Nhiều người có visa 457 trước đây đang gặp những khó khăn để có thể xin visa định cư tại Úc. Bài viết này nhằm mục đích giúp quý vị người Việt hiện đang có visa 457 tìm ra con đường thích hợp nhất để xin visa thường trú tại Úc.
Hiện tại có 6 giải pháp để trở thành thường trú nhân cho những người đang có visa 457.
Những giải pháp đó gồm
- Từ visa 457, xin visa thường trú 186 hay 187 theo diện chuyển tiếp từ tạm trú thành thường trú.
- Từ visa 457, xin visa thường trú 186 hay 187 theo diện trực tiếp không qua tạm trú.
- Từ visa 457, xin vào thường trú bằng cách xin các loại visa tay nghề như 189, 190 và 489.
- Từ visa 457, xin visa vợ chồng sau khi kết hôn với một công dân Úc.
- Từ visa 457, xin visa thường trú dựa trên tay nghề chuyên môn của vợ hay chồng
- Từ visa 457, xin visa doanh nhân, rồi từ đó vào thường trú
Nếu như quý vị đang có visa 457 và đã sống tại Úc 3 hay 4 năm và người bảo lãnh quý vị ngỏ ý muốn giúp quý vị vào thường trú, và quý vị cho rằng sống và làm việc tại Úc phù hợp với nguyện vọng của quý vị. Hoặc là quý vị đã gặp và quen một thường trú nhân hay công dân Úc và đang có ý định kết hôn với người này, thì bài viết này dành cho quý vị. Và có thể đây chính là thời điểm mà quý vị nên bắt đầu nộp đơn xin visa định cư tại Úc.
Trước hết xin lưu ý một vài thay đổi quan trọng trong năm 2019. Từ tháng 3/2018 những người có visa 457 được cấp trước tháng 4/2019 vẫn có thể tiếp tục xin vào thường trú theo dạng chuyển tiếp từ tạm trú vào thường trú bằng visa 186 hay visa 187.
Những người có visa 457 trên hai năm với cùng một người bảo lãnh và có trình độ tiếng Anh đúng yêu cầu có thể xin visa định cư diện tay nghề chuyên môn dạng chuyển tiếp từ tạm trú vào thường trú với điều kiện người xin visa phải dưới 49 tuổi. Còn những người xin visa định cư theo dạng trực tiếp không qua tạm trú thì phải dưới 44 tuổi.
Điều này có nghĩa là có một số người có nhiều lý do, trong đó có lý do tuổi tác, sẽ không xin được visa thường trú theo dạng trực tiếp, nhưng lại có thể xin được visa định cư tay nghề chuyên môn theo dạng chuyển tiếp từ tạm trú vào thường trú.
Với nhiều người có 457 cơ hội vào thường trú sẽ bị đóng lại vĩnh viễn nếu không có điều kiện vừa mới nói ở trên.
Danh sách những nghề chuyên môn hiện có không áp dụng cho những người có visa 457 muốn xin vào thường trú theo dạng chuyển tiếp có người bảo lãnh. Những người có thể xin visa theo dạng này phải có visa 457 cấp cho họ trước ngày 17/04/2017.
Đây là giải pháp mà đa số người có visa 457 lựa chọn sau khi họ đã sống và làm việc tại Úc trên 2 năm. Những người này có thể xin visa định cư theo diện có người bảo lãnh.
Từ 457 đến visa 186 cần phải làm gì? Người bảo lãnh phải hoàn thành những trách nhiệm theo luật quy định trong hai năm qua. Người xin visa phải làm việc cho người bảo lãnh trong suốt hai năm đó trong cùng một công việc không thay đổi. thêm vào đó người xin visa phải có đủ điểm tiếng Anh theo yêu cầu. Bản thân và gia đình người xin visa không hề vi phạm pháp luật của Úc trong hai năm làm việc tại Úc. Người xin visa cũng phải đóng một khoản lệ phí xin visa theo quy định của bộ di trú.
Trong thực tế người có visa 457 bị mất việc vì nhiều lý do. Nhưng một khi đã có visa thường trú thì việc mất việc tại công ty của người bảo lãnh không còn quan trọng nữa. Vì thế đối với người có visa 457 việc nộp đơn xin vào thường trú càng sớm. Người bảo lãnh có thể phải cần nộp đơn xin bảo lãnh sớm hơn, không nhất thiết phải chờ đến khi đủ hai năm mới nộp đơn xin visa loại này.
Tiến trình xin loại visa này cũng tương tự như hồ sơ xin visa 457. Có hai loại visa trong đó một loại dành riêng cho những người muốn làm việc tại vùng nông thôn và có người hay doanh nghiệp ở nông thôn đứng ra bảo lãnh.
Doanh nghiệp muốn bảo lãnh phải là một công ty đăng ký hợp pháp tại Úc, có doanh thu, hồ sơ khai thuế rõ ràng, và phải đóng góp vào quỹ đào tạo công nhân theo quy định của bộ di trú. Nếu người bảo lãnh hay doanh nghiệp bảo lãnh không đủ tiêu chuẩn để đứng ra bảo lãnh thì họ không có khả năng đề cử người bảo lãnh và vì thế người xin visa không thể nộp hồ sơ xin visa theo dạng này được. Nói chung những điều kiện áp dụng cho visa này cũn giống như những điều kiện áp dụng cho visa 457.
Từ visa 457 đến visa định cư theo dạng chuyển tiếp đòi hỏi những điều kiện như sau:
Làm việc cho cùng một người bảo lãnh trong hai năm với visa 457.
Không cần phải thẩm định nghề nghiệp
Có trình độ tiếng Anh bảo đảm yêu cầu
Khám sức khỏe đạt yêu cầu
Nếu đổi chỗ làm việc trong hai năm qua, thì phải làm tại chỗ mới đủ hai năm mới có thể làm hồ sơ được.
Từ 457 đến visa thường trú dạng trực tiếp. Với giải pháp này người xin visa không cần phải có visa 457 trước đó, và có thể nộp đơn trực tiếp không cần qua visa 457. Nếu tay nghề chuyên môn đã được thẩm định và có 3 năm kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến nghề chuyên môn của mình là có thể xin visa theo dạng này được rồi.
Tiếng Anh phải từ 6 điểm trở lên. Khám sức khỏe đạt yêu cầu. Không cần phải có visa 457 trước đó và không cần phải chờ hai năm.
Tuy nhiên những đòi hỏi cho loại visa dạng trực tiếp này khó hơn dạng chuyển tiếp vì đòi hỏi có thẩm định tay nghề chuyên môn, phải có tiếng Anh trên 6 điểm. Do đó nếu không đủ tiêu chuẩn theo dạng visa trực tiếp này thì con đường tốt nhất là có visa 457 hai năm và nộp đơn theo dạng chuyển tiếp từ visa 457.
Thông thường thời gian chờ đợi cho loại visa này là khoảng 6 tháng.
Từ visa 457 đến visa tay nghề tính điểm 189, 190 và 489.
Nếu quý vị có visa 457 nhưng không còn người bảo lãnh thì quý vị có thể nên nghỉ đến giải pháp xin visa định cư theo dạng tính điểm. Điểm này tùy thuộc vào trình độ văn hóa, tuổi, nghề nghiệp, kinh nghiệm, trình độ tiếng Anh.
Điều lưu ý là trình độ chuyên môn và tay nghề của quý vị phải thuộc loại nước Úc rất cần. và những nghề nghiệp này phải có ghi trong danh sách các nghề nghiệp có thể xin theo diện tính điểm.
Những người xin visa này phải nộp hồ sơ trên internet và ít nhất phải đạt được 60 đ0iểm thì mới được đưa vào danh sách chờ đợi. Khi cần thiết tùy theo yêu cầu nhân dụng thì bộ di trú sẽ thông báo cho quý vị và mờ quý vị nộp đơn xin visa. Quan trọng nhất là nghề nghiệp phải có trên danh sách cần. Khi bộ di trú gọi thì quý vị có hai tháng để nộp toàn bộ hồ sơ theo yêu cầu. Nếu có chính quyền tiểu bang đề cử thì thời gian chờ đợi có thể sẽ được rút ngắn lại.
Còn nếu quý vị có visa 457 mà trong thời gian làm việc tại Úc, quý vị gặp và quyết định kết hôn với một thường trú nhân hay công dân Úc, thì đơn giản là quý vị hãy nộp hồ sơ xin visa vợ chồng khi mà visa 457 của quý vị chưa hết hạn.
Thủ tục và yêu cầu của hồ sơ xin visa vợ chồng 820, 801 quý vị có thể tham khảo với nhân viên di trú hay luật sư di trú của quý vị.
Về trình độ tiếng Anh để có thể xin visa thường trú là bằng IELTS phải từ 6 diểm trở lên. Nếu quý vị xin visa vợ chồng thì quý vị không cần trình độ tiếng Anh nhưng quý vị cần phải chứng minh với bộ di trú rằng hôn nhân của quý vị là hôn nhân thật.
Đi vào cụ thể từng trường hợp quý vị nên cần sự giúp đỡ của một luật sư di trú hay chuyên viên di trú có kinh nghiệm.
Ls Lê Đức Minh