Giặc thương lái

Giặc biển đang tấn công từ phía biển, tại vùng thềm lục địa mang tên “Bãi Tư Chính”. Còn một thứ giặc khác rất quen thì đang tấn công ngay tại vùng đất chiến lược Tây Nguyên, nhắm vào môi trường và nền kinh tế hạ tầng của đất nước trước sự lúng túng thấy rõ của chính quyền, cho dù trò chơi của thứ giặc này chẳng là trò xa lại gì.

Đó là bọn “giặc thương lái”, thể hiện qua bản tin trên VTC News ngày 29.8.2019, “Thương lái thu mua bọ độc 3 sọc giá ‘trên trời’: UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo khẩn”:

Ngày 29/8, đại diện UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan kiểm tra, xác minh, nắm bắt vụ việc thương lái thu mua một số loài côn trùng lạ tại các huyện… Đồng thời, xử lý kịp thời những vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền được giao. “

 Trước đó, ngày 26.8.2019 tờ báo điện tử trên đã đặt vấn đề “Nguy cơ gi từ việc thương lái gom mua bọ độc 3 sọc?”:

Việc thương lái Trung Quốc gom mua bọ độc 3 sọc với giá cao bất thường làm dấy lên lo ngại người dân có thể nuôi loài vật dịch hại này.

Thời gian gần đây, loại dịch hại bọ 3 sọc (còn gọi là sâu ban miêu hay sâu đậu) được người dân các tỉnh Tây Nguyên săn lùng để bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá “trên trời” lên tới 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, người dân không hề biết thương lái Trung Quốc thu mua bọ 3 sọc để làm gì.

Nhiều người dân ở Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây loài bọ 3 sọc này đầy rẫy tại các vườn nhà, nương rẫy nhưng không ai mua vì đây là loại côn trùng có thể gây mẩn ngứa cho người tiếp xúc. Mới đây có thương lái hỏi mua nên người trong làng rủ nhau đi bắt.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, bọ 3 sọc là loài dịch hại phát triển ngoài đồng ruộng nên việc người dân bắt bán cho thương lái Trung Quốc không gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với mức giá đắt đỏ mà thương lái Trung Quốc đang thu mua, rất có thể gây nên tình trạng người dân đổ xô nuôi để bán lấy lời.

Đây không phải là lần đầu tiên thương lái Trung Quốc gom mua các mặt hàng lạ ở Việt Nam. Gần đây nhất, hồi tháng 7, nhiều thương lái đến các làng nghề làm khô ở miền Tây thu mua vảy cá lóc, cá sặc rằn – một loại phế phẩm bỏ đi. Giá thu mua lần lượt tăng từ 500 đồng/kg lên hơn 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 12.000 đồng/kg. Theo người dân, bao nhiêu vảy cá thương lái cũng mua hết.

Tuy nhiên, khi được hỏi có biết thương lái thu mua vảy cá chở đi đâu và làm gì thì hầu hết mọi người đều không biết.

Đầu năm nay, việc thương lái Trung Quốc cho người dân mượn máy kích để cày đất dụ giun nổi lên dấy lên nhiều lo ngại. Nếu như 4 năm trước, giun đất sấy khô được thu mua với giá 8.000 đồng/kg thì nay lên đến khoảng 600.000 đồng/kg. Lợi ích tài chính trước mắt tăng lên nhưng độ phì nhiêu và tơi xốp của hàng nghìn ha đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Còn nhớ cuối năm 2012, không ít người nông dân hái lá điều đem phơi khô, thậm chí phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốc. Việc làm này đã ảnh hưởng đến năng suất cây điều trong vụ mùa tiếp theo.

Không chỉ có vậy, nhiều năm qua hàng loạt phế phẩm tưởng chừng bỏ đi như phân trâu, đuôi trâu, xơ dừa, ốc bươu vàng, rễ sim, rễ tiêu… cũng liên tục được các thương nhân Trung Quốc thu mua với mức giá cao bất thường mà không rõ mục đích sử dụng.

Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần tỉnh táo trước mọi yêu cầu thu mua sản phẩm lạ của thương lái. Bởi, hậu quả thấy rõ là sau mỗi đợt gom mua này, tình hình kinh tế ở các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề ô nhiễm môi trường hay hoạt động nông nghiệp bị tác động xấu.”

Xem ra nhà nước vẫn hoàn toàn bị động trước những ngón đòn kinh tế và môi trường mà Trung Quốc liên tiếp tung ra.

Như rất nhiều tài liệu đã đề cập, từ thập niên 80 Trung Quốc từng áp dụng chính sách phá hoại kinh tế, phá hoại môi trường và di sản lịch sử Việt Nam bằng cách mua rễ hồi, sừng trâu, đồng đen với giá thật cao. Việc này đã khiên cư dân các vùng cao ở gần biên giới thi nhau đào rễ hồi, giết trâu lấy sừng hay đào phá các đền miếu cỗ tìm tượng đồng đen, do đó tàn phá các di tích lịch sử.

Tiếp đó Trung Quốc chuyển sang mua mua gỗ sưa, râu ngô non, móng trâu, cây kim cương và gây ra “tác hại rất nặng nề”. Rồi Trung Quốc mua mèo sống với giá thật cao, truyền vào Việt Nam thói học đòi ăn thịt “tiểu hổ” khiến dịch chuột bùng phát dữ dội.

Nhân đây chúng ta hãy ôn lại những đòn tấn công đã… xưa như trái đất!

Ốc bưu vàng và rong mơ

Giữa thập niên 80 nhà nước khuyến khích nông dân “kết hợp nuôi ốc bươu vàng trên đồng lúa để xuất cảng”, hậu quả là ốc phát triển rất nhanh và tàn phá lúa rất nhanh. Lý do là giống ốc bươu vàng có tuổi thọ từ 2-3 năm nhưng sinh sản rất nhanh, mỗi con lại có thể đẻ từ 120- 500 trứng với tỷ lệ nở khoảng 70%. Nếu thịt ốc thơm ngon thì người Việt sẽ không tha nhưng đằng này thịt ốc lại dai, thêm vào mùi tanh, chỉ có thể dùng làm thức ăn cho cá tôm hay vịt, nhưng cho nhiều quá thì cá và vịt cũng chê.

“Thảm hoạ ốc bưu vàng” nảy sinh từ đó, báo động đầu tiên tại Kiên Giang vào năm 1994 và sau đó tiếng chuông báo động lan ra cả nước. Nhận mối nguy hại này, ngày 29.9.1994 nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải ra “quốc lệnh diệt ốc bưu vàng”. Nhưng ốc vẫn lan tràn và nửa năm sau, ngày 11.3.1995 ông Kiệt lại ký “Chỉ thị 151/TTg” về việc “Tập trung lực lượng nhằm nhanh chóng diệt trừ nạn ốc bươu vàng”.

Bảy năm sau, năm 2011, giữa lúc hiểm hoạ ốc vẫn tiềm tàng thì Trung Quốc thọc tay vào. Báo Nông Thôn Việt Nam ngày 2.11.2011 đăng bản tin “Đằng sau việc Trung Quốc bỗng mua ốc bươu vàng tại ĐBSCL” của phóng viên Hồ Hùng:

“Trước đây, việc thương lái mua các loại nông sản khác như: Râu bắp non, móng trâu, mèo, gỗ sưa… để xuất sang Trung Quốc đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho nông dân” để rồi nhắc lại hiểm hoạ ốc bưu vàng. Từng có lúc, phía Trung Quốc sang mua một số loại nông sản như: Gỗ sưa, râu ngô non, rễ hồi, móng trâu, cây kim cương… Lần nào, tác hại để lại cũng nặng nề. Như dịch chuột bùng phát dữ dội vào khoảng năm 1997, cũng vì trước đó người dân rầm rộ bắt mèo bán sang Trung Quốc. Bây giờ đến lượt ốc bươu vàng, khiến không ít người lo âu về hậu quả có thể xảy ra.”

Trước đó, năm 2009 những người quan tâm đến thời cuộc đã báo động việc Trung Quốc phá hoại bờ biển Việt Nam.

Qua các thương lái, Trung Quốc đã đẩy giá “rong mơ” lên cao khiến ngư dân thất nghiệp đổ xô khai thác. Điều này lại khiến các nhà hải dương học và môi trường học lo lắng. Rong mơ là một loài tảo chỉ mọc ở các ghềnh đá hoặc rạn san hô ven bờ và trở thành nơi tôm cá chọn làm nơi trú ngụ. Khi khai thác như vậy ngư dân không chỉ phá nát nơi cư ngụ của cá mà còn phá hoại các ghềnh san hô, gây nên những tác hại lâu dài: khi bứt rong biển như vậy họ đã vô tình tàn phá hệ sinh thái bờ biển của mình và tận diệt nguồn tôm cá.

Trước, người ta chỉ vớt rong sau khi mùa cá đã vãn và chỉ vớt để làm phân xanh bón ruộng. Nhưng từ khi Trung Quốc xía vào thì tư thương đã đến các làng chài ven biển để hỏi mua, đầu năm giá chỉ 1,500 đồng nhưng đến giữa năm giá đã lên 4,000 đồng một ký.

Báo Lao Động số 150, ngày 07.07.2009 và báo Quảng Nam ngày 1.7.99 cũng cảnh báo hiểm hoạ tàn phá cả một vùng bờ biển dài của hai tỉnh Nam – Ngãi vì việc thu hoạch rong này.

Báo Lao Động diễn tả: “Người mua mơ đi lại dập dìu, ôtô thu gom đến từng ngõ xóm”. Theo tờ báo thì kể từ tháng 5.2009, sau khi bị cấm đánh cá trên vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi phải bỏ nghề đánh cá và xoay sang mưu sinh bằng nghề “bứt rong biển xuất khẩu” để “bán cho Trung Quốc với giá rất cao”.

Tờ báo thuật lại đời sống của các làng chài trong thời Trung Quốc cấm biển:

“Buổi sáng đi dọc các làng chài ven biển ở Quảng Ngãi sẽ không còn thấy cảnh tấp nập mua bán hải sản như những năm trước nữa. Cơn bão giá xăng dầu hồi năm ngoái thổi buốt rát qua các làng chài chưa kịp nguôi thì hàng trăm tàu thuyền của ngư dân buộc phải nằm bờ vì lệnh cấm không được hành nghề ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa.”

Bài báo dẫn lời ngư dân Bùi Văn Huấn ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Vốn là một chủ tàu và nay phải bỏ nghề đánh cá vì lệnh cấm của Trung Quốc, anh đành phải đi vớt rong. Anh tâm sự: “Không còn cách nào khác, bứt mơ, năng suất có thấp vẫn còn hơn đi đánh cá!”. Và đây là cảnh vớt rong mơ:

“Tầm 3 giờ chiều, đi dọc các làng chài ở Quảng Ngãi, người đen đặc trên các bãi biển, không phải đi tắm biển mà là đi khai thác cây mơ. Thời gian này, thủy triều vừa rút nên các rạn san hô được bày khỏi mặt nước. Cây mơ theo đó cũng lộ diện. Chỉ cần một chiếc thuyền thúng, bơi ra khỏi rạn là có thể khai thác mơ một cách dễ dàng.”

Để vớt mơ ngư dân không cần chuẩn bị gì nhiều và một ngư dân tên Nguyễn Vinh cho biết:

“Mỗi thuyền thúng có hai người, một lặn xuống biển, ngậm ống thở, được nối từ miệng với bộ phận bơm khí trên thuyền, dùng liềm cắt mơ, khi nào đầy giỏ thì trồi lên, bỏ mơ vào thuyền; một ở trên thuyền, chỉ ngồi trông chừng máy nổ hoạt động. Nếu không ngồi canh chừng như vậy, máy nổ trên thuyền tắt bất ngờ, anh dân chài dưới nước cũng… tắt thở luôn!”.

Tác giả cho biết:

“Có thể nói như vậy đối với ngư dân Quảng Ngãi trong tình cảnh hiện nay khi họ phát hiện ra tiềm năng vô tận của cây mơ. Thực ra, loài rong tảo này không xa lạ với ngư dân, song những năm trước đây họ không để ý.”

Còn báo Quảng Nam thì diễn tả cảnh khai thác rong tại xã Tam Hải:

“Lực lượng vớt rong từ vài chục người của mấy năm trước đã tăng lên vài trăm người năm nay (với khoảng 150 gia đình, sử dụng 130 ghe, có loại trên 20CV). Năm trước bà con đi thúng vớt rong (ven bờ), năm nay họ sử dụng đồ lặn tôm nhí để lặn bứt rong ở mực nước sâu đến 10m. Giá cả rong mơ không tăng (trung bình 4.500 đồng.kg khô) nhưng do lượng người khai thác đông hơn, thời gian khai thác dài hơn (từ tháng 4 bà con đã làm rồi) nên dẫn đến sản lượng rong khai thác lớn, thu nhập tăng lên.”

Vấn đề đặt ra là: phải chăng đây là âm mưu phá hoại của Trung Quốc. Bản tin trên báo Quảng Nam cho hay:

Được biết, rong mơ Tam Hải (nói chung của miền Trung) được bán đi Lạng Sơn để “đánh” qua Trung Quốc. Mấy năm trước có một phụ nữ Trung Quốc về tận Tam Quang (Núi Thành) gom hàng rong mơ. Năm nay, người Tam Quang, Tam Hải tự đứng ra làm đầu nậu mua hàng rồi đóng bao chở đi Lạng Sơn. Không ai biết Trung Quốc mua hàng này về làm gì, giá trị thế nào, chỉ biết với giá mua hiện nay, người đi vớt lẫn người đi gom hàng đều sống được.”

Nhưng theo các nhà sinh thái học thì việc bứt rong mơ đi bán là chuyện lợi bất cập hại. Mơ và các loại rong tảo ven bờ như căn nhà của các loài hải sản. Hàng năm đến mùa sinh sản, các loại cá tôm đã về đây sinh con đẻ cái. Vì vậy, khai thác cây mơ đến mức cùng kiệt như hiện nay, khác nào ngư dân tự phá nguồn sống của chính mình.

Đồng thời khi bứt đứt 1 búi rong họ cũng giật vỡ đổ một tảng san hô. Nhiều người cho biết để có thế bứt rong, họ phải đạp chân lên san hô, không tránh khỏi làm sụp đổ rạn san hô, phá vỡ nơi cư trú của tôm cá.

Tình trạng khai thác rong mơ bừa bãi kéo dài thì môi trường biển ven bờ sẽ bị ô nhiễm, hệ san hô bị tổn thất, các loài hải sản sẽ trở nên khan hiếm.

Như vậy có thể thấy hai “gọng kìm” của Trung Quốc trong vấn đề này:

  • Vì Trung Quốc cấm biển nên ngư dân không thể ra khơi.
  • Vì Trung Quốc tổ chức mua rong với giá cao và ngư dân bám vào cây rong để mưu sinh.
  • Khi ngư dân khai tác tận cùng cây rong thì môi trường sinh thái vùng cận duyên hải bị tàn phá, nguồn lợi càng ít đi.

Tuy nhiên nếu không khai thác rong mơ thì người dân không biết vào đâu vì nhà nước chẳng có kế sách nào trong việc giúp đỡ họ trong thời cẩm biển hay bảo vệ chủ quyền của mình.

Tấn công vào mô hình canh tác

Lúc còn tại chức Tổng bí thư, ông Nông Đức Mạnh đã “ghi tên vào lịch sử” với phát biểu đi đâu cũng nói là “Trồng cây gì, nuôi con gì”. Thực ra, không cần ông tổng bí thư này nhắc, thững trò lưu manh của Trung Quốc đã thực sự đẩy người nông dân Việt Nam vào tình trạng hoang mang với câu hỏi trên. Thí dụ chuyện của cây khoai mì vào năm 2011.

Ngày 8.4.2011 báo Bà Rịa – Vũng Tàu đăng bài “Nông dân xã Tam Phước: Kỳ vọng vào cây khoai mì” của ký giả Trần Ân Phong:

“ Giá khoai mì năm nay tăng cao ngất ngưởng, thời điểm sau Tết Nguyên đán mì xắt lát phơi khô bán được 5.300 đồng/kg, trong khi đó vụ trước giá chỉ 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Tam Phước đã khấm khá lên nhờ trồng khoai mì. Ông Trần Văn Bang, một người trồng mì ở xã Tam Phước cho biết, vụ rồi gia đình ông trồng 1,5ha mì, thu được gần 16 tấn mì khô, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng.

Nhiều người thuê đất trồng mì cũng thu được lãi cao. Anh Nguyễn Văn Lê cho biết, năm trước anh thuê đến 5ha, nhưng do thiếu cây giống nên chỉ trồng 4ha, vậy mà đợt rồi bán mão (bán mì đám) anh cũng thu được 160 triệu đồng, từ tiền lãi hơn 100 triệu đồng, vợ chồng anh đã “tậu” được ngôi nhà tươm tất.

Đã gần 5 năm rồi, người trồng mì ở xã Tam Phước mới “vô đậm” như năm nay. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn với nhiều người dân Tam Phước, bởi do sự khan hiếm cây giống, vụ mì vừa rồi nhiều hộ đã bỏ đất hoang, lỡ mất “cơ hội vàng” hưởng lợi từ sự tăng giá khoai mì. Ông Nguyễn Văn Bang cho biết, vụ rồi do thiếu cây giống nên ông đành phải bỏ nửa mẫu đất trống. “Nhiều người khác cũng bỏ đất trống như tui” – ông Bang nói.

Với giá mì “hấp dẫn” như hiện nay, nhiều người dân xã Tam Phước đang kỳ vọng rất lớn vào vụ mì năm sau. Tại nhiều vùng đất trồng mì của xã hiện nay đâu đâu cũng thấy người dân phát chồi, dọn bờ ranh, dọn gốc cây dại…, nhất là việc chọn bảo quản cây giống được nhiều người làm hết sức cẩn thận. Ông Bang cho biết, rút kinh nghiệm từ việc thiếu cây giống năm trước, năm nay toàn bộ số cây giống sau khi thu hoạch được mọi người chọn lựa, bảo quản cẩn thận.

Không chỉ vậy, nhiều người dân Tam Phước đang cố gắng mở rộng diện tích trồng mì bằng mọi giá, đã có nhiều vườn điều bị đốn ngã không cần đợi đến ngày thu hoạch. Ông Bang lý giải, với điều kiện thổ nhưỡng ở Tam Phước, một ha điều mỗi năm doanh thu cao lắm cũng chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, thu hoạch… tính ra lợi nhuận cũng chỉ hơn 15 triệu đồng “Nếu với giá như hiện nay thì trồng mì kinh tế hơn”, ông Bang nói.

Điều làm nhiều người lo lắng nhất đó là chi phí đầu tư tăng cao trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia về thị trường nhận định, chi phí sản xuất khoai mì có khả năng gia tăng trong thời gian tới, bởi phần lớn các loại phân bón tổng hợp được sản xuất từ các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp dầu, khí. Trong điều kiện giá sản phẩm từ dầu khí liên tục tăng như hiện nay, thì giá phân bón tăng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ khoai mì ngày càng lớn, một phần là do năng lực chế biến tinh bột từ khoai mì của các nhà máy trong nước tăng cao, phần nữa là do nhu cầu nhập khẩu khoai mì của Trung Quốc còn rất lớn, đó là chưa kể đến nhiều quốc gia có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến Ethanol… Những dữ kiện trên cho thấy tương lai cho người trồng mì rất sáng sủa, nhưng đó cũng là thách thức cho các nhà quản lý về nguy cơ phá vỡ cơ cấu của ngành nông nghiệp và chiếm đất rừng để trồng mì.”

Thế nhưng chỉ 4 tháng sau thì tình hình khác hẳn. Báo Pháp Luật TPHCM ngày 8.9.2011 đăng bài “Tin lời thương lái, nông dân trồng khoai mì khóc ròng” của Hùng Anh, cho biết:

“Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, năm 2011 toàn tỉnh Long An có hơn 890 ha đất trồng khoai mì ở bốn huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Huệ, Thạnh Hóa, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

Do diện tích tăng đột biến và nước lũ về sớm, thị trường thu hẹp nên khoai mì bị dội chợ, rớt giá. Hậu quả là hiện nay nhiều nhà nông đang “ôm sô” khoai mì và khó tránh khỏi nguy cơ mất trắng.

Ở huyện Bến Lức, 300 ha khoai mì bị nông dân bỏ hoang không thu hoạch vì giá thu mua quá thấp. Trong khi đó, ở huyện Thạnh Hóa, nhà nông trồng gần 200 ha nhưng do không có người mua nên nhiều người phải thuê máy cày phá bỏ ruộng mì để trồng thứ khác, chấp nhận lỗ vốn. Tại huyện Thủ Thừa, nơi có hơn 200 ha đất trồng mì thì đã có 25 ha bị nước lũ chụp, mất trắng, hơn 100 ha đang bị bỏ hoang. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết hiện vẫn chưa có giải pháp tiêu thụ khoai mì cho nông dân.

Ông Trần Quang Nhanh (ngụ ấp 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, Long An), cho biết lâu nay ông trồng mía đường. Mấy năm nay mía đường ế ẩm, năm ngoái thấy nông dân trong vùng trồng khoai mì thu lời 50-60 triệu đồng/ha, ông ham quá nhưng cũng ngại trồng vì không biết bán cho ai. Lúc đó nhiều thương lái khuyên ông: “Ông cứ trồng đi, tụi tui thu mua bán cho các nhà máy chế biến bột mì trong nước nhưng chủ yếu là bán sang Trung Quốc, không ế đâu mà sợ”. Nghe thương lái nói vậy, cộng với giá khoai mì năm 2010 có lúc lên đến 7.000 đồng/kg mì đỏ, 3.000-4.000 đồng/kg mì trắng mà người ta tranh nhau mua nên ông phá bỏ mía đường, mua giống mì về trồng. Sau bảy tháng chăm sóc, đầu tháng 8-2011 ông kêu bán mì nhưng chẳng ai mua. Neo riết, giờ giá mì đỏ chỉ còn 1.200 đồng/kg, mì trắng 500 đồng/kg nhưng cũng chẳng mấy ai mua. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn H., thương lái thu mua khoai mì ở ấp 4, xã Bình Đức (Bến Lức), phân trần: “Tại thị trường tiêu thụ chớ đâu phải tại thương lái. Tụi tui thấy khoai mì có giá hơn mía đường, thị trường tiêu thụ ổn định nên “góp ý” nông dân trồng khoai mì dễ ăn hơn trồng mía. Bây giờ thị trường không “ăn” khoai nữa tụi tui cũng đâu biết làm sao”.

Ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, cho biết: “Nông dân mình lâu nay có bệnh chạy theo phong trào, thấy ai trồng cây gì, nuôi con gì có lời nhiều là lao theo bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, hội nông dân và các cơ quan hữu trách, bất chấp quy luật cung cầu nên tình trạng nông sản dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi”.

Thay lời kết

Qua những chuyện trên chúng ta thây rằng, với bàn tay của Trung Quốc, nông dân Việt Nam hiện không biết phải nuôi con gì hay trồng cây gì để sống. Và do đó họ cũng hoà toàn không biết nhà nước “anh minh” của họ là thứ nhà nước gi!

Họ bị thương lái Tàu gạt gẫm liên miên với cảnh ứ hàng, sản phẩm dồn đống. Nếu chuyện chỉ diễn ra một lần, hai lần thì có thể là yếu tố ngẫu nhiên. Nhưng nó lại diễn ra một cách có hệ thống, năm này sang năm khác thì chắc chắn phải có bàn tay vô hình nào đó nên lẽ ra nhà nước Việt Nam mà cụ thể là Bộ Công thương và cơ quan tình báo Việt Nam phải cử ra một bộ phận chuyên môn để phối hợp điều tra, tìm ra chân tướng của nhà “tổng đạo diễn” trong trận chiến phá họai kinh tế này để chủ động đối phó.

Nhưng đến tận bây giờ vẫn vậy, nhà nước vẫn hoàn toàn lúng túng, không biết làm gì trước những đòn kinh tế và môi trường thiên biến vạn hóa của kẻ thù dân tộc đang mang danh là “láng giềng hữu nghị”.

Lê Trọng Hiệp

Related posts