Trước tình thế đối diện với một phong trào phản kháng chưa từng có ở Hong Kong từ khi nhận lại nhượng địa này từ tay Anh quốc, càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn; sau một thời gian để cho nhà cầm quyền địa phương tìm cách giải quyết nhưng mãi không xong, ra vẻ Bắc Kinh nay đã hết kiên nhẫn và đã trực tiếp đối phó.
Lời lẽ của các giới chức Trung Cộng về tình hình Hong Kong mỗi lúc mỗi cứng rắn và đầy ý nghĩa hăm dọa hơn. Thêm vào đó tin tức về những cuộc điều động lực lượng an ninh và vũ trang bên kia ranh giới Hoa lục với đặc khu bán tự trị này càng làm tăng thêm mối lo ngại là Bắc Kinh có thể sẽ mạnh tay đàn áp sự phản kháng của người dân Hong Kong, kể cả việc sử dụng lực lượng quân đội. Nhiều người đã nhắc đến chuyện biến cố Thiên An Môn hồi đúng 30 năm trước và tự hỏi, liệu Trung Cộng có dám ra tay một cách hung bạo như vậy vào thời điểm này, đầu thế kỷ 21, hay không?
*
Sau một thời gian giữ im lặng, trong những ngày gần đây, các giới chức thuộc nhà cầm quyền trung ương của Trung Cộng liên tiếp lên tiếng cáo buộc người Hong Kong và đe dọa “không loại trừ việc đưa quân đội can thiệp để tái lập trật tự”.
Khi phong trào tại Hồng Kông phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Hoa Lục, thoạt tiên Bắc Kinh có vẻ coi thường, để yên cho chính quyền đặc khu tự giải quyết.
Thế nhưng từ khi người biểu tình tấn công vào trụ sở Nghị Viện Hồng Kông, bôi mực, ném trứng vào huy hiệu nhà nước Trung Cộng –biểu tượng của chính quyền trung ương, thì phản ứng của Bắc Kinh cứng rắn hẳn lên. Hôm 29/7 Văn Phòng Hồng Kông và Macao tại Bắc Kinh – Cơ quan thuộc nhà cầm quyền trung ương phụ trách quản trị 2 đặc khu này đã có cuộc họp báo chính thức về cuộc khủng hoảng. Tiếp theo đó, đến ngày 06/8 sau cuộc đình công toàn đặc khu hôm Thứ Hai 5/8, tức chỉ trong vòng 1 tuần, Văn Phòng HK và MC lại họp báo lần thứ nhì.
Tại cuộc họp báo ngay vào ngày Thứ Hai đầu tuần, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam nói “Bạo lực gia tăng cùng với hoạt động cực đoan cho thấy người biểu tình đang chuyển khỏi mục tiêu ban đầu, đang tiến xa hơn sự phản đối dự luật dẫn độ đơn thuần trong những cuộc biểu tình khởi sự từ trong 9 tuần trước. Họ đang đẩy Hồng Kông vào một tình huống vô cùng nguy hiểm; Họ đã lôi quốc kỳ xuống rồi vứt xuống biển đồng thời lớn tiếng kêu gọi một cuộc cách mạng giải phóng Hồng Kông… Những hành động này đã thách thức quyền lực nhà nước, đe dọa quy chế “nhất quốc lưỡng chế” và sẽ phá hủy sự thịnh vượng, ổn định của thành phố đã có lâu nay.
Bà ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu của người biểu tình: “Hãy Giải phóng Hồng Kông; đây là cuộc cách mạng của thời đại chúng ta ” [Liberate Hong Kong; revolution of our times] Họ giương cao khẩu hiệu đó cùng với bạo lực và vô pháp trong nhiều ngày là bằng chứng cho thấy phong trào phản kháng dự luật dẫn độ đã vượt ra khỏi Ý định ban đầu và đang thẳng thừng leo thang thành một chiến dịch chống nhà nước.
Rồi ngay sau cuộc tổng đình công khiến Hồng Kông tê liệt, hôm 06/8/2019, Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại đặc khu ra thông điệp cứng rắn chưa từng có “Kẻ nào đùa với lửa sẽ có ngày mất mạng vì lửa”. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của Văn Phòng Liên Lạc phụ trách Hồng Kông và Macao, đe dọa “Chớ bao giờ đánh giá thấp “thái độ cương quyết và sức mạnh vô biên” của chính quyền trung ương”. Đại diện nhà cầm quyền Trung Cộng khẳng định thủ phạm gây nên phong trào phản kháng chưa từng có hiện nay là “một nhóm rất nhỏ những kẻ tội phạm ưa bạo lực và vô liêm sỉ, cùng những thế lực ghê tởm đứng sau lưng”.
Theo giới quan sát, đây là phản ứng cứng rắn nhất của Trung Cộng kể từ khi phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Hoa Lục nổ bùng cách nay hai tháng.
*
Như thế, đó là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền trung ương Bắc Kinh này bắt đầu trực tiếp rat ay đối phó chứ không còn giao hẳn cho Đặc khu trưởng Carrie Lam và bộ máy chính quyền đặc khu nữa.
Cho tới nay, đối sách chống khủng hoảng Hồng Kông của Bắc Kinh chính yếu vẫn mới là đe dọa người biểu tình, đặc biệt bằng cách phô trương uy lực của quân đội, bắn tin cho biết là lực lượng vũ trang sẵn sàng hành động.
Ba mươi năm đã trôi qua nhưng hình ảnh máu me của một chế độ độc tài tàn ác sẵn sàng đưa chiến xa vào quảng trường Thiên An Môn lạnh lùng nghiền nát cuộc biểu tình ôn hòa vẫn chưa phai trong tâm trí người dân Trung Cộng cũng như cả thế giới. Trong mấy ngày gần đây 2 đoạn video được Bắc Kinh tung ra có tác động như lời hăm dọa tối hậu.
Video thứ nhất quay cảnh 12 ngàn Cảnh sát chống bạo động được trực thăng vận, tập dượt tại Quảng Đông, sát Hồng Kông. Video thứ hai do Quân đội Trung Cộng (Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc) đưa ra hình ảnh một lực lượng binh sĩ được trang bị hùng hậu tận răng, chuẩn bị súng ống đạn dược để ngăn chận một đám đông biểu tình, với sự yểm trợ của thiết giáp. Đoạn video này kết thúc ở hình ảnh người lính đội nón sắt đang cảnh cáo người biểu tình qua loa phóng thanh : “Tất cả những ai ở lại sẽ phải chịu trách nhiệm”. Đây cũng là mệnh lệnh, đúng từng chữ một, đã được đưa ra ngày 3/6/1989 ở quảng trường Thiên An Môn, trước khi phong trào sinh viên bị dìm trong biển máu.
Liệu như thế có phải nhà cầm quyền Trung Cộng đang chuẩn bị tung quân đội vào để “bình định” tình hình Hồng Kông, như họ đã từng làm tại Thiên An Môn vào năm 1989, hay chăng?
*
Về vấn đề này, hầu hết các nhà quan sát tình hình Trung Cộng đều cho rằng khó có thể xảy ra cảnh tượng Thiên An Môn tái diễn tại Hồng Kông. Lý do không phải vì nhà cầm quyền Bắc Kinh không dám mạnh tay với người biểu tình, mà chỉ là vì họ lo sợ những hậu quả như đã từng xẩy ra sau cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Một nhà nghiên cứu Pháp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, nhận định rằng nếu dùng quân đội để đàn áp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, Bắc Kinh “sẽ phải trả giá khá đắt vì chế độ ở Trung Quốc không hề bị đe dọa, trong lúc hậu quả quốc tế sẽ vô cùng mạnh mẽ”.
Cùng quan điểm, chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, cũng thuộc trung tâm CNRS, cho rằng: “Nếu Bắc Kinh dùng quân đội để đàn áp, Mỹ và Âu châu chắc chắn sẽ đề ra các biện pháp trừng phạt, và điều này có thể cô lập gắt gao Trung Quốc về mặt kinh tế”.
Theo ông Cabestan, “Hồng Kông còn là một thị trường kinh hết sức quan trọng đối với Trung Cộng, nơi có 1300 công ty đa quốc gia đặt trụ sở, vì vậy Bắc Kinh luôn quan tâm đến việc bảo vệ một hình ảnh an toàn và ổn định cho thị trường tài chính có thể cạnh tranh với các thành phố như Singapore”.
Về tình hình Hồng Kông, chuyên gia Pháp ghi nhận là đã có rất nhiều lời lẽ và động thái đe dọa, nhưng khả năng Bắc Kinh đưa quân vào đàn áp phong trào biểu tình Hồng Kông là điều đó khó có thể xảy ra.
Đối với ông Cabestan, trước thái độ kiên cường của người biểu tình Hồng Kông hiện nay, việc cho chiến xa và binh lính đổ bộ lên đặc khu đồng nghĩa với một cuộc thảm sát. Giáo sư Cabestan kết luận rằng “đó sẽ là một sai lầm chính trị lớn lao mà Tập Cận Bình không dại gì mắc phải.”
Nhà cầm quyền đặc khu Hong Kong, theo quy chế “một đất nước hai chế độ” nay đang trong thế “trên đe dưới búa”, một bên là áp lực phản kháng rộng rãi và thu hút mọi thành phần, mọi thế hệ người dân và một bên là thúc ép của nhà cầm quyền trung ương phải hành động! Từ trước tới nay, bề ngoài Bắc Kinh vẫn để cho chính quyền Hồng Kông tự giải quyết các vụ liên quan đến phong trào phản kháng, đòi dân chủ ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh này theo nguyên tắc đặc thù và cam kết khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Cộng. Nhà cầm quyền Hồng Kông, mặc dù do Bắc Kinh dựng lên và đứng sau giật dây, cho tới nay vẫn chưa dám thẳng tay dùng vũ lực trấn áp các phong trào biểu tình.
Nhưng trong buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm Thứ Ba 6/8, phát ngôn viên Văn phòng Liên lạc Trung Quốc, cơ quan đại diện cho nhà cầm quyền trung ương Trung Cộng tại đặc khu tuyên bố “Chúng tôi cho rằng, hiện tại, nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền Hồng Kông là trừng phạt các hành động bạo lực và bất hợp pháp, theo pháp luật, nhanh chóng tái lập trật tự và duy trì môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh”.
Tuyên bố trên được coi là chỉ thị của Bắc Kinh cho chính quyền đặc khu và cụ thể là Đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) người bị cho là bất lực trước làn sóng phản kháng. Đồng thời đó cũng là một cảnh cáo với người biểu tình rằng Bắc Kinh có thể sẽ nhập cuộc.
Một khi Bắc Kinh ra tay trấn áp phong trào phản kháng, thì đó chỉ có thể là những biện pháp rất mạnh tay, nếu không muốn nói là khốc liệt, như họ vẫn áp dụng ở Tân Cương, Tây Tạng hay bất cứ vùng nào, địa phương nào ở Hoa Lục mỗi khi có dấu hiệu của một phong trào đấu tranh ly khai, đòi dân chủ hay phản kháng chế độ.
Câu hỏi được đặt ra là phạm vi hành động của Bắc Kinh sẽ thế nào ở vùng đất vốn đã có 155 năm sống dưới thể chế dân chủ với người Anh?
Jean François Huchet, chủ tịch Viện Ngôn Ngữ Phương Đông của Pháp (INALCO), cho rằng quyết tâm của Bắc Kinh muốn tái lập trật tự nhanh chóng ở Hồng Kông có những mâu thuẫn trong phạm vi hành động. Theo ông Huchet, “Một mặt chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình không thể tỏ ra quá yếu. Mặt khác ông ta cũng không thể đi quá xa trong việc trấn áp khiến có thể làm tổn hại đến hình ảnh của cả chế độ Bắc Kinh trun gương, cũng như chế độ ở Hồng Kông”.
Việc đưa quân đội vào làm nhiệm vụ trấn áp biểu tình là một hạ sách chỉ có thể coi như là một giả thiết, dù Hiến Pháp của đặc khu bán tự trị này cho phép làm điều đó. Theo chuyên gia Jean-François Huchet, người có nhiều uy tín về Trung quốc, nói “điều động thiết giáp, chiến xa vào Hồng Kông để đè bẹp phong trào phản kháng sẽ dẫn đến một thảm họa kinh khủng. Vì thế Bắc Kinh chỉ có thể dùng để răn đe mà thôi”.
*
Thế nhưng chỉ hăm dọa không thôi thì chưa chắc đã có khả năng buộc phong trào phải kháng phải lùi bước. Cứ nhìn quyết tâm của những người biểu tình họ trước vũ lực của cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua thì rõ. Còn một khả năng khác, theo ông Huchet, đó là can thiệp trong hậu trường, trấn áp từ trong trứng nước, tức là xác định những người tổ chức rồi cho bắt bớ hàng loạt… Thế nhưng điều này chỉ có thể làm được ở môi trường có hệ thống luật pháp mù mờ không rõ ràng ở Hoa Lục, chứ khó có thể áp dụng với Hồng Kông, nơi ít nhiều thì vẫn còn có tự do ngôn luận và truyền thông cũng như hệ thống tư pháp tương đối độc lập.
*
Tính đến nay thì chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày 1/10, ngày Trung Cộng kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng nhà cầm quyền trung ương tại Bắc Kinh có thể tổ chức linh đình ngày lễ trọng đại của chế độ Cộng sản, trong khi ở Hồng Kông, người dân vẫn đấu tranh đòi dân chủ. Đó có thể là lý do giải thích vì sao mà Bắc Kinh nôn nóng muốn giải quyết sớm khủng hoảng Hồng Kông qua những thông điệp cứng rắn. Nhưng dùng vũ lực thái quá để trấn áp biểu tình sẽ chỉ càng làm cho người Hồng Kông cảm thấy bị áp bức từ Bắc Kinh và càng có thêm thiện cảm với phong trào dân chủ ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh này.
Có lẽ sự chuyển biến quan trọng trong ý chí của người dân Hồng Kong càng ngày càng rõ nét.
Điều này thể hiện qua hàng chữ đại tự trên biểu ngữ của người biểu tình Hong Kong rằng “Liberate Hong Kong From Fascist China” (Hãy Giải phóng Hương Cảng khỏi ách Phát Xít Trung Quốc!)!
Trong bối cảnh phong trào phản kháng do giới trẻ Hong Kong dấy lên hơn 2 tháng nay, nhiều người tin rằng ý nguyện của thế hệ trẻ Hong Kong hôm nay là “muốn nhân cơ hội làm một cuộc chuyển đổi (tức cách mạng) vĩnh viễn cho Hương Cảng chứ không còn chịu để cho chế độ độc tài toàn trị Bắc Kinh khống chế nữa, và chuyện “dự luật dẫn độ (Extradition bill) chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi!
Việc người dân Hương Cảng hôm nay sẽ tìm được Tự Do cho mình và cho các thế hệ con cháu tương lai còn phải trải qua nhiều chặng đường chông gai –thậm chí cả máu xương- phía trước và đúng là không ai có thể biết được tương lai,. Thế nhưng nếu cả một khối độc tài Cộng sản từng hiện diện có thật như 1 hữu thể gần cả 1 thế kỷ trồi bỗng chốc tan rã gần toàn bộ thì không ai dám nói trước rằng ý chí, ước nguyện cách mạng tìm tới lý tưởng Tự Do hôm nay của người Hong Kong là chuyện không tưởng!
Phạm Thạch Hồng