Lời người dịch:Tiểu thuyết Rực Rỡ Những Bình Minh (A Thousand Splendid Suns) xoay quanh nhân vật chính: Mariam, đứa con rơi của Jalil, một người đàn ông giầu sang và quyền thế (đã có ba vợ) với người đầy tớ gái (Nana).
Số phận người đàn bà trong một xã hội không có sự bình đẳng nam nữ, giữa thời kỳ chiến tranh với Liên Xô và sau đó là chế độ áp bức độc đoán của Taliban được phơi bày qua những gian nan mà Mariam phải gánh chịu; bắt đầu bằng sự kiện cô bị ép gả cho Rasheed, một người thợ đóng giầy lớn tuổi, góa vợ.
Trích đoạn sau đây từ chương 11 của Rực Rỡ Những Bình Minh của tác giả Khaled Hosseini, kể lại những ngày đầu của Mariam trong cuộc sống làm vợ người đàn ông mà cô chỉ biết một cách mơ hồ. Tên truyện “A Thousand Splendid Suns” lấy từ câu thơ của một thi sĩ Ba Tư thế kỷ 17, mô tả nét đẹp của Afghanistan. A Thousand Splendid Suns do Penguin Books Ltd xuất bản năm 2007. ISBN 978-1-59448-950-1.
Mariam chưa bao giờ đeo khăn trùm đầu. Rasheed phải giúp cô đội nó lên. Phần đệm phía trên đỉnh đầu chật chội đè nặng lên xương sọ, và lối nhìn thế giới xuyên qua lớp màn che thật lạ lẫm. Cô diễn tập đi qua đi lại trong phòng và cứ luôn bị sẩy chân vì giẫm phải những mép vải viền phía dưới. Mất đi tầm nhìn chu vi quả là một điều đáng sợ và cô không thích cảm giác ngột ngạt của những nếp gấp luôn bám rít vào miệng cô.
“Rồi em sẽ quen thôi,” Rasheed nói. “Anh tin từ từ rồi em sẽ thích.”
Họ đón chuyến xe buýt đến chỗ Rasheed gọi là công viên Shar-e-Nau, nơi trẻ con xô đẩy nhau trên những chiếc xích đu và đánh bóng chuyền qua tấm lưới rách tả tơi được chăng giữa những thân cây. Họ cùng đi dạo và xem đám con trai thả diều, Mariam đi bên cạnh Rasheed, thỉnh thoảng lại trật bước khi giẫm lên mép vải viền. Rasheed dắt cô đi ăn trưa ở quán thịt nướng gần đền thờ Hồi Giáo. Sàn nhà nhớp nháp và không khí ngập đầy khói. Vách tường thoang thoảng mùi thịt sống và tiếng nhạc inh ỏi. Rasheed giải thích với cô đó là loại nhạc truyền thống của Afghanistan gọi là logari. Đầu bếp là những đứa con trai ốm tong teo, một tay quạt những xâu thịt còn tay kia thì đập muỗi. Mariam chưa bao giờ được đến quán ăn nên thoạt đầu cô cảm thấy ngại ngùng khi ngồi trong căn phòng đầy những người lạ và vừa phải cứ vén lên vén xuống tấm mạng che để bỏ những mẩu thức ăn vào miệng. Chút dấu vết của lo âu đang sôi sục trong cô, cảm giác hệt như cái buổi trước lò đất. Nhưng sự có mặt của Rasheed an ủi cô phần nào và chẳng bao lâu cô không còn bị khó chịu bởi âm nhạc hay khói thuốc và cả con người nữa. Và cô ngạc nhiên khám phá ra rằng lớp khăn trùm cũng thật thoải mái. Nó như là vuông cửa sổ một chiều. Ở trong đó, cô là người quan sát, cách ly khỏi những ánh nhìn soi mói của kẻ lạ. Cô không còn phải lo lắng rằng chỉ cần xuyên qua một ánh nhìn, người ta sẽ biết hết những bí mật xấu hổ về quá khứ của cô.
Trên đường đi, Rasheed kể tên chính xác từng tòa cao ốc: đây là đại sứ quán Mỹ, anh nói, đó là bộ ngoại giao. Anh chỉ những chiếc xe, kể từng tên một và nơi chúng được sản xuất: Volga của Liên Xô, Chevrolet của Mỹ, Opel của Đức.
“Em thích chiếc nào nhất?” anh hỏi.
Mariam ngập ngừng, chỉ về hướng chiếc Volga, và Rasheed bật cười.
Thủ đô Kabul đông đúc hơn những góc bé nhỏ của Herat mà Mariam đã được thấy qua. Ít cây cối hơn và ít những chiếc xe ngựa kéo hơn, nhưng nhiều xe hơi, các tòa cao ốc, nhiều đèn giao thông và đường trải nhựa. Và ở khắp mọi nơi trong thành phố, Mariam nghe người ta dùng một thứ tiếng địa phương lạ lẫm: “Thân yêu” được gọi là jan thay vì jo, “chị em” trở thành hamshira thay vì hamshireh, và nhiều từ ngữ khác nữa.
Từ một quầy hàng bên vỉa hè, Rasheed mua cho cô một ly kem. Đó là lần đầu tiên Mariam được ăn kem và cô chưa bao giờ tưởng tượng được hương vị lại đặc biệt đến thế. Cô ngấu nghiến cả ly kem, lớp quả hồ trăn nhuyễn rắc bên trên, những cọng mì mỏng dưới dáy. Cô kinh ngạc bởi vị giác mịn màng mê mẩn và cái ngọt ngào đa dạng của nó.
Họ bước vào một chỗ gọi là Kocheh-Morgha, đường Gà. Đó là một khu họp chợ chật hẹp và đông đúc nằm trong khu phố mà Rasheed bảo là một trong những khu vực giàu có nhất của Kabul.
“Các nhà ngoại giao nước ngoài, các thương gia giàu có, thân thích của hoàng tộc sống quanh đây. Những loại người như thế. Không giống như em và anh.”
“Em chẳng thấy con gà nào.” Mariam nói.
“Đó là một trong những thứ em sẽ không tìm thấy ở đường Gà,” Rasheed cười. Con đường đầy những cửa hiệu và các quầy hàng nho nhỏ bán nón da cừu và áo khoác truyền thống của Afghanistan. Rasheed dừng lại để xem một con dao chạm bạc trong một cửa tiệm rồi ghé vào tiệm khác để ngắm một khẩu súng cũ kỹ mà người bán hàng bảo đảm nó chính là di tích từ cuộc chiến chống Anh Quốc lần đầu tiên.
“Còn tôi là Thủ Tướng Do Thái,” Rasheed lẩm bẩm. Anh cười nửa nụ với Mariam, nụ cười ấy dành riêng cho cô. Một nụ cười riêng tư, đã cưới hỏi. Họ tản bộ qua tiệm bán thảm, tiệm đồ thủ công, tiệm bánh, tiệm bán hoa, và những cửa tiệm bán y phục đàn ông cùng trang phục phụ nữ, và, trong các nơi ấy, phía sau tấm mạng che, Mariam thấy những cô gái khâu nút và ủi cổ áo. Thỉnh thoảng Rasheed chào hỏi một người chủ tiệm quen biết, có lúc bằng tiếng Ba Tư có lúc bằng thổ ngữ Pashto. Lúc họ bắt tay hoặc hôn lên má nhau, Mariam đứng cách xa vài thước. Rasheed không vẫy cô lại và cũng không giới thiệu cô.
Anh bảo cô đứng chờ bên ngoài một cửa tiệm hàng thêu. “Anh quen người chủ tiệm,” anh nói. “Anh ghé vào chào họ chút xíu.”
Mariam chờ bên ngoài trên một lề đường đông đúc. Cô nhìn xe cộ lăn bánh trên đường Gà, xuyên qua đám đông người bán hàng rong và khách bộ hành, bóp kèn xua lũ trẻ con và bầy cừu không chịu tránh đường. Cô nhìn những thương gia đầy vẻ chán nản trong những quầy hàng chật hẹp, hút thuốc, hay nhổ vào những ống nhổ bằng đồng, thỉnh thoảng họ ló khuôn mặt ra khỏi bóng tối để rao hàng gồm vải vóc hay những chiếc áo cổ lông thú cho khách đi đường.
Nhưng chính những người đàn bà mới gợi sự chú ý của Mariam nhiều nhất.
Phụ nữ trong khu vực này của Kabul là một dòng khác với các phụ nữ trong những khu nghèo túng lân cận – như nơi mà cô và Rasheed sinh sống, nơi rất nhiều phụ nữ che kín người hoàn toàn bằng trang phục. Những người đàn bà ở đây thì – Rasheed đã dùng chữ gì nhỉ – tân thời. Đúng rồi, những phụ nữ Afghanistan tân thời kết hôn với những người đàn ông tân thời, không bận tâm chuyện vợ mình chen chúc giữa đám người lạ với khuôn mặt điểm trang và không đội gì trên đầu. Mariam nhìn họ bước đi thoăn thoắt không ngại ngần trên đường phố, có lúc cùng người đàn ông, đôi khi một mình, đôi khi với đám trẻ má đỏ hồng mang giầy bóng và đeo đồng hồ dây da, những đứa trẻ chạy xe đạp tay lái cao và tăm xe mầu vàng – không như trẻ con ở dưới quê, mang những vết sẹo do ruồi cát chích trên má và chơi đánh vòng bánh xe bằng gậy.
Những phụ nữ này đeo túi xách đong đưa và váy đầm sột soạt. Mariam còn thấy được một người hút thuốc phía sau tay lái một chiếc xe. Móng tay họ dài, sơn mầu xanh hay cam, môi họ đỏ như hoa uất kim hương. Họ mang giầy cao gót, và đi mau như thể thường xuyên bận rộn công chuyện khẩn cấp. Họ đeo kính râm, và, khi họ đi lướt qua, Mariam ngửi được mùi nước hoa của họ. Cô tưởng tượng rằng tất cả những phụ nữ ấy đều có bằng cấp đại học, rằng họ làm việc văn phòng trong những dinh thự, phía sau bàn làm việc riêng của họ, nơi họ đánh máy, hút thuốc và gọi điện thoại đến những nhân vật quan trọng. Những phụ nữ ấy làm Mariam hoang mang. Họ làm Mariam phát hiện sự cô đơn của mình, cái vẻ thô sơ, sự thiếu vắng khát vọng nơi cô, sự dốt nát của cô về bao nhiêu thứ.
Rồi Rasheed chạm nhẹ tay lên vai cô và đưa cô thứ gì đó.
“Này em.”
Đó là một tấm khăn choàng bằng lụa mầu hạt dẻ với tua đính hạt chuỗi và đường viền thêu chỉ vàng.
“Em thích không?”
Mariam nhìn lên. Rasheed đã làm một điều cảm động . Anh chớp mắt tránh tia nhìn của cô. Mariam nghĩ đến cha mình, nghĩ tới dáng vẻ vui nhộn khi ông đẩy những đồ trang sức về phía cô, sự vui tươi tràn ngập đến nỗi căn phòng không còn chỗ chứa thứ gì khác ngoài sự biết ơn ngoan ngoãn.
Mẹ cô đã nghĩ rất đúng về những món quà của cha cô. Chúng là những biểu lộ hờ hững, của sự ăn năn, là những cử chỉ mục nát và thiếu thành thật dùng với mục đích xoa dịu chính ông ta hơn là cho Mariam. Mariam thấy chiếc khăn choàng này mới là món quà tặng đúng nghĩa.
“Đẹp quá,” cô nói.
Khaled Hosseini
Bản tiếng Việt – Hoàng Chính