DẮT CON ĐẾN TRƯỜNG

Trước 75, mặc dù đang thời kỳ chiến tranh nhưng trật tự ở thành phố vẫn rất tốt.

Ngay cả học sinh tiểu học thường học một ngôi trường công gần nhà, vì thế chỉ cần lên lớp 3, tức là 8 tuổi, đã có thể tự đi học một mình, thậm chí đáp xe buýt mà không cần gia đình đưa đi đón về.

Chẳng những đi học một mình mà các em còn một mình ôm cặp đến trường vào những giờ tréo ngoe.

Do được phân công trực vệ sinh phòng học nên học sinh phải lần lượt thay nhau đến lớp sớm, trước giờ vào học, để quét phòng, lau bảng, thay nước chậu cây… Vào mùa hè không sao, trời sáng sủa nhưng vào khoảng tháng Chạp, ngày ngắn đêm dài. Khoảng 5g rưỡi, trời còn tối mịt đã thấy vài học trò nhỏ mang chổi, mang giẻ đi bộ trên đường. Chứ giờ đó, phụ huynh vẫn còn ngủ, không ai thức dậy đưa con nhỏ đi học khi còn tối đất đèn đường như vậy. Tối tới mức đôi khi cúp điện, cô giáo cho học sinh ngồi chơi hoặc thắp nến học đỡ trong lúc đợi trời sáng rõ.

Trường học chia thành ba giấc, sướng nhất là giấc sáng và chiều được ăn và ngủ trưa ở nhà. Còn lại giấc trưa nắng nôi nóng nực và ngoài đường vắng ngắt vì mọi người nghỉ trưa, học sinh nhỏ vẫn lại lũ lượt đến trường. Nếu nhà gần nhau, lũ học sinh rủ nhau đi học từng nhóm nhưng cũng có nhiều em lủi thủi đi học một mình. Trên con đường từ nhà đến trường ấy rất an toàn, không có gì đáng ngại cả, hiếm nghe nói đến tai nạn xe cộ, cũng không mẹ mìn…

Đó là không kể thời đó, với những trường có lề đường rộng rãi đằng trước, học sinh đông nghẹt tụ tập chơi trước cổng đợi tới chuông reng, chúng tự động xếp hàng ngoài lề đường. Khi ấy, giáo viên mới xuất hiện để đưa lớp của mình thứ tự theo đuôi nhau vào trường. Khi lớp cuối cùng đi qua cổng, cửa trường đóng lại, không còn học trò nào ra vào nữa.

Từ tiểu học đã tự đi học như thế nên dĩ nhiên lên trung học, việc đến trường một mình đã trở nên quá quen thuộc. Học sinh trung học đến trường bằng xe gắn máy, rất ít, thường chỉ con nhà khá giả mới sở hữu một chiếc Velo Solex, sau này là Honda Dame, Honda PC, Babeta… còn lại đi xe đạp, nữ đi xe đạp mini nhìn dễ thương nhưng bánh xe nhỏ quá, đạp gần nhìn áo dài tóc dài dễ thương nhưng đạp xa thì mướt mồ hôi. Hoặc đi bộ cho dù trường rất xa, cặm cụi cuốc bộ cả tiếng mới đến trường, rồi lại bằng ấy thời gian để về tới nhà.

Vào giờ ra chơi, lũ học trò túa ra khỏi phòng học, tha hồ nô đùa trên sân trường và hành lang. Cha mẹ bận rộn làm ăn nên chẳng ai có thời giờ đưa đón trẻ con cho dù hầu hết các bà mẹ trước kia đều ở nhà nội trợ chứ không tuôn ra ngoài cùng đi làm như nam giới ngày nay.

Nhiều người ca tụng cảnh học sinh ở các nước trên thế giới. Trên vỉa hè, ở ngả tư băng ngang qua đường, lũ lượt đi bộ đám học trò tiểu học bé xíu ở Nhật hay lên xuống xe buýt đưa đón học sinh ở Mỹ… Cảnh đó đã diễn ra ở VN cách đây mấy chục năm và bây giờ khó thể thấy lại.

Đúng là không thể xảy ra. Ngày xưa sinh đẻ tự nhiên, gia đình lít nhít chục con là thường tình. Giờ thì ít con, hiếm con. Thông thường chỉ có một đến hai đứa, hiếm nhà có ba, bốn mặc dù lúc này nhà nước sợ dân số già, đã có phần khuyến khích sinh thêm mà người dân không mặn mòi, nói gì con đàn con lũ như xưa. Đứa con trong gia đình, trong dòng họ là cục vàng, hạt kim cương, là thiên tử con trời chứ không còn là đứa bé tầm thường trong bách tính!.

Giờ hiếm có cha mẹ nào để con tự đi bộ đến trường học, nhất là học sinh tiểu học. Lề đường không có vì đã bị chiếm dụng làm chỗ đậu xe, hàng quán… Xe cộ đông như mắc cửi lại chạy ẩu, và còn mẹ mìn ẩn nấp đâu đó đầy dẫy trên hè phố… Nên dù nhà cách trường học dăm bước, phụ huynh buộc cũng phải đưa con đến trường. Không phải đến tận trường mà đã yên tâm, phải tận mắt thấy con bước qua cổng trường vào lớp học, cũng chưa yên tâm sợ có em lòn ra nên ông bảo vệ của trường học có nhiệm vụ canh gác lũ học trò, hễ đã bước vào cổng trường là không được phép quay ra dù bất kỳ lý do nào ngoại trừ chính phụ huynh có mặt xin phép.

Đứa trẻ từ lúc bé đến khi trưởng thành tức là từ nhà trẻ mẫu giáo cho tới hết bậc trung học, luôn có cha mẹ theo sát bên cạnh, không rời mắt giây phút nào, chỉ tạm xa con lúc chúng ngồi trong lớp. Còn lúc trẻ chơi đùa, ăn uống với bạn bè… thì bà mẹ hoặc ông bố hiện diện kề sát hay lịch sự một chút, ngồi… xa xa chăm chăm… theo dõi. Ở các trường mẫu giáo, cấp I, cấp II tổ chức đi picnic, đôi khi vẫn có bà mẹ lo lắng xin đi theo phụ giáo viên trông coi học trò.

Chị Phước mặc dù quá bận bịu với quán bún bò và có sẵn người cha hành nghề xe ôm, nhưng vẫn cẩn thận tới mức không cho ông ngoại chở con gái mười hai tuổi học lớp 6 của mình đi học. Chị phải thuê tháng hàng xóm chở bé đến trường vì sợ cha già gần bảy mươi run tay khi chạy xe.

Những lớp học thêm bậc tiểu học vô cùng kỹ lưỡng. Cô giáo phải canh phụ huynh đón tận học sinh cuối cùng ra về. Có bận, điện thoại mãi không có người đến đón, cô đành phải chở bé về tận nhà. Té ra ông bố mải ngồi nhậu với đám bạn, quên cả máy điện thoại hết pin. Cho tới những lớp lớn hơn, mười tám tuổi học lớp 12 sắp vào đại học, phụ huynh vẫn cần mẫn đưa đón con cái, hết học giờ chính thức đến giờ phụ, hết học ở trường tới học thêm, đâu có học thêm một môn mà học thêm đủ Văn Toán Lý Hóa, Ngoại ngữ chạy như điên từ nhà thầy này tới nhà cô khác. Ai nhà gần thì tạt về nhà nằm nghỉ canh giờ đi đón, ai nhà xa thì quanh quẩn ra quán nước hay đậu xe đợi ngoài vỉa hè, hóc mỏ như ông xe ôm chính hiệu! Với lại nhà trường cấm học sinh đi xe gắn máy nên phải chở tụi nó chứ biết sao bây giờ.

Tư chức giờ giấc nghiêm ngặt không thể bớt xén nhưng công chức thời giờ co dãn. Suốt ngày chỉ chăm chăm lo việc đưa đón con đi học. Sáng chở con đi học rồi mới vào sở, buổi trưa quáng quàng đi đón rồi lại đưa đến trường, chiều xin phép sếp “cho em về sớm rước con”.

Bởi thế một số gia đình tương đối khá giả, khi con đang ở năm cuối bậc trung học cần theo luyện thi nhiều nơi, người mẹ đã xin nghỉ việc để toàn tâm toàn ý trong việc đưa đón con như con thoi đến những lớp học sáng trưa chiều, tối. Đi ngoài đường vào giờ tan học, người ta thường thấy cảnh phụ huynh chở đàng sau con, cháu ngồi gậm ổ bánh, hộp sữa… trên đường đến lớp học thêm. Nhiều khi ngồi ngoan ngoãn trên yên sau đó không phải các em bé mà là những thanh thiếu niên mười bảy, mười tám, chắc là uống sữa và ăn gà rán nhiều quá mà ít vận động, to cao dềnh dàng muốn che khuất cả bố mẹ nhỏ bé ngồi trước.

Còn những nhà lao động hoặc bận kinh doanh phải thuê xe ôm hoặc xe đưa đón của nhà trường. Thông thường chỉ có trường tư mới có xe đưa đón học sinh. Trường công chỉ một ít tiểu học và là trường lớn mới tổ chức được việc này. Lý do là phụ huynh phải đóng một số tiền để nhà trường thuê xe.

Không phải chỉ thành phố mà ngay cả dưới quê, khi trường nằm cách xa nhà, phụ huynh cũng phải đưa đón rất mất công. Vì thế mới có chiếc ghe chở con, cháu đi học nhân thể cho con nít hàng xóm quá giang. Trên đường làng nhiều nơi cũng đã thấy xuất hiện chiếc Lam (Lambro), hoặc Su (Daihatsu) tân trang lại với hai băng ghế hai bên chứa được khá nhiều khách vì còn có thể ngồi xệp xuống sàn hay đặt một hàng ghế đẩu chính giữa. Tài xế còn trang trí tua vải, hoa giả sặc sỡ nhìn vui mắt.

Sở dĩ xe đưa đón phần lớn trường tư tổ chức vì ở trường tư, dịch vụ nhạy bén hơn trường công. Ngoài ra các trường tư mọc ra sau này, cách trung tâm thành phố khá xa mới có đất rộng rãi để xây trường khang trang. Xa quá thì phụ huynh không thể đưa đón con cái dễ dàng như trong nội thành, buộc phải cậy đến xe đưa đón học sinh.

Có xe đưa đón về tận nhà cũng chưa hết nguy hiểm.

Bởi vì loại xe này cũng có điều bất tiện là phải chạy một vòng ghé đón học sinh ở nhiều nơi. Thành thủ em được đón đầu tiên đương nhiên vào giờ sớm nhất và trả về muộn nhất, thay vì gia đình đưa đón bớt được khoảng thời gian thừa này để bé có thể ngủ thêm một chút. Dù sao lên xe ngủ cũng được, trẻ con đang tuổi ăn tuổi ngủ nên tận dụng lúc xe chạy, bé ngủ gà ngủ gật vì không cưỡng được cơn buồn ngủ phải dậy sớm, không gà gật đâu mà dễ dàng ngủ say luôn nếu không ai đánh thức.

Chuyện trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô ở ngoại quốc là chuyện không hiếm. Nhưng ở VN thì bé 6 tuổi tử vong khi mới đi học ngày thứ hai ở lớp Một, thì có lẽ là chuyện đầu tiên đang ồn ào trên các phương tiện truyền thông, lên trang nhất báo và ngay cả Thủ tướng cũng ra lệnh điều tra!

Đặc biệt đây là trường quốc tế đóng học phí cao tức là có vẻ được quan tâm, săn sóc kỹ lưỡng hơn trường quốc nội (!). Trên xe đưa đón có tài xế, đến trường có cô monitor đón học sinh từ trên xe xuống, vào lớp có giáo viên điểm danh. Thế mà mãi đến chiều giờ tan học, tài xế vẫn đánh xe từ bãi về trường đón học sinh như bình thường, khi cô monitor mở cửa để  học sinh lên xe mới phát giác em bé nằm dài dưới sàn xe. Bé đã bị nhốt trong xe khóa kín dưới thời tiết nóng nực. Ai cũng biết ngủ trong ôtô đóng kín một giờ có thể tử vong huống hồ em bé ở trong đó suốt chín tiếng đồng hồ. 

Từ đây người ta bắt đầu nhìn lại những tai nạn xảy ra từ xe đưa đón học sinh.

Mới cách đây chưa đến hai tháng ở Đà Nẵng, xe khách đưa đón học sinh loại 16 chỗ dừng lại để thả hai anh em (5 tuổi và 3 tuổi) học cùng trường xuống nhà. Hai bé xuống xong, xe đóng cửa chạy đi thì bất ngờ cuốn bé gái ba tuổi vào bánh sau lôi đi khoảng 5m khiến bé gái tử vong. Và năm ngoái, ở Nghệ An, xe đưa đón học sinh cán chết thương tâm một nữ sinh đứng cửa xe bị ngã xuống đường khi đang đến trường

Ngoài xe Su, còn một số ô tô 16 chỗ hiệu Toyota, Ford… nhưng các xe khá cũ kỹ, ghế ngồi rách nệm. Có xe 16 chỗ ngồi mà nhét tới hơn 20 học sinh. Chắc nhồi vậy thì giá mới có thể hạ một chút!

Việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô đáp ứng nhu cầu cao hiện nay khi trường xa, đường đông và phụ huynh bận rộn đi làm, lại có thể giảm kẹt xe ở cổng trường vào giờ tan học. Tuy nhiên đa số loại hoạt động này phạm luật. Thường là không có giấy phép chở khách, hết hạn đăng kiểm, chở quá số người quy định, không có phù hiệu…

Qua tai nạn bé sáu tuổi tử vong trong xe đưa đón học sinh, cần xét đến sự an toàn của loại xe này. Và hiện nay người ta đang đưa ra mẫu điển hình xe buýt vàng ở Mỹ để bắt chước!

Saigon cô nương

Related posts