà ông theo đuổi và thúc đẩy rất nhiều năm.

Lúc bấy giờ các nhà lãnh đạo phương Tây đã đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Nhưng George Soros đánh giá rằng khối quân sự này sẽ là “cơ sở của trật tự thế giới mới,” rằng NATO sẽ cần “một số tư duy mới sâu sắc,” vì sứ mệnh ban đầu của nó đã “lỗi thời” rồi, và ông nhấn mạnh rằng liên minh phải được tự do mời bất kỳ quốc gia nào tham gia.

Trên thực tế, ông đã nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời để NATO tận dụng khoảng trống an ninh do sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra, nếu tổ chức này có thể hành động nhanh chóng. “Nếu NATO có sứ mệnh nào đó, thì ắt là thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của mình vào khu vực, và sứ mệnh này được xác định tốt nhất theo định nghĩa về xã hội mở và đóng.”
Bài luận nói về một định nghĩa xã hội mở và đóng để phân tách một cách đại khái về chiến tuyến. Xã hội mở là các quốc gia mở cửa, phù hợp theo xu thế toàn cầu hóa. “Xã hội đóng là dựa vào nguyên lý kiểu chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo thành đe dọa cho an ninh, vì họ cần kẻ thù, dù là bên trong hay bên ngoài,” ông viết.

“Các quốc gia Trung Âu đang kêu gọi trở thành thành viên đầy đủ của NATO càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi Nga phục hồi.”

Nga phản đối, không phải vì [Nga] nuôi dưỡng bất kỳ kế hoạch nào nhằm khôi phục đế chế cũ của mình, mà vì nước này không thấy lợi ích gì khi đồng ý. Lòng tự hào dân tộc của họ bị tổn thương, và họ sẽ thấy khó chịu và chán ghét mỗi khi buộc phải nhượng bộ mà không nhận được lợi ích tương ứng.”

Ông George Soros coi NATO vừa là một nền tảng khả thi để phát triển thành lực lượng triển khai hoạt động chống Nga, hướng đến trật tự thế giới mới của mình, vừa là đối tượng rất thích hợp để lôi kéo các quốc gia thuộc Khối Đông Âu trước đây tham gia. “NATO có một cơ cấu chỉ huy thống nhất tập hợp Hoa Kỳ và Tây Âu,” ông viết.

Có những lợi thế lớn khi có một trụ cột phương Tây vững chắc như vậy: Nó dẫn đến một cấu trúc tựa một cái sườn dốc bắt nguồn từ phương Tây. Đây là điều nên làm, vì mục tiêu là củng cố và thỏa mãn mong muốn của khu vực về việc gia nhập xã hội mở của phương Tây.”

Mục tiêu viết trong bài luận năm đó đã lần lượt trở thành hiện thực. Ví dụ, George Soros lưu ý rằng không có gì ngăn cản các nước như Ba Lan, Séc, và Hungary gia nhập NATO. Thực tế sau đó cả ba quốc gia ấy đã trở thành làn sóng mở rộng đầu tiên của NATO sau Chiến tranh Lạnh, gia nhập khối này vào năm 1999. Trên thực tế, NATO đã tăng gần gấp đôi quy mô kể từ đó, thêm 14 thành viên vào năm 2020, và hiện nay coi Ukraine và Gruzia là những thành viên trong tương lai.

NATO đã đặt chân tới sát biên giới Nga, đặt vũ khí chiến lược và an ninh ngay ngưỡng cửa Moscow. Điều đó góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Như trích dẫn ở trên, theo quan điểm của George Soros từ năm 1993, Nga không hề có mong muốn khôi phục lại đế chế của Pyotr Đại đế, trái ngược với luận điểm phổ biến của truyền thông như CNN.

Ông Pompeo: Ông Tập muốn thống trị thế giới và gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều so với ông Putin

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo về ý định thống trị thế giới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời khẳng định rằng, ông Tập đã đặt ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho thế giới so với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Ông ấy muốn sở hữu quý vị… Ông Tập muốn làm bá chủ trên toàn thế giới với tầm nhìn theo chủ nghĩa Marx – Lenin của mình, cùng với sự thống trị về kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở mọi nơi trên thế giới”, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Sky News vào ngày 2/2.

Ông gọi ý định của ông Tập Cận Bình là một “mục tiêu xấu xa” và nói thêm rằng, “Chúng ta có nghĩa vụ đối với thế hệ tương lai là đẩy lùi tham vọng đó”, ông nói về ý định của ông Tập.

Khi được người dẫn chương trình Beth Rigby hỏi liệu ông có cho rằng ông Tập Cận Bình nguy hiểm hơn đồng minh thân cận của mình là Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, ông Pompeo nói: “Chắc chắn rồi. Hoàn toàn không thể so sánh họ với nhau”.

Cựu quan chức Mỹ kể lại rằng khi ông tiếp xúc với ông Tập, “Ông ấy [Tập] chỉ tập trung vào mục tiêu đầy tham vọng của mình”.

Ông Pompeo nói rằng ông Tập “tin rằng ông ấy sẽ thống trị thế giới” chứ không coi đây là mục tiêu “nhảm nhí”.

Ông Pompeo nhấn mạnh rằng, ông Tập có đầy đủ năng lực để hoàn thành mục tiêu đó, vì “thế giới phụ thuộc vào ông Tập về mặt kinh tế, và Trung Quốc hiện có 1,4 tỷ dân”.

“Ông ấy có một nền kinh tế có thể cạnh tranh về quy mô với nền kinh tế Hoa Kỳ, có một chương trình nghiên cứu vũ trụ, chương trình quân sự và an ninh mạng với hiệu suất cao. Và đó chính là năng lực. Giờ đây, chúng ta đã nhận ra ý định của ông Tập”, ông Pompeo nói.

Ông Pompeo giải thích: “Tổng thống Nga Putin có một chương trình hạt nhân rất khả thi và một nền kinh tế phụ thuộc vào một ngành công nghiệp duy nhất. Và nếu Mỹ tự sản xuất năng lượng thì ngành công nghiệp dầu khí của Nga sẽ mất đi nhiều giá trị”.

“Về căn bản, đó là hai rủi ro khác nhau về lối sống của Châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Á, Trung Đông và tất cả mọi nơi”, ông Pompeo nói thêm.

Tham vọng của ông Putin không thay đổi
Tuy nhiên, ông Pompeo cho rằng nhà lãnh đạo Nga là “kẻ xấu xa”.

Ông nhớ lại khi nhìn vào mắt ông Putin, “Tôi không nhìn thấy linh hồn. Tôi nghĩ [ông ấy là] kẻ xấu. Không thể nhầm lẫn được, ông ta là kẻ xấu”.

Ông Pompeo tin rằng tham vọng của ông Putin “không thay đổi”, kể từ khi ông thực hiện động thái lấy lại Bán đảo Crimea vào năm 2014.

“Chúng ta luôn cho rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, cách đây gần một năm. Nhưng cuộc chiến thực sự bắt đầu vào năm 2014″, ông nói.

“Sau đó, trong bốn năm, ông Putin không xâm chiếm châu Âu. Ông ấy không chiếm thêm một tấc lãnh thổ nào. Tuy nhiên sau khi chính quyền ông Trump rời nhiệm sở, ông Putin lại tiếp tục. Tôi tin rằng đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”, ông nói thêm.

Ông Pompeo tin rằng ông Putin đã “chùn bước” trước sự “đáng gờm” của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

“Hoa Kỳ đã khiến nền kinh tế của Nga rơi vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi đã xây dựng quân đội Mỹ. Chúng tôi đã khiến các thành viên NATO đóng góp thêm 40 tỷ USD cho NATO”, ông lập luận.

“Tôi tin rằng ông Vladimir Putin có nhận thức khác về căn bản. Và sự nản lòng này phụ thuộc vào nhận thức của đối thủ về rủi ro”, ông tiếp tục.

Ông Pompeo tin rằng, nhà lãnh đạo Nga sẽ cảm thấy nguy hiểm hơn nếu Nga tấn công Ukraine “dưới sự giám sát của chính quyền cựu Tổng thống Trump”.

“Tôi cho là ông Putin sẽ nghĩ rằng, [việc Nga xâm lược Ukraine] sẽ không có chút rủi ro nào dưới chính quyền Tổng thống [Joe] Biden”, ông Pompeo nói.

Phản ứng chậm trễ của phương Tây
Ông Pompeo không đồng tình với quan điểm cho rằng Tổng thống Joe Biden đang dẫn đầu phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời chỉ trích cách các quốc gia khác xử lý khủng hoảng.

Ông nói: “Phương Tây đã chậm chạp, muộn màng và lo sợ leo thang, và đó là một sai lầm”.

“Và vì vậy chúng ta nên cố gắng hết sức để khắc phục điều đó ngay hôm nay. Chúng ta nên cung cấp cho họ những thứ họ cần, đồng thời đặt Ukraine và phương Tây vào vị thế khiến cho ông Vladimir Putin nhận thức được rằng điều tồi tệ sắp xảy ra. Đây là giải pháp để khôi phục khả năng răn đe”, ông nói thêm.

Ông Pompeo đã vạch ra các bước có thể dẫn đến “một giải pháp ngoại giao” cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.

“Giải pháp ngoại giao sẽ bắt đầu bằng việc: Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là châu Âu, phải cung cấp các công cụ mà người dân Ukraine cần để chiến đấu và bảo vệ chủ quyền của chính họ”, ông nói.

Ông Pompeo nói rằng động thái này sẽ “đặt Tổng thống Putin vào thế yếu khi tiến hành đàm phán với Tổng thống Ukraine Zelenskyy và người dân nước này”.

Ông nói: “Họ sẽ phải tự tìm ra giải pháp [đàm phán] cuối cùng”.

Tại sao Trung Quốc lại sử dụng khinh khí cầu để do thám Mỹ cho dù đang sở hữu vệ tinh?

Tin tức về một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị nghi ngờ trôi nổi trên bầu trời Mỹ khiến nhiều người tự hỏi rằng tại sao Bắc Kinh lại muốn sử dụng một công cụ tương đối thô sơ để giám sát lục địa Mỹ.

Theo BBC, khả năng của loại khinh khí cầu đặc biệt này vẫn chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia cho rằng nó đóng vai trò chỉ như một “tín hiệu” mà Trung Quốc gửi đến Mỹ hơn là một mối đe dọa an ninh.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Chuẩn tướng Pat Ryder, chiếc khinh khí cầu do thám này có “trọng tải lớn bên dưới bộ phận do thám” và đã “lảng vảng” trên bầu trời tiểu bang Montana ở miền Tây nước Mỹ. Đây là địa điểm đặt các hầm chứa tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ (trong đó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III).

Sự kiện này xảy ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này khiến ông trở thành quan chức đầu tiên của Mỹ ở cương vị này làm như vậy.

Theo BBC, nhà phân tích không lực độc lập He Yuan Ming cho rằng: “Bắc Kinh có lẽ đang cố gắng gửi tín hiệu tới Washington: ‘Mặc dù chúng tôi muốn cải thiện quan hệ, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng cạnh tranh lâu dài, sử dụng mọi biện pháp cần thiết’, mà không gây căng thẳng nghiêm trọng”.

Ông nói thêm: “Và còn công cụ nào tốt hơn cho việc này ngoài một chiếc khinh khí cầu trông có vẻ vô hại”.

Thực ra, khinh khí cầu là một trong những hình thức lâu đời nhất của công nghệ giám sát. Quân đội Nhật Bản đã sử dụng chúng để phóng bom gây cháy ở Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Chúng cũng được Mỹ và Liên Xô sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Lạnh.

Gần đây hơn, Hoa Kỳ được cho là đang xem xét bổ sung các thiết bị bơm hơi tầm cao vào mạng lưới giám sát của Lầu Năm Góc. Khinh khí cầu hiện đại thường bay lơ lửng trong khoảng 24 km – 37 km trên bề mặt trái đất.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết khinh khí cầu ở độ cao cao hơn đáng kể so với các chuyến bay hàng không dân dụng. Cơ quan này cũng cho biết họ rất chắc chắn rằng khinh khí cầu là của Trung Quốc.

Nhưng chuyên gia Trung Quốc Benjamin Ho cho biết Bắc Kinh có công nghệ giám sát tinh vi hơn.

Tiến sĩ Ho, điều phối viên của chương trình Trung Quốc giải thích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, giải thích: “Họ có những phương tiện khác để theo dõi cơ sở hạ tầng của Mỹ, hoặc bất kỳ thông tin nào họ muốn lấy. Khinh khí cầu là để gửi tín hiệu cho người Mỹ, đồng thời cũng để xem người Mỹ sẽ phản ứng thế nào”.

Thậm chí có khả năng là Trung Quốc muốn Mỹ phát hiện ra khinh khí cầu của họ.

Arthur Holland Michel đến từ Hội đồng đạo đức trong các vấn đề quốc tế của Carnegie cho biết: “Trung Quốc có thể đang sử dụng khinh khí cầu để chứng minh rằng họ có khả năng công nghệ tinh vi để xâm nhập không phận Hoa Kỳ mà không gây nguy cơ leo thang nghiêm trọng. Về vấn đề này, khinh khí cầu là một lựa chọn khá lý tưởng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng khinh khí cầu có thể được trang bị công nghệ hiện đại như camera do thám và cảm biến radar, và có một số lợi thế khi sử dụng khinh khí cầu để giám sát – chủ yếu là do nó rẻ hơn và dễ triển khai hơn so với máy bay không người lái hoặc vệ tinh.

Tốc độ chậm hơn của khinh khí cầu cũng cho phép nó lảng vảng và theo dõi khu vực mục tiêu trong thời gian dài hơn. Mặt khác, chuyển động của một vệ tinh bị hạn chế trong phạm vi quỹ đạo của nó.

Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận đã phóng khinh khí cầu, Michel nói rằng chính Trung Quốc chứ không ai khác có thể chịu trách nhiệm.

“[Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ] có thể sẽ không nói rằng đó là khinh khí cầu của Trung Quốc trừ khi họ có mức độ chắc chắn khá cao rằng đó là thứ gì”.

He Yuan Ming cho rằng việc đường bay dự kiến của khinh khí cầu gần một số căn cứ tên lửa nhất định của Mỹ cho thấy khó có khả năng nó là một khinh khí cầu thông thường bị chệch hướng.

Canada triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì vụ khinh khí cầu gián điệp


Sự cố khinh khí cầu gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ gây chấn động ở Mỹ mà còn khiến Canada bất bình. Hôm thứ Sáu (3/2) phía Canada cho biết họ đã triệu Đại sứ Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) của Trung Quốc về vụ việc.

Theo Global News của Canada, các nguồn tin cho biết khinh khí cầu giám sát của ĐCSTQ đã ở trong không phận Canada một khoảng thời gian.

Lãnh đạo Pierre Poilievre của Đảng Bảo thủ Canada gọi sự cố khinh khí cầu gián điệp là “đáng phẫn nộ”.

Ông nói với các phóng viên ở Ottawa: “Thật đáng phẫn nộ khi một chính phủ nước ngoài thù địch đã đặt một khinh khí cầu do thám trong không phận của chúng ta, khinh khí cầu này tiếp tục quá cảnh vào vùng tây bắc Mỹ, và điều đó rất đáng lo ngại”; “Canada chúng ta không dung thứ cho hoạt động gián điệp của nước ngoài, và chúng ta cần hợp tác với các đối tác ở Mỹ để truy cứu trách nhiệm của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.

Global News chỉ ra nhiều chi tiết về vụ việc vẫn chưa rõ ràng, bao gồm cả thời điểm và địa điểm khinh khí cầu đi vào không phận Canada.

Các quan chức Canada chưa công khai cho biết liệu khinh khí cầu do thám Trung Quốc có bay qua không phận Canada hay không, văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand từ chối bình luận.

“Hôm qua Canada đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Canada liên quan đến các tình huống được mô tả trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng”, phát ngôn viên Maéva Proteau của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết trong một email gửi tới Global News hôm thứ Sáu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thông qua nhiều kênh để thể hiện mạnh mẽ quan điểm với nhà chức trách Trung Quốc”, phát ngôn viên Proteau nói.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Canada cho biết tình hình của Canada an toàn, chính phủ liên bang đang thực hiện các bước để bảo vệ không phận của mình, bao gồm cả việc giám sát để đề phòng một sự cố tiềm tàng thứ hai.

CNN đã yêu cầu Canada làm rõ “sự cố tiềm tàng thứ hai”, nhưng Chính phủ Canada phản hồi họ không có thêm thông tin nào để chia sẻ vào thời điểm này.

“Cơ quan tình báo của Canada đang làm việc với đối tác Mỹ và tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ thông tin nhạy cảm của Canada khỏi các mối đe dọa tình báo nước ngoài”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Canada cho biết vào tối thứ Năm.

Theo Bộ Quốc phòng Canada, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đang tích cực theo dõi chuyển động của khinh khí cầu. NORAD là cơ quan phụ trách giám sát các mối đe dọa trên không đối với Bắc Mỹ.

Hôm thứ Sáu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi rằng khinh khí cầu trên bầu trời Mỹ được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và khoa học khác, chúng có tính chất dân sự. Tuy nhiên thực tế cho thấy khả năng cơ động của khinh khí cầu do thám và đang bay về phía trung tâm Hoa Kỳ đã đập thẳng vào mặt tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng khinh khí cầu này chỉ là thiết bị “dân sự” với khả năng “tự lái” còn rất hạn chế và đã đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ vì trôi theo làn gió.

“Chúng tôi biết đây là khinh khí cầu (gián điệp) của Trung Quốc và nó có khả năng cơ động,” Chuẩn tướng Không quân Patrick Ryder nói trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, từ chối cho biết chính xác nó được cung cấp năng lượng như thế nào hoặc ai ở Trung Quốc đang điều khiển đường bay của nó.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến bắt đầu vào thứ Sáu vì sự hiện diện khinh khí cầu Trung Quốc ở không phận Hoa Kỳ, điều mà giới chức Hoa Kỳ gọi là “vi phạm trắng trợn” chủ quyền Hoa Kỳ.

Bắc Kinh nói Mỹ lấy cớ vụ khinh khí cầu để bôi nhọ Trung Quốc

Hôm thứ Bảy (4/2), Bắc Kinh cho biết việc các phương tiện truyền thông và chính trị gia Hoa Kỳ tận dụng dụng cáo buộc rằng Trung Quốc thả khinh khí cầu gián điệp là nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

Vụ khinh khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu hủy bỏ chuyến công du hiếm hoi tới Bắc Kinh.

Ngay trước khi quyết định hủy bỏ chuyến thăm, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “lấy làm tiếc” và đổ lỗi cho gió đã đẩy cái mà họ gọi là khí cầu dân sự vào không phận Hoa Kỳ.

Vào thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố khác đề cập đến thông báo của ông Blinken.

“Trung Quốc … chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào,” tuyên bố nói.

“Một số chính trị gia và phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ đã sử dụng sự cố (khinh khí cầu) như một cái cớ để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc.”

Tuyên bố nói thêm rằng vụ việc là một “tai nạn bất khả kháng” và Trung Quốc “luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố rằng báo cáo về khinh khí cầu bị nghi là gián điệp của Trung Quốc được phát hiện trên không phận Hoa Kỳ là một “thuyết âm mưu.”

“Thuyết âm mưu về một khinh khí cầu do thám bay qua Montana, nơi đặt một trong ba bãi phóng tên lửa hạt nhân nội địa của Mỹ, đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở Mỹ, mặc dù bức ảnh họ chụp không rõ ràng và không có dấu hiệu nào liên kết nó với Trung Quốc cả,” bài báo đăng trên China Daily viết.

Khinh khí cầu bị nghi ngờ được tìm thấy lơ lửng trên Montana, sau khi bay qua Quần đảo Aleutian của Alaska và Canada. Các quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng họ tin tưởng rằng “khí cầu giám sát tầm cao” này đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng khinh khí cầu là một “khí cầu” dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng, đồng thời nói thêm rằng gió đã thổi khí cầu ra khỏi đường đi “đã được lên kế hoạch”.

“Phía Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khí cầu vô tình đi vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng,” Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Khinh khí cầu được cho là đã bay lượn trên không phận Hoa Kỳ trong vài ngày, nhưng Lầu Năm Góc đã quyết định không bắn hạ nó, với lý do lo ngại về an toàn cho những người dưới mặt đất. Khinh khí cầu đã được Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) theo dõi.

Đã có những suy đoán cho rằng Trung Quốc có thể đã cố gắng quan sát các hầm chứa tên lửa ở Montana, nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom, một trong ba căn cứ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ duy trì và vận hành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng họ không có ý định vi phạm không phận của Mỹ.

Hôm thứ Sáu, cây viết Zhang Zhouxiang của China Daily cho biết tuyến đường ngắn nhất giữa Bắc Kinh và Montana dài hơn 9.000 km, “khiến không thể kiểm soát chính xác chuyến bay của khinh khí cầu này.” Ngoài ra, khinh khí cầu giám sát được sử dụng làm công nghệ quân sự đã lỗi thời, có từ thế kỷ 20, ông Zhouxiang viết.

“Những người bịa đặt lời nói dối về khí cầu rõ ràng đang cố gắng miêu tả Trung Quốc theo hai cách trái ngược nhau, cả hai cách đều thiếu không thiện ý; họ rất muốn mô tả Trung Quốc như một kẻ thù đến nỗi họ từ bỏ mọi lý lẽ trong quá trình này, vạch trần sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chung của họ ở mức độ cao nhất,” bài báo trên China Daily viết.

Related posts