Thuyết tiến hóa là một thuyết quan trọng trong sinh học. Theo thuyết tiến hóa thì mọi sinh vật không phải đột nhiên mà xuất hiện với hình thể như bây giờ mà có một nguồn gốc rất khác và từ từ thay đổi theo thời gian cho đến hiện tại. Có nhiều khi hai giống vật có chung một gốc, thí dụ loài người và loài vượn.
Lịch sử thuyết tiến hóa
Mặc dù ông Charles Darwin được coi là cha đẻ của thuyết tiến hóa nhưng thật ra trước ông Darwin đã có nhiều khoa học gia và triết gia đã nói đến sự tiến hóa của muôn loài. Triết gia Anaximander thời Hy Lạp cổ đại suy đoán là mọi sinh vật theo một sự phát triển từ từ, đều từ hơi ẩm và dưới sự ảnh hưởng của nhiệt. Ông cũng gợi ý là nguồn gốc con người chắc phải là một loài động vật khác. Vì nếu loài người hiện hữu như bây giờ thì cần phải có rất nhiều thì giờ nuôi dưỡng và như vậy con người chắc không có thể tồn tại được.
Vào cuối thế kỷ thứ 18 khoa học gia người Pháp Jean Baptiste Lamarck là người đầu tiên dùng phương pháp khoa học để đưa ra thuyết tiến hóa. Ông là một nhà thực vật học, về sau nghiên cứu về loài vật không xương sống. Ông rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều điểm giống nhau của nhiều loài vật mà ông nghiên cứu. Điều này làm cho ông nghĩ rằng đời sống không cố định. Khi môi trường thay đổi thì sinh vật cũng phải thay đổi để tồn tại.
Cùng thời với ông Darwin có ông Alfred Russel Wallace cũng đưa ra thuyết tiến hóa. Ông Wallace là một nhà tự nhiên học, ông thu thập mẫu vật trên khắp thế giới để kiểm chứng thuyết tiến hóa. Ông Wallace và ông Darwin đã cùng công bố kết quả khoa học vào năm 1858. Điều này thúc đẩy ông Darwin làm việc ráo riết để xuất bản những giả thuyết và dữ kiện ông đã ấp ủ và giữ kín trong suốt 20 năm về thuyết tiến hóa.
Thuyết tiến hóa của Darwin
Năm 1859 ông Darwin xuất bản một cuốn sách có tựa đề “On the Origin of Species by Means of Natural Selection” (Về Nguồn Gốc của các Loài bằng sự Chọn Lọc Tự Nhiên). Có thể nói sách này là nền tảng của thuyết tiến hóa trong sinh học. Trong cuốn sách này ông Darwin trình bày thuyết tiến hóa với nhiều bằng chứng ông thu thập được từ hơn 20 năm trước trong chuyến viễn chinh trên chiếc thuyền HMS Beagle (HMS là viết tắt của Her (or His) Majesty’s Ship dùng để chỉ tàu của hải quân Anh).
-Cuộc viễn chinh trên chiếc thuyền HMS Beagle của Darwin: Năm 1931 ông Darwin lúc đó vừa ra trường và mới 22 tuổi nhận được thư mời đi theo trên thuyền Beagle với tư cách là một nhà tự nhiên học (naturalist). Chuyến đi vòng quanh thế giới này kéo dài gần năm năm, trong khi thuyền Beagle khảo sát đại dương và ven biển thì ông Darwin được tự do tìm hiểu thế giới thiên nhiên trên đất liền và các đảo, trong đó có quần đảo Galápagos.
Ông Charles Darwin.
Ông Darwin đã thu thập mẫu vật của trên 1,500 loài, nhiều loài chưa bao giờ thấy ở Anh Quốc. Ông đã đóng thùng và gửi mẫu vật về nước trước. Ông Darwin nói rằng chuyến đi trên tàu Beagle là biến cố trọng đại nhất trong đời ông và đã quyết định sự nghiệp của cả đời ông. Khi ông ra đi thì là một thanh niên trẻ còn có ý muốn trở thành linh mục, nhưng vì những mẫu vật ông gửi về đều đều nên khi trở về ông đã là một nhà tự nhiên học có tiếng.
Quần đảo Galápagos với nhiều sinh vật lạ đã khiến ông Darwin rất tò mò và muốn tìm hiểu lý do tại sao như vậy. Có nhiều loài chỉ có ở Galápagos mà không có ở nơi nào khác trên thế giới. Nếu quan sát kỹ thì các loài đó có rất nhiều điểm giống như những loài ở Nam Mỹ, nhưng lại hơi khác. Ông suy nghĩ là có thể các loài đó di tản từ đất liền nhưng với thời gian đã thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Đó là mầm mống của thuyết tiến hóa của ông Darwin. Vì ông Darwin quần đảo Galápagos bây giờ là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng.
Theo thuyết tiến hóa của ông Darwin thì mọi sinh vật trên trái đất đều có liên hệ với nhau bởi vì cùng phát triển từ một vật thể đơn giản. Theo thời gian những sinh vật phức tạp tiến hóa từ những sinh vật đơn sơ qua một quy trình gọi là sự chọn lọc tự nhiên (natural selection).
-Quy trình chọn lọc tự nhiên: Một thành viên trong một loài nào đó phát triển được một khả năng tốt hơn đồng loại, thí dụ chạy nhanh hơn, thì cơ hội sống sót cao hơn vì săn mồi giỏi hơn đồng loại. Khả năng ấy được truyền xuống con cháu và sinh sôi nảy nở. Như vậy dần dần loài vật đó sẽ có khả năng chạy nhanh hơn. Ngược lại nếu một thành viên của loài đó chạy chậm hơn đồng loại thì sẽ bị chết sớm và không truyền xuống con cháu khả năng xấu ấy. Đó là cốt lõi của thuyết tiến hóa, theo ông Darwin thì quy trình này xảy ra rất từ từ.
Một thí dụ nữa về quy trình chọn lọc tự nhiên là sự thay đổi của môi trường sống, nếu thành viên nào thích ứng với môi trường mới thì sống, nếu thành viên nào không thích ứng được thì sẽ bị thui chột và dần dần sẽ không không phát triển được nữa. Nếu cả một loài không ai thích ứng được thì loài đó sẽ bị tiệt chủng.
-Thuyết tiến hóa theo gien (gene): Vào thời ông Darwin thì người ta chưa có những kỹ thuật tinh vi như bây giờ, thí dụ người ta chưa khám phá ra DNA. Môn di truyền học (genetics) là môn học được phát triển vào thế kỷ thứ 20 đã cho thấy rõ chi tiết của quy trình chọn lọc tự nhiên. Sự biến thể của gien là điều căn bản của quy trình chọn lọc tự nhiên. Sự biến thể này được nảy sinh trong hai trường hợp, một là sự đột biến gien (gene mutation) và hai là sự tái hợp gien (gene recombination). Hiện tượng biến thể làm thay đổi những hoạt động của gien và đem lại những đặc điểm mới, có thể tốt và cũng có thể xấu. Nếu một đặc điểm tốt thì có thể giúp sự sống còn và truyền đến những đời sau. Sau nhiều đời có thế biến hóa thành một giống khác.
Quá trình tiến hóa của loài người
Theo cơ quan Smithsonian National Museum of Natural History (Viện Bảo Tàng Quốc Gia Smithsonian về Lịch Sử Tự Nhiên) thì sự tiến hóa của loài người từ một loài giống như vượn là một quá trình rất phức tạp. Quá trình đó xảy ra trong vòng 6 triệu năm.
Một đặc điểm của loài người là đứng thẳng hai chân xảy ra khoảng 4 triệu năm trước. Những đặc điểm khác như có bộ óc to, có khả năng chế tạo và dùng các dụng cụ, và khả năng ngôn ngữ thì được phát triển gần đây hơn. Những đặc điểm cấp cao như nghệ thuật thì mới có khoảng chừng 100,000 năm trước.
Con người hiện tại thuộc loài homo sapiens, tức là loài đứng thẳng, sống trên mặt đất (khác với loài vượn sống trên cây) và có nét văn hóa. Homo sapiens là thuộc loài linh trưởng (primate). Xét về thể chất và gien thì homo sapiens rất gần với một nhánh trong loài linh trưởng đó là loài tinh tinh (chimpanzee) bên Phi Châu. Thật vậy, gien của loài người và gien của tinh tinh chỉ khác nhau có khoảng từ 1% tới 2%.
Loài người không đứng yên mà vẫn còn tiến hóa. Vấn đề không biết loài người sẽ tiến hóa như thế nào trong vòng 1,000 hay 10,000 năm tới?
Hà Dương Cự
Nguồn tài liệu: www.iep.utm.edu, www.bbc.co.uk, www.darwins-theory-of-evolution.com