Bài Học (dân Việt Nam) Phải Nhớ Đời: (bài 2) Trung Cộng Sẳn Sàng Xâm Chiếm Việt Nam

Tóm lược kỳ 1:

Ngay từ ngày 9 tháng 12 năm 1978, hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh đã nhận được chỉ thị phải chuyển quân đội đóng dọc theo biên giới Việt Nam trước ngày 10 tháng 1 để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh “hạn chế về thời gian và không gian” với một “lực lượng ápđảo” rồi! Thế nhưng, Quân đội Nhơn Dân Giải Phóng của Trung Cộng (PLA – People Liberation Army), lúc bấy giờ, (và cả ngày nay – lời bàn của dịch giả PVS) chưa từng đánh một cuộc chiến tranh lớn nào trong gần ba mươi năm. Do đó, không có một sĩ quan nào từ cấp tiểu đoàn trở xuống có kinh nghiệm chiến đấu. Và cả các nhà lãnh đạo Trung Cộng, kể cả chính Đặng Tiểu Bình, đều không biết gì về khả năng chiến đấu của PLA.

PLA phát triển trên một quan niệm riêng về chiến tranh và một kiểu cách độc đáo về thể chế. Phần lớn khái niệm sanh hoạt quân sự của PLA đều dựa vào học thuyết, chiến lược và cũng là một sự kế tục, của việc tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mao. Đúng vậy, tư tưởng quân sự của Mao dẫn dắt “hệ thống công tác chánh trị” của PLA: đó việc huy động toàn thể xã hội, toàn dân (Tàu) để phục vụ tất cả các hành động quân sự. Từ ngày Hồng quân Tàu thành lập vào cuối những năm 1920, Mao đã đặt nặng tầm quan trọng quyền kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng Sản (Tàu) đối với quân đội rồi! Tóm lại, đây là một trong những nguyên tắc quân sự quan trọng của Mao: Súng phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng; Súng không do của quân đội nắm. Dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy, một hệ thống chỉ huy kép cho các chỉ huy quân sự và chính ủy cấp bậc ngang nhau.

Nhà báo chánh trị gia Gia Nã Đại sanh năm 1953 Gerald Segal, Chủ nhiệm Viện Nghiên Cứu quốc tế Khoa học Chiến lược tại London-Anh Quốc – Director of Studies at the International Institute for Strategic Studies in London – cho rằng động cơ chính của Trung Cộng trong việc tấn công Việt Nam là kềm chế tham vọng và sự bành trướng của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Cộng.

Tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou), tư lệnh Quân khu Quảng Châu, đã nhận nhiệm vụ lập kế hoạch ngày 9 tháng 12 năm 1978 và sau đó bắt đầu xem xét chiến lược quân sự chống Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của mình, Hứa Thế Hữu đề nghị kế hoạch đặt tên là niudao shaji ([ngưu đao sát kê]: (dùng dao mổ trâu giết gà), để mô tả sự dùng một bạo lực khổng lồ. Là một học trò của Mao về quan điểm chiến thuật, Hứa tin rằng chiến thuật này, là sự áp dụng thích đáng học thuyết và quan điểm quân sự của Mao để tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt Việt Nam:

 Bài 2: Chuẩn bị

– Ngày 11 tháng 12 năm 1979, tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) triệu tập cuộc họp chiến tranh đầu tiên. Những người tham gia bao gồm các phó tư lệnh, các phó chánh ủy tư lệnh, tham mưu trưởng (tướng Chu Đức Lễ (Zhou Deli), giám đốc chánh trị, giám đốc hậu cần, và các chỉ huy và các chánh ủy của đại đoàn 41, 42 và 55 thuộc Quân khu Quảng Châu. Tại cuộc họp, các đại đoàn 41 và 42 được chỉ định thi hành một cuộc tấn công theo hai hướng vào Cao Bằng, trong khi đại đoàn 55 sẽ phát động các cuộc tấn công vào Lạng Sơn. Quân khu Quảng Châu không có đủ quân, Quân Ủy Trung Ương chuyển đại đoàn 43 từ Quân khu Vũ Hán về làm dự bị của tướng Hữu.

Sau khi tướng Chu Đức Lễ (Zhou Deli) công bố nhiệm vụ, các tham dự viên nêu ra nhiều câu hỏi. Lý do? Vì binh sĩ của họ chưa từng tham gia vào cuộc hành quân lớn như vậy. Vấn đề chánh là làm sao để chuyển binh – đặc biệt là hai đại đoàn và hai sư đoàn pháo binh ở khu vực Quảng Đông- từ doanh trại tới biên giới ở Quảng Tây vào cuối tháng 12. Rất ít người có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tổ chức một cuộc chuyển quân có quy mô lớn như thế, đặc biệt là trong điều kiện phương tiện giao thông vận tải hạn chế (lúc bấy giờ – PVS). Một vấn đề khó khăn nữa, là tất cả các đơn vị tham gia vào cuộc chiến đều thiếu quân số và thiếu trang bị. Những người tham dự tại cuộc họp đồng ý rằng sẽ không để lại quá 5 % quân số ở phía sau và yêu cầu tất cả binh sĩ chuẩn bị để chiến đấu với những trang bị đang có trong tay. Cuối cuộc họp, tướng Hứa Thế Hữu kêu gọi các sĩ quan cao cấp làm gương bằng cách thay đổi thói quen làm việc từ chế độ thời bình sang thời chiến – phải hành động nhanh chóng và đúng giờ và làm việc cật lực. Ông nói rõ rằng ông sẽ trừng phạt những ai không hoàn thành công việc của mình. Sau đó, tướng Hữu yêu cầu tất cả sĩ quan lãnh đạo đi gặp binh sĩ và giúp họ chuẩn bị cho cuộc hành quân.

 – Tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) đã từng là tư lệnh Quân khu Nam Kinh (quân đoàn 3) 18 năm trước khi nắm quyền chỉ huy Quân khu Quảng Châu vào năm 1973, khi Mao Trạch Đông càng ngày càng trở nên lo lắng về sự trung thành của các chỉ huy quân sự. Tướng Hữu được bàn giao lại hầu hết các cấp phó và binh sĩ thuộc quân đoàn 4. Do đó, rất nhiều người không thấy thoải mái với cách chỉ huy của tướng Hữu. Sau cuộc họp, tham mưu trưởng tướng Chu Đức Lễ cảm thấy cần phải tổ chức lại, họp những người đứng đầu các bộ phận để thảo luận chi tiết về việc chuyển quân tới khu vực biên giới. Vì lý do an ninh, tướng Hữu yêu cầu tham mưu trưởng thảo luận phân công, chọn mục tiêu, giao nhiệm vụ với từng bộ phận một, riêng biệt.

– Đặng Tiểu Bình dường như, cũng không tin cậy ban lãnh đạo Quân khu Quảng Châu, vì lúc đó đang còn việc thanh lọc những người ủng hộ bè lũ bốn tên. Hầu hết các cán bộ cao cấp đều là thuộc cấp của nguyên soái Lâm Bưu, vốn bị cáo buộc đảo chánh Mao bất thành, và sau đó chết trong một tai nạn máy bay tháng 9 năm 1971 ở sa mạc Mông Cổ. Và Lâm Bưu sau đó, bị kết án phản quốc và bị gán là kẻ chủ mưu một loạt các cuộc thanh trừng chánh trị đối với nhiều lãnh đạo Đảng và Quân Đội – trong đó có Đặng – trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

 – Đầu tháng 12, một trong những thuộc hạ lâu năm của Đặng Tiểu Bình thuộc quân đoàn 2, Lưu Xương Nghĩa (Liu Changyi), được bổ nhiệm làm phó cho tướng Hữu, mặc dù tướng Hữu đã có 5 phó tư lệnh rồi. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này không làm cho Hữu cảm thấy khó chịu, vì đã từng quen biết Nghĩa.

 – Ngày 21 tháng 12, Quân khu Quảng Châu thành lập bộ chỉ huy tiền phương trong một hầm kho của một căn cứ không quân gần Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị Quảng Tây, vì các cuộc tấn công sẽ được phát từ Quảng Tây. Bộ chỉ huy gồm bảy nhóm: tổng hành dinh (Nhóm 1), ban chánh trị (nhóm 2), ban hậu cần (Nhóm 3), pháo binh (nhóm 4), công binh (nhóm 5), không quân (Nhóm 6), và hải quân (Nhóm 7). Sĩ quan được chia thành ba nhóm, phục vụ ba hướng tấn công.

– Ngày 5 tháng 1 năm 1979, bộ chỉ huy tiền phương Quảng Châu họp chiến tranh lần thứ hai ở Nam Ninh. Ngoài những người đã tham dự lần đầu, có thêm đại diện không quân và hải quân cùng các lãnh đạo Đảng địa phương. Sau khi xem xét, các đại diện đề nghị một số thay đổi, chia chiến dịch thành hai giai đoạn: giai đoạn một, hai đại đoàn sẽ tấn công vào Cao Bằng, và giai đoạn hai, một đại đoàn sẽ chiếm lấy Lạng Sơn. Kế hoạch cũng đòi hỏi phải tung hai sư đoàn vào hậu phương của Việt Nam, để bao vây Cao Bằng từ phía tây và phía nam. Tổng tham mưu PLA chấp nhận kế hoạch, và ra lệnh cho các đơn vị được giao nhiệm vụ xâm nhập, trang bị tối đa, ưu tiên đạn dược, giảm bớt dự phòng khác – không quá ba ngày lương thực.

 – Ngày 5 tháng 2, những người tham dự cuộc họp thứ ba đề nghị rằng phải cùng một lúc, mở các cuộc tấn công vào Đồng Đăng, cửa ngõ đi Lạng Sơn, khi trận đánh chiếm Cao Bằng bắt đầu. Tướng Hữu chấp thuận. Thế nhưng, PLA, kiến thức rất hạn chế, vừa về quân đội, (lúc bấy giờPVS), vừa về điều kiện thiên nhiên, vừa về điều kiện xã hội Việt Nam, nên tướng Chu Đức Lễ, về sau trong hồi ký, đã phải nhìn nhận rằng kế hoạch đã có kẽ hở ngay từ đầu.

Nhờ có hồi ký cá nhơn ấy của tướng Chu Đức Lễ, chúng ta mới biết rằng có một sự thay đổi về lãnh đạo xảy ra trên mặt trận Vân Nam, và kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ đã bị hủy bỏ.

 – Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Dương Đắc Chí (Yang Dezhi) thay thế Vương Tất Thành (Wang Bicheng), vốn cũng từ quân đoàn 3 nhưng vì không hạp với vị chỉ huy tại Quảng Tây. Tuy nhiên, bốn ngày sau khi quân đội Trung Quốc từ Vân Nam xâm nhập Việt Nam, Chí được đưa nhanh đến bệnh viện ở Bắc Kinh với bệnh chảy máu dạ dày nghiêm trọng. Như vậy, chiến dịch được Vương Tất Thành vạch kế hoạch, lại do hai cấp phó của Chí thực hiện.

 – Từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 1, Quân khu Côn Minh đã tổ chức các cuộc họp lập kế hoạch cho cuộc xâm lăng Việt Nam. Các đại đoàn 13 và 14 sẽ tấn công một sư đoàn chính quy Việt Nam tại khu vực Lào Cai và Cam Đường và sau đó tìm cách tấn công một sư đoàn Việt Nam ở khu vực Sa Pa. Đại đoàn 11 sẽ hoạt động độc lập ở khu vực Phong Thổ. Một bộ chỉ huy tiền phương đã được thiết lập tại Khai Nguyên (Kaiyuan), một thị trấn nằm giữa Côn Minh và thị trấn biên giới Hà Khẩu, kiểm soát và chỉ huy các hành động của ba đại đoàn, cùng với các đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh, và các đơn vị độc lập (150 000 quân). Một bộ chỉ huy phía tây cũng được lập ra để chỉ huy 2 đại đoàn 50 và 54 trách nhiệm thọc sườn Tây Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nắm rõ rằng các lực lượng Việt Nam đều hầu hết kẹt ở Campuchia vào giữa tháng 1, các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Tàu hủy kế hoạch này và tái bố trí hai đại đoàn này (ngoại trừ một sư đoàn thuộc đại đoàn 50) tới mặt trận Quảng Tây làm quân trừ bị. Không có nguồn tài liệu nào nói về sự phối hợp giữa hai Quân khu cả: hầu như họ đã tiến hành các cuộc tấn công một cách độc lập.

Khai thác & áp dụng:

Giữa tháng 12 năm 1978, các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt đầu di chuyển đến các vị trí dọc theo biên giới với Việt Nam. Quân lính chuyển tới bằng đường bộ, trong khi thiết bị nặng và nguồn tiếp tế đến bằng đường sắt. Các đơn vị công binh xây ba cầu phao trên hai con sông chánh ở Quảng Đông: Hơn 168,100 quân cùng với 7,087 tấn nguyên liệu được vận chuyển từ Quảng Đông đến mặt trận. Bốn đại đoàn từ các Quân khu khác đi xe lửa đến ở Quảng Tây và Vân Nam. Đại đoàn 13 – với 35 000 quân, 873 khẩu pháo, 1950 xe, và thiết bị – đi trên 1.000 km đến từ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, bằng 90 chuyến xe lửa.

Mặc dù PLA di chuyển vào đêm, tuy nhiên vì mực độ giao thông đường sắt và đường bộ với những vận tãi nặng đã phá vỡ lịch trình xe lửa bình thường nên gợi sự tò mò của nhiều người qua đường và khách du lịch, mặc dù tất cả các xe đều sử dụng biển số tỉnh Quảng Tây để che giấu nguồn gốc, và quân lính tắt các sóng vô tuyến trong thời gian chuyển quân. Và dĩ nhiên các hậu cứ cũng phải đổi cách phát sóng, để đánh lừa tình báo Việt Nam.

– Cuối tháng 12, tất cả các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu, trong đó có đại đoàn 43 từ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc quân khu Vũ Hán, đã vào vị trí, gần biên giới. Tướng Chu Đức Lễ sau này nhớ lại, rằng các hoạt động chuyển quân đã được hoàn thành đúng lịch trình.

Theo tướng Lễ, lực lượng không quân và hải quân cũng đã ra quân cùng một lúc. Mười ba trung đoàn không quân cộng thêm 6 nhóm bay, cùng với các đơn vị tiếp vận, đơn vị pháo phòng không (AAA) và tên lửa đất-đối-không (SAM), đã được đưa đến các sân bay ở Quảng Tây, gần biên giới. Tuy nhiên hệ thống chỉ huy và kiểm soát không quân ở hai tỉnh này chưa được hoàn chỉnh lắm, chưa đạt đúng yêu cầu. Mặc dù phải thống nhứt chỉ huy để có hiệu quả cho mọi chiến lược, hai bộ chỉ huy không quân tiền phương trái lại, được lập ra theo hệ thống quân khu hiện hành: tư lệnh không quân Quân khu Vương Hải (Wang Hai) được giao phụ trách ở Quảng Tây, và Hầu Thư Quân (Hou Shujun), giám đốc bộ chỉ huy không quân Quân khu Côn Minh, chỉ huy ở Vân Nam.

Và để tránh xung đột, lãnh đạo Đảng lại giới hạn việc sử dụng không lực trong lãnh thổ Trung Hoa, ra lệnh cho các đơn vị không quân sẵn sàng yểm trợ cho các hoạt động trên bộ của PLA “nếu cần.” Và dĩ nhiên, ban lãnh đạo Đảng cũng không định nghĩa rõ ràng “cần thiết” là gì? Thay vào đó, Đảng lại bắt buộc rằng mọi hoạt động nào trong không phận của Trung Hoa phải được Quân Ủy Trung Ương cho phép.

– Do đó, dựa trên nguyên tắc này, Không quân PLA (PLAAF) đề ra một chiến lược yêu cầu các đơn vị của mình sẵn sàng cung ứng cả phòng không lẫn yểm trợ mặt đất bất cứ lúc nào và thực hiện càng nhiều phi vụ càng tốt trên vùng trời biên giới để ngăn chặn lực lượng không quân Việt có hành động chống lại Trung Cộng.

– Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tổ chức một tổ công tác, ám hiệu là đội hình 217, gồm hai tàu khu trục phóng hỏa tiển, một nhóm tàu phóng hỏa tiển, một nhóm tàu phóng ngư lôi, và một nhóm tàu săn đuổi, đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây để chuẩn bị tấn công Hải quân Việt Nam trong Vịnh Bắc Việt. Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam đã được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Liên Xô ở Biển Đông. Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã thông qua một chiến lược phòng thủ sử dụng các đảo và bờ biển để che dấu tàu mang hỏa tiển, cho phép chúng phóng hỏa tiển qua các cuộc tấn công bất ngờ, từ vị trí ẩn nấp.

Do, vì không có đụng độ trên biển, thực sự xảy ra trong suốt cuộc xâm lăng Việt Nam; nên rất khó để xác định xem chiến lược chống tàu Liên Xô này có kết quả hay không. Tuy nhiên, theo các báo cáo, sau khi hành động của Tổng cục Chánh trị Hạm đội Nam Hải, rằng kỹ năng trên biển là không chuyên nghiệp vào thời điểm đó và chỉ có 20% quả đạn do các đội súng bắn ra là trúng mục tiêu khi huấn luyện thôi! Một nhận định khác cũng thấy rõ khả năng phối hợp của các tàu trong các đội tàu rất tệ hại. Theo một tờ trình, trong một cuộc tập trận, đã có một tín hiệu viên phát tín hiệu sai lầm làm toàn thể đội hình bị rối loạn.

– Ban lãnh đạo Quân khu rất nghi ngờ về cách bảo vệ sự bí mật hành quân, đặc biệt là vấn đề rò rỉ thông tin về những việc chuyển quân về phía khu vực biên giới Quảng Tây. Tướng Hữu cảm thấy khó chịu, sau khi biết rằng việc ông có mặt ở thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vốn phải giữ bí mật, lại bị các nhà báo nước ngoài loan tin. Ông còn thấy, càng đáng báo động hơn nữa, khi biết rằng các tuyến đường hỏa xa giữa Trung Cộng và Việt Nam vẫn hoạt động rất bình thường, và giao thương xuyên biên giới vẫn tiếp tục. Trong cả hai trường hợp này, tình báo Việt Nam có thể thu được thông tin về việc chuyển quân của Trung Cộng. Tướng Hữu yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Quảng Tây lập tức dừng ngay tất cả các hoạt động thương mại xuyên biên giới và đóng cửa biên giới. Ông cũng yêu cầu Bắc Kinh ngưng hẳn hoạt động thông thương tuyến đường hỏa xa giữa hai nước và trục xuất các nhơn viên sở Hỏa Xa Việt Nam khỏi các thị trấn biên giới. Bắc Kinh chấp thuận.

– Vào ngày 26 tháng 12 biên giới Quảng Tây-Việt Nam đã đóng cửa khi quân lính bắt đầu đến đóng quân gần đấy. Dù loạt sáng kiến này đã giải quyết một phần vấn đề, nhưng những hành động đó tự nó, cũng đã làm cho nhà cầm quyền Việt Nam cảnh giác.

Tuần tới: Kỳ 3 Đánh Nhau

Đôi lời tâm sự:

Bài Viết của Zhang Xiaoming, có vẻ lắm tiểu tiết vô ích. Nhưng mong bà con kiên nhẫn đọc kỹ. Để thấy rõ, qua những phân tích, rất tiểu tiết, từ những uẩn khúc chánh trị, những vụng về tổ chức, điều hành, đến bố trí người, vật, và cho thấy đến cả ngày hôm nay, Quân đội Nhơn Dân Giải Phóng Tàu (PLA) vẫn chưa có kinh nghiệm chiến đấu và hành quân quy mô.

Dù muốn dù không Quân Đội Nhơn Dân Việt Nam cũng có ít nhiều gì kinh nghiệm đụng trận, chết chóc, đặc biệt qua cuộc chiến ở Cam Bốt, và với cuộc xâm lăng của Tàu Cộng năm 1979… Ta chớ quên rằng năm 1979, chính lực lượng địa phương quân Việt Nam ở biên giới gây rất nhiều thiệt hại cho đội quân chính quy (PLA) xâm lược Tàu…

Mong bà con đọc Zhang Xiaoming để thấy yếu điểm nhưng cũng là nhược điểm của thằng Tàu Cộng khổng lổ. Để thấy nếu, ngày mai cần phải đánh nhau với Tàu, người dân Việt có đủ sức “Chơi” ngang ngửa với Tàu. Quân đội Tàu ngày nay, là quân đội nhà giàu, hết biết đi bộ, Lính Tàu là lính con một… quý tử, chết không có ai nối dõi tông đường… Do đó…

Lịch sử Việt Nam đã chứng mình 13 lần Tàu xăm lăng, 13 lần bị đuổi ra. Thoạt đầu với các đạo quân địa phương, ô hợp … loại Nhà Ân, nhà Nam Hán hay Nhà Tống… nhưng tuy nhiên, với ba lần với các đạo quân thiện chiến Mông Cổ bách chiến bách thắng từ Âu đến Á, nhưng cũng vẫn phải thất bại trước dân quân Đại Việt … nhờ được Vua Hiền, Tướng Trung, và đặc biệt nhờ lòng Yêu Nước của toàn dân!

Mong lắm! Bà con ơi!

Hồi Nhơn Sơn 13 tháng 9, năm 2019

Phan Văn Song

Related posts