Alan Turing là ai mà có hình trên tờ 50 đồng bảng Anh?

Cách đây mấy tuần, vào đầu Tháng Bảy, 2019, Ngân Hàng Anh Quốc loan báo là vào cuối năm 2021 tờ giấy bạc £50 (Anh kim) sẽ in hình ông Alan Turing.

Ông Alan Turing không phải là một chính trị gia, không phải là một chiến sĩ anh hùng, cũng không phải là một người nổi tiếng về văn chương, hội họa hay các ngành nghệ thuật khác. Thế thì ông Alan Turing là ai mà được hân hạnh in hình trên tiền?

Làm sao ông Alan Turing được chọn?

Ngân Hàng Anh Quốc hỏi dân chúng Anh đề nghị một khoa học gia có nhiều công đóng góp cho nhân loại để in hình lên tờ giấy bạc 50 Anh kim. Theo mạng BBC thì trong sáu tuần nhà băng nhận được 227,299 đề nghị cho 989 khoa học gia. Một hội đồng đã chọn lọc và rút lại còn một danh sách ngắn trong đó, ngoài ông Alan Turing còn có các nhân vật nổi tiếng khác như Paul Dirac, Ada Lovelace, Stephen Hawking, James Maxwell, và Srinivasa Ramanujan.

Nhưng cuối cùng ông Alan Turing được chọn vì ngoài những đóng góp quan trọng trong ngành toán và điện toán ông ta còn có công lớn trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông Mark Carney, thống đốc Ngân Hàng Anh Quốc, cho biết là trên tờ giấy bạc ngoài hình ông Alan Turing còn có những biểu tượng cho những đóng góp lớn của ông Alan Turing:

-Một cái bảng và một công thức toán học trong bài khảo cứu mà nhiều người cho là nền tảng của công nghệ máy tính điện tử sau này.

-Một họa đồ kỹ thuật của máy Bombe dùng để phá vỡ mật mã của Đức.

-Một mô hình máy tính Automatic Computing Engine, đây là một mô hình máy tính kỹ thuật số với chương trình lưu trữ (digital stored-program) theo kiểu mẫu của ông Alan Turing.

Ngoài ra còn một câu nói tiên đoán nổi tiếng của ông Alan Turing trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Times vào Tháng Sáu, 1949: “This is only a foretaste of what is to come, and only the shadow of what is going to be” (Đây chỉ là sự nếm thử những gì sẽ tới, và chỉ là cái bóng của những gì sẽ xảy ra). Đúng là như vậy, bây giờ đa số những gì xảy ra đều qua máy tính.

Cuộc đời ông Alan Turing

Ông Turing sinh ra đời vào ngày 23 Tháng Sáu, 1912, con của một công chức. Ông theo học một trường trung học nổi tiếng, rồi ông học đại học ở King’s College thuộc Đại Học Cambridge từ năm 1931 tới 1934. Sau khi tốt nghiệp ông được cấp một học bổng ở King’s College để tiếp tục công việc khảo cứu. Sau đó ông qua Đại Học Princeton bên Hoa Kỳ để làm luận án tiến sĩ.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1938 ông trở về King’s College và tham gia vào việc giải mật mã của quân đội Đức. Ông và nhóm toán học gia đã thành công trong việc này và đã giúp Đồng Minh biết trước được những toan tính của Đức Quốc Xã. Vì công lao đó năm 1946 ông được trao tặng huân chương OBE (Officer of the Most Excellent Order of the British Empire).

Nhưng chỉ sáu năm sau ông bị kết án về tội đồng tính luyến ái (hồi đó đồng tính luyến ái là một tội). Để tránh bị tù, ông đồng ý để bị “thiến hóa học” (chemical castration). Vào năm 1954 ông Alan Turing tự tử bằng cách cắn vào một trái táo có tẩm thuốc độc xyanua (cyanide). Lúc đó ông Alan Turing mới có 42 tuổi.

Hơn 50 năm sau, vào năm 2009 Thủ Tướng Anh Gordon Brown, đại diện chính phủ Anh đã chính thức xin lỗi về việc kết án ông Turing. Nữ Hoàng Anh cũng ân xá ông (sau khi chết) vào năm 2013. Cuộc đời ông Alan Turing đã được tiểu thuyết hóa và làm thành phim “The Imitation Game” vào năm 2014.

Những đóng góp của ông Alan Turing

-Máy tính: Vào năm 1936, trong khi làm luận án tiến sĩ ông Alan Turing công bố một bài khảo cứu có tựa đề “On Computable Numbers, with an application to the Entscheidungsproblem” (Về những con số có thể tính toán, với một ứng dụng cho bài toán quyết định). Đây được coi như là nền tảng của công nghệ máy tính hiện đại.

Trong bài khảo cứu đó ông Alan Turing đưa ra một máy tính lý thuyết, sau này người ta gọi là máy Turing. Máy này trên lý thuyết có thể giải mọi bài toán mà có thể diễn tả bằng những chỉ lệnh (instruction) đơn giản và mã hóa trên một dải giấy dài.

Thí dụ một máy Turing có thể tính căn số bậc hai, một máy khác có thể giải một trò chơi. Ông Turing chứng minh là có thể xây dựng một máy phổ quát (universal) để mô phỏng mọi máy tính khác. Nói một cách khác, máy Turing là một máy giả định rất đơn giản nhưng có khả năng mô phỏng bất cứ thuật toán nào, dù rắc rối đến đâu.

Bàn cắm Enigma. 

-Phá mật mã của Đức Quốc Xã: Năm 1938 ông Alan Turing từ Hoa Kỳ trở về King’s College và tham gia vào cơ quan tối mật của chính phủ Anh Government Code and Cypher School (Trường Chính Phủ về Mã và Mật Mã). Khi chiến tranh bùng nổ thì ông làm việc ở tổng hành dinh của cơ quan ở Bletchley Park, Buckinghamshire.

Trước đó vài tuần chính phủ Ba Lan đã cung cấp cho chính phủ Pháp và Anh những chi tiết về việc người Ba Lan đã phát minh ra một máy gọi là Bomba có khả năng phá vỡ được mật mã Enigma. Enigma là máy mật mã hóa những thông tin của Đức trước khi truyền đi. Sự thành công của nhóm người Ba Lan là dựa vào phương pháp điều hành của máy Enigma. Nhưng Đức Quốc Xã đổi phương pháp đó vào Tháng Năm, 1939, và làm cho máy Bomba trở nên vô dụng.

Ông Alan Turing và nhóm ở Bletchley làm việc tích cực để giải mật mã của Enigma và đã chế tạo ra máy gọi là Bombe để phá vỡ mật mã Enigma. Từ đó đến năm 1942 ông Alan Turing còn hệ thống hóa việc giải mã những mật mã tinh vi khác của Đức. Vì công việc này ông Alan Turing được trao tặng huân chương OBE.

-Thông minh nhân tạo: Đa số các chuyên gia trong công nghệ thông minh nhân tạo (artificial intelligence, viết tắt là AI) đều cho rằng AI bắt đầu từ bài “Computing Machinery and Intelligence” của ông Alan Turing đăng trên tờ Mind, A Quarterly Review of Psychology and Philosophy, do Đại Học Oxford xuất bản vào năm 1950.

Ở ngay hàng đầu, dưới đề mục The Imitation Game (trò chơi bắt chước) ông Turing đã đưa ra câu hỏi: “can machines think?” (máy có thể nghĩ không?). Trong bài đó ông đưa ra một trắc nghiệm ông gọi là “the imitation game,” sau này người ta gọi là trắc nghiệm Turing (Turing test).

Trắc nghiệm Turing gồm một người gọi là người phán xét, người này đưa ra những câu hỏi qua một thiết bị cuối máy tính (computer terminal) cho hai đối tượng, một người và một máy tính. Nếu người phán xét không phân biệt được đối tượng nào là người và đối tượng nào là máy thì máy đạt tiêu chuẩn và có thể coi là máy có trình độ thông minh như người.

Lời đồn về biểu tượng của công ty Apple và ông Turing

Từ lâu đã có lời đồn là biểu tượng trái táo bị cắn một miếng của công ty Apple là để tưởng nhớ tới ông Turing. Nhưng đó chỉ là lời đồn không có thật. Trên Internet đã nói nhiều tới vụ này, nhiều trang mạng kể cả CNN đã nói là truyền thuyết đó không đúng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ivan Raszi của CreativeBits.org, ông Rob Janoff, nhà thiết kế của Apple, nói là ông ta không có ý đó khi vẽ biểu tượng cho Apple. Hơn nữa khi tài tử Stephen Fry hỏi ông Steve Jobs có phải biểu tượng của Apple dựa theo đời của ông Turing không, ông Jobs trả lời: “God, we wish it were” (Trời ơi, chúng tôi ước gì nó đúng như vậy).

Hà Dương Cự

Related posts