Vào sáng sớm một ngày cuối tháng 5 năm 1975, tôi vừa bước ra khỏi khu kiểm soát di trú và quan thuế của phi trường quốc tế Sydney thì gặp ngay Cựu Đại Sứ Đoàn Bá Cang đang chờ sẵn. Ông đã biết được chuyến bay tôi đến từ Bangkok qua ngả Singapore do các thân hữu và gia đình tôi ở Canberra cho hay.
Hai anh em tay bắt mặt mừng vì đã lâu lắm không có dịp gặp nhau mà lại gặp nhau trong hoàn cảnh tang thương của đất nước chỉ hơn 3 tuần lễ sau ngày 30 tháng 4. Anh hỏi tôi về chuyến vượt biển kinh hoàng trên chiếc thuyền thúng trong Vịnh Thái Lan. Phần tôi, tôi quan tâm hơn về tình trạng di trú của anh và gia đình, sau khi Đại Sứ Quán VNCH tại Canberra đóng cửa. Anh cho biết Thủ tướng Gough Whitlam đã bác đơn xin tị nạn chính trị và chỉ cho anh tạm trú 6 tháng tại Úc. Tôi không nói gì nhưng cảm nhận có lẽ tôi cũng phải đối diện với hoàn cảnh ấy. Và quả thật tại Canberra, khi một thân hữu, Tiến sĩ Robert O’Neill đưa tôi đến trình diện Bộ Lao Động và Di Trú liên bang một ngày sau, họ cũng chỉ cho phép tôi tạm trú 6 tháng mà thôi.
Do áp lực từ phía cộng sản Hà Nội và dự phòng bang giao tương lai với chế độ mới tại Việt Nam, chính phủ Whitlam nói chung đã không cho phép Đại Sứ Quán Úc tại Sài Gòn di tản một số người Việt khi nhiệm sở ngọai giao nầy đóng cửa ngày 25 tháng 4 và đã không chấp nhận định cư người Việt đã vượt thoát ra nước ngoài trước và sau ngày 30/4. Đối với một số rất nhỏ cựu viên chức ngoại giao VNCH, có ít nhất 3 người kể cả cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm (và là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Úc), đều đã phải ký cam kết không tham gia vào sinh hoạt chính trị. Cam kết này đã được hủy bỏ và chính sách định người tị nạn Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu khi Ông Malcolm Fraser thành lập chính phủ liên đảng Tự Do/Quốc Gia từ cuối năm 1975, sau chính biển ngày 11.11.1975 tại Canberra.
Ông Đoàn Bá Cang (1928-2019) là Đại sứ VNCH cuối cùng tại Canberra và chỉ mới phục vụ được khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, ông đã có một quá trình thành công rất đáng kể như là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và một chính trị gia.
Sinh tại Bến Tre ngày 18.08.1928 – một vùng được coi là chiếc nôi của Việt Cộng, Ông Đoàn Bá Cang thực ra lớn lên trong một gia đình khá giả. Sau khi hoàn tất học trình Trung Hoc Pháp tại Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, ông lên đường du học.
Trong một dịp Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Văn Bông do Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam tổ chức tại Sydney, Ông Đoàn Bá Cang đã kể lại kinh nghiệm khó quên. Trên chuyến tàu thuỷ Saigon-Marseille vào cuối thập niên 1940, Ông đã gặp một du học sinh khac, vốn là con nhà nghèo nhưng học rất giỏi: đó là Tiến sĩ tương lai Nguyễn Văn Bông (1929-1971). Ngoài học vị tiến sĩ Luật và Chính trị học tại Viện Đại Học Paris (Sorbonne), Giáo sư Nguyễn Văn Bông còn là một trong số rất ít học giả Việt Nam có bằng Thạc sĩ Công Pháp. Cũng tại Sorbonne, Ông Đoàn Bá Cang đã tốt nghiệp Cao Học ngành Công Pháp năm 1954, sau khi đã tốt nghiệp Cao Học ngành Tư Pháp năm 1953 và trước đó, văn bằng Cử Nhân Luật Khoa.
Ông Đoàn Bá Cang bước chân vào ngành ngoại giao Việt Nam tại Paris năm 1954, khi đất nước Việt Nam bị chia đôi. Sau đó, ông phục vụ tại Phnom Penh và Ankara, trước khi trở lại Đại sứ Quán Việt Nam Cộng Hoà tại Paris với chức vụ Cố Vấn Ngoại Giao năm 1964.
Năm 1965, Ông trở về Sài Gòn và tại Trung Ương Bộ Ngoại Giao, ông đảm nhận chức vụ Giám Đốc Nha Châu Âu và Châu Phi Sự Vụ. Đây là lúc mà tôi gặp ông lần đầu tiên khi tôi phục vụ tại Nha Châu Á Thái Bình Dương.
Ông Đoàn Bá Cang lớn hơn tôi một con Giáp và tôi thuộc thế hệ đàn em vì tôi gia nhập ngành ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà 11 năm sau. Kể từ thời điểm nầy, chúng tôi không còn có cơ hội gặp nhau nữa. Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ bổ nhiệm ông làm Cố Vấn tại Tokyo (1965-1967) và tôi bắt đầu phục vụ tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở London với tư cách một nhà ngoại giao trẻ.
Sau một thời gian tham chính mà tôi sẽ mô tả dưới đây, Ông Đoàn Bá Cang trở lại Tokyo với tư cách Sứ Thần (Minister Plenipotentiary) và làm Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Quán VNCH tại Nhật Bản.
Vào năm 1972, Ông Đoàn Bá Cang được thăng chức Đại sứ VNCH tại Wellington, New Zealand. Trong thời gian này, ông có dịp trở về Sài Gòn để nghe Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Ngoại trưởng Trần Văn Lắm trình bày về Hiệp Định Paris 1973 mà chính phủ VNCH đã dự đoán chính xác về hậu quả thảm khốc cho tương lai Việt Nam Tự Do. Ông giữ nhiệm vụ tại New Zealand đến cuối năm 1974 khi ông được cử làm Đại sứ VNCH tại Canberra.
Trong một công điện mật mà Đại Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn chuyển về Bộ Ngoại Giao ở Washington và Đại Sứ Quán Mỹ tại Wellington và Canberra, Ông Đoàn Bá Cang được mô tả như là một nhà ngoại giao “thông minh, hữu hiệu, cần mẫn, trong sạch và có lập trường thân thiện với Hoa Kỳ” (Nguồn: Department of State Cable 1974 – Confidential Page 2 Saigon 121 18 180553Z)
Về sinh hoạt chính trị, Ông Đoàn Bá Cang được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng trong chánh phủ Nguyễn Văn Lộc vào năm 1967-68. Theo các phúc trình mật của Trung Ương Tình Báo CIA tại Sài Gòn cũng như của Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng Hoà (mà nay đã được giải mật), Ông Đoàn Bá Cang được đánh giá như là một Bộ Trưởng cương quyết và có khả năng [Doan Ba]Cang was tough-minded and was performing brilliantly, trong một chánh phủ không đủ mạnh. Trong bối cảnh này, theo nhận xét của Đại Sứ Mỹ, Ông Đoàn Bá Cang cần được bổ nhiệm làm Phó Thủ Tướng để có đủ quyền lực phối hợp và thúc đẩy thực thi các chương trình của nội các Nguyễn Văn Lộc. Điều này đã không xảy ra, có lẽ vì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hình như muốn thay đổi toàn bộ nội các Nguyễn Văn Lộc.
(Nguồn:https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1964-68v06/d138)
1968 cũng là năm có các cuộc thảo luận sơ bộ chuẩn bị cho Hòa Đàm Paris. Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ bày tỏ ý muốn và được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đồng ý bồ nhiệm làm Trưởng Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hòa Đàm Paris. Phái đoàn này còn có một Nhóm Đặc Nhiệm Liên Lạc mà thành viên gồm Đại sứ Bùi Diễm tại Mỹ, Ls Vương Văn Bắc tại Sài Gòn, Ông Đặng Đức Khôi, Cố Vấn của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ… và Ông Đoàn Bá Cang vv… Điều làm tôi ngạc nhiên, là theo nguồn tin của Đại Sứ Mỹ, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đã chống đối sự tham gia của Bộ Trưởng Đoàn Bá Cang. Công điện mật không nói rõ lý do tại sao. Tuy nhiên, Ông Đoàn Bá Cang vẫn được chọn làm thành viên Nhóm Đặc Nhiệm này trong tư cách Cố Vấn “con thoi” giữa Sài Gòn và Paris vì sự hiểu biết của ông đối với chính trị nước Pháp. (Nguồn: CIA Cable May 10, 1968 101345Z)
Trong tư cách một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cũng như một chính trị gia, Ông Đoàn Ba Cang đã được tưởng thưởng Chương Mỹ Bội Tính Đệ Nhị Đẳng, Huân Chương Hành Chánh Đệ Nhất Đẳng và Huân Chương Dịch Vụ Công Chánh Đệ Nhất Đẳng.
Về mặt gia đình, thân mẫu của Ông Đoàn Bá Cang là một vị nữ lưu rất nổi tiếng: Cụ Bà Lê Thị Ẩn, Giám Đốc Hội Dục Anh trong rất nhiều năm tại Đường Cống Quỳnh, Sài Gòn. Ông Cang cũng là cháu của Nghị Sĩ Lê Văn Đồng trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Vào ngày 11.11.1975, một biến cố chính trị chưa từng có trong lịch sử Úc Châu đã xảy ra: Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn Quyền Liên Bang John Kerr sa thải. Đây cũng là lúc mà thời hạn 6 tháng tạm trú của chúng tôi sắp mãn. Tại Sydney, Ông Đoàn Bá Cang đã phải mua hai tờ báo để biết đó là sự thật. Sau khi chứng kiến diễn tiến lịch sử vô tiền khoáng hậu này tại Canberra, tôi điện thoại chúc mừng Anh Đoàn Bá Cang và đồng thời cũng chúc mừng cho chính mình. Chúng tôi trở thành thường trú nhân tại Úc theo một quyết định mới của chính phủ Malcolm Fraser.
Cựu Đại Sứ Đoàn Bá Cang mãn phần tại Sydney ngày 28.07.2019, hưởng thọ 91 tuổi. Nguyện cầu hương linh nhà ngoại giao xuất sắc sớm tiêu diêu Miền Cực Lạc.
Ls Lưu Tường Quang, AO
(Sydney 31.07.2019)