Câu ngạn ngữ Việt “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ” có thể áp dụng vào trường hợp của Tập Cận Bình nói riêng và giới diều hâu kinh tế ở Bắc Kinh nói chung, sau quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) vào ngày 5.8.2019.
Quyết định này bị diễn tả là “bước qua vạch đỏ” và là một cái “tát tai” vào mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đồng NDT giảm tới 2% chỉ sau một phiên giao dịch và lần đầu tiên trong vòng hơn 1 thập niên hạ xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Đồng thời Trung Quốc cũng tuyên bố ngưng mua nông sản Mỹ.
Trước mắt chúng ta có thể thấy rõ khuôn mặt “đỏ như vang” của Dịch Cương (Yi Gang), Thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (PBOC), một hình thức của Ngân hàng Quốc gia. Khi đưa ra quyết định này Dịch Cương sang sảng tuyên bố rằng thì việc hạ giá đồng tiền là để “đáp trả các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ” lâu nay và việc Mỹ mới ra lệnh “tăng thêm thuế quan 10% đối với hàng hoá Trung Quốc kể từ ngày 1.9.2019.”
Tuy nhiên ngay hôm sau chúng ta có thể khuôn mặt “vàng như nghệ” của Cương khi ông ta nấp kín trong phòng, chỉ sai các phụ tá tung ra thông cáo báo chí để phân bua rằng việc đồng NDT giảm giá là do thị trường quyết định, chứ không phải do Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ.
Tại sao họ Dịch lại run?
Hãy nhìn vào các trận chiến tiền tệ mà nhân loại đã chứng kiến,
Lịch sử của chiến tranh tiền tệ
Thế giới đã trải qua không ít cuộc chiến tranh tiền tệ lớn nhỏ khác nhau nhưng hầu hết có một điểm chung là các nước gây chiến không đạt được mục đích ban đầu.
Cuộc đại chiến tiền tệ đầu tiên diễn ra từ năm 1921 đến 1936 như là hậu quả của Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 1918): gánh nặng chiến phí cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế khiến các nước lâm chiến, thắng trận hai bại trận, lâm cảnh suy sụp kinh tế và để có tiền tiêu xài hay trả nợ, phải cắn răng bước qua vạch cấm là xâm phạm vào hệ thống “kim bản vị”.
“Kim bản vị” là chế độ tiền tệ đòi hỏi đồng tiền phải được bảo chứng bằng vàng. Muốn phát hành tiền thì phải gom đủ lượng vàng đương giá trị mà trữ trong kho, do đó không chính phủ nào tùy tiện in tiền giấy và nhờ vậy đồng tiền mới có giá.
Nhưng lực bất tòng tâm và đầu tiên là hoàn cảnh của nước Đức. Là nước bại trận và phải bồi thường cho các bên thắng trận mà không đào đâu ra tiền, năm 1921 Đức đã quyết định in thêm tiền trả nợ, chả cần phải có vàng dự trữ.
Lúc này hai nước thắng trận là Anh và Pháp cũng chẳng khá hơn gì. Kiệt quệ vì cuộc chiến, Anh và Pháp không thể trả nợ cho Mỹ khiến tín dụng và thương mại bị đóng băng.
Đã vậy bị Đức in tiền để bồi thường, năm 1925 Pháp phải phá giá đồng Franc để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa.
Lúc này Anh và Mỹ vẫn duy trì hệ thống kim bản vị nên khiến hàng hóa ngày một đắt đỏ. Đến năm 1931 thì Anh không thể gồng mình được nữa nên in thêm tiền, phá giá đồng bản đến 25%. Đến năm 1933 Mỹ không thể ngồi yên nên cũng phá giá đồng tiền theo.
Nước nào cũng điêu đứng vì trận đánh bằng tiền này nên đến năm 1936, sau khi nhận ra tác hại của cuộc đua giảm giá, ba nước Anh, Pháp Mỹ mới chịu ngồi lại đạt được thỏa thuận chung về tỷ giá, cuộc chiến tiền tệ lần thứ nhất kết thúc.
Lúc này thì Đệ Nhị Thế Chiến bùng ra và đến khi cuộc chiến này kết thúc, Tây phương đã đã tìm cách ngăn ngừa một cuộc chiến như trong thập niên 1930. Nỗ lực này thành công ở Hội nghị Bretton Woods diễn ra tại Mỹ năm 1944, xác lập một hệ thống tài chính – tiền tệ mới của thế giới, trong đó các nước tham dự đồng ý với nhau một tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hệ thống này quy định một ounce vàng có giá 35 Mỹ kim và cho đến khi sụp đổ năm 1971, nó đã giúp ngăn chặn sự tái diễn của cuộc chạy đua phá giá đồng tiền.
Đến năm 1967 thì cuộc đại chiến tiền tệ thứ II nổ ra khi Anh in tiền gấp tới 4 lần mức dự trữ vàng. Thấy vậy, Pháp cũng rút khỏi thỏa thuận ổn định tỷ giá với Anh và Mỹ. Sau khi Anh và Pháp thi nhau in tiền để mua vàng, khiến giá vàng tăng vọt, tháng Tám năm 1971 nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cấm việc cho các ngân hàng quốc gia nước ngoài đổi Mỹ kim lấy vàng, ngừng xuất cảng vàng, áp thuế 10% lên mọi mặt hàng nhập cảng. Đến tháng 12 năm đó ba nước Mỹ, Anh, Pháp thỏa thuận việc giảm giá đồng Mỹ kim trong trật tự theo mức được các bên đồng thuận. Tuy nhiện đây là thỏa thuận chết yểu vì ngay năm sau Anh lại phá giá đồng bảng Anh. Lúc này kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng suy thoái và đến năm 1973, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố khai tử hệ thống Bretton Woods.
Năm 1985, kinh tế Mỹ phục hồi và đồng Mỹ kim lên giá 50%. Mất lợi thế cạnh tranh, Mỹ đã buộc nhóm G7 ký một hiệp ước tại New York, cho phép giảm giá đồng tiền và thỏa thuận này có hiệu lực trong giai đoạn 1985 – 1988, khi tiền Mỹ giảm giá 40% so với đồng franc Pháp và 50% so với yen Nhật. Khi các bên còn lại không thể chịu đựng thêm tác động của đồng Mỹ kim yếu, G7 cùng Canada và Ý đã nhóm họp tại điện Louvre (Paris) năm 1987 để ngăn đà giảm giá này,
Cả hai cuộc đại chiến tiền tệ đều cho thấy một bài học duy nhất: chiến tranh tiền tệ thường không đem lại kết quả mong muốn như là tăng xuất cảng và việc làm. Theo nhà kinh tế học Mỹ, Joseph Stiglitz, thì chiến tranh tiền tệ dẫn tới hệ quả tất yếu là nền kinh tế dính líu vào cuộc chiến sẽ hoạt động kém hơn trước.
Thứ nhất, giảm giá đồng tiền tệ không bao giờ là một chính sách được lòng dân. Nó khiến mức sống của người dân giảm sút khi hàng nhập cảng đắt hơn, khó đi du lịch hay du học nước ngoài. Nó cũng có thể đưa tới lạm phát.
Thứ hai, giảm giá đồng tiền sẽ khiến cho việc trả lãi mẹ và lãi con cho những món nợ nước ngoài đắt hơn, vì phải chi nhiều hơn để mua ngoại tệ.
Thứ ba, một nền kinh tế mạnh bao giờ cũng thể hiện ở dấu hiệu của một nền tiền tệ mạnh, uy tín.
Thứ tư, một nước có thể thành công trong việc phá giá đồng tiền để hạ thấp nạn thất nghiệp cao và gia tăng xuất cảng, Tuy nhiên việc giảm giá này sẽ vô tác dụng nếu các nước đối thủ như Mỹ cũng tương kế tựu kế giảm giá đồng tiền. Mà đồng Mỹ kim là ngoại tệ mạnh, do đó những nước có quan hệ thương mặt chặt chẽ như Nhật, Úc, Nam Hàn v.v. cũng sẽ đưa nhau giảm giá. Khi các nước đua nhau giảm giá trị đồng tiền của mình, thì hậu quả là giới đầu tư sẽ hoang mang, thịt trường không còn niềm tin, gây hại cho việc thương mại quốc tế, đưa đến tác hại xấu cho tất cả các nước liên quan.
Có vẻ như Trung Quốc đã không nhận ra bài học này, hay thừa biết nhưng lạm dụng được thì lạm dụng.
Thao túng đồng tiền và dự trữ Mỹ kim
Trung Quốc chủ trương giảm giá tiền tệ là nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong thương mại: muốn tăng hàng xuất cảng thì phải cố làm sao để hàng mình rẻ hơn hàng thiên hạ.
Muốn hàng rẻ mà không thể giảm lương nhân công, không thể trợ cấp cho các công ty vì quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì cách giản tiện hay nhất là phá giá đồng tiền của mình. Lấy thí dụ: trước kia một máy computer của Trung Quốc bán tại Úc với giá 700 Úc kim; nay thì tiền Trung Quốc xuống giá so với Úc kim nên chỉ bán với giá 500 Úc kim thôi, hàng sẽ dễ bán hơn.
Ngoài ra, nếu đồng tiền bị giảm giá thì hàng nhập sẽ đắt hơn và hàng xuất sẽ rẻ hơn: đây còn là yếu tố kích thích kinh tế nội địa và tạo công ăn việc làm. Tiền giảm giá thì dân trong nước sẽ ít du lịch nước ngoài hơn và do đó cũng chỉ tiêu pha trong nước nhiền hơn, thị trường nội địa càng được kích thích hơn.
Từ năm 2000 Trung Quốc đã thao túng hối suất NDT với Mỹ kim bằng cách mỗi ngày bỏ tiền ra để mua vào 1 tỷ Mỹ kim để giữ nhu cầu cao đối với tiền Mỹ, do đó giữ giá tiền Mỹ cao lên và nhờ đó bảo vệ công ăn việc làm của người Trung Quốc và bảo đảm sự ổn định chính trị khi ai cũng có công ăn việc làm.
Số liệu do PBOC công bố vào tháng Sáu năm nay thì dự trữ ngoại tệ của nước này đã là 3,119 tỷ USD. Giá trị vàng dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên 87.27 tỷ USD.
Nhưng đó là số lượng tiền Mỹ mà Trung Quốc để dành. Ngoài ra Trung Quốc còn dùng vào việc khác, thí dụ dùng tiền Mỹ để mua đồng tiền Úc để thanh toán các giao dịch khoáng sản với Úc và chính điều này làm cho đồng Úc kim lên vùn vụt, có thời kỳ cao giá hơn tiền Mỹ. Trung Quốc còn trích một số lượng lớn tiền Mỹ này để mua các trái phiếu mà chính phủ Mỹ phát hành như một hình thức đầu tư để kiếm lời.
Tính đến tháng Sáu năm nay, Trung Quốc đã nắm trong tay số công khố phiếu trị giá 1,100 tỷ!
Với số lượng tiền Mỹ mua vào khủng khiếp như thế, nên đồng NDT bị giảm giá khiến cán cân mậu dịch Mỹ – Trung đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
Thấy Trung Quốc tận hưởng tình trạng “xuất siêu” (xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) thì Mỹ lâm tình trạng “nhập siêu” (xuất ít hơn nhập), từ lâu giới lập pháp Mỹ đã giận dữ, cho rằng Trung Quốc cướp hết công việc cuả người Mỹ và đã liên tiếp gây áp lực để hành pháp ra tay. Từ tận thời chính quyền George W. Bush, Quốc hội Mỹ cũng đã từng yêu cầu như thế và Trung Quốc không thể không nhận ra điều này và đã từng thể hiện cách hành xử “ở cho phải phải phân phân” trong quan hệ mậu dịch với Mỹ.
Trung Quốc thừa hiểu là họ không thể hưởng lợi một chiều và hưởng thật nhiều để cả nước Mỹ nổi đoá và phát khùng nên có lúc đã xử nhũn. Trong thời ông Bush, từ tháng 7 năm 2005 đến đầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã bớt can thiệp để điều chỉnh tỉ giá và tính ra đồng NDT đã lên được 20% so với đồng Mỹ kim. Thế nhưng khủng hoảng kinh tế 2008 đã xảy ra và buộc lòng Trung Quốc phải dìm giá đồng tiền mình xuống: mục tiêu gìn giữ công ăn việc làm cho người dân bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu.
Đến hiện tại, sau ngón đòn thương mại của ông Donald Trump, Trung Quốc đã nổi dóa, vượt qua lằn ranh đỏ khi ấn định tỷ giá thấp hơn mức 7 NDT = 1 USD, gây ra cú sốc cho thị trường tài chính toàn cầu.
Từ lâu, “lằn ranh đỏ” được cho là một ngưỡng nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc khiến lạm phát gia tăng và dòng vốn dịch chuyển sẽ diễn ra đồng thời.
Đó chính là lý do khiến cuộc chiến tiền tệ có nguy cơ nổ ra, trong đó Trung Quốc đang nắm một vũ khí khổng lồ là nguồn dự trữ 3,119 tỷ kèm theo 1.100 tỷ công trái phiếu. Trung Quốc mà tung số dự trữ này ra, thị trường tài chính Mỹ sẽ sập tiệm.
Nhưng Mỹ đâu thể ngồi yên để nhìn Trung Quốc phá mình!
Mỹ sẽ phá giá đồng tiền như thế nào?
Một cách đơn giản thì chúng ta có thể hiểu rằng cái gì càng nhiều, càng lắm người chào bán thì càng rẻ. Đồng tiền cũng vậy, càng nhiều người Mỹ “bán tiền”, tức dùng tiền Mỹ mua tiền ngoại quốc, mua chứng khoán ngoại quốc thì tiền Mỹ sẽ giảm giá. Muốn phá giá đồng Mỹ kim phải làm sao để đồng tiền đó lưu hành thật nhiều trên thị trường, làm sao để thiên hạ tranh nhau bán tiền Mỹ.
Trong thuật ngữ chuyên môn, giới quản trị vĩ mô của kinh tế tài chính gọi đó là biện pháp QE, viết tắt từ thuật ngữ kỹ thuật là “quantitative easing of money”, tạm dịch “giảm nhẹ phẩm lượng của đồng tiền”.
Để làm được như thế thì Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Federal Reserve: FR, cơ cấu tương tự Ngân hàng Quốc gia của các nước khác) đã ấn định mức lãi suất thật thấp, hầu như bằng zero. Biện pháp khiến những nhà đầu tư, những người đang ký thác tiền bạc trong ngân hàng Mỹ rút sạch tiền để đổi sang ngoại tệ ký thác cho các ngân hàng có lãi suất cao hơn, trong đó có các ngân hàng Úc.
Trước tin này, những kẻ đang giữ tiền Mỹ trong tay phải lo lắng đi đổi sang ngoại tệ khác, để lâu sẽ mất giá thêm.
Nhưng vấn đề là Trung Quốc có dám đi xa để Mỹ nổi dóa và “chơi láng” với mình?
Tự chặt chân mình?
Như đã nói ở trên, số lượng Mỹ kim dự trữ của Trung Quốc đã lên tới 3,119 tỷ kèm theo 1,100 tỷ công trái phiếu, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc Mỹ trả đũa, tung số sự trữ này trong ván bài “chơi láng”?
Lâu nay, mỗi khi Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, giới vật diều hâu tại Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ trả đũa bằng cách bán phá giá các trái phiếu này. Tuy nhiên, thỏ chết thì chó cũng tắt thở: nếu cố ý phá giá để Mỹ “nghèo chơi” thì việc Mỹ bị thua thiệt đâu chưa thấy, trước mắt đã thấy Trung Quốc trắng tay: công lao dành dụm bao năm nay mang đi đổ sông đổ biển.
Thứ nhất, tiền Mỹ còn xuống nữa thì Trung Quốc càng bị mất “tài sản”, chỉ tính con số 30% của trên 4,200 tỷ Mỹ kim thôi, họ phải tích góp bao nhiêu năm mới gầy dựng lại?
Thứ hai, bán tháo bán đổ trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến giá trị số trái phiếu còn lại của Trung Quốc lao dốc theo trong khi nước này rất cần khối tài sản này để bảo chứng cho đồng NDT.
Thứ ba, bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến Trung Quốc khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong nước. Mà Trung Quốc cũng đang cần dòng vốn từ nước ngoài để củng cố giá trị đồng NDT trong chiến tranh thương mại. Thứ tư, bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ chưa chắc khiến Mỹ tổn hại. Vì nếu việc này bắt đầu có tác động tiêu cực lớn đến Mỹ, Quỹ dự trữ liên bang sẽ có biện pháp đối phó. Năm 2012, trong bản phúc trình trình lên Quốc hội Mỹ, Bộ Quốc phòng nước này chỉ ra Fed “hoàn toàn có khả năng” mua lại số trái phiếu mà Trung Quốc bán ra, để kìm hãm hậu quả kinh tế.
Tác động chính trị
Đồng tiền Mỹ mất giá thì nước Trung Quốc sẽ sinh loạn.
Đồng NDT yếu giúp hàng xuất cảnh của Trung Quốc trở nên cạnh tranh về giá cả hơn trên thị trường quốc tế nhưng với người dân thì đó là gánh nặng kinh tế.
Chỉ đơn giản nhìn từ Úc: nhiều mặt hàng quan trọng gồm cả hàng tiêu thụ như sữa, thức ăn và nguyên liệu sản xuất như quặng sắt, than và khí đốt… mà Trung Quốc phải nhập cho nhu cầu tiêu thụ và sản xuất kỹ nghệ đều trả bằng ngoại tệ, gắn chặt với giá trị đồng tiền Mỹ.
Điều đó ngụ ý rằng khiến người dân Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn để có được một món hàng. Gánh nặng kinh tế đối với người dân Trung Quốc sẽ trở nên nặng nề hơn.
Cũng như đã nói ở trên, đồng tiền mất giá sẽ gây áp lực lên các công ty trong và ngoài nước ở Trung Quốc đang ôm nợ tiền Mỹ vì họ phải tìm cách kiếm nhiều tệ hơn mới bù đắp được phần mất do hụt giá. Họ có lý do để chuyển nhà máy ra nước ngoài, vừa tránh hậu quả của tiền mất giá và thuế quan Mỹ. Như vậy thì sẽ có thêm nhiều người Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hàng không xuất được thì sản xuất đình đốn và do đó thất nghiệp lên cao. Các công ty nước ngoài bỏ của chạy lấy người, tỷ lệ thất nhiệp càng lên cao. Bần cùng sinh đạo tặc, mấy trăm triệu dân không có việc làm thì chóng hay chầy cũng vác dao hay súng đi ăn trộm và có thể quay lại chống chính quyền.
Đó là lý do khiến Trung Quốc lỳ lợm phá giá đồng tiền của mình bất kể áp lực của Mỹ từ bao năm nay. Nhưng nhìn tới nhìn lui, Trung Quốc vẫn phải giữ một nền tiền tệ ổn định để tránh những bất ổn do phá giá quá lớn hay dẫn đến chiến tranh tiền tệ,
Việc đồng nhân dân tệ bất ngờ phá vỡ ngưỡng “lằn ranh đỏ” cho thấy sự ấm ức bị dồn nén đến tột cùng của Trung Quốc bấy lâu nay, sau khi ông Trump khai chiến về thương mại. Tuy nhiên phản ứng sau đó cho thấy hành vi “vừa đánh vừa run” của giới lãnh đạo nước này.
Xung đột thương mại Mỹ Trung đang diễn biến theo vòng xoáy leo thang và hành động của giới lãnh đạo thâm hiểm Trung Quốc hiện tại có thể là dấu hiệu cho thấy họ bắn tín hiệu đe dọa, vừa nhá đòn nhượng bộ để giảm thiểu đến tối đa sức ép từ Trump.
Theo một số nhà phân tích thì Trung Quốc có thể sẽ hạ giá đồng tiền trong sự kiểm soát trong vài tháng tới, nhằm xoa dịu phần nào sức ép lên nền kinh tế mà không gây ra tình trạng rút vốn ào ạt khỏi Trung Quốc cũng không gây nên chiến tranh tiền tệ.
Tuy nhiên vấn đề còn lại là phản ứng của ông Trump, một ông tổng thống bốc đồng, không ai biết ông ta sẽ làm gì!
Thay lời kết
Mỹ đã dằn mặt Trung Quốc ngay đúng lúc các nước ASEAN cảm thấy phẫn uất trước thái độ kẻ cả của Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông. Mỹ còn dằn mặt Trung Quốc bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan và chính hành động này đã thử thách “lá gan” của Trung Quốc trong vai trò chủ nợ.
Có thể nhìn thấy rằng khi chơi cứng như vậy thì chính phủ Mỹ đã tính tới một nước cờ xa hơn: chịu uống liều thuốc đắng để hạn chế dần và chấm dứt sự phụ thuộc về tài chính từ Trung Quốc. Khi chơi ván bàn như thế, có lẽ Mỹ đã tháu cáy Trung Quốc.
Lâu nay, trong vai trò là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc cho rằng Mỹ cần đến đống tiền của mình nên không chịu nhượng bộ Mỹ trong vấn đề tiền tệ. Bây giờ thì Mỹ đã chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng họ rất cần đến thị trường Mỹ. Thiếu thị trường Mỹ thì kinh tế Trung Quốc sẽ lâm tình trạng khủng hoảng.
Ai cũng cần ai và thông thường thì tốt nhất là duy trì quan hệ để đôi bên cùng có lợi. Vì Trung Quốc mãi theo đuổi trò làm ăn chỉ có lợi cho minh nên Mỹ đã quyết định chơi ván bài quyết định.
Bây giờ Trung Quốc khó mà lao vào cuộc chiến này vì họ có nhiều thứ để mất. Mỹ thua thì ông Trump có thể mất ghế tổng thống nhiệm kỳ hai.
Nhưng Trung Quốc mà thua thì chế độ Cộng Sản sẽ bị đe dọa và “đế quốc Trung Hoa” có nguy cơ tan rã khi các “khu tự trị” bị cưỡng ép như Tây Tạng, Tân Cương thừa cơ đứng dây!
Phạm Đức Đồng Hùng