Yêu và Ghen

Nếu phải định nghĩa tình yêu trước khi mở đầu bài phiếm luận thì chắc sẽ mất nhiều thì giờ. Cho nên xin nói lướt qua mục đích của bài viết. Những mẩu chuyện nho nhỏ được nêu ra trong bài rút từ kinh nghiệm cá nhân cũng như những nghe thấy từ bạn bè và những người đã từng quen biết qua khoảng đời đã qua mà nếu quí vị nào thấy sao giống chuyện của mình thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Và như đã nói, đây chỉ là phiếm luận, nên nghe rồi xin bỏ qua và chớ có tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn thì e sẽ bị thất vọng.

Tình yêu đến sớm hay muộn, dưới dạng nào thì cũng tuỳ người. Có người lập gia đình bắt đầu bằng tình yêu hoặc giả bằng sự kết hợp ngẫu nhiên hoặc qua mai mối rồi sau đó đi đến tình yêu, rồi tình vợ chồng v..v… thì cũng sẽ qua giai đoạn ghen hoặc bị ghen, bất kể là đàn ông hay đàn bà. Lối ghen của mỗi phái cũng có những điểm đặc thù của nó, và xin nói trước điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết. Người ta hay tự biện hộ rằng yêu thì phải ghen; và ghen là đồng nghĩa với yêu. Nhưng theo thiển nghĩ, nói như thế có nghĩa là đã quá đơn giản hai chữ Yêu Ghen.

Trong bài thơ Ghen của Nguyễn Bính, tác giả mô tả cái lối ghen của một người đàn ông:

Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay biển lắm người

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngay ngất người qua lại
Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn quẩn bên cô
Bằng không tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên.

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi.

Đoạn thơ cuối cùng là kết luận của tác giả: Ghen tức là Yêu!

Về phía đàn bà thì chắc cũng có nhiều nhà viết về cái tật ghen hoặc cái nết ghen của mấy bà mà các ông không ít thì nhiều cũng đã từng kinh nghiệm.

Có một thằng bạn thân đã quá cố K20NT đã từng nói với bạn bè là đàn bà thì cũng giống như biển. Khi thì rất là hiền hoà, nhu mì, êm ả, khi thì cuồng nộ như biển cấp năm cấp bảy trở lên. Khi bà nổi cơn tam bành là lúc biển động dữ mà đàn ông chúng tôi cũng ví như những con tàu ra khơi mùa biển động. Dân hải quân thì rất gần với biển cũng giống như mấy ông có nhiều dịp tiếp xúc với đàn bà. Và đó cũng là cái nguồn của những trận ghen.Ghen cũng có nhiều lối ghen. Có lối ghen nhẹ nhàng cũng có những lối ghen vũ bão đưa đến sụp đổ gia đình. Nhưng hầu hết các lối ghen của mấy bà đều nhầm mục đích làm mấy ông điên cả đầu đến mất ăn mất ngủ. Có những trận ghen có cội nguồn, có gốc gác. Cũng có những trận ghen vô lý, không đầu mối. Môi trường để đưa đến những trận ghen thì cũng đa dạng.

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, có phong trào hát Kara Oke. Tiếng Nhật Kara có nghĩa không (without) như trong chữ Rara Te tức tay không, không có vũ khí. Chữ Oke tiếng Nhật có nghĩa là ban nhạc (orchestra). Những bản nhạc trong các VCD được thu hình và âm thanh trong đĩa với option chỉ phát hình và nhạc nhưng lời hát thì “mute” để chỗ cho người hát chêm vào theo đúng tông và điệu. Các buổi Kara Oke được tổ chức tại tư gia thường ở dưới basement (sous-sol) nên sau này có danh từ ca sỹ sous-sol để chỉ những ca sỹ xuất thân từ phong trào thịnh hành này. Một thời gian sau, hát Kara Oke chán, thiên hạ chuyển qua hát “nhạc sống”, tức nhiên hát có người đàn, thường là keyboards do các ông trình bài. Có ông tự học, cũng có ông mướn người dạy đàn keyboard. Và vì đa số thường dùng keyboard hiệu Yamaha, thêm nữa đa số các ông cũng đã có tuổi cho nên các nhóm ca hát có keyboard đệm nhạc được gọi là nhóm Yamaha, hay nói khác đi, “già mà ham”. Phong trào Yamaha bắt đầu ở tư gia, từ từ chuyển sang những buổi ca nhạc tự ca tự trình diễn để cùng nhau nhảy đầm ngoài công chúng ở các hội trình diễn nhạc cuối tuần, mua vé vào cửa để thay phiên nhau hát và để cùng nhau nhảy nhót. Từ phong trào Kara Oke, có người tự nhiên khám phá ra rằng mình cũng có tài ca hát và trình diễn một cách bất ngờ. Dĩ nhiên, tài ca hát và trình diễn này cũng có tính cách chủ quan. Là vì hát hay hay không là để khán giả thẩm định chứ không thể tự mình khen chê. Thế nhưng, con người ta thường thấy từ cái ngã mà phán xét, do đó mới có những đụng chạm nho nhỏ khi giao du. Trong những buổi hát sou-sol, mỗi người cứ chọn bài hát bằng cách ghi tên mình và bài nhạc, ghi rõ VCD số mấy, tông, điệu.v..v… rồi chờ đến phiên mình lên hát. Có những bài hát thời thượng nổi tiếng mà ai cũng giành hát. Có những trường hợp có những gia chủ hay gián tiếp nhắc nhở khách là “bài này là của tui”. Có nghĩa chả ai được quyền hát ngoài gia chủ ra. Do đó, buổi họp tự nhiên mất vui. Có những bản nhạc sến với lời ướt át, anh anh, em, em cũng là những nguồn cho các bà ghen chồng. Do đó, đi hát Kara Oke mà có bà nhà hay ghen thì các ông rất dè đặt, đắn đo. Kỵ nhất là nếu có bà nào đề nghị ông song ca thì tốt nhất ông nên từ chối khéo. Là vì song ca, có hai vấn đề. Thứ nhất là hai bên phải hợp tông điệu, thứ hai là nếu lời nhạc quá mùi thì dễ bị ăn đòn.

Có bà tuy có chồng nhưng khi đi hát lại thích đi một mình. Nếu lỡ được một trong những bà này mời hát song ca thì tốt hơn, các ông nên từ chối. Còn nếu gặp bà mới bỏ chồng thì lại càng nên bỏ chạy. Nếu bà thuộc loại đẹp hắp dẫn thì dù ông có ý gì hay không, cũng nên “bỏ qua đi tám”. Bằng không sẽ bị bầm dập như chơi. Có những bài ca mà ý và lời sẽ làm quí bà để ý mà nỗi cơn ghen như Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ, Sang Ngang của Đỗ Lễ, Biết Nói Gì Đây của Huỳnh Anh.

Trong bài Biết Nói Gì Đây có những câu như:

– Tháng chết về năm, sao thương còn hoài, thương mãi một người…
– Nay tuy xa nhau rồi, mà một hình bóng chưa mờ trong nhớ…

Bài Sang Ngang là một bài nhạc sến mùi mẫn, thê thảm có thể làm nhiều con tim thổn thức và cũng là nguồn cảm hứng ghen tuông số một, với những lời nhạc thống thiết như sau:

– Thôi nín đi em! 
Lệ đẫm vai rồi 
Buồn thương nhớ ơi! 
Anh hỡi đôi mình 
Mộng nay đã tan 
Tình đã dở dang 

Em khóc những chiều 
Anh xót xa nhiều 
Thương cho tình yêu 
Nỗi buồn chua cay 
Khi lòng đổi thay 
Thôi hết sum vầy 

Nếu biết rằng… tình là giây oan 
Nếu biết rằng… hợp rồi sẽ tan 
Nếu biết rằng… yêu là đau khổ 
Thà dương gian… đừng có chúng mình 

Lau mắt đi em 
Gần hết đêm rồi 
Buồn thêm nữa sao 
Mai bước sang ngang 
Lòng thêm nát tan 
Tình đã dở dang 

Thôi khóc làm gì 
Đã lỡ duyên thề 
Thương nhau làm chi? 
Nỗi buồn ai hay 
Khi mình chia tay 
Xa cách nhau rồi


Hoặc là:

– Nếu biết rằng… cuộc đời ngang trái 
Nếu biết rằng… tình này chóng phai 
Cho chúng mình… mang nhiều đau khổ 
Thì yêu đương… đành cố chôn vùi 

Thôi nhé em ơi 
Tình đã lỡ rồi 
Buồn cũng thế thôi 
Anh nén chua cay 
Nhìn em khóc than 
Tình duyên bẽ bàng 

Thôi nhắc làm gì 
Cho xót xa nhiều 
Bao nhiêu hận căm 
Mối tình ngày xưa

Xoá dần trong mơ
Mang xuống tuyền đài!

Một bài hát của Y Vân với nhan đề Thôi cũng mang nội dung người đàn ông khuyên người yêu đứng khóc nữa và đừng nhắc tới cuộc tình dang dở của hai người:

– Thôi, em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
Thôi em đừng khóc, 
Em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu
Làm sao xóa hết tâm tư

Thôi em đừng tới nữa làm gì 
Ðừng để lòng se lại khúc yêu đương
Thôi em đừng tiếc
Em đừng tiếc, đừng tiếc nữa
Ðừng để lòng, anh trở lại kiếp u buồn

Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi

Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi
Thôi em đừng nhớ
Em đừng nhớ nữa chuyện của mình 
Kiếp nay đành lỡ duyên rồi

Thôi đôi bờ vai đừng rung động 
Ðã hết rồi còn khóc nữa chi em…

Nói về nhạc song ca thì bài Tình Đời (Kiếp Cầm Ca) của Minh Bằng, các ông nên tránh hát với ai khác ngoài với Bà:

– Khi biết em mang kiếp cầm ca
Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho mọi người
Bỏ tiền mua vui, hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?
Đừng nói nữa, em ơi, xin đừng nói nữa làm gì
Anh nghĩ rằng đời người ca sỹ đáng thương và đáng được yêu
Tình yêu, em sợ tình yêu như là hương hoa
Lỡ mai sau em mất người yêu, em khổ thật nhiều…

Hoặc giả bài Đôi Ngã Chia Ly của Khánh Băng cũng thế:

– Em ơi, nép vào lòng anh, má kề bên nhau, ta nhắc chuyện ngày qua cho mối duyên thêm mặn mà (ơi à à ơi…)
Em ơi, nếu mà sau này giấc mộng không thành, thì đành đôi ngã chia đi, chớ đừng u sầu mà chi (ơi à à ơi…)
Em ơi, em hỡi, duyên tình dù lắm thương đau, nhưng lòng ta mãi yêu nhau, cho dù thời gian úa màu!
Em ơi em hỡi, Xuân về nào có đâu xa, nếu mà mỏi gót bôn ba, anh về nối lại tình ta
Anh ơi, nếu còn yêu nhau, nhớ đừng gặp nhau, cho luyến lưu khi biệt ly, vấn vương chi làm gì
Em ơi, có ngờ đâu rằng, khúc nhạc chưa tàn, mà đành xa cách em ơi, đôi ngã biết tìm về đâu!
Anh ơi anh hỡi, duyên tình dù lắm thương đau, nhưng long ta mãi yêu nhau, cho dù thời gian úa màu…

… và cứ thế.
Liên khúc Định Mệnh trong VCD Elvis Phương và Dalena với nhiều lời mùi mẫn cũng nên tránh:

– Người yêu ơi còn nhớ không, chuyện ngày xưa đã qua mau, mình hẹn hò yêu mãi nhau, cho dù năm tháng dài
Rồi thời gian lặng lẽ trôi, rồi tình yêu cũng bay đi, người xa xôi như bóng mây, lời hẹn đầu anh nhớ không?
Thôi nhé em đừng nhiều hận sầu, đừng thương tiếc để rồi xa xôi
Đừng trách chi đã lỡ duyên đời, hai chúng ta đi hai đường, chuyện yêu thương không còn nữa
Thôi nhé anh đừng buồn làm gì, đừng thương tiếc cũng là biệt ly. Đời cớ sao lại lắm u sầu, em khóc mối duyên ban đầu, từ đây chết trong lòng nhau…
Thôi tình nhân hỡi, ta xa nhau rồi. Thôi từ nay mãi mất nhau trong đời
Cho nhau bài hát cuối, quên đi tình gian dối, quên đi những lần xưa trót giận nhau…
(hát chung)

Nếu ca hát có thể mang lại nhiều nguồn hứng để mấy bà nổi ghen thì mục nhảy đầm còn deadly hơn nhiều.

Thường thì khi bà lên hát thì ông ở dưới mời các bà khác nhảy, và khi ông hát thì bà được những người đàn ông khác mời nhảy. Theo luật không lời thì các ông chỉ nhảy những điệu vô tội vạ, ít cọ vế, kề vai nhiều, và tối kỵ là những điệu “Slow mùi”, trong đó có điệu Boston, tức Valse lente hay luân vũ chậm! Bà tuy đứng trình diễn trên sân khấu nhưng mắt bà luôn quan sát sàn nhảy. Do đó, tuy nhảy với những bà khác, các ông luôn luôn hồi hộp. Cũng có những lúc bà không phải lên hát mà chỉ ngồi ở bàn nghỉ ngơi hoặc quan sát, và bà sẽ đề nghị ông mời ai đó nhảy:

– Anh mời L ra nhảy đi!

Ông có thể làm ra vẻ ngần ngừ vài giây hoặc giả cứ hăng hái ra mời cô kia nhảy bài sắp hoặc đang được trình diễn. Điều quan trọng là đừng tỏ vẻ quá hăng hái. Từ giây phút mà Ông bước đến bàn mời cô kia cho đến lúc hai người bắt đầu ra sàn nhảy là bà đã bắt đầu quan sát không sót một cử chỉ nhỏ nhặt nào của hai người. Do đó, Ông phải luôn cảnh giác. Bà có thể sẽ không “phê điểm” ngay sau khi bài nhạc chấm dứt và khi ông đã về bàn hoặc giả sẽ “phê” ngay tại chỗ. Nhưng chắc chắn sẽ có một lúc nào đó xuất kỳ bất ý, bà sẽ “cho điểm” Ông. Có lần Bà phán một câu:

– Tại sao nhảy mà phải áp sát vào mặt nó như thế?

Trong một phút bất ngờ, Ông cố nhớ ra xem mình có áp sát mặt mình vào mặt cô kia hay không, khi hai người nhảy với nhau… Dù thực tế như thế nào, nhưng nếu Bà đã phê như thế, thì có hai chiêu mà Ông nên chọn. Chiêu thứ nhất là cứ chối phăng theo như lời đề nghị của cố nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ. Chiêu thứ hai là tìm cách bào chữa:

– Nhạc ồn thì phải ghé sát mới nghe cô ta nói…

Cả hai chiêu thế đều có cái nguy hiểm riêng, do đó, ông cần có nhiều may mắn để khỏi bị bầm giập thêm. Và nên nhớ là bà sẽ không bao giờ quên cái biến cố đó và có nhiều dịp bà sẽ mang nó ra để “tụng” tiếp.
Cũng có Ông bị Bà lôi ra chất vấn sau một buổi dạ hội nào đó có ca sỹ bên Mỹ sang trình diễn trong một đêm dạ hội nào đó làm Ông chới với:

– Con T nó mách với tôi là khi nhảy với nó đêm đó, ông ôm nó sát quá!

Tự dưng Ông cảm thấy như vừa bị trời giáng!

Ông bèn gom lại ký ức mình về đêm đại nhạc hội đó xem có phạm lỗi gì chăng. Nếu quả thật ông có ôm cô kia quá chặt, sao cô ta không phản đối tại chỗ một cách khéo léo như đẩy nhẹ ông ra. Sao lại mách với bà. Đây thật là tricky. Người viết chỉ biết nói với ông là “Good luck!” mà thôi.

Rồi nói về những ông khổ công đi học đàn keyboard để đệm nhạc cho mấy người hát, trong đó dĩ nhiên có nhiều bà đến nhà tập tới tập lui trước đêm “trình diễn”. Những ông nhạc sỹ “sous-sol” này cũng có những khổ tâm riêng. Vì có nhiều trường hợp khi ông đàn thì bà cũng muốn hát trình diễn. Nếu bà biết hát cho đúng tông đúng nhịp còn đỡ. Nếu lỡ Bà hát mãi mà vẫn lạc tông, sai nhịp thì ông dĩ nhiên phải khổ công tập giợt, mất thì giờ vô cùng. Hồi phim Titanic thịnh hành, có bà kia cứ nằng nặc đòi chồng dợt bài Titanic để bà có dịp lên trình diễn cho công chúng. Khi nghe xong bà hát bài này, có ông bác sỹ ở Montreal nói đùa rằng:

– Tàu Titanic chìm có trên nghìn người chết, nghe bà này hát xong thì chắc dân bị chết chìm có đến trên ba nghìn người!

Ca hát trình diễn đã có vấn đề về ghen, nghe hát đôi khi cũng bị ghen. Do đó mấy ông cũng nên cẩn thận. Có ông kia thích nghe nhạc Đặng Lệ Quân nên mỗi khi lái xe, ông hay cho nghe CD của ca sỹ này. Sau một thời gian, bà nổi cáu:

– Tại sao ông không tìm mấy con xẩm xịt mà lấy, lấy tôi làm gì?

Thế là từ đó ông chỉ nghe nhạc Tàu khi ngồi xe một mình, không có bà ngồi bên.

Dĩ nhiên các bà cũng có thể để ý khi các ông cứ nghe hoài một nữ ca sỹ Việt Nam hay ngoại quốc nào đó hoài, cho nên các ông cũng coi chừng.

Nói về cái ghen của đàn bà thì trong văn chương Việt Nam có Hoạn Thư của truyện Kiều là nổi tiếng nhất.

– Vốn giòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ, tên là Hoạn Thư

Khi nghe phong phanh chồng là Thúc Sinh đang có tình với Thúy Kiều thì Hoạn Thư tính toán và hành động như vầy :

– Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.

Tiểu thư nổi giận đùng đùng:

Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi!
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!

Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.

Ghen là một tính tự nhiên không phân biệt nam nữ. Thế nhưng đàn bà ghen thì có trình độ hơn đàn ông. Là vì bẩm sinh, nữ nhân bao giờ cũng thâm trầm hơn nam nhân. Người đàn ông thì ghen táo bạo hơn và cũng cấp bách hơn. Trong khi đàn bà ghen thì thâm hiểm hơn, chậm rãi nhưng sâu sắc hơn. Đàn bà Việt Nam thì lối ghen cũng khác tùy theo các bà bẩm sinh từ ba miền khác nhau, có lối ghen cũng khác nhau theo cốt cách và trình độ.

Nhưng trở lại câu hỏi căn bản, Ghen có phải là đồng nghĩa với Yêu hay không?

Đa số tình yêu đều mang tích chất chiếm hữu. Và đó cũng là động lực đưa đẩy đến ghen.

Chính Nguyễn Bính cũng đã khẳng định điều đó:

– Cô là tất cả của riêng tôi!

Nhiều người sẽ cho rằng tình yêu chiếm hữu là một thứ tình ích kỷ, chỉ lo cho mình mà xem đối tượng chỉ là món đồ vật sở hữu mà mình muốn làm chủ cũng như nhà cửa, xe cộ, nữ trang v.v…Khi yêu thì chỉ muốn khư khư chiếm hữu, sau khi đã chinh phục được đối tượng và từ đó không muốn mất đi, luôn luôn bảo vệ quyền sở hữu mà thực ra không châm sóc, quan tâm, vun sới tình yêu như vun sới một cây trồng chẳng hạn. Như đã nói trong phần mở đầu, hôn nhân có thể bắt đầu bằng tình yêu, cũng có thể từ sự xếp đặt của hoàn cảnh và gia đình, rồi tình yêu mới đến sau. Sư ghen tuông cũng xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào đưa tới tình vợ chồng và trong suốt cuộc sống hôn nhân. Ghen có thể được xem như những gia vị (spices) làm mặn mà thêm tình vợ chồng, mà cũng có thể là một trong những nguyên do đưa tới những vụ ly dị. Và như đã nói, vấn đề Yêu và Ghen cũng mang nhiều sắc thái chủ quan. Do đó, mỗi người có một quan niệm riêng rẽ về vấn đề này và khó có thể khẳng định đâu là câu trả lời ổn thỏa cho mọi người.

Huỳnh Kim Khanh

Related posts