I.- Từ thực tế lịch sử đế huyền thoại ẩn dụ:
Gọi là thực tế lịch sử cũng không hoàn toàn là những sự kiện hay tài liệu lịch sử có giá trị cụ thể. Sử Việt Nam cũng như sử Tàu, ở thời Thương cổ khuyết sử, đều là do những triều đại sau viết lại. Những tài liệu lịch sử kể lại ấy mang nhiều tính chất huyền thoại, dã sử hơn là lịch sử. Đáng tin cậy là đời Hán với “Sử Ký” của Tư Mã Thiên mới có chứng cớ và tài liệu lịch sử được viết ra với những thời đại và địa danh cụ thể. Tuy nhiên, vì giao thông khó khăn, các sử gia, điển hình như Tư Mã Thiên cũng không có điều kiện điều tra thực địa, mà cũng có phần nào không hoàn toàn đúng lịch sử khi nghe truyền khẩu, những chuyện xảy ra ở các địa phương xa xôi.
Theo sách “Hậu Hán Thư” thì nước Lạc Việt nằm vào đúng địa điểm miền Bắc nước Việt Nam ngày nay, tiếp xúc với Việt Thường (sau này là nước Chiêm Thành) ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Như vậy là nước Lạc Việt là một nước nhỏ nằm lánh vào một góc phía Nam của Trung Hoa.Trong chế độ phong kiến Trung Hoa ở vào đời Tần Hán thực sự văn minh là một số nước nhỏ ở thời Xuân Thu Chiến Quốc đã bị Tần Thủy Hoàng thống nhất, và họ ở tập trung vào đồng bằng Hoàng Hà và Dương Tử. Các nước ngoài khu vực trung ương ấy, đều bị đánh giá là thấp kém, man di mọi rợ vừa về văn hoá và chủng tộc.
Có lẽ vì ở lánh về một góc xa xôi ở miền Nam, nên lịch sử Trung Hoa chỉ chép những thông tin rất mơ hồ về nước Lạc Việt: “Những điều ghi chép trong “Giao Châu ngoại vực ký” (do Thủy Kinh Chú dẫn) và “Quảng Châu ký” (do Sử Ký sách ẩn dẫn) nói về Lạc Hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc điền ở Giao Chỉ, cho đén truyền thuyết Lạc Long Quân của dân tộc Việt Nam lại cho thêm những chứng cớ để tin rằng Lạc Việt là tương đương với miền Bắc Việt Nam ngày nay (1)”.
Nước Lạc Việt đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bị diệt vong bởi Thục Phán. Sách “Toàn Thư” chép: “Giáp Thìn năm thứ nhất (257 BC) ngang với Noãn Vương nhà Chu năm thứ 58. Vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc”.(2)
Đối chiếu với lịch sử Trung Hoa, thì đời vua Noãn Vương nhà Chu đã mất hết uy quyền, khiến thiên hạ phân thành nhiều nước, và có 6 nước lớn do gồm thâu các nước nhỏ, nay đang đối diện với nguy cơ bị Tần diệt. Các nước mà Tần thâu tóm đều nằm ở vùng châu thổ hai sông Hoàng Hà và Trường Giang. Vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, nhất là Giao Chỉ (Lạc Việt), phải đến sau khi Tần thống nhất rồi mới sai Đồ Thư đánh và sát nhập thành Tượng Quận.
Như thế, việc thành lập nước Âu Lạc do An Dương Vương diệt Hùng Vương thứ 18. Sử nói An Dương Vương là Thục Phán, nhưng không cho biết Thục Phán cai trị nước nào? Việc đặt tên nước Âu Lạc rõ ràng là sự kết hợp của nước Tây Âu và Lạc Việt. Điều này là một chứng cớ về sự nhầm lẫn Lạc Vương và Hùng Vương. Vì nếu diệt vua Hùng xong, kết hợp Tây Âu và Hùng Vương (hay là nước Văn Lang) thì sao không gọi “Âu Hùng” hay Âu Lang (hoặc Âu Văn) mà lại là Âu Lạc? Theo Đào Duy Anh thì nước Âu Lạc cũng do sự ghép nước Tây Âu và Lạc Việt, nhưng ở thời gian chậm hơn, sau khi Tần đã chiếm được 6 nước ở Trung nguyên rồi: “Xét sử sách xưa của Trung Hoa thì thấy trong thời gian quân Tần Nam chinh, người ta nói đến cái tên Tây Âu chứ chưa nói đến Âu Lạc. Đến bức thư Triệu Đà tạ tội với Hán Văn Đế chép trong “Sử Ký” (Q. 112) thì mới thấy nói đến nước Âu Lạc (*). Vì thế chúng tôi đoán rằng nước Âu Lạc là do An Dương Vương dựng lên (sử cũ của ta cũng chủ trương như vậy) song, chắc hơn là sau cuộc kháng chiến với quân Tần”.
Nước Âu Lạc sau này sẽ bị Triệu Đà rồi đến nhà Hán chiếm lấy mà chia làm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Xét địa thế quân Giao Chỉ nhà Hán thì thấy nó trùm cả một phần miền Đông Nam tỉnh Quảng Tây, một phần phủ Thái Bình và Khánh Viễn. Như vậy thì nước Âu Lạc cũng bao gồm cả phần đất ấy của tỉnh Quảng Tây.” (3)
Đào Duy Anh thiên về thuyết “Tây Âu và Lạc Việt” kháng chiến chống Tần xâm lăng, nên lùi thời gian lại cho hợp cuộc nam chinh của Tần Thủy Hoàng xảy ra vào năm (288 BC) và ông chê sử cũ của ta không đề cập đến cuộc nam chinh của nhà Tần. Lý thuyết của Đào Duy Anh mang tính thời thượng là cuộc kháng chiến chống Pháp, nên ông cho Thục Phán là một anh hùng chống Tần: “Những việc lẻ tẻ sơ lược ghi chép theo lối biên niên, không có hệ thống (xem KĐVSTGCM) và hỗn tạp chuyện thực với chuyện hoang đường, mà sử cũ ghi lại như thế, không cho chúng ta biết gì về cuộc kháng chiến trường ký của tổ tiên ta là một bước quyết định trong lịch trình sinh thành của dân tộc và về Thục Phán là người anh hùng mà nhân dân Lạc Việt đã cử lên để lãnh đạo cuộc kháng chiến ấy.”(4)
Lập luận của Đào Duy Anh không có gì để chứng minh rằng Thục Phán được dân Lạc Việt bầu lên để kháng chiến chống Tần. Ý niệm bầu cử dân chủ này có lẽ không xảy ra ở thời kỳ tiền quân chủ tập trung này. Dựa vào việc sử Tàu không nói đến nước Âu Lạc khi Tần nam chinh, có thể vì nước Âu Lạc quá nhỏ, nên khi năm 257 BC nước Tây Âu diệt nước Lạc Việt để thống nhất thành Âu Lạc không là một biến cố trọng đại đối với Trung nguyên lúc ấy nước Tần đang tập trung vào việc gồm thâu Lục quốc.
Như vậy, việc thành lập nước Âu Lạc, nói một cách khiêm tốn thì chỉ là sự xáp nhập cưỡng bách hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt. Lối viết sử của ta, đúng như Đào Duy Anh đã nhận định là: “hỗn tạp chuyện thực với hoang đường”. Thực ra lịch sử cổ đại nước nào cũng thế. Sử Tàu ở thời Cổ đại phần lớn cũng là sưu tập từ những truyện kê trong dân gian mà tập hợp thành. Đối chiếu giữa sự thực và hoang đường ta có thể tiếp cận sự thực phần nào. Không ai dám khẳng định sự thật 100% về lịch sử cổ đại, ngay cả khi đã có những cứ liệu khảo cổ và nhân chủng học.
Hãy đối chiếu từ hoang đường để thấy sự thành lập nước Lạc Việt và nước Âu Lạc. Hẳn rằng câu chuyện về bà Âu Cơ và Lạc Long Quân hé lộ cho ta thời gian và nguyên nhân lập quốc của nước Âu Lạc. Trong huyền thoại về họ Hồng Bàng có thuật chuyện: “Vua Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đấng quân thần tôn ti, các đạo cha con vợ chồng, đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế.” Trên đây là thời gian Lạc Long Quân chưa gặp Âu Cơ. Huyền thoại này cho ta thấy trước khi gặp Âu Cơ để đẻ ra trăm trứng nở thành trăm con trai thì Lạc Long Quân đã có nước có dân để cai trị rồi. Ý tưởng trong câu “đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự” là diễn ý trong tư tưởng Lão Trang mà các nhà nho ở thời Trần rất thông hiểu: “Vô vi nhi trị, hiền ư hữu vi” (dùng Vô vi để trị dân, tốt hơn là hữu vi)(*). Các sử gia đời Trần cũng muốn nói đến Lạc Long Quân là hình ảnh của Nghiêu Thuấn làm cho dân cổ đại Trung Hoa an cư lạc nghiệp.
Lạc Long Quân xuất hiện khi có lời kêu cứu của dân Lạc Việt: “Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng nhau gọi Long Quân rằng: “Bố ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân””. Ắt hẳn người phương Bắc đã xâm chiếm người phương Nam khiến họ không được yên ổn làm ăn – nói một cách khác, người phương Bắc cai trị dân Lạc Việt khe khắt khiến họ rất khổ sở phải kêu gọi những người cùng chủng tộc cứu giúp để chống xâm lược.
Cuộc thoát Tàu sớm nhất trong lịch sử hẳn là nước Âu Lạc tách ra khỏi địa bàn Trung Hoa để lập quốc ở vùng Giao Chỉ với hành động có tính chất xác lập chủ quyền quốc gia là xây “Loa thành” ở gần Phong Châu nơi phát tích vua Hùng. Trong “Việt Sử Lược” có chép: “Phán đắp thành ở Việt Thường, là đất Cổ Loa (Đông Ngạn, Phúc Yên ngày nay), không thông hiếu với nhà Chu. (Có lẽ không thông hiếu với nhà Chu vì bấy giờ nhà Chu đã bị diệt vong)”(5). Cũng có thể ở quá xa Trung nguyên mà không bắt liên lạc được.
Việc đặt tên cho nước Âu Lạc cũng là điều đáng để ý. Trong huyền sử nói đến sự kết thân của Lạc Long Quân và Âu Cơ cho ta thấy ít nhiều lịch sử về sự diệt vong của nước Văn Lang và sự ra đời của nước Âu Lạc. Hiển nhiên chữ Lạc Long Quân phải hiểu là vua nước Lạc; còn Âu Cơ là người con gái thân thích cao cấp của vua nước Âu (Tàu cũng có trường hợp này là nàng Hạ Cơ). Trong huyền thoại đã nâng Lạc Long Quân lên hàng Vua, còn Âu Cơ là công chúa (con vua Đế Lai). Sự thật lịch sử có khi không huy hoàng như thế. Những điều gọi là vua chúa, Đế, Cơ hoàn toàn là do sau này, khi trật tự phong kiến đã xây dựng xong và quy định rõ ràng vị thế với danh xưng. Các nhà viết sử thời Trần đã thêu dệt nên một nước Lạc Việt có nguồn gốc lâu dài. Tuy nhiên đã tỏ ra có rất nhiều sơ hở và hư cấu đối với sự thật lịch sử.
Một thí dụ cụ thể là trong “Lĩnh Nam chích quái” chép về cuộc sống vật chất của Việt thời tiền sử như sau: “Hồi quốc sơ, dân không đủ dồ dung, phải lấy vỏ cây làm áo (vỏ cây gì?), dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, baba làm mắm… Lấy rễ gừng làm muối; cấy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm”(6). Cuộc sống vật chất như thế thì làm sao đã có vua chúa và triều thần. Có chăng chỉ là những bộ tộc lớn với tù trưởng và vài người phụ tá để trông nom giữ gìn trật tự trong bộ lạc. Bộ lạc mạnh lên do việc đi săn bắt nhiều và chiếm đoạt lãnh thổ săn bắt của các bộ lạc khác.
Đào Duy Anh đã căn cứ vào thuyết “Khánh chiến” để giải thích sự thành lập nước Âu Lạc là: “Xét sử sách xưa của Trung Hoa thì thấy trong thời gian quân Tần nam chinh, người ta nói đến cái tên Tây Âu chứ chưa nói đến tên Âu Lạc. Đến bức thư của Triệu Đà tạ tội với Hán Văn Đế chép trong Sử Ký thì mới thấy nói đến nước Âu Lac. Vì thế chúng tôi đoán rằng nước Âu Lạc là do An Dương Vương dựng lên (sử cũ của ta cũng chủ trương như vậy) song chắc hơn là sau cuộc kháng chiến với quân Tần. Phân tích tên Âu Lạc, chúng ta thấy có hai thành phần rất có ý nghĩa. Chữ “Âu” tất là do tên Tây Âu; và chữ “Lạc” tất là do tên Lạc Việt. Có lẽ để dựng nước Âu Lạc, Thục Phán đã tập hợp một số bộ lạc Tây Âu với các bộ lạc Lạc Việt mà dựng nước, rồi lấy tên cũ của hai thành phần ấy mà ghép lại thành tên Âu Lạc”(7).
Lý luận xem ra rất khoa học của Đào Duy Anh còn có vướng mắc về thời gian. Tần Thủy Hoàng nam chinh là khi đã lên ngôi lập ra nhà Tần thống nhất Trung Quốc, sau khi diệt nước cuối cùng là nước Tề năm 221. Sau năm này ít năm mới sai Đồ Thư đi đánh phương Nam. Nếu theo thuyết của Đào Duy Anh thì nước Âu Lạc được thành lập vào khoảng sau năm 221. Trong khi sách sử của ta nói: “Giáp Thìn, năm thứ nhất (257 BC) (ngang với Noãn Vương nhà Chu năm thứ 58. Vua đã kiêm tính nước Văn Lang (của Lạc Việt) đổi quốc hiệu là Âu Lạc” (8).
Có lẽ nước Văn Lang hồi ấy ở một địa bàn nhỏ và cuộc chiến tranh giữa Thục Phán và Hùng Vương 18 cũng không ở quy mô lớn. Sách sử chép: “Vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc. Đầu, vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh mạnh tướng giỏi, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo rằng: “Ta có thần giúp sức, nước Thục không sợ ư?” Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mèm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết.”(9)
Như thế cuộc chiến giữa vua Thục và vua Lạc kéo dài nhiều năm trước năm (257 BC). Cuộc chiến này không có vang vọng trong huyền thoại, ắt hẳn không là một biến chuyển lớn như việc Lạc Long Quân, tức là vua nước Lạc bỏ đi xuống ở Thủy phủ để mặc bà Âu Cơ sống với đàn con “Bách Việt” của mình. Khi nhà nước Âu Lạc đã thành hình thì cũng là lúc nước Tần hưng thịnh và muốn mở mang về phương Nam. Cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc đầu tiên có quy mô quốc gia phải kể là nước Âu Lạc với An Dương Vương. Sức chiến đấu của hai dân tộc Tây Âu và Lạc Việt kết hợp lại đã được thần thoại hoá bằng việc “nỏ thần” như sau: “Mùa đông tháng mười, Tần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, trấn Bắc Giang, đánh nhau với Vua. Vua đem nỏ thần để bắn. Đà thua chạy. Bấy giờ Ngao đem thủy quân đóng ở Tiểu Giang (tức là Phủ Đô Hộ) sau chép lầm là Đông Hồ, tức là bến Đông Hồ ngày nay), phạm thổ thần nên bị bệnh rút về bảo Đà rằng: “Nhà Tần sẽ mất nước thôi, nên dùng mưu kế đánh Thục Phán có thể dựng nước được…” Bấy giờ Đà giết hết các trưởng lại do nhà Tần đặt, đem thân thích phe phái thay làm Thái thú. Đà đem quân đến đánh vua, Vua không biết là lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?”. Quân của Đà tiến sát đến nơi, Vua giương nỏ thần thì lẫy đã gẫy rồi. Vua thua chạy. Vua cầm sừng văn tê dài 7 tấc nhảy xuống biển đi mất”(10).
Cuộc chống Bắc xâm của dân Lạc Việt chấm dứt với việc thành lập nước Nam Việt của Triệu Đà. Khi Triệu Đà hàng Hán thì toàn bộ nước Nam Việt thuộc Hán.
II.- Chống diệt chủng Hán – Hai Bà Trưng:
Nhà Hán thừa hưởng của nhà Triệu vùng đất rộng lớn ở miền Nam gồm cả Giao Chỉ. Những thái thú được cử sang Giao Chỉ đối diện với một dân tộc có lối sống và phong tục khác hẳn mình. Mặc cảm khai hoá khiến các thái thú thấy cần phải thay đổi lối sống cũng như phong tục tập quán của dân bản xứ. Sử chép rằng: “Triệu Đà thuần phục nước Âu Lạc và chia đất đai làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân và đặt ở mỗi quận một viên điểm sứ, nhưng hai viên quan ấy chỉ kiểm soát đại khái, còn việc cai trị dân bản quốc thì Triệu Đà vẫn để cho các tù trưởng, các lạc tướng giữ quyền thế tập mà chủ trương các bộ lạc như cũ(*)”(11).
Sau khi nhà Hán đã chiếm nước Nam Việt gồm cả phần Âu Lạc thì vẫn giữ hai viên điểm sứ làm Thái thú 2 quận, để trông nom các lạc tướng, mà các lạc tướng thì vẫn trị dân như cũ. Nhưng đến các đời thái thú về sau, họ đã can thiệp vào đời sống của dân địa phương và muốn cải cách để đồng hoá dân địa phương với nền văn hoá Hán tộc. Họ đã cực tả văn hoá tiền sử của người Lạc Việt và kể công khai hoá của người Hán: “Phàm đất thuộc Giao Chỉ, tuy đã đặt quận huyện, nhưng ngôn ngữ khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu, bới tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải luồn qua đầu làm áo. Sau đó, người tội nhân Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới hơi biết ngôn ngữ, dần dần thấy hoá theo lễ. Đến đời Quang Vũ trung hưng, Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân, bấy giờ dạy cho dân biết cầy cấy, biết đội mũ đi giầy, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân. Dựng học hiệu dạy lễ nghĩa”. (Hậu Hán Thư, Q 116)(12)
Khi văn hoá đã đổi, tương quan xã hội cũng đổi. Đó là lúc những người ở hàng ngũ lạc hầu, lạc tướng ý thức được sự mất nước của mình, ít ra từ ngày nước Âu Lạc bị diệt, nên đã âm thầm chống đối, ít ra là việc thuế má, phu phen, hai là những cưỡng bách phải bỏ các thói quen sinh hoạt cũ. Cuộc chống đối của một dân tộc mất chủ quyền diễn ra rất kín đáo và trường kỳ. Điều này cho ta hiểu rõ hơn sự nổi dậy và thành công của Hai Bà Trưng.
Bất kỳ một cuộc nổi dậy nào trong hoàn cảnh nội thuộc, đều phải có chuẩn bị, nguyên nhân và cơ hội. Sách “Đại Nam quốc sử Diễn ca” viết rất đơn giản nhưng cũng nói được nguyên nhân và cơ hội của cuộc nổi dạy này:
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Cái chết của Thi Sách là một sự bùng vỡ căm thù từ lâu năm để tạo cơ hội cho việc khởi nghĩa. Nhưng trước đấy phải là những mâu thuẫn xã hội chính trị khiến dẫn đến cái chết của Thi Sách và việc tập trung dễ dàng binh tướng để đánh đuổi các thái thú cùng với guồng máy cai trị của chúng.
Sở dĩ đề cập rất mơ hồ về hành động phục quốc của dân Âu Lạc, mà thành phần chỉ đạo chính là các lạc hầu, lạc tướng: “Xét quốc sử: Hai Bà Trưng, họ Hùng (Lạc) chị tên là Trắc, em tên là Nhị, người Mê Linh thuộc Phong Châu, là con gái Lạc tướng ở Giao Châu (Giao Chỉ).
Kết duyên với Thi Sách ở Chu Diên. Trắc có sức khoẻ và biết cầm nắm, quyết đoán mọi việc”.
Mê Linh thuộc Phong Châu vốn là đất cũ của vua Hùng (Lạc). Vậy phải hiểu rằng chính giòng dõi vua Hùng vẫn nuôi dưỡng ý chí phục quốc khi nước Âu Lạc bị Triệu diệt và xa hơn nữa là giòng dõi Lạc Việt đã vì hoàn cảnh phải kết hợp với Tây Âu để thành Âu Lạc. Giòng dõi Lạc Hầu, Lạc Tướng có lẽ cũng không quá “mọi rợ” như người Hán nói về dân Giao Chỉ: “Lại dân Lạc Việt không có lễ giá thú, chỉ theo dâm hiếu chứ không thích cập đôi, không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng.”
Khi những Thái thú muốn Hán hoá dân tộc Lạc Việt, họ đã bắt đầu từ việc hôn nhân đúng sách vở của Nho giáo: “Diên bèn hạ lệnh xuống cho các huyện dưới quyền, khiến con trai hai mươi tuổi đến 50 tuổi; con gái 15 tuổi đế 40 tuổi, phải theo tuổi tác mà phối hợp nhau.Người nghèo không thể sắm sính lễ được thời khiến từ trưởng lại trở xuống, phải bớt lương bổng để giúp đỡ họ.”(13)
Các Lạc tướng, Lạc hầu được Thái thú dùng làm trưởng lại cai trị dân lẽ dĩ nhiên vẫn giữ phong tục truyền thống; nhưng ắt hẳn Tích Quang, Nhâm Diên bắt họ phải làm gương trước, rồi sau bỏ của cải để thay đổi một quan niệm hôn nhân mới mà họ không thích. Sự thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần khiến hàng ngũ Lạc hầu, Lạc tướng xưa chống đối chế độ đô hộ của Tàu. Họ đã âm thầm kết liên và chuẩn bị lực lượng. Ở thời Tích Quang Nhâm Diên là mới thi hành cải cách văn hoá. Vả lại hai ông thái thú này khôn khéo và cũng có đức, nên chưa làm mâu thuẫn bùng phát. Thời gian sau, khi Tô Định lên, thì mâu thuẫn văn hoá cũng như quyền lợi xã hội đã tích lũy nhiều, nên hàng ngũ Lạc hầu, Lạc tướng, hoặc là trưởng lại phân bố khắp vùng Giao châu (ít ra là vùng nam Quảng Tây, Quảng đông và Giao Chỉ, Cửu Chân. Rõ ràng là thủ lãnh phong trào là Thi Sách và Hai Bà Trưng. Tô Định cũng như cả chính quyền Đô hộ hiểu rõ phong trào ấy, nên ra tay trước bằng cách muốn bắt vợ chồng lãnh tụ này: “Tô Định ngờ Thi Sách làm phản, lại ghét Thi Sách lấy cả hai chị em họ Trưng, bèn sai binh đến thành Chu Diên toan bắt Thi Sách và Trưng Trắc. Thi Sách đem quân chống cự, nhưng yếu thế, bèn khiến Trưng Trắc và Trưng Nhị rút quân về giữ Hát Môn. Đêm ấy Thi Sách bị quân Tô Định giết. Trưng Trắc bèn cùng với Trưng Nhị xướng nghĩa, nổi quân để trả thù chồng”(14).
Như thế, việc trả thù chồng của Hai Bà không hẳn là động cơ chính để người dân Lạc Việt nổi dậy chống đô hộ Hán. Vì khi phong trào lan ra toàn cõi, thì ta phải hiểu đó là phong trào đòi độc lập, tự chủ. Sử Tàu chép rằng: “Người đàn bà ở Giao Chỉ tên là Trưng Trắc với em là Trưng Nhị làm phản (chú: Trưng Trắc là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, là vợ người huyện Chu Diên tên là Thi Sách, rất hùng dũng. Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định lấy phép luật mà ràng buộc. Trắc oán giận mà làm phản). Đánh chiếm quận. Người Man di các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, cướp chiếm hơn 60 thành ở Lĩnh Ngoại.”(15)
Sách Tàu như thế nói gần sự thật hơn. Cuộc chống đối đã tổ chức từ lâu, việc giết Thi Sách là ngòi nổ cho phong trào. Vì thế, khi trung ương Tô Định bị giết, thì các nơi hưởng ứng mà cô lập chính quyền địa phương: “Các thứ sử và thái thú chỉ còn giữ mình được mà thôi”. (Nghĩa là ngồi giữ cái ghế ở huyện đường mà không thi hành được luật pháp đô hộ cho nhân dân). Đuổi được quan lại và quân lính nhà Hán, Trưng Trắc được tôn làm Vua, xưng hiệu là Trưng Vương. Thế là đất Âu Lạc xưa trở lại độc lập.”(16)
Sau khi độc lập, Trưng Vương chưa tổ chức được đạo quân hoàn bị, nên bị đạo quân chuyên nghiệp của Mã Viện đánh dẹp.
Trong lịch sử, cuộc khởi nghĩa Trưng Vương đúng là xác lập một tinh thần phục hồi dân tộc Lạc Việt sống chung trong một địa bàn, khiến sau này với lực lượng trưởng thành qua kinh nghiệm của rất nhiều lần khởi nghĩa chống Tàu, mà xây dựng được quốc gia độc lập đầu tiên, có kỷ cương và kéo dài được thời gian tự trị là Ngô Vương, dù trên danh nghĩa vẫn là phải cầu phong với Thiên Triều “Tàu”.
Kể từ khi Trưng Vương bị diệt, người Tàu dùng thái thú cai trị nước ta. Đó là thời kỳ mà sách “Toàn Thư” gọi là: “không vua”: “Nước Lâm Ấp thừa lúc nước Việt ta không có vua, đến cướp Nhật Nam và Cửu Chân mà cầu lãnh Giao Châu, có phải là bấy giờ nước Việt ta không thể chống nổi Lâm Ấp đâu! Chỉ vì không có người thông suốt mà thôi. Thời không bĩ mãi, tất có lúc thái; thế không khuất mãi, tất có lúc vươn; như Lý Thái Tôn bắt vua nước ấy là Sạ Đẩu, Thánh Tôn bắt vua nước ấy là Chế Củ và trói năm vạn người nước ấy, đến nay vẫn làm tôi tớ, cũng có thể đủ rửa mối thù về ô nhục kia.”(17)
Viết như thế là suốt thời gian dài từ sau Trưng Vương đến khi Lý Nam Đế lên ngôi, nước ta bị nội thuộc nước Tàu. Các cuộc biến loạn đều là các thái thú tranh cướp quyền nhau, dân Lạc Việt bị trấn áp, cũng như bị mua chuộc bằng công danh không thể nổi dậy. Các cuộc chiến của các thái thú chỉ làm khổ dân Lạc Việt, và những nỗi khổ nhục này âm ỉ trong dân gian, để khi có người tài lãnh đạo sẽ thổi bùng phong trào giải phóng mà giành lại độc lập.
Vua Lý Nam Đế không được đánh giá cao là một sai lầm của các sử gia. Trong suốt mấy trăm năm bị đô hộ, người dân Lạc Việt hầu như bị Hán hoá đã gần như quên mình đã là người dân của một nước độc lập xưa. Vua Lý Nam Đế dấy quân đánh đuổi được Thái thú, rồi thành lập triều đình riêng với đầy đủ tổ chức của một vương quốc như: xưng là Nam Việt Đế, quốc hiệu là Vạn Xuân; cùng tổ chức triều đình với Triệu Túc là Thái Phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu là tướng võ.
Nếu so sánh với Trưng Vương hoặc lịch sử không ghi rõ, nhưng Trưng Vương chỉ mới là xưng Vuơng mà chưa thể tổ chức thành quốc gia và triều đình như nhà Tiền Lý. Cả hai vương triều non trẻ ấy chưa tổ chức được quân đội, nên gặp phải đội quân nhà nghề Trung Hoa với trang bị ắt hẳn là hơn, thì không chống đỡ nổi. Tuy nhiên cuộc đấu tranh của dân Lạc Việt kỳ này với quân Tàu đã kéo dài được khá lâu, và đã có phen thành công nhờ chiến thuật du kích được đưa vào huyền thoại: “Vua Hậu Lương(*) là Diễn sai Trần Bá Tiên đem quân xâm lược phương Nam. Lý Nam Đế sai Triệu Quang Phục làm tướng cự địch. Quang Phục đem quân nấp ở chằm (đầm Dạ Trạch). Chằm sâu mà rộng, quân địch vướng mắc, tiến binh rất khó. Quang Phục dùng thuyền độc mộc đột xuất ra đánh cướp lương thực, cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt mỏi, trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu. Bá Tiên than rằng: “Ngày xưa nơi đây là chằm một đêm bay về trời, nay lại bị Chằm Một Đêm cướp đoạt người”. Nhân gặp loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương bèn gọi Bá Tiên về. Ủy cho Tể tướng là Dương Sằn thống lĩnh sĩ tốt.
Quang Phục ăn chay lập đàn ở giữa chằm, đốt hương mà cầu đảo, bỗng thấy thần nhân cưỡi rồng bay vào trong đàn mà bảo Quang Phục rằng; “Hiển linh còn đó, người có thể cầu tới cứu trợ để dẹp bằng hoạ loạn”. Dứt lời tháo vuốt rồng trao cho Quang Phục bảo: “Đem vật này đeo lên mũ đâu mâu có thể khiến giặc bị diệt”. Đoạn bay lên trời mà đi. Quang Phục được vật đó, reo mừng vang động, xông ra đột chiến, quân Lương thua to. Chém Dương Sằn ở trước trận. Giặc Lương phải lui. Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh” (18).
Sau này vì xung đột nội bộ giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử khiến lực lượng suy giảm mà bị nhà Tùy bên Tàu, sau khi thống nhất Nam Bắc (Trung Hoa) đem quân 27 doanh do Lưu Phương chỉ huy sang đánh chiếm Nam Việt, khiến Lý Phật Tử phải hàng. Nước ta lại bị nội thuộc nước Tàu.
Tinh thần thoát Trung không bao giờ bị tiêu diệt. Trong thời kỳ bị nội thuộc lâu dài vẫn có những dịp nổi lên đánh đuổi bọn Tàu thống trị. Tinh thần độc lập đi vào tiềm thức, làm bọn quan đô hộ phải tìm cách trấn áp tinh thần ấy. Ngoài việc đồng hoá bằng văn hoá Tàu, việc dùng ma thuật của Cao Biền trấn yểm thành Đại La, hẳn là khống chế tiềm thức tự chủ của dân Việt. Chuyện Cao Biền trấn yểm thành Đại La phải hiểu bằng ẩn dụ để thấy nhân dân ta nuôi dưỡng tinh thần độc lập chống bành trướng Tàu như thế nào:
“Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Tô Giang, phiá Đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn chưa tan. Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép. Biền kinh hãi”.
Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảng khắc, kim đồng, thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tần được cử sang thay”.(19)
Dùng hình ảnh và hành động thần bí để nói đến tính chất linh thiêng của nước Nam biểu trưng ở ở chốn kinh đô Đại La. Người dân Việt không sợ gì cường quyền của đô hộ Tàu, một khi nhân dân nổi dậy thì như gió bão sấm sét. Những bùa chú yểm phải chăng là trấn áp tinh thần tự chủ của dân Việt thì chỉ qua một cơn sấm sét là tan tành hết. Lịch sử muốn nhắc lại những lần Hai Bà Trưng đuổi Tô Định, Lý Nam Đế đuổi Thái thú của vua Lương, khiến cho Biền đại diện cho lực lượng xâm lăng đô hộ phải nhận rằng, không thể áp chế được dân Việt: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu ắt chuốc lấy tai vạ”. (Thì đã biết bao thái thú cùng quân Tàu chuốc lấy tai vạ rồi, mỗi khi dân Việt nổi dậy.)
Phần lớn huyền thoại chép trong Lĩnh Nam chích quái, không hẳn là phản ảnh sự thực lịch sử, mà đề cập đến biến cố lịch sử. Việc Lạc Long Quân về ở lâu trong thủy phủ để cho dân chúng bị người phương Bắc áp chế, phải kêu “Bố về cứu chúng con”, tức là gọi dậy sức mạnh truyền thống, tiềm tàng trong quần chúng trước sự nguy nan bị giặc phương Bắc xâm lấn. Việc Cao Biền đi khắp nước Nam để trấn yểm những đất phát vương nói lên biến cố chính là triệt hạ tiềm thức độc lập của dân Việt: “Nước Nam của vua Nam (Nam quốc sơn hà Nam đế cư)… Không còn đất phát vương nữa, thì làm sao dân Lạc Việt có vua để mà lập quốc. Trong chuỗi lý luận nhân quả đơn giản của huyền thoại nói lên biến động trấn áp tinh thần của dân bị nội thuộc, người ta dựng nên những chuyện về phong thủy, thần thánh để ẩn dụ sức đề kháng của dân Lạc Việt, dù có kinh qua rất nhiều đổi thay về chính trị và xã hội, vẫn mang trong tiềm thức dân tộc và đất nước có thần linh phù trợ: “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy” (Bình Ngô đại cáo).
Góp gió thành bão. Những cuộc nổi dậy tuy thành công ngắn ngủi trong thời Nội thuộc nước Tàu như Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, nhưng lại rất quan trọng để củng cố tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc trước âm mưu và sức mạnh đồng hoá của Tàu, để được dịp là bùng dạy, tạo nên thời kỳ tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Lê Văn Ngọc
Sydney 22/8/2019
Chú thích:
- Đào Duy Anh – Lịch sử Việt Nam – trg 36
- Đại Việt sử ký (Toàn thư) – Q I trg 72
(*) Sử Ký do Tư Mã Thiên đời Hán (tức là sau đời Tần) chép.
(3) ĐDA – Lịch sử cổ đại VN – trg 65
(4) nt trg 58
(*) Thuật ngữ vô vi rất khó dịch ra tiếng Việt, vì ý nghĩa bao hàm triết lý Lão Trang của nó, nên xin giữ nguyên Hán văn
(5) Năm 256 vua Noãn Vương nhà Chu mưu lập với chư hầu đánh Tần. Tần bèn đem binh đánh Chu, Chu không đề kháng nổi, vua Noãn Vương phải vào nước Tần, hiến hết đất đai. Nhà Chu mất (Phan Khoang – Trung Quốc sử lược – trg 67
(6)Lĩnh Nam chích quái – Truyện Hồng Bàng thị
(7) Đào Duy Anh – Lịch sử cổ đại Việt Nam trg 65
(8) (9) (Toàn Thư) QI trg 72
(10)(Toàn Thư) QI trg 80
(*)Điều này giải thích nguồn gốc Hai Bà Trưng là giòng giõi Lạc tướng.
(11) Đào Duy Anh- Lịch sử cổ đại Việt Nam – trg 461
(12) ĐDA- LSCĐVN- trg 461
(13) ĐDA trg 488
(14) ĐDA trg 489
(15) ĐDA trg 490
(16) ĐDA trg 494
(17) Toàn Thư QI trg 141
(*) Bên Tàu thay đổi triều đại từ nhà Hán sang nhà Lương mà vẫn giữ Giao Chỉ là nước đô hộ
(18) Lĩnh Nam chích quái- truyện Nhất dạ trạch
(19) Lĩnh Nam chích quái – truyện sông Tô Lịch