Sài Gòn tứ đổ tường- Trai gái

Trong số bốn món ăn chơi – yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), tửu (rượu chè), sắc (trai gái) – chuyện trai gái hầu như ai cũng có dính dáng đến, không ít thì nhiều. Bài viết này không đề cập đến chuyện thường tình đó mà chỉ xoáy quanh giới kỹ nữ dưới nhiều tên gọi như ả đào, gái nhẩy hay nói một cách nôm na là gái đĩ, chị em ta…
Người Tàu gọi các cô làm nghề xướng ca là kỹ nữ. Kỹ nữ nguyên nghĩa chỉ là người con gái làm nghề ca xướng, múa hát. Có lẽ chữ “kỹ” của tiếng Hán được ta đọc thành đĩ (?). Kỹ nữ của Tàu trở thành “Con Đĩ” của ta. Nếu đúng như vậy thì “kỹ nữ” và “con đĩ” là hai chị em ruột! Tuy nhiên, con đĩ ngày xưa chỉ có nghĩa là người con gái làm nghề hát xướng chứ không phải là con đĩ làm nghề mại dâm như ngày nay!

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục do nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Tháp đã viết về “con đĩ đánh bồng” như sau:
“Xưa kia, trước khi làng mở hội cho mọi người vui chơi thì các vị chức sắc phải tổ chức tế lễ ngoài đình. Có rước phụng nghênh hồi đình (rước long kiệu từ miếu về đình) rất long trọng. Nghi trượng gồm nào cờ quạt, voi ngựa, nào bát bửu, cờ biển. Rồi đến phường đồng văn đánh trống, gõ thanh la, theo sau là mấy người con gái, đôi khi là con trai giả gái, vừa vỗ trống vừa múa hát gọi là “con đĩ đánh bồng”. Theo sau con đĩ đánh bồng là cờ vía, lọng vàng, lệnh kiếm, phường bát âm, long đình, kiệu thánh… và sau cùng là bô lão, chức sắc của làng”.
Nếu như vậy thì vai trò của “con đĩ đánh bồng” ngày xưa cũng không có gì là tệ lắm: được múa hát diễn hành trước cả long đình, kiệu thánh, các bô lão và chức sắc của làng. Chỉ múa hát thôi thì chẳng có gì là xấu, có xấu chăng là kể từ ngày các con đĩ bị giới trưởng giả, mấy ông trí thức mời về nhà… “hát riêng cho nhau nghe”. Chính những vị tai mắt, khoa bảng, đã mở đường hoặc tiếp tay làm biến chất, làm hư các con đĩ.
Khoảng thập niên 1930, chỉ riêng Hà Nội có khoảng 5 nghìn phụ nữ sống bằng nghề mại dâm, chưa kể đến những “ả đào” và “gái nhảy” ở các vùng ngoại ô. Dân số nội thành Hà Nội thời đó khoảng 18 đến 20,000 người, nghĩa là bình quân cứ 35 người lương thiện lại có một người… làm đĩ (theo tài liệu của Vũ Trọng Phụng).
Năm 1936, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết hẳn một thiên tiểu thuyết tả chân, giật một cái tít thật “sốc”: Làm Đĩ để biện minh cho quan niệm của ông:

“… Cái dâm tự nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud, Goethe, Schilles, Yên Đổ, Nguyễn Công Trứ, cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng đã đủ…”
Một năm sau Làm Đĩ, Vũ Trọng Phụng cho ra đời một phóng sự lấy tên là Lục Xì để viết về một “ngục tù ghê gớm”, đó là nơi các bệnh phong tình như lậu, giang mai của gái đĩ được điều trị. “Ông vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng trần tình:
“… tôi không phải chỉ là một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực thì bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai…”

Cũng cần phải nói thêm, theo Vũ Trọng Phụng, “… “Lục Xì” là ở chữ Luck sir [sic], một động từ hồng mao [Thời của VTP nước Anh được gọi là Hồng Mao với ý nghĩa là tóc đỏ – chú thích của NNC]. Luck sir là khám bệnh. Hẳn trong số những ông thầy thuốc trông nom phúc đường [nhà thương thí – chú thích của NNC] từ xưa kia, đã có một ông hay bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao trong khi đáng lẽ phãi dùng tiếng Pháp. Tôi tưởng cái do thế thì cái tiếng cái nhà lục xì (cai nha loock see) mới phổ cập trong dân chúng An Nam như thế…”.
Tôi không đồng ý với tác giả về việc giải thích nguồn gốc của Lục Xì từ “Luck sir” ở câu đầu rồi sau lại là “Loock see” ở câu trích dẫn. Vào thời đó, dĩ nhiên là trình độ tiếng Anh của tác giả có phần hạn chế nên viết là “luck sir” (hoàn toàn vô nghĩa) hoặc “loock see” (sai về chính tả). Phải chăng, Lục Xì xuất xứ từ “look (and) see”?

***

Nhu cầu giải quyết sinh lý của đàn ông là một thực tế cho nên Sài Gòn xưa, cũng như hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, đều phải giải quyết bằng hình thức này hay hình thức khác. Ở Amsterdam (thủ đô của Hòa Lan) du khách có thể đến Rosse Buurt (Khu đèn đỏ) để thấy khẩu hiệu Make sex not guns được thực hiện một cách công khai trên đường phố. Mặt tiền của các sex house là những khung cửa kính bên trong có những kiều nữ bầy hàng để khách tha hồ chọn lựa!

2/ Khu “đèn đỏ” tại Amsterdam

Gần Sài Gòn hơn là thành phố Bangkok của Thái Lan. Những khu Patbong hay Soi Cowboy cũng có những cô gái trong lồng kính nhưng khác với Amsterdam họ không “bầy hàng” ngoài cửa mà phải vào bên trong mới thấy. Tuy nhiên, Thái Lan lại vượt trội Hòa Lan với những sex show theo “thực đơn” mà những nhà đạo đức sẽ phải rùng mình.
… Ngay từ đầu những năm 1950, Sài Gòn đã có những nhà chứa gái mại dâm, được gọi một cách nhẹ nhàng và hoa mỹ là Bình Khang. Tưởng cũng nên nhắc về xuất xứ của cái tên Bình Khang. Theo sách vở, Bình Khang là nơi hành nghề của của các kỹ nữ, hình như có xuất xứ từ một phường ở kinh thành Trường An, đời Đường bên Tàu.
Theo từ điển mở Wiktionary: “Thành Trường An có phường Bình Khang là nơi ở của các kỹ nữ. Hàng năm các tân khoa tấn sĩ đến đó chơi. Phường Bình Khang ở gần cửa Bắc nên cũng gọi là Bắc Lý”. Nàng Kiều của Nguyễn Du cũng đã từng lưu lạc trong thời “buôn phấn bán hương”: “Bình Khang nấn ná bấy lâu…”

Mặt khác, Bình Khang, theo Xứ trầm hương của Quách Tấn, lại là một địa danh thuần Việt: “Năm Quý Tỵ (1653) vua Chiêm Thành là Bà Tranh đem quân sang cướp phá đất Phú Yên. Chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc cử binh vào đánh dẹp. Bà Tranh đại bại, dâng thư xin hàng. Chúa để phần đất từ sông Phiên Lang tức Phan Rang, trở vào cho vua Chiêm, còn từ Phiên Lang trở ra đến Phú Yên thì chiếm cứ, lập ra hai phủ là Diên Ninh và Thái Khang, và 5 huyện là Phước Điền, Hòa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh, và Tân Định, Quảng Đức thuộc phủ Thái Khang.
Hùng Lộc được bổ làm Thái Thú cai trị hai phủ. Dinh đóng tại Thái Khang. Năm Canh Ngọ (1690), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn đổi tên phủ Thái Khang ra Bình Khang. Và năm Nhâm Tuất (1742) chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên Diên Ninh thành Diên Khánh”.

Như vậy, Bình Khang là một địa danh xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ năm 1690 nhưng đến thập niên 50, khi nói đến Bình Khang người ta chỉ liên tưởng đến “khu chơi bời” ở đường Vĩnh Viễn do lực lượng Bình Xuyên điều hành và quản lý. Đây là một cư xá hẳn hoi, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn thời đó, khang trang, sáng sủa, sạch sẽ, “điện nước đầy đủ” (xin hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Tất cả những nhà chơi bời ngoài thành phố đều phải vào mướn nhà trong Bình Khang, đưa “chị em ta” vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Việc mở nhà thổ ngoài phạm vi Bình Khang bị coi là phạm pháp, chủ nhà bị bắt, bị ra tòa và… “ủ tờ”.

Có thể nói, dịch vụ mại mãi dâm ở thành phố Sài Gòn ngày đó trở nên “văn minh và lịch sự” (?). Tuy nhiên, dù có Bình Khang, Sài Gòn cũng không thể nào diệt được bệnh hoa liễu như Vũ Trọng Phụng đã từng viết từ năm 1937:
“Ai cũng biết rằng khi một dân tộc càng tiếp xúc với những dân tộc khác, hoặc vì thương mại, hoặc bị xâm chiếm, thì dân tộc ấy càng dễ bị nạn hoa liễu hoặc những bệnh truyền nhiễm khác…”.
Tác giả Lục Xì đưa ra những con số thống kê đáng lưu ý:
“Năm 1914, bẩy mươi tư phần trăm (74%) binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải bệnh hoa liễu. Bác sĩ Keller coi nhà thương đau mắt Hà Nội cam đoan với ta rằng trong số những người chột và mù của dân mình, bảy mươi phần trăm (70%) là do vi trùng bệnh lậu mà ra.

Ông Giám đốc Phòng vệ sinh của thành phố Hà Nội cũng bảo cho ta biết rằng cứ bốn nghìn trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng một nghìn đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình thì là “sài”, “đẹn”, là “bỏ”, là “mất”, là “khó nuôi”, nhưng nói theo khoa học thì chết vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai, hoặc là biến chứng của bệnh ấy”.
Tại Sài Gòn năm 1954, khu vực bến xe Petrus Ký (ngày nay thuộc đường Lê Hồng Phong) nổi tiếng có xóm Bình Khang – Cây Điệp hay còn gọi là khu Bata (hãng giày Bata, quận 10). Nơi đây dân tứ xứ đổ về làm nhà cư trú, sống bám vào bến xe liên tỉnh Pétrus Ký để buôn bán và làm các dịch vụ nhỏ lẻ. Do có nhiều con hẻm bé xíu, đan xen chằng chịt trong khu vực dân cư, nên một phần dân cư đến đây sinh sống bằng nghề mại dâm.
Hoạt động mua, bán dâm rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Dân bảo kê, anh chị giang hồ tranh địa bàn, giành gái, đánh nhau như cơm bữa. Cờ bạc, rượu chè, mua bán, hút chích ma túy, trộm cắp, cướp giật cũng là một trong số các tệ nạn góp phần làm cho khu Cây Điệp nổi danh trong giới giang hồ.

Địa thế ngoằn ngoèo, nhiều con hẻm chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua sâu hun hút, liên thông như một trận đồ bát quái, chính là điểm thuận lợi để các chủ chứa hành nghề mại dâm. Các dịch vụ “ăn theo” mọc lên như nấm. Khách làng chơi nào không sòng phẳng sẽ rất khó tìm đường thoát thân…

Sau sự tan rã của “khu liên hợp ăn chơi” Đại thế giới do nhóm Bảy Viễn cầm đầu, những đàn em chuyên tổ chức, bảo kê mại dâm, cờ bạc của Bảy Viễn và số gái mại dâm bị đẩy ra khỏi lầu xanh, động chứa đã tụ tập về đây hành nghề. Từ đó, nhiều thế hệ nối tiếp sống bằng nghề “kinh doanh” xác thịt hay còn gọi là “nghề không vốn”.
Tệ nạn mại dâm phát triển mạnh đến nỗi khóm Bình Khang – Cây Điệp với nhiều động, ổ nổi tiếng được giới giang hồ so sánh “nhất Nancy, nhì Cây Điệp”. Hoạt động mại dâm phát triển đến mức được coi như một hoạt động kinh doanh dịch vụ “nổi đình, nổi đám” thời ấy.

Theo tài liệu xưa, quanh khu Bata có khoảng 100 hộ chứa gái chuyên nghiệp, mấy chục nhà “ăn theo” mại dâm như: bảo vệ, dẫn mối, chích thuốc, cho thuê tắm giặt, ăn uống, son phấn, cho vay lãi… thu hút hàng trăm người vây quanh hoạt động mại dâm. Nhiều gia đình, tộc họ đều làm nghề mại dâm. Một số cảnh sát biến chất cũng tham gia “bảo kê” cho các hoạt động này.

Phần lớn các con hẻm xung quanh khu vực này đầy tai tiếng nhưng cũng không ít chiến tích. Nhiều người ác miệng còn gọi những cái tên nghe “nổi da gà” là hẻm thịt sống hay hẻm đĩ. Bất kể ngày đêm, khách làng chơi bước vào đầu hẻm đã được đội quân ma cô, bảo kê tiếp dẫn rất nhiệt tình. Họ được đưa đến một trong những “động” có tiếng nơi đây.
Hàng trăm cô gái, đủ lứa tuổi, lòe loẹt phấn son, áo váy hở hang, đứng ngồi ngả ngớn, chào mời với giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, phần lớn gái mại dâm làm suốt đời vẫn nợ nần chồng chất vì bị bóc lột quá sức và do có nhiều thành phần ăn bám vào họ. Mỗi chủ chứa đều thuê mướn một đội ngũ bảo kê cho quán. Dân bảo kê với thân hình đầy vết xăm vằn vện vừa canh gác ở các đầu con hẻm để theo dõi tình hình, vừa tràn ra đường chèo kéo khách làng chơi.

3/ Những kiều nữ trên đường phố Sài Gòn xưa

Chủ chứa nổi tiếng thời ấy và “có máu mặt” nhất là bà Hai Huê. Bà nắm trong tay khoảng 20 gái mại dâm. Con trai bà cũng trở thành bảo kê. Do tranh giành địa bàn, con bà đã từng vào tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Bà Hai Hòa cũng là một chủ chứa có chút tiếng tăm tại khu vực này. Có hai người con thì một đứa bị nghiện xì ke đến chết, đứa còn lại đi tù về tội cướp giật tài sản.

Chủ chứa Sáu Lủng cũng tỏ ra rất gan lì. Mỗi lần bị bắt là bà ta “thoát y” nằm ăn vạ, khiến cảnh sát nhiều phen đổ mồ hôi hột. Gia đình bà rất đông anh em, nhưng phần lớn đều chết vì ma túy. Ngoài ra còn có một số chủ chứa nổi danh khác như: Long Ba “Nhỏ”, bà Mai, ông Cồ, Tuấn “Đầu bò”…
Những nhà chứa thời ấy đều là những khu nhà xập xệ, nhếch nhác, lụp xụp, dơ bẩn, chỉ cần bước tới đầu con hẻm đã ngửi thấy mùi ẩm mốc, tanh tưởi. Nghề mại dâm hoạt động không kể giờ giấc, suốt ngày suốt đêm. Nơi đây nổi tiếng đến nỗi dân làng chơi Sài Gòn hầu như đều biết, khách ra vào tấp nập, dù địa thế ngoằn ngoèo, nhiều hẻm thông nhau như một trận đồ bát quái.

Phần lớn gái khắp nơi đổ về đây hành nghề mại dâm. Những ông khách làng chơi vào đây, nếu tiền bạc không sòng phẳng thì bị đám bảo kê đánh đập, trấn lột sạch sẽ. Khi không có đủ tiền trả, “thượng đế” sẽ bị ăn đòn hội chợ trước khi tìm được lối ra giữa các con hẻm chằng chịt.
Lại nói về Trường Sinh ngữ Quân đội, nơi tôi giảng dậy từ năm 1969 đến ngày Sài Gòn thất thủ. Trụ sở chính của trường nằm ở quận Gò Vấp, gần Tổng y viện Cộng hòa. Mỗi khi tan trường, mọi người (cả giảng viên lẫn khóa sinh là sĩ quan bộ binh) đều “quẹo phải” về hướng Sài Gòn.
Những ai “quẹo trái” đều bị “nghi ngờ” là đến “Ngã năm Chuồng chó” vì nơi đây hồi xưa có trường huấn luyện quân khuyển từ thời Pháp thuộc. Khu ngã năm này vốn dĩ nổi tiếng về “chơi bời” thuộc loại bình dân. Thế là những người “quẹo trái” bị hiểu lầm là đi tìm “chị em ta”. Tình ngay lý gian… nhưng biết đâu đấy, họ đi.. tìm hoa biết nói!

4/ Ngã năm Chuồng chó
Người phụ nữ một khi đã lạc chân bước vào “nghề không vốn” là cả một bi kịch trong bất kỳ một thời đại nào. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều đã lạc bước vào lầu xanh dưới bàn tay phù thủy của mụ Tú Bà:
Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Mượn màn chiêu tập lại là còn nguyên
Thân phận của nàng Kiều, hay cũng là thân phận của những phụ nữ buôn phấn bán hương của mọi thời đại được gói trọn trong những dòng thơ nuối tiếc của Nguyễn Du đối với những số phận đa truân:
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.

Nguyễn Ngọc Chính

Related posts