Việt Nam gặp may nhờ Mỹ-Trung Cộng choảng nhau

Khi đến Hà Nội vào tuần qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison hy vọng Việt Nam sẽ là một trong 10 nước buôn bán nhiều nhất với Úc. Việt Nam không những sẽ buôn bán mạnh với Úc mà còn với nhiều nước khác trên thế giới nhờ gặp may khi Mỹ và Trung Cộng choảng nhau.
Thật vậy, trong lúc kinh tế thế giới dám sa vào suy thoái thì Việt Nam được kể là nền kinh tế phát triển mạnh nhất trong năm 2019. Tờ Asian Business dẫn nguồn từ ngân hàng United Overseas Bank (Singapore) cho biết: kinh tế Việt Nam phát triển mạnh nhờ nhiều cơ xưởng dọn vào. Theo đó, trong năm nay kinh tế Việt Nam có thể phát triển đến mức 6.7%. Mức này coi như ‘cầm chắc’ vì trong nửa đầu năm nay kinh tế Việt Nam đã phát triển được 6.8% rồi.
Lý do chính khiến cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh không phải vì ‘thiên tài đảng ta’ mà Việt Nam (cùng với nhiều nước đang phát triển) gặp may khi hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới đụng độ. Cuộc đụng độ bắt từ tháng Ba năm ngoái. Lúc đó, Trump sanh sự đánh thuế hết hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng này sang hàng hóa nhập cảng khác. Ngược lại Tập Cận Bình cũng không ngồi yên chịu chết. Trong cuộc chiến này, Mỹ coi chừng có nhiều mục tiêu để nhắm vào hơn. Donald Trump có đến $550 tỷ Mỹ Kim hàng ‘Made in China’ để đánh thuế. Ngược lại, cho dù Tập Cận Bình chơi tới bến thì cũng chỉ có $185 tỷ Mỹ Kim hàng ‘Made in USA’ để làm thịt mà thôi.
Mới nhất, khi Thủ tướng Úc Scott Morrison vừa phủi chưn rời Hà Nội thì ông Donald Trump hót lên mạng Twitter: kéo thuế từ 25% lên 30% đánh trên số hàng trị giá $250 tỷ Mỹ Kim nhập cảng từ Trung Cộng. Coi bộ lần này, Donald Trump quá tức giận vì Tập Cận Bình trả đòn bằng cách đánh thuế lên số hàng 75 tỷ Mỹ Kim nhập cảng từ Mỹ. Ổng hót “Our great American companies are hereby ordered to immediately start looking for an alternative to China, including bringing……your companies HOME and making your products in the USA. Tui ra lệnh các đại công ty MỸ lập tức tìm kiếm nơi khác thay cho Trung Cộng, kể cả mang công ty mình VỀ NƯỚC để sản xuất hàng hóa ở trong nước MỸ”.

Công ty Mỹ không về Mỹ
Trải qua gần 17 tháng chiến tranh thương mại, hiếm hoi công ty Mỹ dọn VỀ NƯỚC… MỸ! Ngược lại, rất đông tìm tới các nước đang phát triển để tiếp tục hưởng lợi nhờ đồng lương ở nước nghèo vẫn còn rẻ mạt. Enphase chuyên chế tạo tấm biến điện từ năng lượng mặt trời có trụ sở chính tại California đã dọn khỏi Trung Cộng. Enphase không về nước Mỹ mà sang Mexico. Apple vẫn tiếp tục ghi chữ ‘Designed by Apple in California, do Apple vẽ kiểu tại California’ nhưng vẫn thêm ‘Assenbled in China, ráp tại tại Trung Cộng’. Mai kia mốt Apple vẫn tiếp tục ‘…vẽ kiểu tại California’ mà chỉ thay thế ‘Assenbled in China’ thành ‘Assenbled in India’ (hay Việt Nam). Cùng một lúc, đã nghe nói những Nike, Nintendo, Sharp, Canon và Kyocera dọn cơ xưởng vô Việt Nam. Đó là các tên tuổi thường nghe. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty ít được biết tiếng như Muji (đóng bàn ghế), McLanahan Corp (chế máy bơm nước) cũng đổ vào Việt Nam.

Công ty đa quốc gia dọn cơ xưởng vào Việt Nam vì nhiều lý do. Lý do gần nhất là né đạn từ hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình bắn vào nhau. Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 30% lên trị giá hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng. Ông Donald Trump một lần nữa hạ thủ sau khi Tập Cận Bình nhắm vào đậu nành nhập cảng từ Hoa Kỳ. Được biết rất đông nông gia trồng đậu nành ủng hộ ông Donald Trump. Nay Trung Cộng ú ớ không mua đậu nành nữa. Vậy là ông Trump mất cái ‘sân sau’ ở Iowa để một lần nữa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Dọn cơ xưởng vào Việt Nam, công ty quốc tế né đạn bắn từ Bạch Cung và Trung Nam Hải mà còn hưởng lợi nhờ lương công nhân ở Việt Nam rẻ mạt. Một thợ cày hãng tại Việt Nam lãnh lương trung bình ở mức 5,800,000 đồng. Hiện nay mức lương này có tăng lên chút đỉnh, đạt mức 6,200,000 đồng. Theo tính toán của Trading Economics sang năm lương trung bình của công nhân Việt Nam khá lắm đạt mức 6,800,000 là cùng. Còn nói về mức lương tối thiểu, ở Việt Nam công nhân quèn chỉ lãnh tương đương $126 Mỹ Kim mỗi tháng. Trong khi đó công nhân quèn ở Thái Lan cũng lãnh được ít nhất số lương tương đương US$274. Còn công nhân rẻ mạt ở Trung Cộng thì lương cũng đã gấp đôi lương tối thiểu ở Việt Nam.

Nhờ lương trả cho công nhân còn thấp, các công ty ngoại quốc khi phải dời cơ xưởng khỏi Trung Cộng thường nhắm tới Việt Nam. Trong năm nay số tiền trực tiếp đầu tư vào Việt Nam đã đạt mức $19.1 tỷ Mỹ Kim. Người ta nói con số $20 tỷ Mỹ Kim gần như là chuyện chắc chắn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019. Thật vậy, khi bắt đầu đụng trận trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhiều công ty Trung Cộng đã tìm đường ra khỏi nước. Khá đông công ty này đã tới Việt Nam. Vì thế trong năm ngoái Trung Cộng đã mang lên đến 25% vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ngày nay, giới làm ăn với Trung Cộng mở ra một thị trường mới. Thị trường này tên là ‘China +1’. Nước ‘cộng thêm’ với Trung Cộng chính là Việt Nam.

Chênh lệnh mậu dịch với Mỹ
Nhờ được nhiều công ty ngoại quốc dọn cơ xưởng vào, Việt Nam hô hoán xuất cảng rất nhiều hàng hóa. Theo International Trade Centre, vào năm trước khi xảy ra thương chiến giữa Mỹ và Trung Cộng, Việt Nam chỉ xuất cảng được $213 tỷ Mỹ Kim hàng hóa. Khi thương chiến xảy ra, con số này đã lên đến mức $290 tỷ Mỹ Kim. Trong số này, rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam chở qua Mỹ. Ngược lại sức tiêu thụ của người Việt Nam không tăng mạnh. Điều này khiến cho cán cân mậu dịch giữa Mỹ với Việt Nam bị chênh lệnh. Chênh lệnh ngày càng nặng. Trong năm ngoái, mức chênh lệnh này đã tới mức $39.5 tỷ Mỹ Kim. Như vậy, nói về độ chênh lệnh trong cán cân mậu dịch với Hoa Kỳ, Việt Nam đứng vào hạng sáu.
Khi cán cân chênh lệnh về phía Việt Nam thì ‘đảng ta’ mừng ra mặt. Nhưng trong con mắt của ông Donald Trump, nước nào mua ít hàng hóa Mỹ mà lại chở hàng nhiều hơn qua Mỹ thì… coi chừng. Eric Miller, nhân viên làm việc trong Wilson Center tại Hoa Kỳ, nói “Nếu nước nào lộ mặt làm ‘Trung Cộng mới’ thì coi chừng Bạch Ốc ra tay”. Xin hỏi có ai dám ra mặt làm “Trung Cộng mới” chưa? Thưa: Chả ai dại làm thế. Ấy thế mà vào tháng Sáu vừa qua, chính ông Donald Trump đã nêu tên một nước dám làm ‘Trung Cộng mới, the new China’. Nước ‘Trung Cộng mới’ này còn “chơi gác nước Mỹ còn hơn Trung Cộng (thứ thiệt), takes advantage of us even worse than China”! Tên của nước này không đâu khác hơn là… Việt Nam.
Thế là Hà Nội vừa chở hàng hóa ồ ạt qua Mỹ vừa… run. Run vì sẽ tới ngày ông Donald Trump coi sổ. Rủi cuốn sổ cho thấy Mỹ trả tiền cho Hà Nội quá nhiều so với số tiền Hà Nội mua hàng từ Mỹ chở qua thì ổng trừng trừng con mắt hót loạn xị lên Twitter. Để tránh ngày này xảy ra, Hà Nội ký bừa ký bãi mua hàng Mỹ. Đặc biệt mua ào ạt máy bay Boeing của Mỹ cho dù Việt Nam chưa kịp đào tạo phi công!

‘Ma dê Việt Nam’
Hà Nội còn bị tố khi dán nhãn ‘Ma dê Việt Nam’ lên hàng hóa thực ra xuất xứ từ Trung Cộng. Trong tháng Bảy năm nay, Hoa Kỳ đã đánh 456.23% thuế lên thép dán nhãn ‘Made in Việt Nam’ vì cho rằng thép ấy thực chất sản xuất từ Trung Cộng hay Nam Hàn, và Đài Loan. Việt Nam chỉ chà láng chút đỉnh rồi chở tuốt qua Mỹ. Cùng một lúc Mỹ coi lại các tấm biến điện từ năng lượng mặt trời do Vinasolar xuất cảng qua Mỹ. Bộ thương mại Mỹ cho rằng đây chỉ là sản phẩm của một công ty Trung Cộng đã từng có cơ xưởng tại Việt Nam từ năm 2014 mà thôi.
Thiệt tình mà nói, Mỹ đánh thuế lên thép ‘Ma dê Việt Nam’ chỉ để nhá đòn mà chơi vì Mỹ chỉ mua có 15% số thép được Việt Nam chà láng ấy thôi. Còn về phía Việt Nam, thép chỉ mang về số tiền chưa đầy 2% so với tổng sản lượng hàng hóa xuất cảng. Dầu vậy, bị cú đau 456.23% thuế, Việt Nam đã dồn hết nỗ lực chở thép sang Cambodia, Indonesia và Mã Lai thay vì tiếp tục bán cho đế quốc Mỹ. Thật vậy, Trung Cộng mà còn ngất ngư khi Mỹ đánh thuế hàng hóa nhập cảng; Việt Nam càng sụp đổ nhanh chóng hơn. Tường trình từ Capital Economics cho rằng nếu Mỹ đánh thuế 25% hàng nhập cảng từ Việt Nam thì sản lượng toàn quốc (GDP) của Việt Nam sụt xuống 1%. Và cứ thế… cứ thế đi xuống.
Vào tháng Tám vừa qua, viện nghiên cứu có tên Fitch Solutions Macro Research tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đang bị Hoa Kỳ tính chuyện đánh thuế vào hàng hóa chở qua Mỹ. Lo sợ hơn hết cho Hà Nội là khi bị tố gian lận khi dán nhãn ‘Ma dê Việt Nam’. Chưa bao giờ Hà Nội phản ứng nhanh chóng cho rằng bị Mỹ tố gian lận. Ngay trong tháng Tám năm nay, bộ Công Thương tại Hà Nội làm xong dự luật về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hàng được gọi xuất xứ từ Việt Nam phải có ít nhất 30% thành tố sản xuất trong nước. Như vậy máy móc điện tử Asanzo hoàn toàn nhập cảng từ Trung Cộng vào; Việt Nam chỉ thêm một việc dán cái nhãn ‘Ma dê…’ lên chắc là không phải là hàng Việt Nam rồi. Không biết Samsung còn là ‘tự hào’ cho Việt Nam như ông Phúc tuyên bố khi thăm Úc năm nào.
Ngoài ra, Hà Nội phải ráo riết tìm thị trường ngoài Hoa Kỳ. Trong số này, Hà Nội bán hàng cho các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương vì có chân trong tổ chức ASEAN và TPP11 (Trans Pacific Parnership 11). Hà Nội còn tìm cách ký hiệp ước tự do mậu dịch với Nam Hàn, Liên Âu và mới nhất tìm thị trường ở Úc, Nhật Bản và New Zealand.

Lâu đài Việt Nam xây trên cát
Trước nhiều con số sơn son thếp vàng lên nền kinh tế Việt Nam, ai cũng biết kinh tế Việt Nam là tòa nhà xây trên cát. Hơn nữa tòa nhà này đang bùng lên quá nhanh.
Trước hết là nền móng cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn dựa vào cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Ngày nào, Donald Trump và Tập Cận Bình còn dùng biện pháp thuế quan đánh vào đầu nhau thì kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi. Rủi cuộc chiến này ngưng thì kinh tế Việt Nam cũng tàn. Trước tính tình bất nhất của ông Donald Trump, không ai biết cuộc chiến này sẽ đi về đâu nhưng một điều ai ai cũng loáng thoáng nhìn thấy là dám có ngày ‘trade war’ biến thành ‘trade deal’. Thật vậy, ông Donald Trump thà bán cả bà Melania chứ không thể chịu thua trong lần tái tranh cử năm 2020. Ai cũng biết: chỉ vài hàng hót lên Twitter, cuộc chiến trị giá hàng trăm tỷ Đô La với Trung Cộng có thể biến cái rụp thành cú bắt tay ngầm ngầm để ổng tái cử. Thật vậy, sau khi “ra lệnh cho đại công ty tìm chỗ khác thế cho Trung Cộng…”, Trump lại xuề xòa báo tin “Trung Cộng và Mỹ trở lại bàn đàm phán…”.

Ngoài ra, cho dù cuộc chiến này sẽ kéo dài thì chưa chắc Việt Nam (và nước khác) luôn luôn hưởng lợi. Tất cả đang hưởng lợi trong bấp bênh vì chỉ cần một tiếng hót lên mạng Twitter, ông Donald Trump có thể đánh thuế hàng hóa ‘Ma dê Việt Nam’ lắm đa.
Sau cùng, cứ cho rằng Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại kéo dài mãi mãi thì chưa chắc Việt Nam đủ sức đón hàng trăm công ty rầm rập đổ vào. Trước hết, Việt Nam phải gấp rút cung ứng tiện nghi công cộng: nào là đường sá, nào là phi trường – hải cảng, nào là điện nước – khí đốt, nào là vật liệu xây cất, nào là hệ thống computer… Tất cả những thứ đó phải có trong một sớm một chiều. Không chỉ Việt Nam, không nước nào có thể làm được. Hiện nay, cơ xưởng ngoại quốc mọc lên như nấm ở Việt Nam. Nhiều cơ xưởng này cũng không phải do công ty Việt Nam xây dựng mà do tập đoàn Warburg Pincus của Mỹ làm. Dầu sao, hiện nay người dân trong nước có nhiều việc làm hơn. Nhưng chỉ toàn những việc lắp ráp chứ chưa đạt mức chế tạo như ở Trung Cộng vì tay nghề ở Việt Nam chưa cao.
Khi có quá nhiều cơ xưởng cùng lúc đổ vào Việt Nam, giá đất tăng lên vùn vụt, đường sá kẹt cứng và đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng. Ngày nay, ít người ở Việt Nam hy vọng sống nhờ vào lúa gạo, cà phê, trà… cho bằng xếp hàng xin một chỗ làm trong cơ xưởng nước ngoài. Thay đổi này ảnh hưởng mạnh không những trên nền kinh tế mà còn làm thay đổi đời sống xã hội và gia đình của người Việt Nam.
.
Cổ Nhuế

Related posts